Sếp không lắng nghe, từ chối xử lý những đề xuất của mình, thì phải làm sao?
Ngày đăng tin: 20/11/2023 14:57
Một trong những yếu tố giúp công ty giữ chân nhân viên chính là sếp, nếu làm việc với một người cấp trên tâm lý, lắng nghe và tạo điều kiện để nhân viên phát triển, thì khả năng cao rằng họ sẽ trung thành và gắn bó lâu dài. Ngược lại, nếu phải làm việc cùng một người sếp quá kỳ cục, cứng nhắc, không quan tâm tới nhân viên, luôn cho rằng mình đúng, thì sẽ khiến nhân viên cực kỳ chán nản, bất bình. Nếu sếp không lắng nghe, từ chối xử lý những đề xuất mang tính xây dựng của mình thì phải làm sao? Hãy cùng Cevn giải đáp trong bài viết này nhé!
Cảm giác bị sếp “lơ” sẽ ra sao?
Chẳng ai muốn đi làm mà bị sếp lơ, vì như thế sẽ thiếu đi tính chất tương tác hai chiều, giống kiểu mình là cấp dưới thì sẽ luôn bị sai bảo, sếp nói gì làm đó, không được ý kiến ý cò, không được góp ý, hoặc có đề xuất gì thì sếp cũng không quan tâm, từ chối xử lý. Thật sự, cảm giác bị sếp lơ sẽ không hề dễ chịu, nó sẽ khiến bạn cực kỳ bực bội, bị xuống tinh thần, cảm thấy mệt mỏi và đầu óc trống rỗng, không còn tâm trạng để xử lý công việc, dễ để xảy ra những sai sót không đáng có khi làm việc. Tất nhiên, bị sếp lơ 1 lần thì bạn có thể nhắm mắt cho qua, vì dù sao đó cũng là cấp trên của mình, cần dành cho họ sự tôn trọng một tí, nhưng nếu năm lần bảy lượt bạn đưa ra ý kiến, đề xuất mang tính xây dựng, mong muốn giúp cải thiện kết quả làm việc, nhưng sếp vẫn liên tục phớt lờ, không lắng nghe, cũng chẳng quan tâm, thì làm sao mà chịu đựng mãi được? Tự dưng đi làm kiếm tiền mà lại bị đối xử một cách hời hợt, bị sếp lơ, không thèm lắng nghe những gì mình đề xuất, thì có quá bất công không? Và chắc hẳn rằng, nếu không sớm giải quyết triệt để chuyện này, thì bạn sẽ khó lòng tập trung làm việc, và nhiều khi sẽ sớm rời bỏ công ty, tìm một môi trường làm việc mới, nơi có một người sếp tâm lý hơn.
Sếp không lắng nghe, từ chối đề xuất của mình thì phải làm sao?
Khi đi làm mà gặp sếp không lắng nghe, từ chối đề xuất của mình, thì đầu tiên, bạn cần phải tìm cách giải toả tâm lý, không nên để cảm xúc bực bội khiến mình như người mất hồn, ngồi trong công ty mà đầu óc cứ ở đâu đâu, lỡ để xảy ra sai sót trong công việc thì mắc công lại bị sếp trách mắng nữa. Để giải toả tâm lý, bạn có thể tạm dừng công việc trong khoảng 5-10 phút, đi ra ngoài hít thở không khí trong lành, ngắm trời, nhìn mây, hoặc nhắm mắt thư giãn, mở một bài nhạc mình yêu thích, hay đơn giản là chia sẻ một chút với người đồng nghiệp thân thiết với mình, dù sao thì nói ra và có người chịu lắng nghe cũng sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn. Tiếp theo, bạn hãy thử tự nhìn lại xem, liệu những gì mình nói, mình trình bày có đủ sức thuyết phục chưa, có những dẫn chứng, lập luận logic chưa, hay chỉ đang nói theo hướng cảm tính?
Nếu cách trao đổi, đề xuất của bạn chưa rõ ràng, thì sếp không lắng nghe, không xử lý là điều hoàn toàn bình thường. Còn nếu bạn đã nói rõ, nói cụ thể và logic, nhưng sếp vẫn lạnh lùng, ngó lơ, không quan tâm, không lắng nghe, thì bạn hãy đề xuất một cuộc nói chuyện riêng, để trao đổi thêm về đề xuất ấy, nếu bạn vẫn cho rằng đó là điều quan trọng, cần cấp trên xử lý càng sớm càng tốt, kẻo để lâu sẽ khiến công việc bị trì trệ, đạt kết quả kém. Khi đó, sẽ có 2 trường hợp xảy ra, nếu cấp trên nhận ra vấn đề và đồng ý đưa ra biện pháp xử lý thì tốt rồi, còn nếu cấp trên vẫn tiếp tục phớt lờ, không chịu lắng nghe, thì chịu, chẳng còn gì để nói nữa. Vậy có nên tiếp tục làm việc với người sếp không biết lắng nghe?
Có nên tiếp tục làm việc với người sếp không biết lắng nghe?
Mỗi người sẽ có quan điểm riêng và sức chịu đựng cũng sẽ có giới hạn khác nhau, chính vì thế, khi đứng trước băn khoăn rằng có nên tiếp tục làm việc với người sếp không biết lắng nghe không, thì mỗi người sẽ tự có được quyết định phù hợp nhất với mình. Riêng với quan điểm của tác giả, thì sẽ không cổ suý cho việc ngậm ngùi chịu đựng, ráng làm việc tiếp với một người sếp không biết lắng nghe, vì nó sẽ khiến bạn luôn trong trạng thái bất mãn, không phục, nghĩ xấu sếp, nói xấu công ty, và những điều tiêu cực ấy không nên xuất hiện trong quá trình làm việc, vì chúng sẽ khiến bạn trở nên tiêu cực hơn, thay vì tập trung làm việc, thì bạn lại bị xao nhãng, bực bội vì cấp trên tồi,…
Thay vì mất thời gian, chôn chân ở một môi trường làm việc không mấy tốt đẹp, thì bạn nên trao cho bản thân cơ hội được làm việc ở một công ty tốt hơn, nơi có một người sếp tinh tế, nói chuyện có lý lẽ, thấu tình đạt lý và quan tâm tới quan điểm của nhân viên hơn. Hiện nay, có rất nhiều công ty với môi trường làm việc tốt đang tuyển dụng nhân viên, không có lý do gì khiến bạn phải sợ, phải lo ngại rằng mình sẽ bị thất nghiệp, không tìm được việc làm. Và bạn cũng chẳng thể nào làm mãi ở 1 công ty, ai cũng có những lúc phải nghỉ việc, tìm việc mới, bạn không thể trốn tránh quy luật này mãi được. Hãy nghĩ đơn giản là mình làm được việc, đã thành thạo công việc, thì đi đâu cũng sẽ làm tốt được.
Muốn công việc tốt hơn, thì sếp cần thay đổi
Đứng trên cương vị một người sếp, nếu muốn kết quả tốt hơn, muốn xây dựng đội ngũ vững mạnh, đoàn kết và gắn bó làm việc lâu dài, thì sếp cần phải thay đổi, phải cố gắng giảm bớt cái tôi của mình xuống, cố gắng lắng nghe, quan tâm tới nhân viên nhiều hơn. Đừng cảm thấy mình bị mất giá, bị giảm bớt uy lực khi lắng nghe đề xuất của nhân viên, và càng không được khăng khăng giữ quan điểm rằng “mình luôn đúng”, “mình là sếp thì tại sao phải lắng nghe nhân viên”, “nhân viên biết gì đâu mà nói, lo làm tốt việc của mình đi, bớt ý kiến đi”.
Vì đơn giản khi đi làm, tất cả mọi người sẽ cùng nhìn về một hướng, cùng đưa ra những sáng kiến, đóng góp, nhằm xây dựng quy trình làm việc tối ưu hơn, giúp tăng năng suất làm việc và mang lại kết quả công việc tốt hơn. Đây là điều hoàn toàn tích cực, quan trọng là bạn khi đang ở cương vị một người sếp, thì phải nhìn nhận nó dưới góc nhìn tích cực. Bất kỳ ai cũng có những thiếu sót, hãy thẳng thắn nhìn nhận những điều chưa hoàn hảo của mình, để biết mình cần làm gì, thay đổi ra sao để trở nên tốt hơn, trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình, và hoàn thiện bản thân để xứng đáng được ngồi ở vị trí cấp trên, tránh khiến nhân viên cảm thấy bức xúc, không phục, không công nhận năng lực của mình.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc rằng sếp không lắng nghe, từ chối xử lý những đề xuất của mình thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!