Diệt trừ cơn nóng dận từ sếp với một vài bí quyết đơn giản
Ngày đăng tin: 14/04/2019 10:26
Một vài bí quyết nho nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn “chữa cháy” tình huống này vô cùng hiệu quả:
Nói không với “đùn đẩy trách nhiệm”
Khi mắc lỗi, chúng ta thường nảy sinh tâm lý quanh co, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Đây là một hành động sai lầm, sẽ khiến sếp “bốc hỏa” bởi sếp cảm thấy mình đang bị dắt mũi như một kẻ ngốc, nhân viên vô trách nhiệm.
Thực chất, dù không sát sao công việc của bạn từng chi tiết nhỏ nhưng sếp luôn nắm rõ tình hình chung, việc này ai làm, ai là người mắc lỗi. Không nhận lỗi chỉ khiến bạn trở nên tệ hại trong mắt sếp hơn mà thôi.
Trong trường hợp này, bạn nên tự giác nhận lỗi, đồng thời đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục kịp thời, như vậy, dù có bực nhưng độ nóng giận của sếp cũng không lên tới mức đỉnh điểm.
Không nổi giận, cãi tay đôi với sếp
Khi bị người khác mắng, tâm trạng chúng ta thường trở nên tiêu cực, cáu bắn. Có một số trường hợp nhân viên còn “bốc hỏa”, cãi tay đôi với sếp, hành động này tương đương với việc đổ dầu vào lửa, khiến cơn nóng giận lan ra cả văn phòng.
Vì vậy, khi bị sếp mắng, bạn hãy cố gắng bình tĩnh, hít thở sâu, ra ngoài hít thở, nghe 1 bản nhạc nhẹ, đi bộ nhẹ nhàng… Việc nóng giận sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn vào thời điểm này.
Dùng đúng “thuốc” để trị cơn nóng giận của sếp
Để giảm cơn nóng giận từ sếp bạn phải thật hiểu sếp. Có những vị sếp sẽ bớt nóng hơn khi được uống 1 cốc nước mát, có vị sếp lại thích hít thở bầu không khí trong lành… Bắt đúng bệnh, trị đúng thuốc luôn là giải pháp tốt nhất.
Nói thì dễ nhưng thực hành được lại khó, vì đa phần chúng ta đều cảm thấy tiêu cực khi bị mắng, dẫn đến việc phản ứng theo cảm xúc thay vì tìm cách giải tỏa cho sếp. Đây là phương pháp chỉ có một số ít nhân viên giàu kinh nghiệm mới thực hiện thành công.
Thực hiện tốt công việc được giao
Đa phần những cơn nổi nóng của sếp thường bắt nguồn từ công việc. Vì vậy để cơn giận dữ này không có cơ hội bùng phát bạn nên cố gắng hoàn thành thật tốt những công việc được giao, không bao giờ chậm trễ deadline. Hiệu quả công việc chính là tấm khiên tốt nhất bảo vệ bạn khỏi những lời la mắng từ sếp.
Ngoài ra, bạn cũng phải lấy được những phản hồi tích cực từ khách hàng. Khách hàng hài lòng thì sếp cũng vui, cố gắng trong công việc được công nhận, sếp ít khi trách mắng bạn.
Tránh những hành động khiến sếp nổi nóng
Sau một thời gian làm việc, bạn sẽ hiểu hơn về tính cách của sếp mình: sếp dễ nổi nóng bởi vấn đề gì, sếp coi trọng điều gì nhất trong công việc: có sếp coi trọng tiến độ công việc, có sếp coi trọng thái độ ứng xử với khách hàng… Từ đó, bạn sẽ có cách điều chỉnh bản thân tốt nhất, cẩn thận hơn trong các công việc quan trọng. Tránh lỗi là cách tốt nhất để tránh được những cơn nóng giận từ sếp.
Đừng quên mình là ai và mình đang ở đâu
Trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể bị la mắng dù hoàn thành rất tốt công việc của mình. Dù đúng bạn cũng đừng phản bác ngay, bởi một khi đã nóng giận, sếp thường để cảm xúc tiêu cực vượt lên trên lý trí, bạn càng cố giải thích sếp càng hiểu lầm nhiều hơn.
Điều này không đồng nghĩa với việc bạn luôn phải nín nhịn sếp dù sếp có vô lý cỡ nào. Điều bạn cần làm là chuyển dịch lời giải thích sang một thời điểm và không gian thích hợp hơn, lúc ấy, hãy nhẹ nhàng thanh minh với sếp để lần sau sếp sẽ không mắng oan bạn nữa.
Dù sao, khi đi làm, bạn cũng là nhân viên cấp dưới nên nếu muốn mọi việc diễn ra trôi chảy thì phải học cách nín nhịn một chút, nếu không bạn sẽ khó lòng đi “làm thuê” được. Nếu không muốn nhận bất kì lời mắng mỏ nào thì tốt nhất bạn tự đứng ra làm chủ.
Cơn nóng giận từ sếp luôn đem lại cảm giác tiêu cực cho nhân viên: sợ hãi, lo lắng, bất an… Vì vậy, chẳng nhân viên nào lại mong muốn gặp phải những giây phút bốc hỏa này, tốt nhất, bạn nên tránh mắc phải sai lầm, hiểu tính sếp để có cách ứng biến phù hợp, quan trọng là không tức giận hay cãi tay đôi với sếp trong trường hợp nhạy cảm như vậy.