Tiến độ công việc chậm trễ do nhân viên hay do sếp?
Ngày đăng tin: 26/02/2020 16:10
Đây là bài viết mang tính chất hai chiều nhằm giúp bạn – là một nhân viên, hay là một người sếp, mau chóng nhìn nhận ra lỗ hổng của vấn đề và khắc phục để thúc đẩy tiến độ công việc.
1. Dành cho các sếp
Việc phải đối phó với rất nhiều kiểu nhân viên mỗi ngày quả thực rất khó khăn. Có người thì luôn chăm chỉ, đúng hạn; nhưng ngược lại, việc gặp phải một nhân viên hay đình trệ công việc là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đã có bao giờ bạn ngồi lại và suy nghĩ kỹ hơn về nguyên nhân sâu xa khiến cho công việc của bạn bị chậm trễ không? Liệu đó có phải hoàn toàn là do tiến độ làm việc của nhân viên, hay đôi khi là có cả việc bạn đang điều hành cũng như phân việc sai cách? Hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
2. Hãy kiểm tra lại khối lượng làm việc của nhân sự
Đối tượng nhân viên bạn cần nên xem xét kỹ lưỡng đó chính là những người hay chậm trễ deadline, hãy xem lại khối lượng công việc của họ thường đã đạt được bao nhiêu phần trăm khi đến deadline? Những lý do họ đưa ra khi chậm deadline là gì? Có hợp lý hay không? Nếu như họ thường hoàn thành công việc khoảng 70%-80% khối lượng khi đến deadline, thì rất có thể công việc mà bạn giao cho dường như hơi nhiều so với năng lực của họ.
Nếu như càng nhiều nhân viên hay trễ deadline thì càng có khả năng cao là bạn đang cho họ quá nhiều việc, hãy thử đặt ra một thời gian làm việc hợp lý hơn để thoải mái cho cả đôi bên – họ hoàn thành được tốt công việc được giao và bạn cũng đủ thời gian kịp thời để chỉnh sửa nếu có những sai sót xảy ra.
3. Bạn đã thực sự phối hợp tốt với các nhân viên của mình chưa?
Dù đứng trên phương diện không phải là người trực tiếp làm mọi việc, thế nhưng sếp lại là một vị trí dẫn dắt sự thành công của rất nhiều người. Quan niệm “Việc cẩn thận là việc của nhân viên, sếp chỉ đứng vai trò chỉ đạo thôi” là hoàn toàn sai, có những team chỉ 3-7 người nhưng làm việc lại hiệu quả gấp đôi, gấp ba những team trên 10 người. Là người đứng đầu một team, bạn phải có sự tương tác hợp lý với nhân viên, hỗ trợ họ hết mình và tập học cách thấu hiểu. Vì trước khi đứng được ở vị trí hiện tại, người sếp nào cũng từng đi lên là một nhân viên.
Việc không hỗ trợ nhân viên hết mình sẽ khiến cho cái gọi là “sợ sai, không dám làm” rất dễ xảy ra, nhân viên của bạn sẽ thường xuyên bị rơi vào trạng thái hoang mang, không dám hỏi cũng không dám làm vì sợ mất thời gian. Hãy đón nhận những thiếu sót của nhân viên để họ cởi mở hơn, từ đó công việc cũng sẽ được khai thác nhanh hơn rất nhiều
4. Dành cho các nhân viên
Con đường xây dựng sự nghiệp chắc chắn không phải là một con đường bằng phẳng, mỗi người đều có cho mình một thế mạnh riêng, và đôi khi, chuyện gặp khó khăn trong công việc khiến cho bạn hay tự đổ lỗi cho những tác nhân xung quanh như: sếp cho quá nhiều việc? deadline quá ngắn? Sau đây là một vài khuyên cho bạn để suy xét kỹ vấn đề hơn, cụ thể là hãy đặt trường hợp ngược lại, vì mọi chuyện đều xảy ra là có tác động từ bản thân.
5. Nguyên nhân thật sự khiến cho bạn có những lần trễ deadline là gì?
Bạn luôn cho rằng mình bị “quá tải” trong công việc, thế nhưng bạn luôn tự “bịa” ra cho mình một lý do hợp lý để sếp bỏ qua trong những lần trễ deadline? Nếu điều này thực sự xảy ra thì chắc chắn rằng bạn đang chưa cố gắng trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, nếu như bạn thường xuyên trễ deadline dù bạn đã có những khoảng thời gian làm việc và sinh hoạt nghiêm túc. Thì hãy đừng ngần ngại mà kiến nghị với sếp để tránh bị ảnh hưởng đến mọi người, nhất là khi bạn đang làm một công việc phụ thuộc rất nhiều vào khả năng teamwork.
6. Công việc này có thật sự phù hợp với bạn không?
Xác định được điều này là thực sự hữu ích, không những cho bạn mà còn cho những người xung quanh. Bạn sẽ chỉ thành công khi bạn có khả năng chịu trách nhiệm và làm tốt lĩnh vực, vị trí mà bạn ưa thích. Thế nên ở thời đại mà người người nhà nhà có xu hướng làm trái nghề, nếu bạn không phải là một ngoại lệ thì hãy tự xem xét xem liệu bản thân có thực sự hứng thú với ngành nghề mà bạn đang theo đuổi? Nếu cảm thấy không thích thì tốt nhất là bạn nên tập tìm hiểu một ngành nghề khác để phù hợp hơn, vì nếu như chỉ vì sự chán nản cá nhân mà để ảnh hưởng đến tập thể thì quả thực là không hay. Vừa thúc ép bản thân mình, vừa tự làm tốn thời gian của bạn cũng như của người khác
Nguyên nhân chung: Nếu như bạn đã “click” vào bài viết này thì dù cho bạn là một người sếp hay một người nhân viên thì điểm chung của cả hai vị trí này là hai bên đang có sự hạn chế trong mặt giao tiếp và chia sẻ, cách nhanh nhất để xử lý trường hợp đình trệ công việc là bạn nên tự giác nói ra những gì mình còn gút mắc, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của những người chung quanh.