Có nên tiết lộ những thất bại trong CV xin việc?
Ngày đăng tin: 05/12/2021 21:00
Trong CV xin việc, ai cũng muốn khoe ra những điểm mạnh, những thành tích ấn tượng nhưng những thất bại, sai lầm của bạn thì sao? Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình nên tiết lộ những thất bại trong CV xin việc và biết đâu bạn sẽ tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng lối tư duy khác biệt này? Hãy cùng Cevn đi tìm câu trả lời nhé.
Cho dù bạn quyết tâm tới mức nào đi chăng nữa thì thành công 100% trong sự nghiệp gần như là điều không thể. Bất cứ ai trong chúng ta cũng ít nhất một vài lần trải qua những thất bại. Đó có thể là một dự án thất bại, một đề xuất không được chấp nhận hay nghiêm trọng hơn là việc bị giáng chức, đuổi việc hay khởi nghiệp không ngành công. Vậy thì, trong quá trình gây dựng lại sự nghiệp, bạn sẽ có thể gặp phải những khó khăn, thắc mắc như liệu có nên ghi những thất bại vào CV xin việc hay làm thế nào chia sẻ những điều này mà vẫn ghi điểm với nhà tuyển dụng?
Nên hay không nên ghi thất bại trong CV xin việc?
I. Có nên ghi thất bại trong CV xin việc?
Cho dù thất bại là gì đi chăng nữa thì điều đó cũng không có nghĩa là sự nghiệp của bạn đã chấm dứt. Bạn cần dành thời gian để xem lại những việc đã xảy ra. Nếu có cơ hội làm lại thì bạn có làm khác không? Bạn đã học được gì qua sự việc đó? Điều quan trọng không phải là bạn thấy mình đã từng sai lầm như thế nào mà bạn đã học được gì qua thất bại đó. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể tìm ra những hướng đi mới cho sự nghiệp của mình.
Việc có nên chia sẻ những thất bại trong CV xin việc hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau nhưng hãy nhớ rằng nó hoàn toàn do quyết định của bạn. Không có một quy tắc hay bộ tiêu chuẩn nào yêu cầu bạn phải "phơi bày" toàn bộ những thất bại của mình để người khác thấy. Người xưa vẫn có câu "đẹp đẽ khoe ra, xấu xa che lại" nên thực tế thì việc liệt kê thất bại cũng như các điểm yếu trong CV cũng không phải là điều nên làm.
Trước khi quyết định có viết thất bại vào CV xin việc hay không, hãy dành thời gian để xem xét lại những sự việc đã diễn ra không đúng như ý muốn của bạn. Có thể ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ thấy rằng đó là một rào cản quá lớn đến mức bạn không thể vượt qua được. Tuy nhiên, khi đã tạo được khoảng cách và những bước tiến nhất định, bạn sẽ thấy rằng điều đó không hề tạo ra những tác động quá to lớn đối với sự nghiệp của bạn. Nếu có thì đó cũng chỉ là những ảnh hưởng tích cực.
Nếu đó là những thất bại không quá nghiêm trọng và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn thì việc chia sẻ trong CV sẽ không tác động quá nhiều. Bạn hoàn toàn có thể giải thích trong CV hoặc khi phỏng vấn trực tiếp. Một vài ví dụ có thể kể đến như bị sa thải sau 2 tháng thử việc ở công ty mới, dành 6 tháng thử làm full-time freelancer nhưng thất bại, bị giáng chức chỉ sau 3 tháng đảm nhiệm cương vị quản lý hay đầu quân cho một công ty startup và công ty phá sản chỉ 3 tháng sau đó.
Tuy nhiên, nếu như đó là những thất bại nghiêm trọng hơn như là một dự án kinh doanh thất bại hoặc diễn ra trong một thời gian dài thì bạn nên trình bày rõ ràng trong CV. Đó có thể là việc bạn đã làm việc cho công ty 6 năm trước khi bị sa thải hoặc điều hành một doanh nghiệp startup 4 năm thì cạn vốn. Cho dù tình huống ở đây là gì đi chăng nữa thì nó cũng sẽ không nói lên toàn bộ những nỗ lực trong suốt một thời gian dài của bạn. Sau tất cả, những gì mà bạn học được sẽ là những kỹ năng mềm, kiến thức và bài học kinh nghiệm hữu ích cho sự nghiệp sau này.
II. Cách chia sẻ thất bại trong CV mà vẫn ghi điểm với nhà tuyển dụng
Chia sẻ thất bại trong CV xin việc để ghi điểm với nhà tuyển dụng là một cách làm khá táo bạo và bạn cần phải có chiến lược cụ thể. Tất nhiên là bạn cần phải trung thực trong trường hợp này và đừng quên nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Hãy tự hỏi bản thân đã học được những gì, rèn luyện được những kỹ năng nào mới và cả việc sẽ vận dụng bài học kinh nghiệm đó vào công việc mới này như thế nào?
Làm thế nào để ghi thất bại trong CV xin việc mà vẫn gây ấn tượng tốt?
Thay vì tập trung vào việc bạn cảm thấy như thế nào trước thất bại đó, hãy lùi lại một bước để phân tích lý do tại sao bạn lại gặp thất bại, bạn đã cố gắng hết mình để khắc phục khó khăn hay chưa hay là đợi nước đến chân mới nhảy, có phải bạn đã quá chủ quan hay chỉ đơn giản là vì việc đó nằm ngoài năng lực của bạn.
Một khi đã cân nhắc toàn diện các khía cạnh và quyết định sẽ viết thất bại vào CV xin việc thì bạn cần phải lưu ý những điểm sau:
1. Tránh sử dụng những từ như "thất bại" hay "sai lầm"
Hãy đề cập đến những thất bại mà bạn đã gặp phải như là một bài học kinh nghiệm để bạn phát triển sự nghiệp. Thay vì đào sâu vào những điều tiêu cực, hãy tập trung vào những khía cạnh tốt đẹp hơn: bạn đã học được những gì và nó giúp được gì cho sự nghiệp tương lai của bạn.
2. Đưa ra ngữ cảnh cụ thể
Ngay trong chính bản CV xin việc, bạn có thể giải thích một cách ngắn gọn bạn đã gặp phải thất bại gì, bạn đã học được điều gì và vượt qua nó như thế nào. Bạn không cần phải diễn giải quá chi tiết bởi sẽ có cơ hội để được chia sẻ nhiều hơn trong quá trình phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải cho nhà tuyển dụng hiểu được những thông tin cơ bản nhất.
Chẳng ai thích thất bại thế nhưng một khi bạn đã dành thời gian để suy nghĩ cặn kẽ mọi chuyện thì có lẽ những điều mà bạn nhận lại đều là những bài học quý giá. Không có một quy định nào buộc bạn phải ghi những thất bại của mình trong CV; thế nhưng khi bỏ qua nó hoàn toàn, nhà tuyển dụng có thể sẽ đặt câu hỏi về khoảng thời gian nghỉ việc của bạn. Ngược lại, một khi đã quyết định chia sẻ trong CV, đừng để nhà tuyển dụng thấy đó là một thất bại - hãy chỉ đơn giản tập trung vào những kỹ năng và bài học kinh nghiệm mà bạn đã học được.