• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

149840
Tổng số truy cập:149840
Khách đang online: 393
Cách trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn hóc búa thường gặp khi ứng tuyển
Ngày đăng tin: 01/11/2023 16:30

Từng công ty, từng vị trí công việc sẽ có bộ câu hỏi phỏng vấn khác nhau, có những câu đơn giản, nhưng cũng sẽ xen kẽ thêm một số câu hỏi phỏng vấn hóc búa, khiến ứng viên phải loay hoay mãi mới trả lời được. Những câu hỏi khó ấy chính là thử thách mà nhà tuyển dụng đặt ra cho bạn, tất nhiên, những ai đủ bản lĩnh để trả lời tốt, thì sẽ tạo được ấn tượng tốt, tăng cơ hội được nhận vào công ty làm việc. Trong bài viết này, hãy cùng Cevn điểm qua cách trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn hóc búa thường gặp khi ứng tuyển nhé!

 
Câu hỏi phỏng vấn hóc búa: Mục tiêu 5 năm tới của bạn?
 
Chúng ta thường có xu hướng nhìn về quá khứ, hoặc quan tâm nhiều tới hiện tại, chứ ít khi suy tính trước về tương lai, nhất là những chuyện ở 5 năm tới. Chính vì thế, khi gặp phải câu hỏi phỏng vấn hóc búa “Mục tiêu 5 năm tới của bạn là gì?”, thì không ít ứng viên đã bị khựng lại, bối rối không biết nên trả lời thế nào, vì đã bao giờ nghĩ tới đâu, nhất là với các bạn sinh viên mới ra trường, các em chỉ nghĩ đơn giản là mình đang muốn tìm kiếm việc làm, để được cọ xát, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, để tích luỹ kinh nghiệm làm việc, chứ ít khi dự tính trước xem 5 năm tới mình muốn đạt được những mục tiêu gì. Hoặc cũng có thể bạn đã nghĩ tới, nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể hoá được mục tiêu 5 năm tới của mình, khiến câu trả lời bị lan man, thiếu chi tiết, chưa rõ ràng. Thậm chí, một số ứng viên khi đứng trước câu hỏi phỏng vấn hóc búa này, không biết cách trả lời, nên xin phép bỏ qua, vậy là bị mất điểm rồi.
 
Để trả lời tốt câu này thì không còn cách nào khác ngoài việc bạn phải tự chuẩn bị trước, dành thời gian suy nghĩ, cân nhắc để vạch ra những mục tiêu cụ thể, liên quan tới công việc, mà mình muốn đạt được trong 5 năm tới, có thể kèm theo một số hành động thiết thực để tăng khả năng đạt được mục tiêu thì càng tốt. Rồi khi đi phỏng vấn, nhận được câu hỏi này, thì bạn chỉ cần bình tĩnh trả lời đúng những mục tiêu mình đã vạch ra trước thôi.
 
Điều gì tạo nên sự khác biệt của bạn so với các ứng viên khác?
 
Mỗi người có những ưu nhược điểm riêng, không ai giống ai, và bạn thừa hiểu rằng mình cần phải nỗ lực trau dồi bản thân để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, chứ không nên so sánh mình với người khác, không nên ép mình ráng trở thành bản sao của một ai đó. Chính vì thế, khi gặp phải câu hỏi phỏng vấn “Điều gì tạo nên sự khác biệt của bạn so với các ứng viên khác”, thì bạn sẽ dễ rơi vào cách trả lời lan man, không đi thẳng vào vấn đề, thậm chí có ứng viên còn từ chối trả lời vì quan niệm rằng mình không nên so sánh bản thân với người khác.
 
Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến bạn bị mất điểm, vì bạn vừa không trả lời được câu hỏi phỏng vấn, vừa chưa hiểu được ý đồ của nhà tuyển dụng khi đặt ra câu hỏi này. Bạn cần hiểu rằng nhà tuyển dụng không có nhu cầu nghe bạn so sánh, tôn bản thân mình lên, rồi chê bai ứng viên khác, mà chỉ đơn giản là họ muốn lắng nghe xem bạn đang có những ưu điểm nổi trội nào, những điểm mà bạn cực kỳ tự hào, liên quan tới công việc, mà ít ai có được. Chính những điều đó sẽ giúp bạn tăng lợi thế cạnh tranh, tự tin ứng tuyển việc làm và tăng cơ hội trúng tuyển, tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, nhất là những điểm mạnh có liên quan nhiều tới vị trí ứng tuyển. Vậy trong lần phỏng vấn tiếp theo, nếu gặp phải câu hỏi phỏng vấn hóc búa này, thì bạn chỉ việc bình tĩnh trả lời, xoáy sâu vào những điểm mạnh nổi trội của bản thân thôi nhé!

Câu hỏi phỏng vấn: Bạn thích teamwork hay làm việc độc lập?
 
Một câu hỏi phỏng vấn hóc búa khác mà bạn có thể sẽ gặp phải chính là “Bạn thích teamwork hay làm việc độc lập?”, câu hỏi này sẽ khiến nhiều ứng viên cảm thấy lăn tăn, không biết nên nghiêng về bên nào, sợ rằng lỡ chọn teamwork nhưng nhà tuyển dụng lại muốn nhân viên tập trung làm việc độc lập, hoặc chọn làm việc độc lập, nhưng công ty lại đề cao tinh thần teamwork thì sao? Suy nghĩ mãi cũng chưa biết nên trả lời thế nào cho hợp lý.
 
Đối với câu hỏi này, bạn sẽ có tới 3 hướng trả lời khác nhau, 2 hướng đầu tiên chính là lựa chọn hẳn 1 bên, bạn có thể chọn rằng mình thích teamwork, hoặc thích làm việc độc lập, rồi đưa ra những quan điểm, lập luận, dẫn chứng để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng điều đó là hợp lý, giúp ích cho công việc, giúp bạn mang về kết quả làm việc tốt, nhưng vẫn không quên khen phương án còn lại, cho rằng đó cũng là một điều cần thiết trong công việc, tức là bạn nghiêng nhiều hơn về bên này, nhưng không được phủ nhận bên còn lại. Chỉ đơn giản là nhà tuyển dụng muốn biết quan điểm làm việc của bạn, chứ đừng sợ rằng câu trả lời của mình sẽ khiến họ không vừa ý, miễn sao bạn trả lời kèm theo những lập luận thuyết phục.
 
Hoặc bạn cũng có thể trả lời rằng cả 2 phương án đều có những ưu nhược điểm riêng, liệt kê chúng ra, rồi kết luận rằng trong bất kỳ công việc nào cũng cần dung hoà được 2 điều ấy, có lúc cần teamwork, nhưng cũng có việc nên làm độc lập sẽ tốt hơn, và chính bạn hoàn toàn có khả năng dung hoà được 2 cách làm việc này, vừa có thể teamwork tốt với đồng nghiệp trong các công việc chung, vừa có thể độc lập xử lý các công việc riêng. Nhưng lưu ý rằng bạn phải làm được thì mới nói, tránh việc phóng đại bản thân, gian dối khi phỏng vấn, vì nhà tuyển dụng hoàn toàn không thích điều ấy.
 
Bạn có bao giờ mâu thuẫn khi làm việc nhóm chưa?
 
Vẫn tiếp tục là một câu hỏi phỏng vấn hóc búa liên quan tới teamwork, đó là “Bạn có bao giờ mâu thuẫn khi làm việc nhóm chưa?”. Đứng trước câu hỏi này, nhiều ứng viên đã có sự lựa chọn chưa tối ưu, trả lời rằng mình chưa từng mâu thuẫn khi teamwork, mặc dù đó là một điều tích cực, tuy nhiên, nghe có phần giả trân, vì khó có ai làm việc nhóm mà lại chưa bao giờ mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, ngoài ra, trả lời theo hướng này cũng khiến nhà tuyển dụng chưa đạt được mong muốn, chưa khai thác được điều mà họ đang muốn tìm hiểu, đó là kỹ năng xử lý mâu thuẫn của bạn.
 
Thay vào đó, bạn nên thành thật chia sẻ một lần mâu thuẫn, bất đồng quan điểm khi làm việc nhóm trong quá khứ của mình, đó không nhất thiết phải là một mâu thuẫn cực kỳ quan trọng, có thể chỉ là một bất đồng nhỏ thôi cũng được, miễn sao bạn thể hiện được rằng mình đã xử lý khéo léo thế nào để hoà giải, làm lành với thành viên ấy, không để mâu thuẫn dâng lên đỉnh điểm, tác động xấu tới kết quả teamwork. Đồng thời, bạn cũng có thể lồng ghép thêm chuyện mình đã rút được nhiều kinh nghiệm quý giá để phối hợp làm việc nhóm ăn ý hơn trong tương lai, tránh bị bất đồng, mâu thuẫn khi làm việc nhóm vì những nguyên nhân cũ, vì những chuyện mà mình hoàn toàn có thể kiểm soát trước.
 
Câu hỏi phỏng vấn: Bạn có thể đóng góp những gì cho công ty?
 
Sau khi toát mồ hôi trả lời các câu hỏi nêu trên, bạn vẫn có thể sẽ gặp thêm một câu hỏi phỏng vấn hóc búa khác, đó chính là “Bạn có thể đóng góp những gì cho công ty khi được nhận vào làm việc?”. Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn bạn phải thuyết phục để họ tin rằng lựa chọn bạn là một quyết định đúng đắn, nó tương tự như câu hỏi “Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn, mà không phải một ứng viên khác?”. Để trả lời tốt câu này, bạn cần phải có sự tìm hiểu trước về công ty, về vị trí ứng tuyển, biết được rằng nhà tuyển dụng đang cần gì, mong muốn nhận được những giá trị nào khi tuyển dụng nhân viên ở vị trí này. Sau đó, bạn hãy tự so sánh, nhìn lại những ưu điểm mà mình đang có, rồi chọn lọc ra những điểm tương đồng giữa mình với vị trí ứng tuyển, tự đúc kết ra những giá trị mà mình có thể đóng góp cho công ty. Bạn càng liệt kê được nhiều điểm phù hợp với công việc, đúng với yêu cầu tuyển dụng của công ty, thì càng tăng cơ hội trúng tuyển.
 
Tức là bạn cần phải có sự chuẩn bị trước, cần tìm hiểu kỹ về thông tin tuyển dụng, thì mới có thể trả lời tốt câu hỏi này. Ngược lại, nếu bạn chưa có tự tìm hiểu kỹ lưỡng, trả lời lan man vào những điều mà công ty không thật sự quan tâm, thì sẽ bị phản tác dụng, càng nói nhiều, càng lan man, thì càng chứng tỏ rằng bạn là ứng viên không phù hợp, vì công ty không cần những giá trị không liên quan mà bạn đang liệt kê một cách vô tội vạ.
 
Bài viết này đã giúp bạn nắm được cách trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn hóc búa thường gặp khi ứng tuyển. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, chúc bạn sớm tìm được công việc tốt!
Số lượt đọc: 198 -