Ngành lập trình game, thiết kế game: Ngành vừa làm vừa chơi?
Ngày đăng tin: 25/10/2022 21:35
Trong vài thập kỷ qua, ngành công nghiệp game (trò chơi điện tử) đã phát triển với tốc độ chóng mặt, không chỉ là phương tiện giải trí có mức phát triển nhanh nhất về doanh thu mà còn tạo ra các ngành nghề chưa từng tồn tại trước đây. Vậy ngành lập trình game, thiết kế game có phải là ngành vừa làm vừa chơi?
Các
lập trình viên game và nhà thiết kế trò chơi làm việc với một nhóm để thiết kế các game giải trí, đấu trí, thu hút người dùng. Họ đóng vai trò quan trọng hàng đầu để tạo ra các game mới, có khả năng điều phối, xử lý các nhiệm vụ phức tạp. Họ lên ý tưởng, thiết kế nhân vật, cấp độ, nhiệm vụ, hiệu ứng,... Họ phải biết cách lập trình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, quản lý dự án và thử nghiệm game.
Ngành lập trình game, thiết kế game có vất vả không?
I. Lập trình game và thiết kế game có phải ngành vừa làm vừa chơi?
Để lập trình và thiết kế game, bạn phải biết chơi, hiểu về nhiều thể loại trò chơi khác nhau. Điều này sẽ cho phép bạn tìm ý tưởng về những trò chơi mới dựa trên tâm lý của người chơi thực tế: bạn thích game có những tính năng gì, bao gồm các nhiệm vụ nào, mức độ khó ra sao?
Tuy nhiên, để lập trình và thiết kế game trở thành nghề nghiệp của bạn, bạn không thể giữ tâm lý vừa làm vừa chơi. Việc chơi game cũng phải được tiến hành theo định hướng công việc để nghiên cứu và tìm ra phân khúc thị trường, nắm bắt xu hướng cũng như tạo ra game mới. Bạn cần có sự chú ý đến chi tiết, tầm nhìn, sáng tạo và sự chuyên nghiệp để làm công việc này.
II. Ngành lập trình, thiết kế game: Triển vọng, mức lương, cơ hội và thách thức
1. Nhu cầu của thị trường
Ngành công nghiệp game là một trong số ít các thị trường phát triển nhanh, liên tục ngay cả khi kinh tế toàn cầu trải qua những đợt suy thoái. Nguyên nhân có thể là do những tiến bộ của khoa học - công nghệ khiến người dùng tiếp cận nhiều hơn với thiết bị điện tử thông minh và game. Điều này cũng có nghĩa là có vô số vị trí việc làm ở khắp nơi cho các nhà thiết kế, lập trình game, test game,...
Các thành phố tốt nhất cho các nhà thiết kế game, lập trình game là Montreal (Canada), Austin (Texas - Mỹ), Toronto, Vancouver (Canada), Tokyo (Nhật Bản), Seattle (Mỹ), Paris (Pháp), Los Angeles, San Francisco (Mỹ), London (Anh). Những năm gần đây, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có thị trường game rất phát triển.
Ngành công nghiệp game toàn cầu đã và đang chứng kiến sự bùng nổ với thị trường được định giá 137,9 tỉ USD (2018). Cũng trong năm 2018, thị trường game ở Việt Nam đã có mức tăng trưởng lên đến 17%, đạt hơn 7.700 tỷ đồng. Điều này làm gia tăng rõ rệt nhu cầu nhân lực trong ngành công nghiệp game, tạo cơ hội cho những bạn trẻ đam mê với công việc thiết kế và lập trình game có thể vừa làm việc mình yêu thích vừa có được mức thu nhập cao và sự nghiệp thành công.
Những năm gần đây, cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh, game di động trở thành một trong những nhánh phát triển nhanh nhất của ngành công nghiệp game. Một số studio phát triển nhanh nhất trên thế giới chỉ tạo ra các ứng dụng và game cơ bản cho di động những vẫn làm ăn rất tốt. Đây cũng có thể là một hướng đi nếu bạn muốn bắt đầu sự nghiệp trong ngành này.
Triển vọng của ngành lập trình game, thiết kế game ra sao?
2. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc của lập trình viên game, thiết kế game theo quy định của Luật Lao động là 2 tháng. Tuy nhiên, thời gian thử việc có thể dài hoặc ngắn hơn theo thoả thuận giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Những lập trình viên, thiết kế game có kinh nghiệm và hoàn thành nhiều dự án lớn có thể không cần thử việc, trong khi các ứng viên mới ra trường sẽ cần thời gian để thử thách và thích nghi.
3. Mức lương khởi điểm
Có thể nói, lập trình, thiết kế game thuộc top những ngành có thu nhập cao nhất trong khối kỹ thuật hiện nay, cho dù bạn chỉ mới ra trường hay chưa có kinh nghiệm. Ở Mỹ, trung bình một nhà thiết kế game nhận mức lương 64.800 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng/năm). Mức lương khởi điểm thấp nhất là 40.000 USD/năm (tương đương 900 triệu/năm).
Còn ở Nhật, mức lương trung bình của một lập trình viên game là 4.842.497/năm (khoảng 1 tỷ đồng/năm). Tại Việt Nam, lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game có thể là từ 5 - 8,8 triệu/tháng cho các bạn mới ra trường, cao hơn nếu bạn đã có những sản phẩm sáng tạo, thú vị được đánh giá cao.
4. Mức lương theo năm kinh nghiệm
Khi đã làm việc từ 3 - 5 năm, lương của mỗi lập trình viên và nhà thiết kế game ở Mỹ có thể tăng lên đến 65.000 USD/năm (1,6 tỷ đồng/năm). Những người có năng lực thậm chí có thể nhận tới 102.000 USD/năm (gần 2,5 tỷ đồng/năm). Ở Việt Nam, sau khoảng 3 - 5 năm làm việc, bạn sẽ có mức thu nhập từ 20 triệu trở lên mỗi tháng. Nhiều người thậm chí nhận tới 35 triệu/tháng.
Bên cạnh mức lương chính thức, lập trình viên, nhà thiết kế game có thể nhận được phụ cấp, hoa hồng cho mỗi dự án thành công. Nhìn chung, tổng thu nhập phụ thuộc rất nhiều vào hiệu suất công việc thực tế. Nhìn chung, một lập trình viên game có thể kiếm được tới 40 - 50 triệu/tháng nếu có trên 5 năm kinh nghiệm và thành tích xuất sắc qua các sản phẩm trò chơi điện tử ấn tượng.
5. Cơ hội sự nghiệp
Nếu muốn làm trong ngành lập trình, thiết kế game, bạn có thể cân nhắc một số vị trí việc làm sau:
- Nhà thiết kế game.
- Lập trình game.
- Kỹ sư âm thanh game.
- Giám đốc sáng tạo.
- Hoạ sĩ game.
- Nhà tiếp thị game/PR game.
- Tester (kiểm thử game).
- Nhà thiết kế hệ thống game.
5.1. Cơ hội việc làm của lập trình, thiết kế game tại Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, thị trường game ở Việt Nam phát triển rất nhanh những năm gần đây, đặt ra nhu cầu lớn về nhân sự có trình độ và kỹ năng. Nếu theo học các ngành lập trình, khoa học máy tính, v.v. có định hướng thiết kế game, bạn gần như không phải lo lắng nhiều về việc làm sau khi ra trường.
Bạn có thể xin vào các công ty game, các công ty phần mềm, thiết kế và bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình ở đó. Với sự sáng tạo và chuyên nghiệp bạn sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Nhiều người sau một thời gian đi làm và tích luỹ kinh nghiệm có thể tự lập công ty, nghiên cứu và phát triển công ty game của riêng mình.
5.2. Cơ hội việc làm tại nước ngoài
Lập trình viên game, nhà thiết kế game có thể làm việc tại Việt Nam hoặc lựa chọn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài. Một số thị trường lớn mà bạn có thể xem xét như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, để có thể tìm kiếm công việc ở nước ngoài bạn cần có kỹ năng ngoại ngữ và am hiểu về thị trường game tại quốc gia đó.
6. Khi nào thì được thăng chức?
Trong ngành thiết kế, lập trình game, quá trình được ghi nhận và thăng tiến chủ yếu dựa vào khả năng thực tế: bạn làm được những gì, đóng góp những gì cho dự án phát triển game nói riêng, công ty nói chung. Một số người lên làm trưởng nhóm chỉ sau khoảng 2, 3 năm kinh nghiệm, cũng có người làm trưởng phòng sau khoảng 5 năm kinh nghiệm. Nhìn chung, bạn sẽ được thăng chức sau khi có những thành tích được định lượng.
Cơ hội và thách thức của ngành lập trình game, thiết kế game
7. Cơ hội tăng thêm thu nhập
Hầu hết những lập trình viên game và thiết kế game đều có khả năng nhận thêm các dự án bên ngoài về làm. Đây là một lựa chọn kiếm thêm thu nhập phổ biến với nhiều người. Điều quan trọng là bạn phải xây dựng được uy tín, có các mối quan hệ tích cực trong ngành và có khả năng, hoàn thành đúng deadline, không để các công việc làm thêm ảnh hưởng tới việc làm toàn thời gian.
8. Thách thức
Các nhà thiết kế game, lập trình game không chỉ đưa ra những ý tưởng chơi trò chơi tuyệt vời mà còn tìm ra phương pháp thực hiện chúng theo cách tốt nhất có thể. Tất cả những trò chơi vui và gây nghiện được tạo ra từ những nhà thiết kế, lập trình game sáng tạo, đam mê và có năng lực để biến ý tưởng thành thực tế.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều công việc khác, trở thành một nhà thiết kế game, lập trình game không có nghĩa là bạn lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ vừa làm vừa chơi. Trên thực tế, các công việc này là một trong những vai trò căng thẳng nhất trong studio phát triển game. Sau đây là một số thách thức mà bạn có thể phải đối mặt trên con đường trở thành một lập trình viên game hay nhà thiết kế game.
8.1. Lập trình game, thiết kế game không chỉ cần ý tưởng
Một quan niệm sai lầm lớn về vai trò của một
nhà thiết kế game, lập trình viên game là họ chỉ ngồi chơi game sau đó nghĩ ra những ý tưởng. Thực tế là thời gian dành cho việc nghĩ ra ý tưởng chỉ là một phần nhỏ so với những gì một nhà thiết kế game, lập trình game thực sự phải làm. Từ giai đoạn đầu tiên tạo mẫu cho đến tuần phát hành cuối cùng (và đôi khi xa hơn), công việc chính của nhà thiết kế game, lập trình game là đảm bảo mọi thứ khớp với nhau, mang lại trải nghiệm thú vị và bóng bẩy cho người chơi.
Thậm chí, nếu bạn là một nhà thiết kế chính thì bạn cũng có nhiệm vụ đảm bảo mọi người trong nhóm/bộ phân tuân theo mục tiêu của dự án. Bạn cũng phải biết cách làm cho game trở lên độc đáo, thú vị. Dù thiết kế game, lập trình game là công việc hấp dẫn có mức lương cao nhưng ngành này cũng có sự cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Nếu bạn không khác biệt, bạn sẽ rất khó thành công.
Thu nhập của lập trình game, thiết kế game được đánh giá tương đối cao
8.2. Bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề mọi lúc
Nếu bạn ít khi bị căng thẳng khi gặp vấn đề, có lẽ trở thành một nhà thiết kế game sẽ phù hợp với bạn. Vì các game có xu hướng phức tạp hoá và liên tục phát triển, các nhà thiết kế game gần như đối mặt với khó khăn mỗi ngày. Bạn sẽ xử lý lỗi kỹ thuật mọi lúc để game chạy trơn tru và đúng như dự định.
Bạn cũng sẽ được yêu cầu xử lý tốt khi lối chơi cần được điều chỉnh hoặc một phần lớn của trò chơi (nhiệm vụ, giao diện, v.v.) bị hạn chế vì nhiều lý do, đề ra giải pháp thay đổi nhận vật, kịch bản game, v.v. Trở thành một nhà thiết kế game, lập trình viên game yêu cầu bạn biết và học cách giữ cho game được mới mẻ dù nhiều vấn đề có thể luôn xuất hiện và không đi theo kế hoạch.
8.3. Áp lực về thời gian
Một thách thức khác với lập trình viên game và nhà thiết kế game là áp lực về thời gian. Bạn thường sẽ phải làm việc nhiều giờ hơn bình thường để đáp ứng thời hạn, nhất là khi một giai đoạn trong dự án cần phải nghiệm thu. Trong khi những người khác làm việc từ 8 - 10 giờ/ngày, lập trình viên game và thiết kế game có thể sẽ phải làm từ khoảng 12 đến 15 giờ/ngày.