• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

59442
Tổng số truy cập:59442
Khách đang online: 74
Thư giãn cũng phải ... chuyên nghiệp
Ngày đăng tin: 15/10/2019 20:47

Tình huống rất quen thuộc, đó là một ngày mùa Hè, thời gian để tận hưởng vài chuyến du lịch hoặc nghỉ mát ngắn hạn với gia đình, bạn bè. Nhưng nếu bạn phát hiện rằng mình giống như bao nhiêu người khổ sở khác, ngay cả khi đã ngồi xuống chiếc ghế bố, mắt trông ra biển rồi mà đầu óc vẫn hoạt động không ngừng nghỉ: “mình gửi báo giá cho khách hàng chưa nhỉ”, “chẳng biết nhân viên treo bảng hiệu được không?”, “phải tranh thủ gọi cho anh A đối tác”, “kế hoạch hôm qua trình sếp ổn không ta?” Hàng trăm suy nghĩ ùa về như thể bạn không bao giờ tìm được công tắc đóng chúng lại. Hoàn cảnh này chính xác là bạn thay đổi chỗ ngồi để lo lắng về các nhiệm vụ hàng ngày, tâm trí bạn vẫn bị buộc chặt vào công việc. Vậy bạn định khi nào mới thư giãn đây?

Để thư giãn tốt hơn, cần luyện tập thường xuyên. Bạn sẽ nhận về nhiều lợi ích từ việc thư giãn và nghỉ ngơi đúng cách sau mỗi giờ làm việc, hàng ngày, hàng tuần. Tương tự như khi chúng ta duy trì các bài tập thể dục hoặc vận động cơ bắp hướng đến lối sống lành mạnh, tập thể dục cho trí não sẽ giúp chúng biết cách ngừng nghỉ khoa học hơn.

Dưới đây là 3 bí quyết để luyện kỹ năng thư giãn “đến nơi đến chốn”, xem ngay với Cevn.com.vn nhé!

  • SỐNG CHO THỰC TẠI CHỨ KHÔNG PHẢI KHÔNG GIAN HAY THỜI GIAN NÀO KHÁC

Bạn không thể thư giãn khi cứ hồi tưởng lại những chuyện ngày hôm qua hoặc lo lắng về việc sắp xảy ra ngày mai. Điều đó thực sự mẫu thuẫn với nguyên lý thư giãn. Học cách sống “ngay tại đây” (here) và “vào lúc này” (now) là chìa khoá để tìm cảm giác bình tĩnh, cân bằng, và trung tâm của mọi thực hành chánh niệm. Sống với thực tại là vô cùng ý nghĩa. Rốt cuộc, làm thế nào để tận hưởng một kỳ nghỉ chất lượng (vui vẻ với các con hoặc yên tĩnh bên người yêu) nếu bạn chỉ có mặt còn đầu óc không thực sự ở đó?

Mẹo nhỏ giúp bạn tập trung vào hiện tại là thực hành 5 phút ngồi thiền chánh niệm, không cần quá lo lắng rằng mình đã thực hiện đúng cách hay không. Chỉ cần ngồi yên lặng tập trung vào hơi thở của mình không xao lãng trong vòng 5 phút. Lưu ý khi tâm trí bắt đầu đi lang thang và những suy nghĩ xuất hiện, ngay lập tức kéo sự chú ý của mình trở lại với “ở đây” và “lúc này”. Giữ cho không có bất cứ thứ gì xảy ra trong vòng 5 phút, mục tiêu là để luyện cách kiểm soát khả năng tập trung. Khi làm tốt điều đó, bạn sẽ có thể đặt sự tập trung vào nơi mình muốn, chứ không còn bị sự phân tâm dẫn dắt nữa.

  • DÀNH THỜI GIAN VỚI THIÊN NHIÊN

Một nghiên cứu của Đại học Stanford đã chỉ ra rằng thời gian bạn dành cho thiên nhiên có thể làm giảm xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực – đặc biệt là những suy nghĩ về bản thân bạn. Đó là dạng trầm tư mặc tưởng có thể đầu độc, thậm chí phá hỏng, mọi kế hoạch nghỉ ngơi tốt nhất.

Vì thế, hãy để thiên nhiên giúp đỡ: Tập thói quen đi ra ngoài hít thở không khí, trong giờ nghỉ trưa hoặc lúc nghe những cuộc điện thoại, hoặc là đi bộ sau giờ làm việc…


  • NGẮT KẾT NỐI MỖI NGÀY

Lần cuối cùng bạn tận hưởng thời gian rảnh mà không có điện thoại, máy tính, tivi hay thiết bị công nghệ là khi nào?

Đôi khi, tắt công tắc thôi chưa đủ, bạn phải rút toàn bộ nguồn điện ra khỏi bộ máy. Hãy lùi một bước ra khỏi thế giới bận rộn kỳ lạ của internet, thoát khỏi những tiếng thông báo email/ tin nhắn mới và bỏ qua khả năng tiếp cận công nghệ ngay lập tức, để dành cho bản thân chút thời gian phục hồi.

Hãy “học theo” thói quen của Jeff Weiner, nhà sáng lập Linkedln, người đã nói rằng ông ấy luôn dành ra 90 phút mỗi ngày để không làm gì cả. Hoặc cố gắng ra khỏi “vòng xoáy thông tin và sự kiện” trong 30 phút mỗi ngày. Nếu điều đó dường như không thể, bắt đầu với 5-10 phút, rồi sau đó tăng dần lên. Nghe có vẻ rất khó khăn, nhưng nó không tệ như bạn tưởng. Không những bạn đã giúp cho bộ não của mình có được sự nghỉ ngơi cần thiết mà đó còn là cách rèn luyện để tự tạo ra giới hạn. Sau những lần luyện tập như thế, bạn sẽ biết cách nghỉ ngơi và dám buông tay trong khoảng thời gian ngắn.

Nếu không tập ngắt kết nối và biến nó thành thói quen hàng ngày, bạn sẽ rất khó loại bỏ công nghệ khi đi nghỉ. Rồi bạn sẽ trải nghiệm cảm giác như đang “cai nghiện” nhiều hơn là thư giãn. Nhắc nhở bản thân rằng, bất cứ thứ gì bạn sợ mình sẽ bỏ lỡ sẽ vẫn luôn còn ở đó khi bạn kết nối trở lại.

Phối hợp cả 3 bài tập vào làm một là ý tưởng tuyệt vời: Hãy “ngắt điện”, đi ra ngoài tập thiền chánh niệm! Hãy bước ra khỏi những bức tường ngột ngạt, tạm cất đi mọi thiết bị công nghệ rồi hoà mình và lắng nghe thiên nhiên. Tham gia vào một hoạt động ý nghĩa nào đó có thể kích thích sự sáng tạo và giảm thiểu mức độ căng thẳng.

Trước khi bạn kịp nhận ra, trí não của bạn đã sở hữu một “cơ bắp” đủ khoẻ mạnh để giành lại sự tĩnh lặng, cân bằng và minh mẫn. Thư giãn đúng cách như một người chuyên nghiệp, bạn sẽ nhận lại được nhiều giá trị từ thời gian chết của mình hơn bao giờ hết.  

Số lượt đọc: 460 -