Có nên liệt kê nhiều việc từng làm vào resume không?
Ngày đăng tin: 21/10/2019 21:43
Chuyên gia tuyển dụng Penni Hlaca nói rằng, nếu bạn đang ở mức quản lý tầm trung hoặc cao cấp thì người muốn hợp tác làm việc với bạn không cần phải biết rằng bạn từng “bán kem sau giờ học”. Thêm các vai trò không liên quan đơn giản chỉ làm lý lịch của bạn dài thêm và tăng khả năng khiến nhà tuyển dụng tiềm năng mất tập trung.
Tuy nhiên, có ba ngoại lệ khi nhắc đến quy tắc trình bày các việc làm thêm hoặc bán thời gian. Ví dụ như bạn từng bán kem ở bãi biển vào kỳ nghỉ hè năm lớp 10:
- Bạn là người sành ăn kem, muốn theo đuổi sự nghiệp trong thế giới tuyệt vời của những món ăn đông lạnh. Trường hợp này, đề cập đến công việc bán kem sẽ như minh chứng cụ thể và thuyết phục rằng đam mê của bạn với kem đã bắt đầu từ khi còn rất bé. Câu chuyện này có thể tạo cảm hứng và mang lại lợi ích cho bạn.
- Bạn mới ra trường, bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trên hành trình tìm kiếm công việc đầu đời. Bạn muốn chứng tỏ mình có động lực làm việc cũng như sở hữu vài kỹ năng nhất định. Dù trải nghiệm bạn đề cập ngắn ngủi hoặc đơn giản thế nào, nó vẫn là kinh nghiệm thực tế mà bạn chủ động giành lấy trước khi tìm được bến đỗ mơ ước.
- Những kỹ năng đặc biệt mà bạn phát triển được trong vai trò đó có thể chuyển đổi, bổ sung và hỗ trợ tốt cho vai trò mới bạn đang nhắm tới.
Trong hầu hết các trường hợp khác, việc làm thêm có thể được lược bỏ bớt mà vẫn giữ cho bạn cách trình bày trung thực. Nguyên tắc chung là chỉ trình bày chi tiết 3 công việc cuối cùng. Các công việc khác trước đó chỉ cần liệt kê ngắn gọn với tên công ty, khoảng thời gian làm việc và chức danh của bạn.
- Xoa dịu cảm giác về thói quen nhảy việc: Nếu bạn thường xuyên thay đổi chỗ làm, hãy giải thích hành động đó trong lý lịch! Chẳng hạn như: “Đó là một hợp đồng làm việc ngắn hạn”, “Tôi đã hoàn tất vai trò và mục tiêu của mình”, “Tôi chia tay công ty để theo đuổi hành trình du lịch trải nghiệm dài ngày qua 8 nước Châu Âu”… Luôn có những lý do rất chính đáng để giải thích vì sao bạn phụ trách một vai trò trong thời gian khá ngắn, và làm rõ điều này là ý tưởng hay.
- Để tâm đến những khoảng gãy. Nếu có khoảng thời gian trống giữa hai công việc trong lý lịch, hãy giải thích! “Tôi đi du lịch thăm bố mẹ định cư/ em gái sinh con ở nước ngoài”, “Tôi đã nghỉ thai sản”. Nếu đơn giản là bạn đã tìm việc suốt hai năm, cần cân nhắc xem có công việc hợp đồng hoặc dự án tình nguyện nào bạn có thể làm nổi bật được không. Nhưng phải luôn trung thực, vì nhà tuyển dụng có thể kiểm tra được tính xác thực về các thông tin mà bạn đã trình bày.
- Làm nổi bật nội dung liên quan. Nhớ trình bày thật nổi bật một vai trò trước đó nếu nó thực sự phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ, mẩu đăng tuyển nêu rõ yêu cầu rằng người được chọn cần có khả năng “quản lý ngân sách”, “gọi vốn”, “đáp ứng chỉ tiêu”. Nếu bạn đã sớm gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng trong các vai trò cũ hãy làm nổi bật nó, chẳng hạn như 2 năm liên tiếp nhận giải thưởng nhân viên bán hàng xuất sắc với doanh số vượt 150% chỉ tiêu, hay biệt hiệu “thánh kêu gọi tài trợ” được đồng nghiệp tặng vì thành tích cụ thể [nêu dẫn chứng xác thực]…
- Nhấn mạnh kỹ năng. Nếu bạn sở hữu được vô số kỹ năng sau quá trình đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, hãy viết resume dạng kỹ năng. Thay vì để chức danh và tên công ty trước đây là đề mục chính, hãy tìm ra các kỹ năng đắt giá nhất và giải thích về quá trình các kỹ năng này phát triển qua từng công việc cũ cho đến hiện tại. Mẹo nhỏ: Đừng cố gắng giấu đi lịch sử làm việc, chỉ cần lướt qua chúng một cách đơn giản, ngắn gọn.
- Định dạng tài liệu thật cẩn thận. Hãy đặt trọng tâm vào những gì bạn muốn nhà tuyển dụng hoặc người xem phải để mắt đến. Cần tạo ra một bản lý lịch thật chỉn chu, thu hút và chuyên nghiệp ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bạn có thể sáng tạo một chút để bản thân trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn so với đối thủ, nhưng nhớ tỉnh táo để nó không “phản chủ”. Luôn luôn thu hút sự chú ý vào những điều tích cực nhé!