6 dấu hiệu của một bản CV xin việc đã quá cũ, cần update ngay
Ngày đăng tin: 10/05/2022 09:41
Theo thời gian, kinh nghiệm và kỹ năng của bạn sẽ thay đổi và để CV nổi bật, có giá trị, đáp ứng kỳ vọng của nhà tuyển dụng thì bạn phải chia sẻ thông tin mới nhất. Cập nhật CV là một bước bắt buộc ứng viên nào cũng cần làm để phát triển sự nghiệp.
Khi tìm kiếm cơ hội việc làm mới, việc tạo CV xin việc, thư xin việc là cần thiết nhưng vẫn có những trường hợp ứng viên dùng luôn một bản CV đã quá cũ. CV cũ có thể trở nên quá tệ bởi vì bạn chỉ bổ sung bằng cách liệt kê thêm các kinh nghiệm mới nhất mà không biết cách sửa, điều chỉnh lại để phù hợp với xu hướng và làm nổi bật lợi thế ở thời điểm hiện tại. Nếu CV của bạn có 1 hoặc một vài dấu hiệu sau đây, hãy update ngay nhé!
Khi nào cần cập nhật CV xin việc?
1. CV bị quá tải vì quá nhiều kinh nghiệm làm việc trong quá khứ
Bạn không cần phải liệt kê mọi vị trí đã từng đảm nhiệm, chỉ cần trình bày những vai trò liên quan, kinh nghiệm gần đây nhất - những kinh nghiệm có thể chứng minh rằng bạn có thể phù hợp với vị trí mới. Nếu bạn muốn đề cập đến các vai trò cách đây quá xa, chẳng hạn như 10 hoặc 15 năm trước, hãy cân nhắc cắt giảm nội dung và chỉ tập trung vào những thông tin hữu ích nhất.
Ví dụ, bạn đã có trên 10 năm làm việc nhưng 4, 5 năm đầu đều đảm nhiệm vai trò nhân viên bán hàng thì có thể viết gộp trong CV thành 1 kinh nghiệm duy nhất - nhân viên bán hàng tại các cửa hàng, siêu thị, mall,... Sau đó, CV của bạn sẽ nổi bật hơn bởi các kinh nghiệm làm giám sát bán hàng, cửa hàng trưởng,...
2. CV xin việc có quá nhiều chữ
Một dấu hiệu khác cho thấy đã đến lúc bạn cần update CV là khi thấy CV của mình "toàn chữ là chữ" - nguyên nhân là do có thể trong quá khứ bạn đã trình bày nội dung thông tin bằng các đoạn văn dài. Cách điều chỉnh CV ở đây là bạn nên chọn các mẫu CV online có thiết kế chuyên nghiệp, bố cục rõ ràng từng phần để CV cung cấp cho nhà tuyển dụng thông tin cần thiết nhanh nhất có thể.
Bên cạnh đó, khi viết nội dung CV hãy đảm bảo trừ phần mục tiêu nghề nghiệp (có thể viết bằng gạch đầu dòng hoặc đoạn 3, 4 câu) thì các nội dung đều phải trình bày bằng gạch đầu dòng, dài không quá 2 dòng. Bằng cách này, CV của bạn dù có dài tới 2 trang (khi ứng tuyển các vị trí leader, quản lý) thì cũng không rơi vào tình trạng rối mắt vì quá nhiều chữ.
3. CV quá dài tới mấy trang giấy
CV càng dài, cơ hội trúng tuyển của bạn càng xa - nguyên tắc này đúng với hầu hết các ứng viên ứng tuyển công việc văn phòng, vai trò cơ bản ở cấp độ đầu vào. CV dài thường là do bạn nhảy việc nhiều, có quá nhiều kinh nghiệm làm trong thời gian ngắn, không mấy liên quan; hoặc đơn giản vì bạn chưa biết cách chuẩn hóa CV nên phần nào cũng viết thành đoạn văn, "bôi" thông tin ra dài dòng; viết phần kỹ năng giải thích chi tiết bạn giỏi kỹ năng đó như thế nào,...
Nếu thấy CV của mình dài quá 1 trang thì đã cần xem lại rồi, và nếu dài trên 2 trang thì chắc chắn bạn phải update thông tin nhưng cắt ngắn đi, chỉ giữ lại thông tin đáng giá, nổi bật nhất giúp bạn gia tăng cơ hội trúng tuyển.
4. Trong CV cũ của bạn vẫn còn "địa chỉ nhà riêng"
Thực tế, ứng viên không cần phải cung cấp các địa chỉ riêng tư như số nhà. Quy tắc viết CV hiện tại chỉ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin liên hệ bao gồm tên, số điện thoại và email cá nhân. Các thông tin khác có thể đưa website/ blog cá nhân hay liên kết đến tài khoản mạng xã hội có thể có ích đối với một số nghề nghiệp, miễn là bạn có hình ảnh trực tuyến tích cực. Tuy nhiên, viết địa chỉ sẽ không cần thiết, nên tốt nhất khi update CV, bạn hãy bỏ đi để CV thoáng hơn.
CV xin việc lỗi thời có thể khiến ứng viên mất cơ hội có việc làm tốt
5. Trước đây bạn không viết Mục tiêu nghề nghiệp
Trước đây, khi thiết kế CV thì đều có phần "Tuyên bố cá nhân" hoặc "Tóm tắt" nhưng ngày nay đã được thay thế bằng "Mục tiêu nghề nghiệp". Khác với việc chọn một câu nói hay/ danh ngôn hay tóm tắt kinh nghiệm của bản thân, mục tiêu nghề nghiệp của bạn sẽ vừa thể hiện được đam mê, tham vọng, vừa có thể lồng ghép về kinh nghiệm, kỹ năng, học vấn và thành tích.
Cùng với đó, nhà tuyển dụng khi đọc mục tiêu nghề nghiệp trong CV sẽ dựa một phần vào đó để cân nhắc xem liệu bạn có phù hợp với mục tiêu, định hướng của công ty hay không cũng như khả năng thích nghi với môi trường mới.
6. Không có thông tin phần Tham chiếu
Trong những trường hợp vị trí công việc cần ký cam kết bảo mật hoặc các vai trò đặc thù, nhà tuyển dụng có thể sẽ rất cẩn thận kiểm tra thông tin ứng viên qua người tham chiếu. Do đó, nếu bạn không viết phần tham chiếu trong CV xin việc, có thể sẽ bị nhà tuyển dụng cho là CV bị thiếu thông tin cần thiết, thậm chí là họ có phần nghi ngại vì không biết vì sao bạn lại không chia sẻ thông tin về người có thể xác minh nội dung bạn viết trong CV.
Thị trường việc làm thay đổi, cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều cần thay đổi để thích nghi, ngay từ cách tạo và duyệt CV xin việc. Thường xuyên xem lại CV của mình, cập nhật thông tin mới, điều chỉnh hoặc bỏ thông tin đã "lỗi thời" sẽ giúp bạn tự tin ứng tuyển thành công.