Buổi phỏng vấn kéo dài càng lâu thì càng có cơ hội được nhận?
Ngày đăng tin: 10/11/2023 20:40
Khi bước chân vào buổi phỏng vấn, một số ứng viên có quan niệm rằng mình ngồi ở đó càng lâu, trao đổi càng nhiều thông tin với nhà tuyển dụng, thì càng tăng cơ hội được nhận. Chính vì thế, họ đã quyết định nói rất nhiều, tự biến các câu trả lời phỏng vấn của mình trở nên dài hơn, hoặc chủ động hỏi lại nhà tuyển dụng nhiều điều vào cuối buổi phỏng vấn. Liệu quan điểm ấy có đúng không, buổi phỏng vấn kéo dài càng lâu thì càng có cơ hội được nhận?
Buổi phỏng vấn xin việc thường kéo dài trong bao lâu?
Trước khi giải đáp vấn đề
phỏng vấn lâu, có tăng cơ hội được nhận không, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem một buổi phỏng vấn
xin việc thường sẽ kéo dài trong bao lâu? Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào quy trình tuyển dụng của từng công ty, tính chất từng công việc, và mức độ thông tin có thể khai thác của từng ứng viên, chứ sẽ khó lòng xác định con số cụ thể. Còn nếu muốn ước lượng để tham khảo, thì một buổi phỏng vấn thường sẽ kéo dài trong khoảng 20-30 phút. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để ứng viên giới thiệu bản thân, và trả lời khoảng 6-7 câu hỏi phỏng vấn từ nhà tuyển dụng, và cũng đủ để công ty có thể khai thác các thông tin cần thiết ở ứng viên. Tuy nhiên, trong thực tế, bạn hoàn toàn có thể bắt gặp những buổi phỏng vấn có thời lượng ngắn hơn, hoặc dài hơn. Vậy buổi phỏng vấn kéo dài càng lâu thì càng có cơ hội được nhận – nhận định này có đúng không, hay chỉ là quan điểm chủ quan chưa được xác thực của một số người?
Buổi phỏng vấn kéo dài càng lâu thì càng có cơ hội được nhận?
Trong thực tế, vẫn có những trường hợp buổi phỏng vấn xin việc kéo dài tận 60 phút, hoặc nhiều hơn, do công ty chủ động có nhiều câu hỏi, cần khai thác nhiều thông tin từ
ứng viên để có đầy đủ cơ sở đánh giá, nhằm ra quyết định tuyển dụng một cách chính xác nhất, tránh trường hợp mơ hồ, chưa rõ thông tin, dẫn tới việc tuyển nhầm người, đi làm vài bữa lại thấy không phù hợp, không đủ năng lực, rồi lại nghỉ ngang, mất thời gian của đôi bên. Hoặc cũng có trường hợp vì tính chất công việc đòi hỏi chuyên môn cao, phải có nhiều câu hỏi xoáy vào chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm xử lý công việc, nên buổi phỏng vấn tự dưng cũng sẽ kéo dài ra. Những điều này hoàn toàn do tác động khách quan từ phía công ty, hoặc tính chất công việc, tức là bất kỳ ứng viên nào đi phỏng vấn trong các trường hợp này, thì đều có thời lượng phỏng vấn khá lâu, dù ứng viên đậu hay trượt, thì cũng cần phải hỏi nhiều, để khai thác toàn diện thông tin, chứ không có gì đảm bảo rằng buổi phỏng vấn kéo dài càng lâu thì ứng viên càng có cơ hội được nhận.
Bên cạnh đó, cũng có một số ứng viên ghim điều này vào trong đầu, tự cho rằng đây là quan điểm chính xác, nên đã cố tình câu giờ, trả lời phỏng vấn dài dòng, hoặc đặt nhiều câu hỏi, thắc mắc về công việc cho nhà tuyển dụng giải đáp, để kéo dài thời lượng buổi phỏng vấn, với hy vọng sẽ tăng cơ hội được nhận. Điều này cũng chưa chắc sẽ giúp bạn đạt được mục đích. Trong trường hợp cố tình trả lời phỏng vấn dài dòng, thì nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn có khả năng giao tiếp, truyền đạt chưa tốt, sẽ trừ điểm trong phần đánh giá, ngoài ra, khi bạn lan man quá thì công ty cũng sẽ khó lòng nắm bắt được bạn muốn nói gì, dễ cho rằng bạn đang bị lạc đề, trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi, vậy là bị phản tác dụng.
Còn trường hợp bạn chủ động đặt nhiều câu hỏi cho nhà tuyển dụng giải đáp, nếu đó là những câu hỏi trọng tâm, xoáy vào tính chất công việc, thể hiện rõ sự quan tâm và muốn hiểu rõ hơn về công việc thực tế sau này thì cũng tạm ổn, nhưng nếu bạn lỡ hỏi lan man sang những vấn đề mà mình có thể tự tìm hiểu trước trên mạng, chẳng hạn như thông tin công ty, sản phẩm/dịch vụ của công ty, thì có thể bị phản tác dụng, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn chưa dành thời gian tìm hiểu trước khi đi phỏng vấn, bây giờ tự dưng lại phải mất thời gian đi giải đáp cho bạn, họ sẽ cảm thấy khó chịu.
Buổi phỏng vấn ngắn quá thì chắc chắn đã bị trượt?
Ở chiều hướng ngược lại, cũng có một số ứng viên thắc mắc rằng khi đi phỏng vấn mà về sớm quá, tự dưng mới có tầm 15 phút mà nhà tuyển dụng đã kết thúc, thì có thể kết luận chắc chắn rằng mình đã bị trượt không? Câu trả lời là có thể, nhưng mà chưa chắc. Đúng là nếu buổi phỏng vấn quá ngắn, thì hoàn toàn có khả năng nhà tuyển dụng đã nhận thấy ứng viên có nhiều điểm không phù hợp, hoặc chỉ có 1 điểm không phù hợp, nhưng đó lại là điểm mấu chốt mà công việc yêu cầu, nên họ chủ động kết thúc buổi phỏng vấn, để đỡ mất thời gian trao đổi của đôi bên. Tuy nhiên, cũng có thể rằng vốn dĩ công việc đó không cần hỏi quá nhiều, chỉ cần 4-5 câu hỏi phỏng vấn đơn giản, và ứng viên trả lời đúng trọng tâm, đáp ứng được các yêu cầu mà công ty đang cần, thì xong, không cần phải hỏi thêm gì nhiều nữa. Tức là khi buổi phỏng vấn quá ngắn, thì có thể bạn đã bị trượt, nhưng cũng có thể bạn sẽ nhận được thông báo trúng tuyển, được nhận vào làm việc.
Những yếu tố nào giúp ứng viên tăng cơ hội đậu phỏng vấn?
Sau khi giải đáp các vấn đề tương quan giữa thời lượng và kết quả buổi phỏng vấn, thì chúng ta có thể kết luận rằng phỏng vấn lâu chưa chắc được nhận, và phỏng vấn nhanh cũng chưa chắc bị trượt. Vậy vấn đề chính xác đang nằm ở đâu? Những yếu tố nào giúp ứng viên tăng cơ hội đậu phỏng vấn? Đó chính là các tiêu chí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm cho vị trí mà họ đang tuyển dụng, để tăng cơ hội trúng tuyển, thì bắt buộc ứng viên phải tìm hiểu và xác định chính xác những điều này ngay từ đầu, thường sẽ được nêu rõ khoảng 60% – 80% trong mô tả công việc trong thông tin tuyển dụng. Phần còn lại là các tiêu chí riêng mà nhà tuyển dụng sẽ “giấu”, để tránh trường hợp ứng viên biết hết, rồi tự chuẩn bị, hoặc tự bày vẽ ra để qua mắt nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, chứ thực tế chưa chắc họ lại có những điều đó.
Ứng viên càng đáp ứng nhiều tiêu chí tương đồng với vị trí tuyển dụng, thì càng tăng cơ hội đậu phỏng vấn. Một số yếu tố thường gặp chẳng hạn như kiến thức chuyên ngành, năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm liên quan tới công việc, kinh nghiệm làm việc, thái độ tích cực với công việc, sự chăm chỉ, sáng tạo, khả năng tư duy, mong muốn gắn bó lâu dài,… Tất nhiên, ở trên chỉ là một số yếu tố để tham khảo, chứ không chắc sẽ chính xác hoàn toàn với tất cả công việc, điều quan trọng là chính bản thân mỗi người phải luôn cố gắng trau dồi, hoàn thiện bản thân, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, với nhiều điểm mạnh liên quan tới lĩnh vực mình đang theo đuổi, rồi tự tin đi phỏng vấn thôi.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn về chuyện buổi phỏng vấn kéo dài càng lâu thì càng có cơ hội được nhận? Đó là một quan điểm không chính xác! Đồng thời, cùng nhau điểm qua một số yếu tố thường gặp mà nhà tuyển dụng cần ở ứng viên. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!