• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

29613
Tổng số truy cập:29613
Khách đang online: 121
Làm sao để biết mình chắc chắn phù hợp với công việc?
Ngày đăng tin: 13/11/2023 16:08

Trên thực tế, có không ít ứng viên và công ty khi tuyển dụng đã không làm rõ được tiêu chí sự phù hợp với công việc, khiến nhân viên ấy vào công ty làm 1-2 tháng thấy không phù hợp, rồi xin nghỉ luôn, làm mất thời gian của đôi bên. Ở khía cạnh công ty, họ sẽ tự động rút kinh nghiệm sau những lần tuyển dụng chưa thành công, còn về phía ứng viên, làm sao để biết mình chắc chắn phù hợp với công việc, tránh trường hợp vào làm vài bữa rồi nghỉ?

 
Đọc kỹ mô tả công việc trước khi ứng tuyển
 
Giải pháp đầu tiên giúp bạn kiểm tra sự phù hợp của bản thân với công việc chính là hãy đọc kỹ mô tả công việc, để xem công việc đó yêu cầu ứng viên như thế nào, cần những kiến thức gì, kỹ năng nào, kinh nghiệm ra sao, rồi nhìn xem khi làm việc ở vị trí đó thì mỗi ngày bạn cần đảm nhiệm những công việc gì, cần thành thạo những nghiệp vụ chuyên môn nào,… Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý tới địa điểm làm việc xem có ở xa nhà quá không, vì đi làm xa cũng khiến bạn dễ bị nản. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý xem mức lương của vị trí đó có phù hợp với mong muốn của mình không, tránh việc apply vào làm việc ở nơi có mức lương thấp hơn mong đợi, xong vài bữa lại thấy hối hận rồi xin nghỉ việc.
 
Tìm những điểm tương đồng giữa bản thân với công việc
 
Sau khi đọc kỹ mô tả công việc, bạn cần tìm ra những điểm tương đồng giữa bản thân với công việc, càng liệt kê được nhiều điểm tương đồng thì chứng tỏ bạn càng phù hợp. Đồng thời, bạn cũng cần tự trả lời câu hỏi rằng liệu mình có thật sự thích công việc này không, những đầu việc phải làm hàng ngày có khiến bạn thấy nhàm chán không, bạn có khả năng gắn bó lâu dài với công việc/công ty này trong ít nhất 1 năm tới không? Nếu bạn vẫn còn lăn tăn, chưa trả lời được rõ ràng các câu hỏi trên, và cũng chẳng liệt kê được nhiều điểm tương đồng giữa bản thân với công việc, thì tốt nhất là bạn nên tìm hiểu một công việc khác, tránh trường hợp tham lam rải CV lung tung, thiếu cân nhắc, xong tới khi được nhận vào làm việc lại như một con nai vàng ngơ ngác, không biết đây là đâu, tôi là ai, tôi ở trong công ty này để làm gì, xong làm việc vài bữa lại thấy mình không hợp, không hứng thú, không như mong đợi, rồi xin nghỉ việc, mất thời gian của đôi bên.

Làm rõ những thông tin về công việc với nhà tuyển dụng
 
Thông thường, khi đọc kỹ mô tả công việc, thì ứng viên mới chỉ nắm bắt được khoảng 70% thông tin về vị trí ứng tuyển, tức là trong đầu bạn sẽ vẫn còn nhiều câu hỏi, nhiều điều lăn tăn chưa rõ về công việc. Chính vì thế, bạn cần mạnh dạn, thẳng thắn làm rõ những thông tin về công việc với nhà tuyển dụng, từ đó, bạn mới có đủ cơ sở để cân nhắc về sự phù hợp giữa bản thân với công việc ấy. Để chắc ăn hơn, bạn có thể hỏi thẳng rằng liệu khi vào làm công việc này thì mình cần phải đối mặt với những khó khăn, thử thách nào, để mình chuẩn bị tâm lý, tinh thần, trau dồi thêm năng lực bản thân để sẵn sàng đối mặt và vượt qua. Đây là điều hoàn toàn bình thường, mình chưa rõ thì mình hỏi, chứ chẳng có gì phải ngại cả. Ngoài ra, khi bạn chủ động đặt câu hỏi, khai thác nhiều thông tin liên quan trực tiếp tới công việc, thì đây cũng sẽ là một điểm cộng, vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng bạn đang nghiêm túc ứng tuyển, đang thật sự muốn vào công ty làm việc, đang có dự định gắn bó lâu dài, nên mới đặt ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu kỹ hơn về công việc, về vị trí ứng tuyển.
 
Bạn có phù hợp khi làm việc với người quản lý đó không?
 
Trong quá trình làm việc, bạn sẽ phải thường xuyên trao đổi công việc với cấp trên/quản lý trực tiếp, bạn sẽ được họ giao việc, giao KPI, giao deadline và phải thuận với phong cách làm việc của họ. Chính vì thế, cấp trên/quản lý trực tiếp cũng sẽ tác động tới khả năng gắn bó lâu dài của bạn với công việc, cũng là tiêu chí mà bạn cần cân nhắc để xem mình có phù hợp với công việc không. Thông thường, người quản lý của bạn cũng sẽ xuất hiện trong buổi phỏng vấn, nhất là trong phần phỏng vấn chuyên môn. Bạn hãy chú ý quan sát, lắng nghe, để ngầm hiểu được tính cách, tác phong, quan điểm làm việc, tư duy lãnh đạo của họ, rồi tự cân nhắc xem liệu mình có phù hợp khi làm việc với người quản lý đó không, nếu được thì quá tốt, còn nếu thấy có điều gì đó không ổn, thì bạn nên cân nhắc ứng tuyển một công việc khác. Đây là điều bình thường, vì để hoàn thành tốt công việc sau này thì bạn phải cảm thấy thoải mái khi làm việc với sếp chứ.
 
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng làm sao để biết mình chắc chắn phù hợp với công việc? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, nhất là những ai mới ra trường chưa có kinh nghiệm ứng tuyển!
Số lượt đọc: 117 -