Sếp thiên vị ứng xử thế nào cho phù hợp?
Ngày đăng tin: 28/04/2019 16:17
Tìm hiểu lý do đằng sau sự “ưu ái” từ sếp
Việc đầu tiên bạn cần làm khi phát hiện ra một sự ưu ái đặc biệt là tìm hiểu nguyên do của nó: Đó là bạn bè học chung đại học của sếp hay bà con họ hàng, hay sếp quý người đó chỉ vì năng lực vượt trội, doanh số đem về đáng ghi nhận…
Biết được lý do bị phủ mờ đằng sau sẽ giúp bạn có được cái nhìn khách quan nhất, đánh giá sự ưu ái đó có công bằng hay không.
Xác định xem mình có phải là “nạn nhân” của việc thiên vị hay không
Một số người thường đặt ngay mình vào vị trí nạn nhân khi sếp ưu ái một ai đó. Điều này thật thiếu công bằng, có thể sếp chưa yêu quý bạn bởi hiệu quả làm việc của bạn chưa tốt, sếp muốn thử thách bạn nhiều hơn… trước mỗi vấn đề bạn cần đứng ở vùng “nguyên nhân” thay vì “hậu quả”.
Cố gắng hơn trong công việc
Nếu bạn làm việc tốt hơn, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng, hãy tin vào điều đó. Bạn hãy chứng minh cho sếp thấy mình là người có năng lực thông qua hiệu suất công việc, doanh thu mang lại, số hợp đồng kí kết được…
Với một người có năng lực như vậy, chắc chắn sếp sẽ chẳng thể nào ngó lơ bạn được nữa.
Không đối đầu trực diện với sếp
Dù bạn có cảm thấy khó chịu như thế nào về hành động ưu ái của sếp thì cũng không nên tỏ thái độ gay gắt, đối đầu trực diện với sếp. Đây là việc làm kém khôn ngoan vì thái độ tiêu cực của bạn không khiến sếp nhận ra sai lầm, ngược lại còn có cái nhìn không tốt.
Tốt nhất, bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, cư xử bình thường với sếp.
Không tỏ thái độ với người được “ưu ái”
Đôi khi nhân viên được ưu ái không hề có lỗi, họ thậm chí không biết lý do sếp quan tâm đến mình nhiều hơn người khác.
Nếu bạn bày tỏ thái độ không đúng sẽ gây mất hòa khí công ty, khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu, ảnh hưởng đến đồng nghiệp xung quanh. Bạn cần giữ mối quan hệ hài hòa với những nhân viên được ưu ái này.
Khéo léo chia sẻ cùng phòng nhân sự
Phòng nhân sự không chỉ chuyên trách trong vấn đề tuyển dụng mà còn có trách nhiệm quan tâm đến đời sống tinh thần, động lực làm việc của toàn bộ nhân viên. Nếu thấy mình đang là nạn nhận của vấn đề “thiên vị” thì bạn cần khéo léo chia sẻ với phòng nhân sự để có hướng giải quyết tốt nhất.
Khi nhận được phản ánh, chắc chắn phòng nhân sự sẽ tận lực tìm hiểu, đồng thời đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho bạn. Bạn không việc gì phải ôm chuyện bực dọc, tự tính toán, so đo một mình.
Tìm cơ hội chia sẻ cùng sếp
Đôi khi sếp cũng không nhận thức được mình đang đối xử sai lệch giữa các nhân viên. Bạn và các nhân viên trong phòng có thể nhẹ nhàng tâm sự với sếp tại các cuộc nhậu, những buổi liên hoan… Trong không khí vui vẻ như vậy, hầu hết các sếp đều không nổi cáu và vui vẻ tiếp nhận đóng góp từ nhân viên.
Tìm kiếm môi trường khác phù hợp hơn
Nếu bạn đã thử đủ tất cả các biện pháp kể trên mà thái độ của sếp vẫn không hề cải thiện, thường xuyên dồn việc khó, bắt bạn làm thêm ngoài giờ và ưu ái cho một số người thì bạn nên chấm dứt công việc hiện tại và tìm cho mình một môi trường công bằng, tôn trọng nhân viên hơn.
Cố gắng chịu đựng trong một môi trường tồi sẽ khiến bạn luôn ở trong trạng thái chán nản, mất hết động lực làm việc, kết quả càng ngày càng tệ.
Chắc chắn một công ty đối xử thiếu công bằng với nhân viên sẽ khó tìm được cấp dưới trung thành và không thể nào có những đột phá trong kinh doanh, bạn ở lại cũng đồng nghĩa với việc tự tay hủy hoại tương lai của chính mình.
Trong quá trình làm việc, bạn sẽ luôn gặp phải một vài khó khăn nhất định: sếp nóng giận, khó tính, đồng nghiệp chơi xấu, môi trường thiếu chuyên nghiệp, không công bằng, lương thấp, chế độ đãi ngộ kém… Hãy bình tĩnh, không nóng giận, gay gắt, bạn nên cư xử nhẹ nhàng và khéo léo xoay chuyển cục diện. Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không làm được việc này bạn có thể đi tìm một công ty khác phù hợp với tính cách, năng lực làm việc của mình hơn.