• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

55934
Tổng số truy cập:55934
Khách đang online: 92
Giảng viên có những cơ hội phát triển sự nghiệp như thế nào?
Ngày đăng tin: 19/05/2022 10:47

Giảng viên là lựa chọn nghề nghiệp của những ai vừa có khả năng nghiên cứu khoa học, tư duy tốt, chuyên môn giỏi lại vừa biết cách truyền đạt và yêu thích nghề giáo. Lộ trình sự nghiệp giảng viên như thế nào và làm sao để phát triển? Hãy cùng Cevn đi vào tìm hiểu bạn nhé!

Mong muốn được ở lại trường làm việc, muốn được đứng lớp và hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng nâng cao cho sinh viên, nhiều bạn đã tiếp tục học thạc sĩ, nghiên cứu sinh để chinh phục ước mơ trở thành giảng viên. Thế nhưng, thực tế công việc sẽ có những cơ hội, thách thức như thế nào thì không phải ai cũng biết. Việc trở thành một giảng viên đã không dễ dàng, nhưng để phát triển sự nghiệp sẽ còn cần nhiều sự nỗ lực hơn thế.


Triển vọng nghề nghiệp của vị trí Giảng viên

1. Giảng viên là làm gì?
 
Giảng viên (Professor) là những giáo viên có trình độ sau đại học, kiến thức chuyên môn vững vàng phụ trách giảng dạy chuyên ngành tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Ngoài đứng lớp, giảng viên sẽ tham gia/ đề xuất các dự án nghiên cứu khoa học hàng năm, viết các bài báo công bố kết quả NCKH, soạn thảo tài liệu nội bộ, giáo trình chuyên ngành và các công việc khác theo phân công của khoa và của trường.

Ở Việt Nam, giảng viên được yêu cầu có ít nhất bằng Thạc sĩ trở lên và bằng cấp đúng chuyên ngành ứng tuyển/ được phân công giảng dạy. Được đánh giá là một trong các nghề nghiệp cao quý nhất, giảng viên vừa là thầy, vừa là nhà nghiên cứu khoa học có đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành, lĩnh vực nói chung.

2. Các tiêu chuẩn Giảng viên
 
Hiện nay có 4 tiêu chuẩn giảng viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đó là:
  • Giảng viên hạng I (Giảng viên cao cấp).
  • Giảng viên hạng II (Giảng viên chính).
  • Giảng viên hạng III.
  • Trợ giảng.
Mỗi tiêu chuẩn giảng viên sẽ có các yêu cầu về học hàm, học vị, báo cáo nghiên cứu khoa học, và kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy khác nhau. Yêu cầu cơ bản nhất vẫn là từ Thạc sĩ trở lên và có kiến thức chuyên môn vững vàng về chuyên ngành.


Giảng viên được phân loại cấp bậc thế nào?

3. Cơ hội phát triển sự nghiệp của Giảng viên
 
3.1. Lộ trình sự nghiệp giảng viên
  • Trợ giảng: Không cần kinh nghiệm đứng lớp và bằng cấp đại học đúng chuyên ngành là đủ để bạn trở thành trợ giảng. Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ tiếp tục học lên cao học để nâng cao trình độ, tham gia dự án nghiên cứu của các giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong khoa. Bạn cũng sẽ phụ trách các công việc hỗ trợ giảng viên chính như chuẩn bị bài giảng, phụ đạo cho sinh viên, tham gia các công tác Đoàn, Hội,...
  • Giảng viên hạng III: Có bằng Thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh giảng viên hạng III. Bạn sẽ tham gia giảng dạy, hướng dẫn đồ án/ khóa luận tốt nghiệp, biên soạn tài liệu giảng dạy,...
  • Giảng viên hạng II: Có bằng Thạc sĩ trở lên và chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh giảng viên hạng II. Công việc chính của bạn là đứng lớp, phụ trách ít nhất 1 môn chuyên ngành, hướng dẫn khóa luận/ đồ án. Yêu cầu cao hơn thế nữa là bạn sẽ chủ trì (thay vì chỉ tham gia) các dự án nghiên cứu khoa học, đánh giá nghiên cứu,...
  • Giảng viên hạng I: Có bằng Tiến sĩ đúng chuyên ngành giảng dạy và chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng I. Khi trở thành giảng viên hạng I, bạn vẫn sẽ thực hiện các công việc chính của giảng viên như giảng dạy, nghiên cứu, đồng thời tham gia biên soạn sách, được chỉ định tham gia các đề án nghiên cứu khoa học cấp cao (ít nhất 2 đề án/ năm), hướng dẫn nghiên cứu sinh,...
Bên cạnh cơ hội phát triển về mặt học thuật, các giảng viên cũng có cơ hội thăng tiến theo hướng quản lý như sau:
  • Từ giảng viên trở thành trưởng bộ môn > phó khoa > trưởng khoa > phó hiệu trưởng > hiệu trưởng.
  • Khi trở thành phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng, bạn có cơ hội được cất nhắc, đề bạt đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong bộ máy hành chính, Đảng và chính phủ.

Làm thế nào để trở thành một Giảng viên giỏi?

3.2. Giảng viên làm gì để phát triển sự nghiệp?
 
Làm việc trong môi trường giáo dục, trường học nhưng các giảng viên không hề nhàn hạ, ngược lại, muốn phát triển sự nghiệp thì bạn sẽ cần nỗ lực và thậm chí là cạnh tranh để có thành tích và được ghi nhận với năng lực nghiên cứu, giảng dạy, quản lý.

Muốn phát triển sự nghiệp giảng viên, bạn sẽ cần lưu ý:
  • Nghiêm túc với các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu.
  • Học hỏi liên tục để mở rộng và chuyên sâu về kiến thức chuyên môn.
  • Phát triển năng lực giảng dạy, truyền đạt, truyền cảm hứng cho sinh viên và năng lực nghiên cứu độc lập/ tham gia các đề án nghiên cứu.
  • Đạo đức nghề giáo, đạo đức trong nghiên cứu khoa học.
  • Phát triển kỹ năng quản lý, định hướng, lập kế hoạch đề án nghiên cứu, xin kinh phí/ tài trợ cho các đề án NCKH.
  • Tích cực trong các hoạt động của khoa, của trường.
  • Có các bài báo khoa học đăng trên những tạp chí chuyên ngành uy tín, nghiên cứu có ý nghĩa về mặt lý thuyết và/ hoặc tính ứng dụng cao, tham gia các đề án NCKH lớn cấp bộ, cấp quốc gia.
  • Học lên tiến sĩ, postdoc để có học hàm, học vị cao hơn.
4. Mức lương Giảng viên bao nhiêu?
 
Giảng viên nhận lương theo bậc lương, hệ số lương của nhà nước. Khi bạn đạt tiêu chuẩn giảng viên càng cao thì thu nhập của bạn sẽ càng tốt. Với vai trò trợ giảng hạng III và giảng viên hạng III, lương khởi điểm của bạn bắt đầu từ 3.4866 triệu/ tháng (bậc 1) và khi đạt bậc 6 sẽ là 7.4202 triệu/ tháng. Giảng viên hạng I có lương từ 9.238 triệu/ tháng đến 11.92 triệu/ tháng.

Đánh giá khách quan thì mức lương giảng viên hiện nay vẫn bị cho là tương đối thấp (so với công việc, nhiệm vụ được giao). Mặc dù vậy, nhiều giảng viên có các khoản thu nhập khác như tự kinh doanh, tham gia các dự án hợp tác với doanh nghiệp, phụ cấp trong trường,... nên tổng thu nhập không thấp.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường đại học quốc tế, trường tư mở ra ở Việt Nam. Lương giảng viên ở các trường này gần như đều cao hơn đáng kể so với trường công.

5. Trở thành Giảng viên có khó không?
 
Có mục tiêu trở thành giảng viên, bạn trước hết phải nhận thức được một điều rằng các tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên không hề đơn giản. Điều kiện tiên quyết là kết quả học tập ở bậc đại học, sau đó đến bằng cấp, thành tích nghiên cứu, hạnh kiểm và đạo đức, kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm,...

Đáp ứng được các tiêu chí kể trên vẫn chưa đủ để bạn trở thành giảng viên vì mỗi năm, chỉ tiêu tuyển giảng viên thường không nhiều, đặc biệt là ở các trường đại học lớn. Chỉ tiêu không nhiều trong khi nhiều "đối thủ" có kết quả học tập xuất sắc, du học nước ngoài về, có các công trình nghiên cứu thì rất có thể bạn sẽ khó để cạnh tranh được.


Trở thành Giảng viên, bạn cần đáp ứng các tiêu chí nào?
 
6. Một số thách thức khi xây dựng sự nghiệp Giảng viên
 
Sự nghiệp của một giảng viên nhiều triển vọng và đồng thời còn là một công việc vô cùng ý nghĩa. Thế nhưng, vẫn có một số thách thức và không phải ai cũng có điều kiện, khả năng để vượt qua. Bạn sẽ cần cân nhắc xem liệu mình có phù hợp hay không.
  • Bạn cần có kết quả học tập xuất sắc (điểm GPA - trung bình học tập cao, xếp loại bằng Giỏi, Xuất sắc thì cơ hội sẽ nhiều hơn). Ngược lại, nếu kết quả của bạn không mấy khả quan thì gần như không bao giờ có cơ hội việc làm giảng viên.
  • Để trở thành giảng viên, bạn buộc phải học và hoàn thành các chương trình sau đại học. Thời gian học tập kéo dài gây áp lực không nhỏ.
  • Mức lương của giảng viên không cao, trong khi công việc tương đối bận rộn và cần có sự chuyên tâm cho giảng dạy, nghiên cứu nên những năm đầu sự nghiệp thu nhập của bạn sẽ có thể không nhiều.
  • Áp lực học hỏi, phát triển bản thân để không ngừng tiến bộ và hoàn thiện, làm một giảng viên giỏi chuyên môn, có nghiệp vụ sư phạm và cũng giỏi nghiên cứu, công tác, quản lý.

Nhìn chung, nghề giảng viên sẽ không dành cho những ai không yêu nghề và/ hoặc muốn nhanh chóng có sự nghiệp "hoành tráng", giàu có. Đổi lại, môi trường làm việc tích cực, cởi mở và công việc ý nghĩa, được tôn trọng sẽ là động lực để bạn phấn đấu trong vai trò giảng viên.

Trên đây là một số thông tin về công việc giảng viên cũng như các triển vọng sự nghiệp dành cho bạn. Nếu như mục tiêu của bạn là trở thành giảng viên tương lai, hãy bắt đầu tích lũy kiến thức, kỹ năng và chuyên nghiệp, chuyên tâm ngay từ bây giờ. Chúc bạn thành công!

 

Số lượt đọc: 303 -