Project Manager (PM) là gì ?
Ngày đăng tin: 11/04/2019 10:07
Project Manager là gì?
Người quản lý dự án – Project Manager (PM) là người được chỉ định bởi các tổ chức, công ty để lãnh đạo một dự án, người phải chịu trách nhiệm hoàn thành các mục tiêu đề ra từ khi bắt đầu đến khi thực hiện và kết thúc. Trách nhiệm quản lý dự án chính bao gồm xác định và truyền đạt các mục tiêu dự án rõ ràng, hữu ích và có thể đạt được các yêu cầu của dự án(lực lượng lao động, thông tin cần thiết, các thỏa thuận khác nhau và vật liệu hoặc công nghệ) cần thiết để hoàn thành các mục tiêu của dự án.
Người quản lý dự án (PM) là người đứng giữa khách hàng và development team. Họ là một đại diện của khách hàng, phải xác định và thực hiện các nhu cầu chính xác của khách hàng, dựa trên kiến thức về tổ chức mà họ đang đại diện. Họ còn phải có chuyên môn trong lĩnh vực đang làm việc để xử lý hiệu quả tất cả các khía cạnh của dự án. Khả năng thích ứng với các quy trình nội bộ khác nhau của khách hàng và hình thành sự liên kết của đôi bên, là điều cần thiết để nhận được sự hài lòng của khách hàng.
Tiếp đó, Họ phải truyền đạt cho team, thiết lập quy trình làm việc và giám sát chặt chẽ để đảm bảo các vấn đề về chi phí, chất lượng và thời gian dự án
Công việc của Project Manager
Người quản lý dự án chịu trách nhiệm về toàn bộ dự án như lập kế hoạch, bắt đầu, thực hiện, giám sát và kết thúc.
Trách nhiệm cụ thể của Quản lý dự án có thể khác nhau tùy thuộc vào ngành, quy mô công ty, sự trưởng thành của công ty và văn hóa công ty. Tuy nhiên, có một số trách nhiệm chung cho tất cả các Quản lý dự án, lưu ý:
– Xây dựng kế hoạch và thực hiện dự án: Từ đầu đến cuối của mọi dự án sẽ được người quản lý dự án phác thảo qua một bản kế hoạch về cách dự án khởi đầu, cách chúng sẽ được xây dựng và cách chúng sẽ hoàn thành. Ví dụ, trong kiến trúc, kế hoạch bắt đầu bằng một ý tưởng, tiến tới các bản vẽ và chuyển sang phác thảo kế hoạch chi tiết, với hàng ngàn mảnh nhỏ được ghép lại giữa mỗi bước. Kiến trúc sư chỉ là một người cung cấp một mảnh của câu đố. Người quản lý dự án đặt tất cả lại với nhau
– Quản lý các bên liên quan của dự án, quản lý nguồn lực: Họ phải nắm rõ công việc từng thành viên trong team và đảm bảo rằng mọi người trong team đều biết và thực hiện vai trò của mình. Họ cũng phải thường xuyên họp nhanh với khách hàng, báo cáo tình hình những việc đã hoàn thành, những việc đang gặp vấn đề, để đảm bảo mọi người đều hiểu đúng tình hình dự án.
– Quản lý ngân sách, tiến độ và chất lượng dự án: Mỗi dự án thường có ngân sách và khung thời gian. Quản lý dự án giữ cho mọi thứ hoạt động trơn tru, đúng thời gian và ngân sách. Họ sẽ kiểm soát lộ trình và thúc đẩy tất cả các thành viên trong team làm việc để hoàn thành đúng tiến độ.
– Quản lý rủi ro và xung đột dự án: Người quản lí dự án cần thương lượng và đưa ra các cam kết với khách hàng về lợi ích của đôi bên.
Yêu cầu trở thành Project Manager
Quản trị dự án là một quá trình phức tạp và đặc biệt là không có sự lặp lại bởi mỗi dự án lại có những điểm khác nhau, không dự án nào giống dự án nào. Việc làm thế nào để có thể quản trị một dự án thành công đòi hỏi người giữ vị trí PM ngoài sự hiểu biết về chuyên môn còn cần phải có những kiến thức và kỹ năng về mảng quản lý để: quản lý tiến độ, quản lý chi phí, quản lý nguồn nhân lực, phòng ngừa rủi ro, thực hiện đánh giá…
Vấn đề quan trọng nhất trong một dự án chính là việc quản lý con người. Mỗi cá nhân trong dự án đều có những tính cách riêng, nền tảng kiến thức khác nhau… Chính vì vậy, để một tập thể bao gồm nhiều con người như vậy có thể làm việc tốt với nhau không phải là một điều dễ dàng. Ở vị trí một người quản lý dự án phải hiểu được tính cách của từng người và đưa ra các quyết định phù hợp để giải quyết các xung đột, các mâu thuẫn trong dự án một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, họ còn phải có những kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…
Con đường thăng tiến sự nghiệp
Quản lý dự án là một vị trí không ít người mơ ước, và không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được chức vụ này.
Bạn phải có ít nhất 3-4 năm trong nghề để thực sự nắm vững kiến thức chuyên môn, phải có khả năng quản lý dự án, có tầm nhìn vĩ mô về các dự án, biết cách phân chia công việc phù hợp với từng nhân viên, và tất nhiên điều này không dễ dàng gì. Ví dụ đối với mảng công nghệ thông tin, mới ra trường bạn sẽ là một Developer, tiếp đó là Team Leader, và sau đó với năng lực bạn có thể vươn lên vị trí Project Manager
Lương bình quân của một Project Manager thường giao động từ 1000USD- 3000USD, tùy thuộc vào ngành nghề và quy mô công ty. Đặc biệt những Project Manager onsite ở nước ngoài có mức lương lên tới 5000USD hoặc cao hơn.