Cách đưa thành tích, số liệu vào CV xin việc
Ngày đăng tin: 12/05/2022 10:45
Kết quả ứng tuyển việc làm của bạn tốt hay tệ trước hết sẽ phụ thuộc vào CV xin việc bạn viết và các thành tích, số liệu bạn có. Thế nhưng, làm sao để trình bày phần thành tích trong CV xin việc khéo léo và thuyết phục thì cần có chiến lược thông minh.
Đưa thành tích vào CV sẽ đảm bảo CV của bạn đáng tin cậy, tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng. Điều quan trọng sẽ là phần nào nên có thông tin về thành tích, viết theo cách nào sẽ hiệu quả hơn. Cùng tìm hiểu cách làm nổi bật thông tin về thành tích, giải thưởng, bao gồm số liệu trong CV xin việc qua chia sẻ sau đây của Cevn bạn nhé!
CV xin việc muốn gây ấn tượng thì cần định lượng được thành tích cụ thể
1. Lý do nên đưa thành tích, số liệu vào CV xin việc
Định lượng thành thích là việc thống kê, đo lường những đóng góp của bạn ở công ty cũ qua các con số cụ thể. Ví dụ như nhân viên bán hàng, hiệu suất làm việc được đo lường qua doanh thu, lợi nhuận. Đối với giáo viên, thành tích của họ dựa vào kết quả bài kiểm tra, thi cử, lên lớp và vượt cấp.
CV xin việc có thành tích đo lường được sẽ giúp ứng viên:
- Thu hút nhà tuyển dụng ngay khi họ tiếp cận thông tin trong CV.
- Chứng minh được hiệu suất làm việc trong các kinh nghiệm trước đây.
- Trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
- Cạnh tranh hơn so với ứng viên khác (khi họ chỉ viết chung chung, còn bạn có số liệu rõ ràng).
- CV rõ ràng, đầy đủ thông tin mà không bị dài dòng do quá nhiều chữ.
Lưu ý: "Địa chỉ" phù hợp để bạn đưa thành tích vào CV sẽ là phần mục tiêu nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc.
2. Cách viết thành tích trong CV ấn tượng (khi không có số liệu chi tiết)
2.1. Diễn giải thành tích bằng cách kết hợp số liệu và ngôn ngữ
Không phải công việc nào cũng sẽ được đo lường bằng các con số cụ thể (ví dụ như lễ tân, nhân viên hành chính) - hoặc ở vai trò trước đây, bạn chưa đủ "thẩm quyền" để tiếp cận được với các đánh giá chi tiết về hiệu suất công việc. Đây là một thách thức vì chỉ viết là đã "làm tốt", tự nhận kết quả công việc của mình "xuất sắc" sẽ tạo cảm giác chưa đủ thuyết phục.
Với tình huống này, thực tế thì bạn vẫn có cách diễn đạt thành tích bằng ngôn ngữ thay vì con số, hoặc kết hợp với các con số rõ ràng nhất mà bạn có thể xác định. Ví dụ, trước đây bạn làm nhân viên hành chính, hiện tại ứng tuyển vai trò chuyên viên hành chính nhân sự thì có thể viết trong CV xin việc (phần kinh nghiệm) rằng: "Quản lý hoạt động hành chính, lễ tân tại văn phòng quy mô 50 nhân sự; hỗ trợ tuyển dụng, truyền thông nội bộ trong môi trường trẻ, năng động" - nghe thú vị và ấn tượng hơn đúng không nào?
Còn nếu bạn có số liệu rõ ràng như "tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng tiềm năng thành khách hàng đạt 55%", "tỷ lệ feedback tích cực đạt 95%" thì chỉ cần viết vào phần kinh nghiệm trong CV là hoàn thành.
2.2. Bao gồm thông tin về kinh nghiệm hướng dẫn, đào tạo
Khi bạn có thể chia sẻ kiến thức của mình với nhân viên cấp dưới hoặc làm việc trong các vai trò tư vấn khách hàng thì bạn nên trình bày các thành tích theo hướng tập trung vào chuyên môn và kiến thức bạn có. Điều này chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy giá trị của bạn.
Lưu ý, hãy nêu rõ bạn đã đào tạo, cố vấn hay dẫn dắt ai và họ đã cải thiện, tiến bộ như thế nào sau quá trình đào tạo. Ví dụ: "Đào tạo kỹ năng cho 15 nhân sự mới của vị trí nhân viên thu ngân siêu thị".
Những kinh nghiệm liên quan đến giảng dạy, đào tạo sẽ rất hữu ích trong CV xin việc
3. Chứng minh kỹ năng mềm qua kinh nghiệm và kết quả công việc
Bạn có kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) tốt? Các ứng viên khác cũng liệt kê như thế trong CV xin việc. Vậy làm sao để tạo sự khác biệt? Nếu bạn có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt? Hãy cố gắng liên kết phần kỹ năng với kinh nghiệm làm việc, ví dụ bạn làm việc ở vị trí nhân viên tổ chức sự kiện, viết ngắn gọn công việc chính, sau đó là bạn đã phát triển được kỹ năng gì và tham gia sự kiện lớn nhất với bao nhiêu người.
Những kết quả như giúp hoàn thành dự án đúng tiến độ, giải quyết được mâu thuẫn của đồng nghiệp trong công ty, kịp thời khắc phục được các lỗi trong công việc... là những kết quả nên được thể hiện trong CV xin việc.
Về cơ bản mọi công việc bạn làm đều có hiệu suất có thể đo lường - bằng các con số, phần trăm cụ thể hoặc bằng đánh giá chung từ quản lý, sự hài lòng của cách hàng. Những cách trình bày trên đây sẽ làm cho các thành tích thực sự tỏa sáng và chân thực, thuyết phục trong CV xin việc của bạn.