• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

151491
Tổng số truy cập:151491
Khách đang online: 35
Cách viết CV cho người hay nhảy việc
Ngày đăng tin: 29/11/2022 09:38

Có nhiều lý do khiến một người nhảy việc, cả khách quan và chủ quan, và dù lý do của bạn là gì thì thói quen không gắn bó lâu dài ở đâu sẽ khiến bạn khó khăn để tìm kiếm cho mình một cơ hội mới. Đơn giản nhất, viết CV xin việc cho người hay nhảy việc đã là một thách thức.

Quyết định là của cá nhân mỗi người nhưng ở lập trường nhà tuyển dụng, họ không thích những ứng viên nhảy việc quá nhiều. Thậm chí, CV của bạn có thể bị loại ngay khi nhà tuyển dụng thấy một loạt kinh nghiệm làm việc đều được duy trì trong khoảng thời gian rất ngắn. Để tránh xin việc thất bại ngay từ bước đầu, bạn hãy thử vận dụng một số cách viết CV cho người hay nhảy việc trong bài viết này nhé.
 

Mẹo viết CV cho người hay nhảy việc chuyên nghiệp

I. Tại sao các công ty muốn tránh tuyển dụng ứng viên hay nhảy việc?
 
Tuyển dụng một ứng viên mới là cả quá trình phức tạp và tốn kém, từ đăng tuyển đến tổ chức phỏng vấn và đào tạo cơ bản khi trúng tuyển. Vì vậy, doanh nghiệp nào cũng muốn thuê những nhân viên có thể cam kết làm việc lâu dài.
 
Trong trường hợp thông tin CV của bạn cho thấy bạn chuyển việc rất thường xuyên, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ lòng trung thành và sự kiên định của bạn. Bạn đã có "lịch sử" nhảy việc suốt một thời gian dài, ai có thể đảm bảo bạn sẽ không tiếp tục như vậy trong tương lai?
 
Nhiều nhà tuyển dụng thậm chí sẽ ngay lập tức loại ứng viên ra khỏi danh sách ứng viên tiềm năng nếu nhà tuyển dụng thấy các kinh nghiệm làm việc của bạn đều rất ngắn, thay đổi liên tục.
 
II. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc cho người hay nhảy việc
 
Nếu như khi viết CV xin việc vào các vị trí cụ thể, ứng viên thường được khuyên nên đề cập đến các thông tin chi tiết, đặc trưng của nghề đó - như lập trình viên nên đề cập đến dự án lập trình - thì CV xin việc cho người hay nhảy việc cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, chắc chắn thông tin nhất định phải có ở trường hợp này sẽ khác.
 
Vì bạn đã thường xuyên chuyển từ nơi làm việc này sang nơi khác, nhà tuyển dụng khó xác định bạn thực sự yêu thích công việc nào, điều gì khiến bạn thay đổi như thế, những "nguy cơ" bạn đến chỗ họ làm rồi lại chuyển đi ngay... Muốn thuyết phục nhà tuyển dụng để họ yên tâm hơn, bạn nên đề cập đến quyết tâm của mình trong mục tiêu nghề nghiệp và bắt buộc phải có các thành tích, thành tựu và tổng kết những kỹ năng, kiến thức bạn đã học được trong các công việc bạn làm trong thời gian khá ngắn ngủi đó.
 
III. Mẫu CV xin việc cho người hay nhảy việc
 
Đối với những người hay nhảy việc, chọn đúng mẫu CV là yêu cầu và "thử thách" đầu tiên mà bạn cần vượt qua. Sẽ không phải ý tưởng khôn ngoan nếu phần kinh nghiệm của bạn có tới 6 - 8 thông tin, toàn làm 2 - 3 tháng đã nghỉ và phần "hỗn loạn" đó lại ở ngay đầu CV. Rất có thể, nhà tuyển dụng sẽ thực sự choáng váng khi xét duyệt và gạt sang một bên tài liệu ứng tuyển của bạn.
 
Thông minh khi chọn mẫu CV nghĩa là bạn hiểu rõ nhảy việc trở thành điểm yếu, cần khiến nội dung đó bớt nổi bật, tập trung vào các phần khác như học vấn, kỹ năng, hoạt động, chứng chỉ. Chính xác thì CV xin việc cho người hay nhảy việc nên là các mẫu CV chức năng hoặc CV kết hợp mà trong đó, học vấn, kỹ năng đều được xếp trên, ở vị trí nổi bật hơn kinh nghiệm.
 
IV. Cách viết CV xin việc cho người hay nhảy việc
 
1. Thông tin cá nhân
 
Trong CV, dù bạn có hay nhảy việc không thì phần thông tin cá nhân đều cần viết đủ, viết đúng và không có lưu ý nào đặc biệt ngoài các quy tắc chung như chọn ảnh tươi tắn nhưng không quá thoải mái, địa chỉ email đơn giản, chuyên nghiệp, tránh các cụm từ khó hiểu, trẻ con hay dễ nhầm lẫn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc khi quyết định giới thiệu tài khoản mạng xã hội hay không (tùy tính chất công việc và bản thân bạn thể hiện như thế nào trên mạng xã hội).
 

Đề cập đến Thông tin cá nhân trong CV xin việc cho người hay nhảy việc như thế nào?
 
2. Mục tiêu nghề nghiệp
 
Như đã nhắc đến trước đó, bởi vì bạn có "lịch sử" nhảy việc thường xuyên nên cần tận dụng các phần trong CV để khẳng định quyết tâm rằng bạn sẽ gắn bó ở công ty mới, cống hiến các giá trị tích cực, ý nghĩa. Mục tiêu kinh nghiệm trong CV xin việc cho người hay nhảy việc chính là một phần như thế.
 
Mục tiêu nghề nghiệp cũng giống như phần khẳng định bản thân, sự kiên định và đam mê với công việc. Bạn nên viết sao cho ngắn gọn nhưng ấn tượng nhưng nên tránh viết theo kiểu bao gồm cả kinh nghiệm, ví dụ: "Kinh nghiệm 3 tháng làm nhân viên sales tại..." vì chỉ làm lộ điểm yếu. Thay vào đó, bạn hãy thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng, mục tiêu hiện tại của mình, chẳng hạn như: Được gắn bó lâu và làm việc lâu dài, phấn đấu để thăng chức, được tăng lương.
 
Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ mục tiêu đó nên gắn với nghề nghiệp hiện tại, sẽ không hay nếu bạn ứng tuyển nhân viên nhân sự mà mục tiêu lại là làm giám đốc kinh doanh.
 
Gợi ý (vị trí Chuyên viên marketing):
  • Sớm thích nghi, hòa nhập trong môi trường văn hóa công ty năng động, sáng tạo, có thể gắn bó lâu dài.
  • Đóng góp nhiều ý tưởng mới mẻ trong tiếp thị, được tham gia nhiều chiến dịch marketing lớn; học sâu hơn về digital marketing.
  • Thăng tiến lên leader sau 2 năm làm việc tại công ty.
3. Kinh nghiệm
 
Nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm nhất đến kinh nghiệm của ứng viên. Ngay cả khi tuyển fresher (sinh viên mới ra trường), họ cũng muốn thấy bạn có trải nghiệm thực tập, làm CTV, làm part-time ở đâu đó. Tuy nhiên, trong CV xin việc cho người hay nhảy việc thì kinh nghiệm cũng có thể là phần khiến bạn mất điểm nếu không điều chỉnh khéo léo. Một số gợi ý của Cevn để bạn viết thật tốt phần này là:
  • Không đề cập tới tất cả kinh nghiệm làm việc:
​Nếu bạn làm việc 2 năm tại một công ty, tiếp đó là 2 tháng tại công ty khác, rồi đến 6 tháng, 1 năm,... bạn không cần đề cập đến khoảng thời gian 2 tháng kia. Khi phát hiện thấy khoảng trống trong CV, nhà tuyển dụng sẽ hỏi lại và bạn hoàn toàn có thể giải thích rằng bạn dành 2 tháng để nghỉ ngơi hoặc trải nghiệm, học những điều mới mẻ.
 
Đồng thời, bạn cũng hãy xem xét bỏ qua các công việc không liên quan tới chức danh bạn muốn ứng tuyển hoặc những vị trí bạn đã làm từ quá lâu và không có giá trị tham khảo. Cho dù bạn thường xuyên nhảy việc, không có nghĩa là bạn cần liệt kê tất cả các mốc thời gian quá ngắn ngủi. Điều đó chỉ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy nghi ngờ nhiều hơn.
  • Tìm cơ hội kết hợp các công việc trong quá khứ lại với nhau:
Bạn đã làm việc như một nhân viên chăm sóc khách hàng trong một thời gian ngắn, rồi nhảy việc sang làm nhân viên kinh doanh vài tháng tiếp theo? Hãy nhóm các công việc này lại với nhau. Chiến lược này cũng vô cùng hữu ích cho những người làm việc tự do hoặc những người làm việc trong các lĩnh vực có tính chất xu hướng, không ổn định.
  • Trình bày rõ lý do nhảy việc, đặc biệt trong trường hợp bạn không tự nguyện:
Nếu bạn nhảy việc vì công ty phá sản, tái cấu trúc,... hãy viết rõ trong CV vì điều này cho phép nhà tuyển dụng biết được chính xác tại sao bạn phải chuyển đổi. Nếu không, họ có thể nghĩ rằng bạn là người không kiên nhẫn hoặc ngay lập tức ra đi vì các vị trí có mức lương cao hơn,...
  • Liệt kê kinh nghiệm làm việc theo năm thay vì theo tháng:
Thông thường, CV xin việc của mọi người hay đề cập cụ thể đến các mốc thời gian, ví dụ như "Từ tháng 8/2016 đến tháng 5/2019: Nhân viên kinh doanh tại công ty [tên công ty],... Tuy nhiên, vì bạn thường xuyên nhảy việc, bạn chỉ nên liệt kê theo năm. Cách này sẽ làm cho những trải nghiệm của bạn có vẻ diễn ra trong thời gian dài hơn.
  • Đề cập đến những gì bạn đã học được trong các công việc trước đó, bao gồm thành tích nổi bật:
Một trong những mối lo ngại của nhà tuyển dụng là nhân viên sẽ nhảy việc trước khi có những đóng góp giá trị cho công ty, chính xác hơn là trước khi bù được khoản chi phí tuyển dụng và đào tạo. Do vậy, với lập trường của một ứng viên thường xuyên chuyển chỗ làm, bạn cần chứng minh được rằng mình sẽ xứng đáng với những gì mà công ty đã đầu tư.
 

Hướng dẫn viết Kinh nghiệm làm việc trong CV xin việc cho người hay nhảy việc
 
4. Học vấn
 
Trong CV xin việc cho người hay nhảy việc, phần học vấn cũng giống như CV thông thường, viết tên trường, niên khóa, ngành học (hoặc lớp - nếu bạn tốt nghiệp THPT), xếp loại. Với những ai đã ra trường từ lâu thì phần GPA (điểm trung bình) có thể bỏ qua. Bạn nên ghi bằng cấp cao nhất của mình (hoặc trung cấp - cao đẳng - đại học - thạc sĩ nếu bạn học liên thông, học lên cao). Trường hợp có bằng cấp chuyên nghiệp, bạn hãy tránh nhắc tới bằng THCS hay THPT vì không cần thiết.
 
Gợi ý: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (9/2014 - 6/2018)
  • Ngành: Báo chí và Truyền thông
  • Xếp loại: Giỏi.
5. Kỹ năng
 
Kỹ năng là một phần quan trọng khác cần được làm nổi bật trong CV xin việc cho người hay nhảy việc. Đặc biệt, những bạn có thể viết này thật tốt có thể sẽ "bù đắp" được thiếu sót trong phần kinh nghiệm. Sẽ không phải là một vấn đề lớn cho dù bạn chuyển việc nhiều nhưng đổi lại thành thạo được rất nhiều kỹ năng hữu ích cho công việc ứng tuyển ở hiện tại.
 
Dĩ nhiên, phần kỹ năng trong CV xin việc sẽ được viết tùy theo mức độ thành thạo của từng cá nhân, điều chỉnh theo từng vai trò, lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, bạn ứng tuyển nhân viên bán hàng thì kỹ năng mềm sẽ quan trọng, trong khi giáo viên sẽ cần kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền đạt. Viết nội dung này, bạn nên trung thực và ưu tiên kỹ năng bạn tự tin nhất, đồng thời bạn nghĩ rằng đó là kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên.
 
Gợi ý (vị trí Nhân viên biên tập nội dung website):
  • Kỹ năng viết tiếng Anh và tiếng Việt.
  • Kỹ năng biên tập nội dung.
  • Kỹ năng đánh máy nhanh, chính xác.
  • Kỹ năng photoshop, chỉnh sửa ảnh và video.
  • Kỹ năng SEO.

Những kỹ năng cần có trong CV xin việc cho người hay nhảy việc
 
6. Sở thích
 
Trong CV xin việc cho người hay nhảy việc, sở thích là một phần bổ sung nhưng có thể giúp bạn thể hiện bản thân theo cách tích cực hơn. Thậm chí, bạn có thể thông qua nội dung ngắn gọn này để chứng minh rằng, bạn có thể hay nhảy việc nhưng bản chất của bạn không phải người không thể gắn bó, chỉ vì những lý do khác nhau khiến bạn buộc phải chuyển đi mà thôi
 
Sở thích của mỗi người sẽ không giống nhau nhưng bạn nên viết vào CV 2 - 4 sở thích phản ánh đúng con người bạn và tốt nhất là qua đó, nhà tuyển dụng phát hiện bạn có một số tố chất phù hợp với vai trò ứng tuyển.
 
7. Hoạt động
 
Vai trò của phần hoạt động trong CV xin việc cho người hay nhảy việc cũng tương tự như sở thích, chủ yếu là giúp ứng viên thể hiện mặt năng động, đam mê của bản thân, nét tính cách hướng ngoại hay hướng nội, thích giúp đỡ người khác... Vì thế, nếu bạn đã từng, đang có nhiều trải nghiệm trong các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, tình nguyện, thiện nguyện... thì hãy tự tin viết trong CV của mình nhé. Nếu đã đi làm trên 5 năm thì bạn có thể bỏ qua các hoạt động ở trường đại học.
 
8. Tham chiếu
 
Đây lại là một phần "khó nhằn" khác trong CV xin việc cho người hay nhảy việc. Thời gian làm việc của bạn quá ngắn ngủi, có thể có một vài "vấn đề", bất đồng với người giám sát, quản lý cũ. Lúc này, chọn ai là người tham chiếu, xác định ai là người sẵn sàng chứng thực thông tin cho bạn chắc chắn là không dễ.
 
Bạn nên chọn 1, 2 người tham chiếu là sếp trong các công việc bạn làm được lâu nhất và có quan hệ tốt với họ. Đừng quên hỏi ý kiến họ trước khi chia sẻ tên tuổi, chức danh và cách thức liên hệ trong CV nhé.
 
Đặc điểm của 2 phần chứng chỉ và giải thưởng trong CV là ứng viên chỉ viết được đầy đủ khi bạn thực sự đã học, thi được chứng chỉ, có được các giải thưởng về học tập, hoạt động,... Với người hay nhảy việc, có các chứng chỉ ngoại ngữ, chuyên ngành, kỹ năng mềm hay giải thưởng sẽ giúp bạn có thêm cơ hội được nhận công việc vì có thể chứng minh năng lực xuất sắc trong lĩnh vực. Nếu không có thông tin, bạn nên ẩn các nội dung này khỏi CV.
 

Làm thế nào để viết CV cho người hay nhảy việc chuyên nghiệp?
 
V. Lưu ý khi viết CV xin việc cho người hay nhảy việc
 
Ngoài những gợi ý, lời khuyên kể trên, khi viết CV xin việc, người hay nhảy việc cũng nên:
  • Gửi kèm thư xin việc, portfolio (nếu có) để giải thích rõ ràng lý do vì sao bạn thường xuyên chuyển việc, thể hiện năng lực qua các "sản phẩm" cụ thể trong portfolio.
  • Soát lỗi để đảm bảo CV không có lỗi sai cơ bản (chính tả, ngữ pháp, diễn đạt, sai thông tin...). Với ứng viên thông thường, CV có lỗi đã bị đánh giá thấp, với người hay nhảy việc thì việc phạm lỗi có thể khiến đánh giá tiêu cực về bạn càng "khuếch đại" lên, cho thấy bạn không nghiêm túc với mọi việc.
Nhảy việc là quyết định cá nhân của mỗi người, đôi khi là vì bạn không còn lựa chọn nào khác, tuy nhiên, hãy cân nhắc thật kỹ. Dù lý do của bạn là gì thì hay nhảy việc vẫn là không tốt, cản trở con đường sự nghiệp của bạn, đồng thời khó để bạn tích lũy kinh nghiệm, phát triển bản thân và đạt được những thành công trong nghề. Trừ trường hợp bất khả kháng, các môi trường quá tiêu cực, công ty phải ngừng hoạt động, phá sản..., còn nếu không, bạn nên cố gắng gắn bó và thử thách bản thân để có tiến xa về sau.
 
Ứng viên hay nhảy việc vẫn bị cho là sẽ khó tìm việc làm mới do nhà tuyển dụng nào cũng có phần nghi ngại về bạn - không ai biết bạn có thể làm việc bao lâu rồi lại đột xuất xin nghỉ việc. Mặc dù vậy, nếu có thể cho thấy các thế mạnh và lời cam kết qua CV xin việc cho người hay nhảy việc, chắc chắn bạn vẫn luôn có cơ hội mới.
Số lượt đọc: 359 -