Job Hopping là gì? Nhảy việc nhiều có ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp?
Ngày đăng tin: 24/11/2022 09:16
Ngày nay, nhiều người lao động lựa chọn Job hopping - thay đổi việc làm thường xuyên để được thử sức với nhiều công việc mới và phát triển bản thân trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, Job hopping cũng có thể khiến bạn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, tệ nhất là bị nhà tuyển dụng nghi ngại, từ chối.
Job hopping đang trở thành một trong những xu hướng được giới trẻ yêu thích. Nếu như trước đây Job hopping bị đánh giá là một việc làm không đem lại lợi ích gì cho người lao động thì trong những năm gần đây, số lượng người lao động lựa chọn Job hopping để trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau ngày càng tăng. Vậy Job hopping là gì? Job hopping có những ưu và nhược điểm nào?
Những điều cần biết về Job hopping
1. Job hopping là gì?
Trước đây, mọi người thường ưu tiên làm việc lâu dài cho một công ty. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, người lao động có xu hướng nhảy việc ít nhất hai, ba lần trong suốt sự nghiệp của họ. Một số người không gắn bó quá lâu với các công ty mà chỉ dành chưa đến hai năm cho mỗi vị trí nhất định. Việc
người lao động thay đổi việc làm thường xuyên như trên được gọi là Job hopping.
Có nhiều lý do dẫn đến Job hopping như người lao động không tìm được công việc phù hợp hay thu nhập của họ quá thấp. Job hopping có thể đem lại nhiều lợi ích cho người lao động nhưng cũng có thể khiến họ gặp khó khăn trong quá trình xin việc. Vậy ưu, nhược điểm của Job hopping là gì?
2. Ưu điểm của Job Hopping
2.1. Phát triển những kỹ năng mới
Một trong những lợi ích to lớn mà Job hopping đem lại cho bạn là cơ hội trải nghiệm và phát triển các nhóm kỹ năng khác nhau.
Trong nền kinh tế thị trường kết nối như hiện nay, nếu muốn vượt qua các ứng viên khác, bạn phải có khả năng tự học. Nhờ việc thường xuyên thay đổi môi trường làm việc, bạn có thể mở rộng vốn hiểu biết và trình độ của bản thân cũng như xây dựng thêm các bộ kỹ năng mềm.
Job hopping cũng sẽ giúp bạn cập nhật và bắt kịp những xu hướng mới trong ngành nghề của mình, đặc biệt là đối với những lĩnh vực cạnh tranh như công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, quản lý thiết kế hoặc phát triển ứng dụng.
2.2. Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân
Những người dám chuyển việc là những người dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân bởi họ sẽ phải bỏ lại những gì bản thân đã làm được và quay trở lại điểm xuất phát khi đảm nhiệm một công việc mới ở một lĩnh vực trước đây họ chưa từng tiếp xúc.
Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân sẽ giúp bạn thích ứng với các phong cách, môi trường làm việc khác nhau cũng như được tiếp xúc với những người quản lý, đồng nghiệp mới. Việc này sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn và có lợi thế hơn các
ứng viên khác.
Thay đổi việc làm thường xuyên mang lại lợi ích gì cho người lao động?
2.3. Cơ hội tăng thu nhập
Job hopping không chỉ đem lại cho bạn cơ hội học tập mà còn có thể giúp bạn có được mức lương hợp lý hơn. Theo kết quả của các cuộc khảo sát, tổng thu nhập trong suốt sự nghiệp của những lao động làm việc cho một công ty nhất định trong vòng hơn hai năm sẽ bị giảm đi 50% so với những người thực hiện Job hopping.
Việc làm việc quá lâu ở một công ty có thể hạn chế khả năng tăng lương định kỳ của bạn, đặc biệt là khi doanh nghiệp gặp phải các vấn đề tài chính hoặc các công ty trả lương cho nhân viên theo hiệu suất làm việc.
2.4. Mở rộng các mối quan hệ
Nếu nghỉ việc trong trong hòa bình, Job hopping có thể giúp bạn xây dựng và phát triển mạng lưới quan hệ của mình. Khi chuyển từ công ty này sang công ty khác, bạn sẽ quen biết được nhiều đồng nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Sở hữu mạng lưới quan hệ rộng lớn có thể đem lại cho bạn những cơ hội việc làm hấp dẫn trong tương lai.
3. Nhược điểm của Job Hopping
3.1. Gây khó khăn cho quá trình ứng tuyển
Khi thay đổi việc làm thường xuyên, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian cho việc ứng tuyển. Sự thật là các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên những ứng viên có thể làm việc lâu dài. Nếu bạn không cho các nhà tuyển dụng thấy mình có khả năng làm việc cho công ty trong vòng ít nhất 18 tháng, họ thậm chí sẽ không chấp nhận phỏng vấn bạn.
Nếu bạn liệt kê khoảng thời gian làm việc quá ngắn ở các công ty trước đây vào CV của mình, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngại, tự hỏi lý do nào khiến bạn quyết định như thế. Và để đảm bảo tìm được đúng người, họ có thể sẽ bỏ qua CV xin việc của bạn. Các nhà tuyển dụng cần sự cam kết từ ứng viên rằng bạn sẽ gắn bó với công ty và không bỏ việc ngay khi tìm được một cơ hội hấp dẫn khác.
Những người đổi việc quá nhiều có thể bị đánh giá là thiếu tập trung, không đáng tin cậy và làm việc không chuyên nghiệp. Nếu nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn có thể đổi việc chỉ vì lý do tiền lương, họ sẽ không sẵn lòng bỏ thời gian và công sức để đào tạo bạn bởi vì sớm hay muộn bạn cũng sẽ bỏ việc.
3.2. Ảnh hưởng đến CV
Do
nhảy việc quá thường xuyên, bạn sẽ không có nhiều thời gian để làm việc cũng như đạt được thành tích nổi bật trong sự nghiệp. Việc không có nhiều thành tựu để liệt kê trong CV sẽ khiến CV của bạn lép vế hơn các ứng viên khác. Khi đó, nếu muốn CV của mình được lựa chọn, hãy giải thích lý do tại sao bạn đổi việc thường xuyên hoặc lý do bạn bỏ công việc cũ. Bạn cũng có thể tham khảo cách viết CV cho người hay nhảy việc ấn tượng, thu hút để có nhiều cơ hội khi ứng tuyển việc làm mới.
3.3. Không có nhiều kiến thức chuyên sâu
Như đã đề cập ở trên, Job hopping sẽ đem lại cho bạn cơ hội sở hữu nhiều bộ kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên do thời gian gắn bó với mỗi công việc quá ngắn, bạn sẽ hạn chế quá trình tự học của bản thân. Các kỹ năng và kiến thức bạn có được thường sẽ chỉ là bề nổi. Trong khi đó, nếu bạn làm việc lâu dài cho một số công ty nhất định, bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu và có cơ hội mở rộng hiểu biết của mình về văn hóa doanh nghiệp, cách hoạt động và mô hình kinh doanh của công ty.
Những điểm bất lợi khi Job hopping - thay đổi việc làm thường xuyên
3.4. Học lại từ đầu
Khi đảm nhiệm một vị trí mới hay bắt đầu một lĩnh vực mới, bạn cần có thời gian để làm quen với công việc và các quy định của công ty. Điều này sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian cũng như đòi hỏi sự kiên nhẫn. Thêm vào đó, bạn cũng cần làm quen với đồng nghiệp mới và thay đổi bản thân để thích ứng với văn hóa làm việc mới. Bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để chứng tỏ khả năng của bản thân.
Hơn nữa, bạn cũng sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến trong công việc vì những cơ hội này chỉ dành cho những người gắn bó với công ty trong một thời gian dài. Nếu các công ty muốn cắt giảm nhân sự, nhân viên mới cũng sẽ là người người đầu tiên bị mất việc.
Tìm việc làm không phải là một quá trình dễ dàng. Nó đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và bỏ ra nhiều công sức để tìm kiếm các cơ hội phù hợp và chuẩn bị cho vòng phỏng vấn. Khi nhảy việc, chắc chắn bạn muốn tìm được công việc phù hợp hơn. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng việc làm đó sẽ phù hợp với bạn. Vì vậy, trước khi vội vã bỏ việc, hãy thử xin làm việc ở các bộ phận khác trong công ty. Biết đâu bạn có thể tìm được đam mê của mình!
Trước khi quyết định chuyển việc, hãy cân nhắc tất cả ưu điểm và nhược điểm của việc này. Lý do nghỉ việc cần phải hợp lý và bạn nên đảm bảo bản thân đã học hỏi được nhiều điều bổ ích ở vị trí hiện tại. Bạn cũng cần tự đánh giá năng lực và xác định mục tiêu nghề nghiệp của bản thân một cách rõ ràng. Bạn thích làm gì? Điều gì thúc đẩy bạn làm việc? Bạn muốn làm việc trong môi trường như thế nào? Hãy trả lời những câu hỏi trên và lựa chọn công việc phù hợp với kỹ năng và trình độ của bạn.