Phỏng vấn năng lực chuyên môn có khó không, gồm các tiêu chí nào?
Ngày đăng tin: 08/11/2023 20:53
Để được nhận vào công ty làm việc, bạn cần phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình đủ năng lực để có thể hoàn thành tốt công việc, mang về nhiều giá trị cho công ty trong tương lai. Nhằm đánh giá chính xác điều này, trong buổi phỏng vấn xin việc thường sẽ có phần phỏng vấn năng lực, bao gồm một bộ câu hỏi thiên về chuyên môn, chuyên ngành, liên quan đến vị trí ứng tuyển. Hoặc thậm chí, một số công ty quan trọng chuyên môn của ứng viên có thể sẽ tách riêng ra thành 1 buổi phỏng vấn riêng về năng lực, và tất nhiên, những ai vững vàng chuyên môn mới vượt qua được vòng này.
Phỏng vấn năng lực chuyên môn là gì?
Phỏng vấn năng lực chuyên môn là một cuộc trao đổi trực tiếp giữa nhà tuyển dụng với ứng viên, nhằm kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng xem liệu ứng viên có đủ vững vàng về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà công việc yêu cầu không, có đủ chuyên môn để hoàn thành tốt công việc trong tương lai không? Đây là một nội dung cực kỳ quan trọng khi tuyển dụng nhân viên, và sẽ chiếm phần lớn điểm số nhằm quyết định xem ứng viên đó có được nhận vào làm việc hay không? Phần phỏng vấn chuyên môn có thể được gộp chung với các phần khác trong 1 buổi phỏng vấn duy nhất, hoặc cũng có thể được tách riêng ra thành một buổi phỏng vấn chuyên môn riêng biệt. Bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sao cho mình đủ vững vàng về chuyên môn, và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình có đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc.
Phỏng vấn năng lực chuyên môn có khó không?
Sau khi hiểu được phỏng vấn năng lực chuyên môn là gì, thì bạn sẽ thắc mắc thêm rằng phần phỏng vấn ấy có khó không? Câu trả lời là đương nhiên sẽ khó, vì nếu quá dễ dàng thì nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá, sàng lọc, phân loại được ứng viên. Khi tuyển dụng, công ty thường sẽ mong muốn tuyển được người phù hợp nhất, và vững vàng chuyên môn để có thể hoàn thành tốt những việc được giao, và để tìm được người vững chuyên môn thì bắt buộc phải tập trung vào các câu hỏi phỏng vấn, phải có độ khó/độ phức tạp/chuyên sâu ở mức tương đối, chứ không thể chỉ đặt ra những câu hỏi cơ bản, đơn giản. Nhất là khi bạn đã đi làm nhiều năm, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm việc, thì nhà tuyển dụng sẽ còn kỳ vọng cao hơn, hỏi xoáy hơn trong vòng phỏng vấn năng lực chuyên môn.
Nhiệm vụ của bạn là phải tự đánh giá được xem vị trí ứng tuyển đang yêu cầu ứng viên có năng lực thế nào, rồi tự nhìn lại bản thân xem mình còn thiếu sót ở đâu, thì hãy nhanh chóng trau dồi, ít nhất phải ở mức tạm ổn, chứ nếu có quá nhiều điểm không ổn, thì sẽ khó lòng được chọn. Ngoài ra, trước buổi phỏng vấn, bạn cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu trước các câu hỏi phỏng vấn chuyên môn thường gặp rồi thủ tự tập dượt trước gương.
Phỏng vấn năng lực chuyên môn gồm các tiêu chí nào?
Để hoàn thành tốt buổi phỏng vấn năng lực chuyên môn, bạn cần nắm được các tiêu chí đánh giá mà nhà tuyển dụng quan tâm, thường sẽ xoay quanh các tiêu chí sau:
- Kiến thức chuyên ngành: Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với sinh viên mới ra trường, vì các em chưa đi làm, chưa có kinh nghiệm làm việc, nên nhà tuyển dụng sẽ xoáy sâu vào kiến thức chuyên ngành để đánh giá năng lực. Ngoài ra, đối với người đã đi làm lâu năm, thì nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi sâu thêm vào các kiến thức nâng cao, các nghiệp vụ chuyên môn phức tạp, nhằm đánh giá chính xác năng lực làm việc của bạn. Tiêu chí này thường sẽ chiếm khoảng 30% – 40% trên tổng điểm đánh giá năng lực chuyên môn khi phỏng vấn.
- Kinh nghiệm làm việc, nghiệp vụ chuyên môn: Đây chính là một tiêu chí quan trọng và chiếm trọng số khá lớn để đánh giá năng lực chuyên môn khi xin việc, nhất là khi bạn đã đi làm nhiều năm. Tiêu chí này thường sẽ chiếm khoảng 30% – 40% trên tổng điểm đánh giá năng lực chuyên môn khi phỏng vấn.
- Kỹ năng mềm liên quan đến công việc: Bên cạnh kiến thức, thì kỹ năng cũng là yếu tố tác động đến chuyên môn, nhất là các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc, phổ biến nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc,… Tiêu chí này thường sẽ chiếm khoảng 10% – 20% trên tổng điểm đánh giá năng lực chuyên môn khi phỏng vấn.
- Khả năng tư duy logic, sáng tạo, chuyên nghiệp: Mặc dù không hẳn là chuyên môn, nhưng các yếu tố này cũng góp phần tác động nhiều tới năng lực chuyên môn và khả năng hoàn thành tốt công việc của bạn. Tiêu chí này thường sẽ chiếm khoảng 10% trên tổng điểm đánh giá năng lực chuyên môn khi phỏng vấn.
- Các yêu cầu chuyên môn khác: Tuỳ từng công việc, có thể có một số yêu cầu chuyên môn khác, chẳng hạn như là giỏi ngoại ngữ, giao tiếp Tiếng Anh lưu loát,… Các tiêu chí này thường sẽ chiếm khoảng 10% – 20% trên tổng điểm đánh giá năng lực chuyên môn khi phỏng vấn.
Ứng viên chưa tự tin về năng lực bản thân thì phải làm sao?
Nếu có năng lực tốt, thì tất nhiên bạn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong vòng phỏng vấn chuyên môn, thậm chí còn có thể tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng nữa. Tuy nhiên, nếu ứng viên chưa tự tin về năng lực bản thân thì phải làm sao? Điều này chắc chắn sẽ làm bạn cực kỳ hoang mang, lo lắng, kéo theo việc bị run khi đối diện với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cứ lo lắng thì cũng chẳng giải quyết được điều gì, chẳng thể giúp bạn vượt qua được các vòng tuyển dụng. Thay vào đó, bạn cần phải nắm được rằng bản thân mình đang ở bao nhiêu điểm, và cố gắng trau dồi để nâng được ít nhất 1-2 điểm, thì mới có thể tự tin bước vào vòng phỏng vấn năng lực chuyên môn.
Chẳng hạn như bạn tự đánh giá rằng năng lực mình so với công việc này chỉ mới tầm 5 điểm, tất nhiên, với mức điểm như thế thì làm sao mà tự tin được. Vậy thì bạn cần cố gắng tăng lên khoảng 7 điểm, khi đó, bạn sẽ yên tâm hơn, chứ cũng không thể bắt ép bản thân lên 8-9 điểm trong thời gian ngắn được, vì điều đó rất bất khả thi. Sau khi xác định được mức điểm, thì bạn cần tiếp tục tìm ra xem mình còn đang thiếu sót ở những điểm nào, nhất là những điểm có liên quan tới vị trí ứng tuyển, rồi trong số đó có những điểm nào mình có thể nhanh chóng khắc phục, thì hãy ưu tiên rèn giũa những điều đó trước. Chẳng hạn như công việc yêu cầu mình phải có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm tốt, thì bạn có thể tự cố gắng trau dồi những điều này trong vòng khoảng 1 tháng, nếu tập trung thì bạn có thể làm được. Hoặc nếu công việc yêu cầu một chứng chỉ chuyên môn nào đó mà bạn chưa có, thì hãy đầu tư 4-5 tháng để theo đuổi chứng chỉ đó trước, không phải là để bạn có một chứng chỉ nhằm ghi vào CV, mà nó còn giúp bạn củng cố kiến thức, nâng cao chuyên môn cho bản thân.
Tóm lại, nếu chưa tự tin vào năng lực bản thân thì không còn cách nào khác, ngoài việc bạn phải tự cố gắng, nỗ lực, trau dồi để nâng cao năng lực trong khả năng của mình. Nếu bạn đủ quyết tâm và kiên trì, thì chắc chắn bạn sẽ dần tiến bộ và thuận lợi hơn khi ứng tuyển việc làm trong tương lai. Bài viết này đã giúp bạn nắm được phỏng vấn năng lực chuyên môn là gì, có khó không, gồm các tiêu chí nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!