• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

119005
Tổng số truy cập:119005
Khách đang online: 28
Đặt mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân thế nào thì dễ thành công, thăng tiến?
Ngày đăng tin: 03/10/2022 22:12
Đặt mục tiêu nghề nghiệp là cách để bạn xác định mình có mong muốn, kỳ vọng gì với sự nghiệp của bản thân, sau đó có định hướng, nỗ lực để hoàn thành. Tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ để thiết lập chính xác mục tiêu nghề nghiệp, nhất là khi bạn muốn thăng tiến khi còn trẻ.
 
Khi chọn lọc ứng viên tiềm năng để mời phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường chú ý nhiều đến phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc hoặc thư ứng tuyển. Đối với bất cứ công việc nào, để làm tốt, bạn sẽ cần dành thời gian để trau dồi, tự tạo động lực cho bản thân bằng cách không ngừng đặt ra và theo đuổi những mục tiêu mới. Ứng viên tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng sẽ là những người có chí cầu tiến, có ý thức xây dựng và tu dưỡng bản thân.
 

Đặt mục tiêu nghề nghiệp để có sự thành công nhất định
 
I. Nguyên tắc đặt mục tiêu nghề nghiệp
 
Tầm quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp không chỉ để bạn "đánh bóng" CV xin việc mà nó còn giúp bạn rõ ràng về con đường sự nghiệp, tiền tài của bạn. Khi lập mục tiêu, bạn hãy tự trả lời các câu hỏi sau:
  • Bạn muốn đạt được thành tựu gì, trong thời gian bao lâu?
  • Năng lực hiện tại của bạn như thế nào, ở mức nào?
  • Bạn cần học thêm gì, rèn luyện ở đâu để thăng tiến và cuối cùng đạt được mục tiêu lớn nhất?
Về cơ bản, bạn nên phân chia mục tiêu thành ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Với những mục tiêu ngắn, trung hạn thì hãy làm sao để chúng khả thi, có thể thực hiện được với nguồn lực hiện có của bạn cộng với sự chăm chỉ, một chút thách thức - đặc biệt tránh đề ra "cho có" và hoàn toàn ngoài tầm với. Khi bạn liên tục thành công trong những giai đoạn ngắn, bạn sẽ càng tự tin và đến gần hơn mục tiêu dài hạn.
 
Bên cạnh đó, đặt mục tiêu thường dễ nhưng để làm được thì rất khó. Dù mục tiêu của bạn là trở thành Trưởng phòng sau 4, 5 năm ra trường hay làm Giám đốc kinh doanh chỉ sau 3 năm, lời khuyên cho bạn là hãy cứ kiên trì, hết mình trong mọi nhiệm vụ, tự nghiêm khắc với bản thân để cuối cùng bạn sẽ thành công, thăng tiến như ý nguyện.
 
II. Quy trình chuẩn để thiết lập mục tiêu nghề nghiệp cá nhân​
 
1. Có được chứng chỉ, bằng cấp
 
Đối với nhiều nghề nghiệp, bước đệm đầu tiên, một trong những mục tiêu đầu tiên để thành công chính là lấy được bằng cấp hoặc chứng chỉ của khối ngành liên quan. Chúng là minh chứng mọi kỹ năng mềm, trình độ chuyên môn của bạn đã được qua đào tạo bài bản và kiểm chứng. Bạn hoàn toàn có khả năng và tiềm năng theo đuổi vị trí công việc hiện tại hoặc tương lai.
 
Hiện nay, bạn có thể tìm đến rất nhiều các khóa học ngắn hạn có cấp giấy chứng nhận, ở nhiều lĩnh vực từ xuất nhập khẩu, quản trị kinh doanh, kế toán,... tùy thuộc vào đặc thù công việc yêu cầu. Bên cạnh đó, các khóa huấn luyện chuyên sâu do công ty tổ chức cũng chính là con đường lý tưởng để "kiếm" cho mình thêm chứng chỉ, chứng nhận.
 
2. Tìm hiểu hoạt động các phòng, ban khác
 
Học cách hòa đồng, tìm hiểu văn hóa và hoạt động của các phòng, ban khác có lợi rất nhiều cho sự phát huy của bản thân bạn. Giả dụ bạn biết vị trí công việc của mình có liên kết chặt chẽ với các bộ phận khác, bạn nên điều chỉnh tác phong và thói quen làm việc ra sao để đảm bảo hoạt động hai bên hiệu quả, không xảy ra lỗi lầm. Vì vậy, nắm bắt vai trò và cách thức hoạt động của các tổ nhóm khác trong công ty chính là mục tiêu nghề nghiệp thứ hai mà bạn nên cân nhắc.
 
3. Tìm sự góp ý
 
Lời nhận xét, góp ý từ đồng nghiệp, những người giữ chức vụ cao hơn sẽ cung cấp cái nhìn khách quan về những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân bạn. Kỹ năng nào cần cải thiện, phẩm chất nào cần được phát huy để nâng cao hiệu suất làm việc hơn nữa, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung.
 
4. Nâng cao hiệu suất làm việc
 
Hiệu suất làm việc càng cao, thành tích đạt được càng nhiều lại càng chứng tỏ năng lực làm việc. Vì vậy, bạn nên không ngừng đặt ra những chỉ tiêu phát triển mới, cái sau phải cao hơn cái trước và nỗ lực đạt được nó. Những mục tiêu đó có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn, ví dụ như cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, cắt giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra,...
 
5. Thử sức với chức vụ cao hơn
 
Đảm nhiệm một chức vụ, vị trí mới với yêu cầu về nhiệm vụ, trách nhiệm cao hơn là cách để thử thách bản thân. Đây là môi trường để bạn rèn luyện những kỹ năng mới, mở mang kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, khi cảm thấy sẵn sàng, đừng ngại thử sức bản thân nhé! Hãy cứ lùi dần vạch đích để tiến xa hơn!
 
6. Bồi dưỡng kỹ năng tạo dựng mối quan hệ
 
Không thể phủ nhận một điều rằng bạn bè, người quen là những người có thể trực tiếp mang cơ hội và giúp đỡ bạn mỗi lúc khó khăn. Tạo dựng mối quan hệ ở môi trường trong và ngoài doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, hãy bắt đầu với những người cùng nhóm, cùng tổ, rồi mở rộng tới đồng nghiệp các phòng bạn khác. Tham gia các buổi gặp mặt, hội thảo, các buổi tiệc cũng là "chiến lược" rất hay để gặp gỡ những người cùng đam mê, thậm chí là thuộc nhiều lĩnh vực khác.
 

Mục tiêu nghề nghiệp của bản thân được thiết lập ra sao?

7. Phát triển kỹ năng giao tiếp
 
Kỹ năng giao tiếp là nhân tố chìa khóa để đạt được các mục tiêu khác, hay chỉ đơn giản là để làm việc hiệu quả. Chính vì vậy, hãy đặt nó làm một trong những mục tiêu nhất định phải có của mình. Có rất nhiều lớp học bồi dưỡng và phát triển kỹ năng giao tiếp, giúp học viên cải thiện khả năng thuyết trình, đàm phán, ứng biến với các tình huống có thể xảy ra.
 
8. Làm việc nhóm hiệu quả
Hòa đồng, nhiệt tình và có trách nhiệm khi tham gia làm việc nhóm thể hiện bạn là một người có năng lực và có thể tin tưởng. Để làm việc nhóm, teamwork hiệu quả, bạn cần biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các thành viên khác và trình bày quan điểm của mình. Tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất.
 
9. Tiếp thu kiến thức công nghệ mới
 
Tinh thần cập nhật cái mới, đi cùng thời đại, nhất là trong lĩnh vực công nghệ luôn được đánh giá rất cao. Những ứng dụng công nghệ này là trợ thủ đắc lực trong nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc. Chính vì vậy, lựa chọn thông minh chính là sẵn sàng tiếp cận với các phần mềm, nền tảng, những kiến thức và kỹ năng số hỗ trợ cho lĩnh vực của mình.
 
10. Tạo dựng trang web riêng
 
Mục tiêu nghề nghiệp cuối cùng mà Cevn đề xuất với bạn là tạo dựng website dành riêng cho bản thân. Nội dung trang web có thể bao gồm thông tin cá nhân, lý lịch, bài viết chia sẻ về những lĩnh vực hay vấn đề bạn quan tâm. Mục đích của việc này là làm bản thân nổi bật hơn, cung cấp cái nhìn trực quan nhất cho nhà tuyển dụng khi bạn đính kèm link liên kết trang web vào bản sơ yếu lý lịch.
 
Tới đây, bạn đã nắm được cách thiết lập mục tiêu nghề nghiệp chưa? Không ngừng đặt ra thử thách cho bản thân, mục tiêu sau gối lên mục tiêu trước, cứ như vậy chúng sẽ trở thành nấc thang đưa bạn tới thành công mình mong muốn.
Số lượt đọc: 166 -