Câu hỏi phỏng vấn Nhân viên Kinh doanh Quốc tế
Ngày đăng tin: 27/07/2023 10:53
Nhân viên kinh doanh quốc tế là người tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và làm việc với đối tác nước ngoài. Nếu bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này, chuẩn bị trước các câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh quốc tế sẽ giúp bạn thêm tự tin và tăng cơ hội thành công có được công việc mơ ước.
Nhân viên kinh doanh quốc tế thường phải là những
nhân viên bán hàng xuất sắc, có kỹ năng ngoại ngữ tốt, đồng thời am hiểu về quy trình xử lý các vấn đề thủ tục hợp đồng, hải quan,... với đối tác thuộc thị trường mục tiêu. Ứng viên cho vai trò công việc này cũng phải biết cách xây dựng mối quan hệ khách hàng lâu dài để đạt được doanh số theo yêu cầu.
Gợi ý trả lời câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh quốc tế
I. Câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh quốc tế hay nhất và gợi ý trả lời
1. Đối với môi trường kinh doanh quốc tế xa lạ và khó khảo sát thực tiễn, bạn làm thế nào để xác định và tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng? Trong trường hợp sản phẩm của công ty chúng tôi, bạn nghĩ đâu là cách tiếp cận hiệu quả nhất?
Đây là một trong những câu hỏi hay nhất nhưng cũng khó nhất trong cuộc
phỏng vấn nhân viên kinh doanh quốc tế. Tuỳ thuộc vào thị trường mục tiêu của doanh nghiệp mà bạn đưa ra những đánh giá cụ thể, chính xác. Nhìn chung, đối với môi trường kinh doanh quốc tế xa lạ, cách xác định đối tượng khách hàng tiềm năng thường được tiến hành dựa trên điều tra thị trường qua số liệu, phân tích bối cảnh và thậm chí là các đối thủ cạnh tranh - cả bản địa và nước ngoài.
Cách tiếp cận hiệu quả nhất của doanh nghiệp sẽ dựa trên phân tích thị trường và phân khúc mục tiêu của sản phẩm đó cũng như định hướng mở rộng của công ty.
Gợi ý trả lời: "Ở thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, không phải lúc nào cách tiếp cận trực tiếp cũng là tốt nhất, đặc biệt là khi kinh doanh trong môi trường quốc tế. Có nhiều công cụ để hỗ trợ nghiên cứu, phân tích dữ liệu về thị trường, khách hàng tiềm năng như [kể tên một số phần mềm]. Tôi cũng đánh giá cao những đóng góp của bộ phận marketing trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin, xác định chính xác phân khúc và đặc điểm của đối tượng khách hàng, từ đó hỗ trợ cho các chuyên viên kinh doanh quốc tế".
2. Bạn đánh giá đối tượng khách hàng của chúng tôi là ai và bạn có những đề xuất gì để tăng thị phần?
Với câu hỏi này, người phỏng vấn muốn đánh giá về sự chuẩn bị của
ứng viên. Họ muốn xem bạn đã tìm hiểu về công ty hay chưa: về sản phẩm, đối tượng khách hàng, mức giá cả, vị trí trên thị trường,... Do đó, nếu đã đọc và phân tích trước cuộc phỏng vấn, bạn hoàn toàn có khả năng trả lời đầy đủ, hợp lý.
Bên cạnh đó, phương pháp tăng thị phần phần nhiều phụ thuộc vào tình hình kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp. Bạn cũng có thể trình bày dựa trên kinh nghiệm làm việc và tư duy sáng tạo của bản thân
Gợi ý trả lời: "Tôi đã tiến hành một số nghiên cứu từ về công ty ngay từ trước khi gửi CV ứng tuyển và cảm thấy rằng, đối tượng khách hàng của công ty mình là người dùng trung niên, phổ biến trong khoảng 40 - 60 tuổi vì sản phẩm là thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi thì có thể cân nhắc nhắm vào đối tượng khách hàng từ 25 - 40 tuổi vì họ cũng sẽ là những người sẵn sàng chi tiền để chăm sóc, quan tâm, bảo vệ sức khỏe cho cha mẹ, ông bà mình".
Làm thế nào để vượt qua câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh quốc tế?
3. Theo bạn, một nhân viên kinh doanh quốc tế có cần có sự am hiểu văn hoá đối với thị trường mục tiêu hay không?
Công việc của
nhân viên kinh doanh nói chung, nhân viên kinh doanh quốc tế nói riêng yêu cầu bạn phải thường xuyên trao đổi, giao tiếp với người nước ngoài. Tùy vào thị trường mục tiêu của công ty, khách hàng và đối tác của bạn có thể khác nhau nhưng chắc chắn nền văn hoá, cách ứng xử của họ luôn có sự khác biệt so với môi trường trong nước. Để giao tiếp thành công và hợp tác lâu dài, bạn nên học hỏi, trau dồi để ghi nhớ những khác biệt, những điều cần lưu ý trong giao tiếp hoặc đề nghị.
Gợi ý trả lời: "Không thể phủ nhận rằng đối tượng khách hàng ở mỗi quốc gia sẽ có đặc thù riêng, tùy theo văn hóa, ngôn ngữ, khu vực địa lý mà sở thích, thói quen mua sắm cũng thay đổi. Theo tôi, chuyên viên kinh doanh quốc tế buộc phải có nền tảng kiến thức cơ bản về văn hóa, con người ở thị trường mục tiêu vì chỉ khi thực sự hiểu họ, mình mới có thể có cách tiếp cận, tư vấn và thuyết phục hợp lý. Đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là yêu cầu tối thiểu để thành công, cho dù kinh doanh ở đâu, với mặt hàng, dịch vụ nào".
4. Trong trường hợp bạn phụ trách hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế mới của công ty và gặp phải khó khăn khi giao tiếp với khách hàng bản địa vì vấn đề ngoại ngữ, bạn giải quyết ra sao?
Nhân viên kinh doanh quốc tế bắt buộc phải thành thạo một ngoại ngữ (thường là tiếng Anh). Tuy nhiên, bạn có thể phải làm việc với đối tác, khách hàng ở các quốc gia không nói tiếng Anh và khả năng ngoại ngữ của họ cũng có hạn. Lúc này, vấn đề giao tiếp có thể xảy ra vì hai bên không thực sự hiểu được ý của đối phương.
Một số cách giải quyết mà bạn có thể xem xét: đề nghị trao đổi kỹ lưỡng hơn bằng văn bản hoặc nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp giỏi ngôn ngữ của đối phương.
Gợi ý trả lời: "Ngoại ngữ là một rào cản đáng kể nếu muốn kinh doanh hiệu quả ở môi trường quốc tế. Ai cũng biết tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nhưng ở một số thị trường thì khách hàng có trình độ tiếng Anh cũng không trôi chảy. Việc của chuyên viên kinh doanh quốc tế là biết ngoại ngữ, tốt nhất là ngoài tiếng Anh thì cần giao tiếp thành thạo ngôn ngữ bản địa. Ở giai đoạn đầu tiên, tôi có thể buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của biên phiên dịch. Sau đó, tôi cũng sẽ tham gia các khóa học trực tuyến để ít nhất có thể giao tiếp cả bằng lời nói và văn bản bằng ngôn ngữ của quốc gia đó".
5. Nhân viên kinh doanh quốc tế có thể phải đi công tác nước ngoài trong thời gian dài, bạn có thoải mái với môi trường bên ngoài văn phòng hay không?
Nhà
tuyển dụng muốn đánh giá sự sẵn sàng và đam mê, quyết tâm của ứng viên. Một nhân viên kinh doanh quốc tế giỏi thường tham vọng, cạnh tranh, lăn xả và kiên định với mục tiêu của mình: mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ và cuối cùng là tăng doanh thu.
Gợi ý trả lời: "Có thể nói, đây là lợi thế đáng kể của tôi khi ứng tuyển chuyên viên kinh doanh quốc tế vì tôi còn trẻ, chưa lập gia đình lại vốn tính năng động, hướng ngoại. Thay vì nói là phải đi công tác xa nhà, tôi thích được gọi là được đi công tác, mở mang kiến thức ở nước ngoài hơn. Tôi sẵn sàng cho mọi kế hoạch, dự án và biết cách cân bằng tốt, thích nghi nhanh cho dù phải thường xuyên thay đổi môi trường làm việc".
Nắm được cách trả lời câu hỏi phỏng vấn sẽ giúp bạn tự tin thể hiện bản thân
II. Một số câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh quốc tế phổ biến
1. Mô tả các kỹ thuật sales mà bạn quen thuộc nhất. Bạn thường dùng kỹ thuật nào nhiều nhất và vì sao?
2. Bạn cho rằng tại sao khách hàng lại mua sản phẩm của công ty? Vì chất lượng, giá cả hay vì lợi ích cụ thể nào khác?
3. Bạn có am hiểu về quy trình ra quyết định mua hàng của khách hàng hay không? Điều gì thúc đẩy hoặc ngăn chặn quyết định đó? Bạn cần làm gì để chốt sales nhanh nhất?
4. Bạn có ngại giao tiếp với người nước ngoài hay không? Với khách hàng người [tên quốc gia], dấu hiệu nào của họ cho thấy họ hoàn toàn không có ý định mua sản phẩm/dịch vụ của công ty?
5. Bạn lưu ý những gì khi chuẩn bị bài giới thiệu, thuyết trình về sản phẩm với khách hàng mới?
6. Bạn có thường xuyên liên lạc với khách hàng cũ không? Theo bạn hành động đó có cần thiết không?
7. Với một nhân viên kinh doanh quốc tế, việc tiếp cận khách hàng vào đúng thời điểm là rất quan trọng. Trong quá trình ra quyết định mua hàng của họ, bạn nghĩ rằng mình nên làm gì vào mỗi giai đoạn cụ thể?
8. Giải thích cách bạn đối phó với các khách hàng tiêu cực thông qua ví dụ cụ thể bạn từng xử lý.
9. Mô tả một tình huống mà bạn không đạt được mục tiêu kinh doanh. Điều gì đã xảy ra và bạn đã học được gì từ kinh nghiệm đó?
10. Nếu có cơ hội đào tạo nâng cao, bạn muốn học những gì để trở thành nhân viên kinh doanh quốc tế xuất sắc hơn?
11. Theo bạn, kỹ năng viết email công việc có quan trọng với nhân viên kinh doanh quốc tế không? Vì sao?
12. Bạn sử dụng công cụ nào để dự báo xu hướng kinh doanh?
13. Thông tin nào bạn cần để chuẩn bị để làm báo cáo về hoạt động kinh doanh quốc tế?
14. Bạn làm thế nào để tạo kết nối với những khách hàng nước ngoài có rất ít điểm chung?
15. Bạn có thích làm việc dưới áp lực doanh số?