Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng để "được lòng" NTD
Ngày đăng tin: 01/06/2024 10:16
Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng nên được trình bày trong CV như thế nào là mối quan tâm của nhiều ứng viên. Mỗi nghề nghiệp có lộ trình phát triển khác nhau, việc xác định mục tiêu phù hợp sẽ giúp bạn có động lực phấn đấu.
Rất nhiều nhà
tuyển dụng quan tâm kỹ phần mục tiêu nghề nghiệp để đánh giá và phân loại ứng viên. Bạn đã biết cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng chưa? Hãy cùng tìm hiểu những nguyên tắc và gợi ý cách viết từ Cevn nhé.
Hướng dẫn chi tiết cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng
I. Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng có vai trò gì?
Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng của mỗi người sẽ không giống nhau, nhưng về cơ bản đều là phát triển sự nghiệp tương lai trong lĩnh vực này, cho dù bạn bắt đầu ở vị trí giao dịch viên, nhân viên tín dụng, nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp hay chuyên viên thanh toán quốc tế. Vai trò của mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng:
Đối với những người chưa đi làm
Xác định hướng đi: Giúp học sinh, sinh viên định rõ hướng đi cho sự nghiệp tương lai.
Tạo tiền đề: Giúp tập trung và trau dồi kiến thức trong lĩnh vực cụ thể muốn theo đuổi.
Tránh mông lung: Tránh cảm giác chán nản và không có động lực do không xác định rõ mục tiêu.
Đối với người đã đi làm
Tạo động lực: Giúp tạo thêm động lực để ứng tuyển vào các vị trí cấp cao và mức lương cao hơn.
Định hướng lại: Giúp tìm ra hướng đi thực sự muốn khi không còn phù hợp với công việc hiện tại, tạo động lực để bắt đầu một hành trình mới.
II. Vì sao cần viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng ấn tượng trong CV?
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của CV xin việc vì nội dung và cách trình bày CV của bạn quyết định cơ hội việc làm có được trao cho bạn hay không. Ngành ngân hàng hiện nay rất cạnh tranh, tiêu chuẩn tuyển dụng cao và do đó, nếu "thua" ứng viên khác ngay từ bước viết CV thì có lẽ bạn sẽ không thể tìm được việc làm ngân hàng như ý.
Trong CV xin việc ngân hàng, mục tiêu nghề nghiệp chỉ là một phần rất nhỏ trong 9 hoặc 10 phần xuyên suốt. Tuy nhiên, bạn vẫn cần trình bày mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng thật ấn tượng vì sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc tiếp cận nhà tuyển dụng theo cách tích cực.
Nhà tuyển dụng quan tâm tới mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng là vì họ muốn đánh giá xem động lực nào khiến bạn theo nghề và ứng tuyển vào vị trí tại ngân hàng của họ, liệu động lực đó có đủ để thúc đẩy bạn nỗ lực và phấn đấu, đóng góp thật nhiều cho sự phát triển chung của ngân hàng hay không. Bên cạnh đó, biết về mục tiêu của ứng viên cho phép nhà tuyển dụng so sánh và đánh giá xem liệu ngân hàng có đáp ứng được các kỳ vọng của bạn không và từ đó bạn có thể gắn bó lâu dài hay không.
Ngay cả khi nhà tuyển dụng chỉ đọc lướt qua phần này thì bạn vẫn nên viết rõ ràng về các mục tiêu của mình, dù các mục tiêu đó là gì thì bạn cũng đang chứng minh rằng bạn biết rõ về nguyện vọng, mong muốn và những gì mình muốn đạt được. Một người có tư duy rõ ràng, định hướng mục tiêu và tham vọng có khả năng tiến xa do không ngại thử thách, luôn cố gắng để thành công.
Lý do cần viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng ấn tượng
III. Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng để "được lòng" NTD
1. Tìm hiểu lộ trình sự nghiệp ngân hàng
Tìm hiểu kỹ về lộ trình sự nghiệp ngân hàng cho phép bạn hình dung rõ nhất về "sơ đồ" các vị trí trong ngành và hành trình thăng tiến - có những việc làm ngân hàng nào, nếu thăng tiến thì có thể lên được vị trí nào và trong bao lâu. Thực tế thì thời gian để bạn đạt được mục tiêu của mình sẽ rất khác tùy vào mỗi cá nhân nhưng đích đến - ở đây thường là các vị trí quản lý cấp cao thì về cơ bản là tương đương.
Lộ trình ngân hàng cơ bản sẽ là (cho những vị trí phổ biến nhất):
Nhân viên ngân hàng/ Giao dịch viên ngân hàng - Kiểm soát viên - Phó phòng dịch vụ khách hàng - Trưởng phòng dịch vụ khách hàng - Phó giám đốc vận hành - Giám đốc chi nhánh ngân hàng - Các chức vụ quản lý tại hội sở.
Nhân viên tín dụng/ Nhân viên tư vấn tín dụng - Chuyên viên thẩm định tín dụng - Giám sát chất lượng tín dụng - Trưởng phòng tác nghiệp tín dụng - Giám đốc chi nhánh - Các vị trí quản lý ở hội sở ngân hàng.
2. Nguyên tắc viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng trong CV
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng không có gì lắt léo hay phức tạp (và thực tế thì trong CV phần này rất ngắn) nhưng tuân thủ nguyên tắc cơ bản sẽ giúp bạn chuẩn hóa nội dung, đảm bảo các mục tiêu là hợp lý, ấn tượng, thu hút và được đánh giá cao.
Những nguyên tắc giúp bạn viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng chuẩn nhất gồm có:
Độ dài của phần mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng trong CV: Khoảng 2 - 3 câu hoặc 2 gạch đầu dòng.
Nội dung mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng: Mục tiêu ngắn hạn và/ hoặc dài hạn đều liên quan tới các vị trí trong lĩnh vực ngân hàng (tránh xin việc nhân viên tín dụng nhưng viết mục tiêu muốn làm biên tập viên); Mục tiêu phải vừa thể hiện được tham vọng, cho thấy bạn có động lực mạnh mẽ để cống hiến nhưng cũng không được làm quá, nói đến các mục tiêu không thể đạt được - ví dụ thành giám đốc ngân hàng sau 5 năm.
Đảm bảo rằng tất cả là mục tiêu của chính bạn (ít nhất là ở thời điểm hiện tại).
Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng gắn bó với ngân hàng mà bạn ứng tuyển, chẳng hạn không viết rằng mình muốn chuyển sang làm cho Techcombank khi đang ứng tuyển vào Vietcombank (cho dù mong muốn thực tế của bạn là vậy).
Khẳng định mong muốn tha thiết được làm việc cho ngân hàng và cam kết cống hiến, nỗ lực - tránh chỉ nói về những gì bạn muốn đạt được, thay vào đó hãy viết xem bạn có những gì để có thể đạt được mục tiêu đó (có thể lồng ghép để khoe khéo về học vấn, chứng chỉ hay số năm kinh nghiệm ở phần này).
Viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng dựa trên những nguyên tắc nào?
3. Gợi ý cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng
Tham khảo gợi ý cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng cho một số trường hợp ứng viên đã có kinh nghiệm và mới ra trường sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về cách trình bày trong CV.
3.1. Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng cho ứng viên có kinh nghiệm (vị trí Nhân viên tư vấn tín dụng)
Đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng hoặc liên quan (ví dụ tài chính, kế toán, bảo hiểm, đầu tư) thì bạn có thể viết mục tiêu nghề nghiệp dễ hơn và thực tế hơn. Có thể chia sẻ cả về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình.
Sử dụng kinh nghiệm làm việc 2 năm tại công ty bảo hiểm ABC để nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới tại ngân hàng XYZ; Hoàn thành và vượt mục tiêu KPI, cung cấp dịch vụ tín dụng, tư vấn tín dụng chất lượng nhất cho khách hàng doanh nghiệp.
Phát triển kỹ năng tư vấn và chăm sóc khách hàng xuất sắc, thăng tiên lên chuyên viên thẩm định tín dụng sau 3 năm làm việc.
3.2. Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng cho ứng viên mới ra trường (vị trí Giao dịch viên)
Trong khi đó, với ứng viên vừa ra trường, viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng có thể hơi khó hơn một chút vì bạn cần cân nhắc nhiều tới điều kiện hiện tại của mình. Chẳng hạn, bạn có lợi thế là bằng cấp ở trường tốt nhưng khuyết điểm là chưa từng làm việc ở ngân hàng nên có thể cân nhắc chỉ chia sẻ mục tiêu ngắn hạn.
Áp dụng kiến thức và nghiệp vụ ngân hàng được giảng dạy trong trường kết hợp với quy trình làm việc tiêu chuẩn của ngân hàng để sớm thích nghi với công việc, các nhiệm vụ thường ngày, cung cấp trải nghiệm tích cực cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tới làm việc ở ngân hàng.
Rèn luyện kỹ năng làm việc dưới áp lực, xử lý tình huống, thành thạo nghiệp vụ ngân hàng trong môi trường thực tế, kỹ năng chăm sóc khách hàng và thăng tiến lên vị trí kiểm soát viên sau 3 năm làm việc.
4. Những lỗi phổ biến khi viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng
Biết về các lỗi hay gặp bạn cũng có thể tránh phạm phải và khiến nỗ lực tạo CV xin việc chuyên nghiệp của bạn trở thành "công cốc". Những lỗi sau đây không lớn nhưng nhìn chung có thể khiến cách bạn trình bày mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng trở nên thiếu thuyết phục:
Viết mục tiêu nghề nghiệp quá dài, trình bày lan man hoặc viết thành đoạn văn tự sự.
Giải thích chi tiết về các mục tiêu.
Đặt mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng mà không "biết mình biết ta".
Mục tiêu quá đơn giản, viết chung chung không có ý nghĩa.
Để tránh được những lỗi hay gặp này, bạn nên đảm bảo tính trung thực và đồng thời viết dựa theo các nguyên tắc được Cevn đề cập ở trên.
Cần tránh mắc lỗi nào khi viết mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng?
IV. Cách thể hiện mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng trong phỏng vấn
Tìm việc làm ngân hàng thì quy trình thường nhiều bước hơn so với
ứng tuyển vào các ngành nghề khác. Bạn gửi CV, hồ sơ ứng tuyển và nếu qua vòng xét duyệt ban đầu sẽ cần phỏng vấn và thi khoảng 2 vòng rồi mới có quyết định được nhận việc hay không. Không phải tất cả nhà tuyển dụng đều sẽ đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn về mục đích nghề nghiệp ngân hàng của bạn, tuy nhiên bạn vẫn nên chuẩn bị trước để có thể ngay lập tức phản ứng, trả lời tự tin và thuyết phục nếu được hỏi.
Cách trả lời phỏng vấn với câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng như sau:
Đảm bảo rằng những mục tiêu bạn chia sẻ trùng với mục tiêu đã viết trong CV.
Nên giải thích chi tiết hơn về mục tiêu đó - vì sao bạn muốn như vậy và đã có sự chuẩn bị như thế nào, chẳng hạn bạn đã học chứng chỉ tiếng Anh hay học chứng chỉ phân tích tài chính, nghiệp vụ kế toán...
Thái độ chân thành và tự tin, nghiêm túc, đáng tin cậy.
Nói thêm về lòng yêu nghề, mong muốn được cống hiến và hy vọng có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, từ đó gắn bó lâu dài, đạt được các mục tiêu cá nhân trong khi thực hiện các mục tiêu chung của ngân hàng.
Trên đây là những phân tích đơn giản và gợi ý, hướng dẫn cách trình bày mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng trong CV cũng như trong phỏng vấn. Áp dụng linh hoạt tùy theo mục tiêu cá nhân của bạn và vị trí bạn ứng tuyển để đạt kết quả tốt nhất nhé.