• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

60277
Tổng số truy cập:60277
Khách đang online: 108
Trả lời phỏng vấn Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?
Ngày đăng tin: 18/05/2022 10:21

Không có bất kỳ một kịch bản hay list danh sách các câu hỏi chính xác nào cho mỗi cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên các câu hỏi dạng như "Bạn muốn thấy mình ở đâu sau 5 năm?" hay "Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?", ..., chắc chắn "100%" nhà tuyển dụng sẽ hỏi.

 
Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt ra các câu hỏi liên quan đến mục tiêu này trong buổi phỏng vấn thực chất là để đánh giá liệu ứng viên đã xây dựng cho mình lộ trình sự nghiệp rõ ràng và liệu có cam kết gắn bó với công ty lâu dài hay không. Hiểu được điều này sẽ giúp ứng viên biết cách trả lời câu hỏi "thông minh".
 

Kỹ năng trả lời phỏng vấn về mục tiêu nghề nghiệp chuyên nghiệp
 
I. Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
 
Mục tiêu nghề nghiệp được định hướng là mục tiêu, thành công bạn muốn đạt được từ công việc, nghề nghiệp của mình. Mục tiêu là đích đến, là định nghĩa thành công mà bạn theo đuổi từ khi tham gia thị trường việc làm. Mỗi cá nhân sẽ đặt ra những mục tiêu nghề nghiệp khác nhau, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
  • Trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm hiện tại.
  • Sở thích, đam mê trong thời điểm xác định mục tiêu.
  • Giá trị quan của cá nhân đó.
  • Đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực, xu hướng thị trường.
  • Khả năng cạnh tranh trên thị trường việc làm, cạnh tranh trong công việc.
Có thể chia mục tiêu nghề nghiệp nói chung thành: Mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều sẽ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Xác định đúng mục tiêu sự nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho chính bạn vì bạn sẽ có thể:
  • Có động lực phấn đấu.
  • Quản lý tốt thời gian.
  • Tự tin và tương tác hiệu quả hơn trong công việc.
  • Kiên định và quyết tâm, trở nên xuất sắc hơn.
II. Mục đích nhà tuyển dụng hỏi về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
 
Trọng tâm hay mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt ra câu hỏi phỏng vấn "Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?" có thể là khác nhau. Tuy nhiên theo các chuyên gia nhân sự của Cevn, mục đích cuối cùng của nhà tuyển dụng là muốn thông qua câu trả lời để đánh giá và có thêm thông tin về ứng viên.
 
Cụ thể, một mặt nhà tuyển dụng có thể xác định ứng viên đó có phù hợp với định hướng của công ty không. Mặt khác họ có thể dựa vào đó để dự đoán mức độ và cam kết gắn bó. Liệu ứng viên có muốn gắn bó lâu dài với công việc hay công ty không, hay chỉ là "tạm bợ", coi công việc này như "bước đệm" trong sự nghiệp.
 
Mục đích quan trọng hơn cả là nhà tuyển dụng có thể hiểu được về tham vọng, lộ trình sự nghiệp của ứng viên. Một ứng viên biết rõ về niềm yêu thích, biết mình muốn gì ở công việc và cần làm gì để đạt được sẽ tự có động lực và cố gắng không ngừng. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng thông qua đáp án ứng viên đưa ra có thể sắp xếp nhiệm vụ, hỗ trợ tốt hơn cho các dự án tương lai để tận dụng tài năng.
 

Nhà tuyển dụng hỏi về Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn nhằm mục đích gì?
 
III. "Số lượng" mục tiêu nên chia sẻ là bao nhiêu?
 
Mỗi một ứng viên có thể đặt ra cho mình nhiều mục tiêu nghề nghiệp khác nhau trong công việc. Tuy nhiên việc trình bày hay chia sẻ tất cả các mục tiêu này trong buổi phỏng vấn có thể tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác rằng ứng viên vẫn còn đang rất mơ hồ và mông lung.
 
Mặc dù không giới hạn số lượng mục tiêu nghề nghiệp, xong lý tưởng nhất, với mục tiêu ngắn hạn chỉ nên đề cập từ 1 - 3 mục tiêu và mục tiêu dài hạn từ 1 - 2 mục tiêu là đủ.
 
IV. Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn​
 
Không phải chỉ cần đã biết mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì thì bạn đã có thể nói đến trong tất cả các cuộc phỏng vấn, với tất cả các nhà tuyển dụng. Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn bao gồm cả một quy trình và nhiều lưu ý, tiêu chuẩn bạn nên thực hiện.
 
4.1. Chuẩn bị
 
Giai đoạn chuẩn bị giúp bạn hệ thống lại thông tin dự định trao đổi và thể hiện trong phỏng vấn, không chỉ với mục tiêu nghề nghiệp mà với cả các câu hỏi khác hay gặp. Để chuẩn bị cho câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, bạn sẽ cần:
  • Liệt kê mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân.
  • Đánh giá xem mục tiêu nào phù hợp với công ty (bằng cách tìm hiểu thêm thật nhiều thông tin về công ty qua website, fanpage, sản phẩm, các bài đánh giá khách quan, hình ảnh truyền thông trên báo chí).
  • Điều chỉnh CV (phần mục tiêu nghề nghiệp/ mục tiêu công việc) và thư xin việc để đồng nhất nội dung.
  • Chuẩn bị trước tâm lý rằng nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ hỏi đến mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn hoặc cả 2 trong phỏng vấn. Suy nghĩ này sẽ đảm bảo bạn không bị bất ngờ hoặc thất thố khi nghe câu hỏi.
4.2. Thời điểm phù hợp để nói về mục tiêu
  • Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, sẽ có một số thời điểm thích hợp để nói đến mục tiêu nghề nghiệp (chủ động hoặc bị động - tự nói hay khi được hỏi), đó là:
  • Trong lời giới thiệu bản thân: Đây là cơ hội tốt để bạn tự thể hiện mình - cách bạn nhìn nhận về chính mình và nhấn mạnh vào điểm khác biệt, tài năng, thế mạnh giúp phân biệt và cạnh tranh với người khác. Thay vì máy móc lặp lại thông tin trong CV (không tạo được ấn tượng tốt), bạn hãy giới thiệu mình bằng điểm nổi bật và mục tiêu nghề nghiệp thu hút sự chú ý quan tâm của nhà tuyển dụng.
  • Khi nhà tuyển dụng hỏi: Dĩ nhiên, khi nhà tuyển dụng hỏi đến mục tiêu nghề nghiệp của bạn bằng các câu hỏi như "Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?", "Bạn nghĩ mình sẽ ở đâu sau 5 năm nữa?", "Bạn muốn đạt được gì từ công việc này?",... thì đã đến lúc bạn nói về mục tiêu của mình.

Mục tiêu nghề nghiệp được đề cập khi nào trong phỏng vấn?
4.3. Nguyên tắc trình bày về mục tiêu nghề nghiệp
 
Để trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong phỏng vấn việc làm, bạn hãy nhớ và vận dụng các nguyên tắc sau:
  • Mục tiêu phải trung thực: Đầu tiên và quan trọng nhất, những mục tiêu bạn nói phải chắc chắn là mục tiêu mà chính bản thân bạn đề ra chứ không phải mục tiêu đi "sao chép" của người khác, bởi sau tất cả, khi đã trúng tuyển bạn sẽ làm việc để hướng tới mục tiêu và nếu không hướng đến điều bạn đã chia sẻ thì sẽ không hợp lý.
  • Mục tiêu có tính liên kết với nhau: Tính logic và liên kết rất quan trọng trong công việc nói chung và các mục tiêu của bạn cũng vậy. Các mục tiêu ngắn hạn thực chất sẽ hướng tới mục tiêu dài hạn. Hiểu đơn giản như sau: Bạn muốn làm việc ở công ty để phát triển bản thân, đóng góp giá trị thực tiễn, được tăng lương và thăng chức, khi kỹ năng và kinh nghiệm đạt được một mức nhất định thì bạn có thể được cất nhắc lên các vai trò quản lý cấp cao hơn, có danh tiếng trong công ty/ tập đoàn/ ngành nghề. Cùng với đó, bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên IT thì mục tiêu dài hạn của bạn có thể là trở thành trưởng phòng IT, thay vì thăng tiến lên vai trò giám đốc nhân sự.
  • Mục tiêu liên quan tới bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng: Tùy vào thời điểm, năng lực và các yếu tố cá nhân khác, bạn sẽ đảm bảo mục tiêu liên quan tới chuyên môn, kinh nghiệm và thế mạnh kỹ năng ở hiện tại.
  • Mục tiêu có khả năng đạt được, gắn với công ty: Như đã đề cập, mục tiêu nghề nghiệp mà bạn nói trong phỏng vấn phải có khả năng đạt được và đo lường được, đồng thời nhằm đóng góp cho công ty phát triển.
  • Thể hiện quyết tâm gắn bó với công ty: Một lưu ý khác cho bạn là có thể nhấn mạnh rằng nếu phù hợp và được công ty tạo điều kiện, bạn muốn được gắn bó và phát triển ở môi trường chuyên nghiệp như công ty, trở thành một nhân tố quan trọng...
  • Giải thích về mục tiêu, kèm theo kế hoạch thực hiện (nếu có).
V. Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn nào KHÔNG nên đề cập đến?
 
Trả lời phỏng vấn về mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn, có những mục tiêu bạn nên nói nhưng cũng có các mục tiêu bạn không bao giờ được đề cập nếu không muốn nhà tuyển dụng phản cảm.
  • Đặt mục tiêu "trên trời", phi thực tế: Các mục tiêu mà bạn chỉ đang tưởng tượng hoặc ảo tưởng ra, không dựa trên những phân tích và cân nhắc về năng lực, kinh nghiệm của mình sẽ khiến bạn trở nên "không biết mình biết ta" hoặc "ngông cuồng", "phi thực tế" trong cách nhìn nhận của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, cũng có các mục tiêu có phần "ngớ ngẩn" dù bạn hoàn toàn trung thực - bởi vì nó không thể hiện sự khôn khéo của bạn, ví dụ như: Kiếm tiền nhiều hơn; tích lũy mối quan hệ để tự khởi nghiệp; "chiếm lấy" vị trí CEO hiện tại; làm cho biết và sẵn sàng đổi nghề sau này; tìm người yêu, bạn đời ở môi trường mới,...
  • Mục tiêu không liên quan tới công ty: Sẽ thật kỳ quặc nếu bạn chia sẻ về các mục tiêu ở tận "đâu đâu" không liên quan gì tới công ty. Ví dụ, bạn ứng tuyển vào công ty phân phối thực phẩm nhưng mục tiêu là trở thành nhân viên bán ô tô hay làm việc trong tập đoàn kinh doanh dịch vụ vận tải.
  • Mục tiêu nghề nghiệp quá "an toàn": Các mục tiêu dễ dàng đạt được hoặc thậm chí không được coi là mục tiêu phấn đấu như "làm việc tốt", "kết giao bạn bè" hoặc "yên phận thủ thường" thì đều không thể hiện đam mê, tham vọng thăng tiến, phát triển. Khi không tự có mục tiêu hướng tới, không tham vọng thì một cá nhân khó mà làm hết sức và đột phá giới hạn của mình.
  • Tất cả các mục tiêu đều là học hỏi: Tinh thần cầu tiến, không ngừng hoàn thiện bản thân là tốt nhưng chắc chắn, nhà tuyển dụng không muốn thuê bạn chỉ để tạo cho bạn cơ hội học hỏi. Bạn cần cho thấy giá trị của mình, cần làm việc hiệu quả để công ty phát triển, vì thế đừng chỉ viết/ nói về mục tiêu nghề nghiệp là học.
  • Mục tiêu không cân bằng với cuộc sống của bạn: Có thể bạn cảm thấy mục tiêu mình đặt ra là hợp lý và cho thấy bạn là một người dành hết tâm sức cho công việc, như vậy thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao. Tuy vậy, ngày nay các doanh nghiệp đang coi trọng sự tự cân bằng của nhân viên, nghĩa là những ai biết cân bằng trong cuộc sống - công việc sẽ có tiềm năng tiến xa hơn. Trong khi đó, nếu lệch hẳn về một phía, bạn có thể chỉ làm tốt ở lúc ban đầu, sau đó sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan từ cuộc sống.

Những mục tiêu cần tránh nói đến khi phỏng vấn
 
VI. Mẫu trả lời phỏng vấn về mục tiêu ngắn hạn, dài hạn
 
6.1. Ứng viên chưa có kinh nghiệm
 
Đặc điểm của ứng viên chưa có kinh nghiệm là bạn chưa có nhiều "vốn liếng" nên mục tiêu cần khiêm tốn (nhưng cũng không nên quá tự ti, nói các mục tiêu vô nghĩa).
  • Mục tiêu ngắn hạn: "Khi sắp tốt nghiệp, em đã suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều về các mục tiêu mình có thể hướng tới để phát triển sự nghiệp lâu dài. Với bằng đại học chuyên ngành [tên ngành], kinh nghiệm thực tập ở một công ty quy mô trong ngành, em đặt mục tiêu ngắn hạn cho mình là tìm được việc làm ở môi trường chuyên nghiệp, có danh tiếng tốt như công ty mình, sau đó nhanh chóng thích nghi và học hỏi để phát triển chuyên môn và các kỹ năng hợp tác, giải quyết vấn đề. Em sẽ cố gắng hết sức mình để có thể trở thành một trưởng nhóm xuất sắc sau 2 năm nữa".
  • Mục tiêu dài hạn: "Về lâu dài, em hiểu rằng trong một ngành nghề cạnh tranh như [tên nghề nghiệp của bạn], không ai có thể phát triển nếu dậm chân tại chỗ. Sau khi ổn định công việc, em sẽ theo học một khóa [tên khóa học liên quan tới chuyên ngành, nghề nghiệp của bạn] để phát triển kỹ năng [tên kỹ năng] và có chứng chỉ. Em tin rằng sự chuẩn bị, liên tục học hỏi sẽ giúp em đi đường dài. Dĩ nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của em sẽ là đạt được các thành tích tốt, hoàn thành những nhiệm vụ, kế hoạch, dự án mà công ty tin tưởng giao phó, sau đó có cơ hội thăng tiến lên trưởng phòng sau khoảng 5 - 6 năm tới".
6.2. Ứng viên có ít kinh nghiệm
 
Thực tế, có kinh nghiệm dù ít thì bạn vẫn có thể có căn cứ, cơ sở để đặt ra những mục tiêu hợp lý, thúc đẩy bản thân cũng như tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, thể hiện được định hướng và tham vọng của bạn.
  • Mục tiêu ngắn hạn: "Qua 2 năm làm việc trong vai trò [tên công việc bạn đã/ đang làm], tôi nhận ra rằng đây chính là lĩnh vực dành cho mình. Tôi có các kiến thức và kỹ năng thành thạo cùng khả năng công nghệ thông tin để bắt kịp xu hướng thị trường nhanh nhất và bước đầu đạt được thành tích trong công việc - 2 năm liền là nhân viên xuất sắc. Trong khoảng 1 - 2 năm nữa, tôi đặt mục tiêu mà tôi tự tin sẽ đạt được, đó là chứng minh năng lực ở môi trường mới, tạo ra những thành tựu ý nghĩa cho công ty và trở thành cửa hàng trưởng/ quản lý chi nhánh (hoặc các vai trò khác tùy công việc của bạn)".
  • Mục tiêu dài hạn: "Tôi dùng kinh nghiệm của mình để chắc chắn rằng mình sẽ gắn bó với sự nghiệp này đến cuối cùng vì tôi thực sự yêu thích công việc, luôn muốn làm tốt nhất có thể vì tôi biết những gì mình theo đuổi là ý nghĩa. Thành công có được những thành tích tốt, hoàn thành và vượt KPI cũng như các trách nhiệm khác của một nhân viên gương mẫu của công ty là mục tiêu của tôi, đồng thời, tôi sẽ học để phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý ngân sách, điều phối để sau khoảng 7 năm nữa sẽ có thể thăng tiến lên vai trò quản lý và đóng góp nhiều hơn nữa cho công ty, nơi đã tin tưởng và đào tạo, hỗ trợ cho tôi".

Tham khảo câu trả lời mẫu mục tiêu nghề nghiệp cho người ít kinh nghiệm
 
6.3. Ứng viên nhiều kinh nghiệm
 
Khi đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, bạn có thể tự tin nói về mục tiêu thăng tiến, xây dựng danh tiếng cá nhân, nhưng lưu ý là lúc này hãy tránh tuyệt đối trả lời phỏng vấn bằng các mục tiêu học hỏi. Cho dù "sự học là trọn đời" nhưng điều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên có kinh nghiệm là sự thành thạo, năng lực có thể chủ động trong công việc và dẫn dắt các thành viên ít kinh nghiệm hơn.
  • Mục tiêu ngắn hạn: "Tôi tự tin vào năng lực chuyên môn/ tay nghề của mình với kinh nghiệm làm việc từ trước tới nay. Vì thế, trong vai trò mới, tôi kỳ vọng sẽ được đánh giá đúng năng lực, thể hiện tài năng, nhanh chóng hòa nhập và tham gia và trở thành nhân sự nòng cốt, dẫn dắt và hỗ trợ đào tạo nhân sự trong nhóm. Mục tiêu trước mắt của tôi là có thể ghi dấu ấn cá nhân qua các thành tích đóng góp giá trị, hướng tới mục tiêu chung của công ty, từ đó có thể bắt đầu tiếp cận vị trí quản lý sau khoảng 2 - 3 năm tới".
  • Mục tiêu dài hạn: "Từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình tới nay, tôi chưa bao giờ thay đổi mục tiêu dài hạn của mình, đó là trở thành một quản lý cấp cao có chuyên môn, có năng lực quản lý, lãnh đạo những đội ngũ nhân sự tài năng để thực hiện những kế hoạch chiến lược, mang ý nghĩa chiến lược với tốc độ tăng trưởng của công ty. Ứng tuyển vào công ty với số năm kinh nghiệm và thành tích, giải thưởng như tôi đã đề cập trong CV, tôi tin rằng khoảng từ 7 - 10 năm tới tôi sẽ thực hiện được mục tiêu của mình".
Nói về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong phỏng vấn là cơ hội để bạn thể hiện mình như một ứng viên đáng tin cậy, biết rõ những gì mình muốn và kiên định hướng tới thành công. Vận dụng ngay các bí quyết Cevn vừa chia sẻ để chinh phục nhà tuyển dụng và trúng tuyển bạn nhé!
Số lượt đọc: 740 -