Những lý do Designer nên có Website riêng để làm Portfolio
Ngày đăng tin: 24/10/2019 21:31
Kết hợp với sự phổ cập của Internet, giờ đây chúng ta đã có thể có cho mình những portfolio được thể hiện trên website với thật nhiều tiện ích. Nếu còn phân vân giữa những cách làm portfolio truyền thống hay đang muốn tạo nên một sự mới mẻ, một cách quảng bá thương hiệu cá nhân hoàn toàn khác; bạn hãy tham khảo những lý do dưới đây để đưa ra một quyết định hợp lý trong việc xây dựng portfolio của chính mình.
I. Trình bày mọi thứ một cách chuyên nghiệp
Việc xây dựng một website để quảng bá những dự án và sản phẩm cá nhân của bạn thực sự là một điểm cộng rất lớn về sự chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Trên môi trường Internet, bạn có nhiều không gian hơn để sáng tạo, thay đổi hay sắp xếp những thứ bạn cần để phục vụ mục đích cuối cùng – một bản portfolio thật sự gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Bạn có thể lựa chọn một trong số rất nhiều nền tảng sau đây để bắt tay vào xây dựng cho mình một portfolio website: WordPress, Weebly, Wix, DoYourBuzz, Brand-Yourself, Webs, Carbonmade, Flavors.me. Cùng với nhiều sự hỗ trợ về hình ảnh tĩnh cũng như động, không có một giới hạn nào cho bạn khi làm việc trên một môi trường mở như website.
II. Ấn tượng đầu tiên “đánh gục” nhà tuyển dụng
Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng – phải chọn lọc giữa hàng chục bản CV cùng portfolio với những cấu trúc, những cách trình bày na ná nhau và đột nhiên bạn thấy một đường link trong một bản porfolio. Chắc chắn điều này sẽ khiến bạn chú ý và click vào để xem ứng viên này có những gì. Và sau đó là lúc bản portfolio sẽ cho bạn thấy sự đầu tư nghiêm túc của ứng viên khi xây dựng một trang web để giới thiệu, trình bày về mình cũng như những sản phẩm, dự án mà họ đã làm được. Đây hoàn toàn là thứ tạo nên sự khác biệt giữa những designer khác.
III. Dễ dàng xuất hiện, tìm là thấy
Một portfolio website không chỉ để gửi đi, nó còn giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm được bạn khi tra “nickname” của bạn trên Google. Thật sự là một sự tiện lợi rất lớn khi phần lớn nhà tuyển dụng đều không có quá nhiều thời gian để tìm đọc hết những bản CV, portfolio được gửi đến mỗi đợt tuyển nhân sự. Đồng thời, việc “có tên trên Google” cũng là một điều đáng để tự hào nếu bạn đã bỏ công sức để xây dựng một website chỉn chu phục vụ cho bản portfolio của chính mình.
IV. Nâng cao kĩ năng bản thân
Khi đã sở hữu cho mình một website để làm portfolio, bạn sẽ có một góc nhìn rộng hơn rất nhiều cũng như phải tự cải thiện thêm những kĩ năng về quản lý, sắp xếp thông tin cũng như làm việc trên môi trường online. Sau một thời gian xây dựng và cập nhật portfolio, chắc chắn bạn sẽ “bỏ túi” kha khá kinh nghiệm về UX/UI – điều mà rất nhiều nhà tuyển dụng coi là một “lợi thế” của các ứng viên sáng giá cho vị trí designer.
V. Chỉnh sửa dễ dàng mọi lúc mọi nơi
Bạn vô tình không có máy tính của mình bên người khi đang cần sửa một vài thông tin trước khi gửi cho nhà tuyển dụng? Đây hoàn toàn không phải một vấn đề khi bạn sử dụng portfolio website. Không phải lo lắng về việc thiếu font chữ, mất link ảnh hay bị thay đổi môi trường làm việc một cách bị động. Chỉ cần một vài cú click chuột, bạn có thể hoàn toàn tái sắp xếp, chỉnh sửa bản portfolio của mình và lưu lại ngay tức khắc để kịp gửi cho nhà tuyển dụng hoặc đối tác. Hoặc bạn chỉ đơn giản muốn thay đổi giao diện của portfolio một chút cho hợp với xu hướng thiết kế ở thời điểm hiện tại mà không phải mất công chỉnh sửa từng phần như cách làm với một bản portfolio truyền thống. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt này sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian, góp phần làm tinhh thần của bạn thoải mái để tập trung cho những công việc khác.
VI. Không lo đầy bộ nhớ
Là một designer, chắc hẳn bạn cũng hiểu tình cảnh “thiếu bộ nhớ” hay xảy ra với Google Drive hay hòm thư của bạn. Có quá nhiều thứ cần lưu trữ: kho ảnh stock chất lượng cao của khách hàng mới gửi, những folder khổng lồ từ dự án cũ chưa kịp sắp xếp lại, một khối lượng không nhỏ những file đang trong quá trình thi công và chờ feedback từ khách hàng, … tất cả làm cho bộ nhớ của bạn bị “quá tải”. Nếu bạn sử dụng một website để làm portfolio thì chỉ cần một đường link, bạn không phải lo về vấn đề bộ nhớ. Bạn còn hoàn toàn có thể chủ động trong việc quản lý hay nâng cấp “không gian” của portfolio khi sử dụng các dịch vụ hosting – mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Nghe thì có vẻ mới mẻ, nhưng một portfolio website hoàn toàn gần gũi và mang lại rất nhiều lợi ích cho designer. Không chỉ giúp cho nhà tuyển dụng dễ dàng tìm kiếm một ứng viên thật sự sáng giá, nó còn khiến cho chủ nhân của mình có thêm nhiều kĩ năng, nhiều thời gian cùng khả năng sáng tạo vô hạn. Vậy còn đắn đo gì nữa, bạn hãy thử bắt tay vào xây dựng một website riêng để nâng tầm bản portfolio của chính mình!