• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

153034
Tổng số truy cập:153034
Khách đang online: 60
Bị đồng nghiệp lười đẩy việc - hành động ngay
Ngày đăng tin: 25/12/2022 21:06

Họ phạm sai lầm, chậm deadline hoặc chểnh mảng việc của họ thôi không đủ. Họ còn đẩy trách nhiệm của họ sang cho bạn nữa. Hãy thử vài mẹo để họ không thể lôi bạn xuống cùng với sự kém cỏi của họ.


Đồng nghiệp lười cũng gây đau đầu như dự án khó
 
Tất nhiên trong đời đi làm, bạn khó tránh khỏi việc phải làm cùng một đồng nghiệp mắc lỗi, trễ hạn hoặc đơn giản là lười biếng. Điều tệ là bạn là người phải đi dọn hậu quả sau những sai lầm mà họ gây ra. Khi bạn phải gánh thêm việc do người khác, hiệu suất của bạn tất nhiên cũng bị ảnh hưởng. Như vậy, cách họ làm việc không chỉ khiến bạn thấy khó chịu về sự bất công (họ vẫn hưởng lương trong khi không thực sự làm), nó còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của bạn. Vậy bạn cần làm gì cho phải trong tình huống này?

1. Tìm hiểu vấn đề
 
Trước khi hành động, bạn cần có một cái nhìn toàn cảnh về tình hình: Tại sao đồng nghiệp của bạn gặp vấn đề này? Liệu họ có bị quá tải, thiếu kinh nghiệm hoặc nguồn lực để xử lý công việc? Vấn đề của họ có ảnh hưởng đến những đồng nghiệp khác không? Việc này tái diễn thường xuyên và lâu dài chưa? 
 
Nếu họ là một đồng nghiệp mới vào, và vẫn đang trong quá trình học hỏi, việc điều chỉnh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu họ là nhân sự lâu năm, sẽ có nhiều vật cản hơn. Nhưng ít nhất, bạn cũng biết vấn đề cốt lõi gây ra tình trạng của họ là gì để nghĩ phương án xử lý. Bạn không thể thay đổi họ, nhưng có thể hạn chế những gì ảnh hưởng tới mình.
 
2. Đánh giá bản thân
 
Bạn soi xét người khác kỹ đến đâu, thì hãy thử nhìn mình theo cách đó. Thường con người có khả năng đánh giá sai lầm của người khác tốt hơn của bản thân. Bởi vì công việc giữa hai người đang có trục trặc, bạn cũng cần chắc chắn rằng chính mình không mắc các lỗi cơ bản trong công việc. Khi thành công, chúng ta tin tưởng rằng mình đóng góp công sức lớn. Nhưng khi mọi chuyện rối tung, chúng ta dễ có xu hướng đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan bên ngoài. 
 
Và cũng cần nhìn lại cách giao tiếp giữa bạn và đồng nghiệp có gây cảm giác đối đầu, dẫn đến sự “lười biếng” từ họ không. Rất có thể đồng nghiệp cảm nhận được rằng bạn phản đối họ theo cách nào đó, và họ trả lại tín hiệu bằng sự bất hợp tác. Ví dụ: bạn tỏ ra kẻ cả, khẳng định bản thân phù hợp với nhiệm vụ/tổ chức hơn, hoặc bạn phản ứng các quyết định của họ dù không cố ý mang tính khiêu khích.Nếu bạn từng tỏ ra như vậy, hãy tìm cách để cải thiện mối quan hệ. Chí ít, bạn phải công nhận rằng họ có thế mạnh, kỹ năng trong lĩnh vực khác mà bạn không có, và cho họ thấy rằng sự kết hợ của cả hai mang lại thành công chung. 
 
3. Thẳng thắn
 
Nếu bạn và đồng nghiệp vốn đã có mối quan hệ tốt đẹp từ trước để có thể nói chuyện thoải mái, bạn hãy thử đề cập với họ về biểu hiện gần đây của họ. Có thể hỏi họ liệu điều gì đã ảnh hưởng đến guồng quay công việc. Có thể họ đã phải chăm người nhà ở viện suốt thời gian qua, con họ ốm, hoặc họ đang phải ly thân/ly hôn nên mọi chuyện rối tung. Nếu vậy, có nghĩa là việc họ kém năng suất chỉ mang tính giai đoạn, và họ cần hỗ trợ nếu bạn có thể. 


Hãy đảm bảo bạn giúp đỡ đúng người nên giúp
 
Ai cũng có lúc khó khăn, bạn cũng không thể đảm bảo bản thân luôn đạt được 100% công lực ở nơi làm việc. Vì thế, bạn có thể đề nghị giúp đỡ trong khả năng của bản thân, miễn là hai bên đều thống nhất rằng đây chỉ là sự giúp đỡ tạm thời, và có giới hạn cả về thời gian và công sức. Bạn có công việc và đời sống riêng của bạn, sự giúp đỡ hiện tại không thể là giải pháp lâu dài. Ngoài ra, sự giúp đỡ của bạn không nên là miễn phí, nhất là nếu bạn thấy rõ đó không phải là người sẵn sàng giúp đỡ lại bạn khi cần, kể cả khi thân thiết, mối quan hệ đồng nghiệp chỉ bền vững nếu “có đi có lại”.
 
4. Trao đổi với sếp
 
Nếu không giải pháp nào ở trên giải quyết được vấn đề, đã đến lúc bạn nên trao đổi với cấp quản lý. Nên cân nhắc cách đề cập vấn đề để sếp không nhìn bạn như kẻ mách lẻo hoặc là người hay phàn nàn. 
 
Hãy đặt tiêu chí “hoàn thành công việc” lên hàng đầu - vì tình trạng của đồng nghiệp đang cản trở tiến độ của bạn. Đại loại: “Tôi cảm thấy khó có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình vì đang phải phân thân cho cả nhiệm vụ của người khác/ đang bị trì hoãn bởi tiến độ của người khác”. Hãy cho sếp biết bạn đã tìm cách hỗ trợ đồng nghiệp và kết quả ra sao trước khi hỏi sự hỗ trợ của sếp. Mặt khác, bạn cũng có thể hỏi sếp về việc nhận những nhiệm vụ riêng lẻ, không liên quan đến đồng nghiệp này để sếp hiểu là bạn không từ chối nhiệm vụ, bạn chỉ từ chối phối hợp với người không hiệu quả.

5. Ngừng bao che cho họ.
 
Cuối cùng, đừng tạo điều kiện cho một người không chăm chỉ. Giúp người khác trong khả năng của bạn là điều tốt, nhưng bao che cho lỗi lầm hoặc sự kém cỏi của người khác thì không tốt cho cả họ lẫn bạn. Nếu họ nhận thấy bạn chấp nhận gánh phần thiệt thì họ sẽ đánh mất động lực phấn đấu trở nên tốt hơn, hoặc chậm giải quyết vấn đề của họ. Nếu bạn giúp họ một thời gian dài, sau đó ngừng giúp, họ sẽ nghĩ bạn đã không còn tốt với họ - dù cho đó không phải là trách nhiệm của bạn. 
 
 Phụ nữ là kiểu đồng nghiệp dễ “cả nể” giúp đỡ bạn bè nơi công sở. Có những trường hợp làm việc kém vì nguyên nhân khách quan, nhưng cố tình không thay đổi và nghiễm nhiên coi bạn là phương án hỗ trợ thì đó là hành động chủ quan của đối phương. Điều đáng nói là sẽ đến lúc người đó không còn coi trọng sự hỗ trợ của bạn, trong khi bạn chểnh mảng dần công việc của mình, và chính bạn cũng bị thụt lùi theo họ.
Số lượt đọc: 226 -