• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

152945
Tổng số truy cập:152945
Khách đang online: 309
Hội chứng tự ti Imposter Syndrome là gì? Liệu có ảnh hưởng tới công việc?
Ngày đăng tin: 23/11/2022 14:45

Imposter Syndrome có thể hiểu đơn giản là việc một người luôn cảm thấy mình kém cỏi, không xứng đáng với một điều gì đó tốt đẹp. Nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, hội chứng này tạo ra rất nhiều tác động tiêu cực tới công việc và cuộc sống.

Nhiều người cho rằng Imposter Syndrome (hội chứng "kẻ mạo danh") cũng chỉ là một hình thức khác của khiêm tốn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Nếu như khiêm tốn khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thì Imposter Syndrome lại cản trở cuộc sống của bạn, cả trong cuộc sống và công việc. Và nếu như không được nhận thức kịp thời, nó thậm chí sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
 

Những điều cần biết về hội chứng "kẻ mạo danh"
 
I. Imposter Syndrome là gì?
 
Imposter Syndrome là cảm giác bản thân không xứng đáng với những gì mình đã đạt được. Người mắc hội chứng này luôn cảm thấy họ không hề tài giỏi hoặc có năng lực như mọi người vẫn nghĩ. Không chỉ vậy, mỗi ngày họ còn phải sống nỗi sợ hãi rằng mọi người sẽ phát hiện ra con người thật của mình.
 
II. Nguyên nhân của Imposter Syndrome là gì?
 
Mặc dù những người đạt được nhiều thành công hay theo chủ nghĩa hoàn hảo có tỷ lệ mắc Imposter Syndrome cao hơn người bình thường nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta đều phải trải qua hội chứng này ít nhất 1 lần trong đời.
 
Cụ thể, khi bạn chú ý quá nhiều tới thành bại trong công việc thì khả năng mắc Imposter Syndrome là rất cao. Tương tự, những người quá tự ti, luôn cho rằng thành công mình đạt được là nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài cũng dễ mắc phải hội chứng này.
 
III. Imposter Syndrome tại nơi làm việc
 
Hội chứng Imposter Syndrome đặc biệt phổ biến tại nơi làm việc. Một số ví dụ của Imposter Syndrome trong công việc có thể kể đến như:
 
"Do mình may mắn thôi"
 
Nếu bạn luôn cho rằng mọi thành tích đạt được là nhờ may mắn thay vì sự quyết tâm và cố gắng của bản thân thì có lẽ nỗi sợ không gặt hái được thành quả tương tự đang lớn dần trong bạn. Việc cho rằng thành tích bản thân có được là nhờ may mắn sẽ giảm bớt áp lực mặc cảm nếu bạn không thể hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo.
 
"Mọi người đều giỏi hơn mình"
 
Khi nhìn xung quanh, bạn luôn cảm thấy mình thua kém đồng nghiệp. Dường như họ đang làm rất tốt vai trò của mình, thậm chí ngay từ lần đầu tiên và sau nhiều lần được sếp khen ngợi.
 
"Mình tuyệt đối không thể thất bại"
 
Bạn lo lắng rằng nếu thất bại, mọi người sẽ phát hiện ra mình không hề có năng lực như họ vẫn nghĩ. Ngược lại, khi thành công, bạn không thể tận hưởng niềm vui một cách trọn vẹn.
 
"Tôi thích làm việc một mình" hay "Tôi không cần trợ giúp"
 
Bạn luôn cảm thấy mình phải tự hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao vì lo sợ rằng nhận trợ giúp là dấu hiệu của việc bạn không đủ năng lực như mọi người tưởng.

IV. Imposter Syndrome khi đi xin việc
 
Hội chứng này thậm chí còn làm chệch hướng mọi nỗ lực của bạn trong suốt thời gian chuẩn bị ứng tuyển. Cụ thể, khi đọc được bản tin tuyển dụng và biết bản thân có thể đáp ứng yêu cầu công việc nhưng nỗi sợ vô hình nào đó lại ngăn bạn thử chạm tay vào vị trí mơ ước đó.
 
V. Cách khắc phục Imposter Syndrome
 
1. Thừa nhận sự tồn tại của nó
 
Khi có người chúc mừng hoặc ngợi ca bạn, hãy để ý tới cảm xúc lúc đó của bản thân như thế nào. Liệu bạn có tự hạ thấp thành công hay vẫn nghĩ đây là kết quả nhờ may mắn hoặc do công lao của người khác? Vì vậy, thử chấp nhận sự tồn tại của Imposter Syndrome và mau chóng tìm ra cách đối phó với nó chính là điều quan trọng nhất.
 
2. Tập trung vào bản thân
 
Imposter Syndrome còn xuất hiện khi bạn thường xuyên so sánh bản thân với người khác. Thậm chí nhiều người còn đặt mục tiêu phải luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách hoàn hảo.
 
Tuy nhiên, đây là điều gần như không thể. Do đó, thay vì lo lắng người khác đang làm việc như thế nào, tại sao không tự hỏi liệu mình của ngày hôm nay đã giỏi hơn mình của ngày hôm qua hay chưa? Không ngừng nỗ lực phát triển bản thân chính là giải pháp tốt nhất để nâng cao sự tự tin.
 

Làm thế nào để khắc phục hội chứng "kẻ mạo danh"?
 
3. Dám thất bại
 
Học cách thay đổi tư duy từ "nhất định phải thành công" sang "dám thất bại" cũng có thể giúp bạn thoát khỏi hội chứng này. Thay vì lo sợ làm rối tung mọi chuyện, hãy coi mỗi lần thất bại là cơ hội tích lũy kinh nghiệm và nhắc nhở bản thân lần sau cần cố gắng hơn nữa.
 
4. Đứng lên từ thất bại
 
Hiếm ai có thể làm tốt mọi việc ngay từ lần thử sức đầu tiên. Đôi khi bạn sẽ phải mất nhiều năm để đạt được mục tiêu nào đó. Điều này không có gì đáng xấu hổ cả. Học hỏi và đứng lên từ thất bại chỉ là một phần của quá trình trưởng thành mà thôi.
 
Cảm giác lo lắng và tự ti là điều hoàn toàn có thể xảy ra tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu để chúng biến thành Imposter Syndrome và ảnh hưởng tới công việc là rất đáng quan ngại. Vì vậy, tìm ra nguyên nhân và học cách vượt qua hội chứng này sẽ mở ra một chương mới tươi sáng hơn, nơi bạn có thể thoải mái tận hưởng thành công do chính mình đạt được.
Số lượt đọc: 291 -