• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

65080
Tổng số truy cập:65080
Khách đang online: 356
Cách giới thiệu bản thân trong CV xin việc
Ngày đăng tin: 25/11/2021 14:38

CV xin việc không chỉ bao gồm mọi thông tin cơ bản nhà tuyển dụng muốn biết mà còn là tài liệu để ứng viên giới thiệu bản thân một cách nổi bật nhất, theo cách khéo léo và ấn tượng nhất. Liệu bạn đã biết cách giới thiệu bản thân thật chuyên nghiệp trong CV của mình?

CV xin việc là cơ hội để bạn giới thiệu bản thân và chứng minh với nhà tuyển dụng rằng mình là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí mà họ đang tìm kiếm. Nghe qua thì có vẻ rất đơn giản, bạn chỉ cần liệt kê tất cả những loại bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm mà mình có là được. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này lại không hề đơn giản như vậy. Giữa hàng chục, thậm chí hàng trăm ứng viên, bạn cần phải giới thiệu bản thân một cách khác biệt thì mới có thể tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
 

Làm thế nào để giới thiệu bản thân trong CV xin việc chuyên nghiệp?

I. Cách giới thiệu bản thân trong CV xin việc
 
Tất cả các phần, nội dung trong bản CV xin việc đều nhằm một mục đích duy nhất là giúp bạn giới thiệu về bản thân và khẳng định với nhà tuyển dụng rằng bạn là ứng viên sáng giá nhất. Bởi vậy, bạn cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ trong toàn bộ bản CV xin việc.
 
1. Hình ảnh cá nhân
 
Hiện nay, hầu hết các mẫu CV tiêu chuẩn đều sẽ có phần hình ảnh và đó cũng là phần mà mọi nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến đầu tiên ngay khi mở CV của ứng viên. Ấn tượng ban đầu bạn đem đến cho nhà tuyển dụng phụ thuộc vào việc bạn chọn hình ảnh thế nào. Lời khuyên ở đây là bạn nên chọn ảnh phù hợp - lịch sự nhưng không quá nghiêm túc, cứng nhắc mà tự nhiên và thể hiện một phần phong cách của bạn - hình ảnh bản thân mà bạn muốn tự giới thiệu đến nhà tuyển dụng.
 
Bạn không nhất định phải mặc vest cho thật già dặn nhưng cũng tuyệt đối tránh ảnh mặc đồ "thiếu vải", mặc áo phông lòe loẹt hay lấy ảnh chụp cả người hay ảnh mà phong cảnh chiếm tỷ lệ quá lớn. Ngoài ra, ảnh phải thật rõ nét, nhìn rõ mặt, không tạo dáng khác lạ hay quá trẻ con.
 
2. Phần thông tin liên hệ
 
Thông tin liên hệ tuy đơn giản nhưng lại là phần không thể thiếu trong bất kì CV nào. Phần này cần bao gồm những thông tin cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại liên hệ và địa chỉ email. Không có gì khó khăn trong phần này, bạn chỉ cần liệt kê đầy đủ và chính xác những thông tin như đã nêu trên vào CV xin việc.
 
Một lưu ý nhỏ là bạn nên dùng những địa chỉ email chuyên nghiệp, phù hợp với môi trường làm việc. Tránh những email như thời còn đi học như congchuabebong@gmail.com hay danchoiquetoi@gmail.com, ... Dù thông tin được trình bày ở những phần sau CV của bạn có tốt đến mấy thì nhà tuyển dụng cũng sẽ ngần ngại khi thấy bạn còn sử dụng những email như thế này.
 
3. Phần mục tiêu nghề nghiệp
 
Chỉ với 2 - 3 câu ngắn gọn, bạn cần phải cho nhà tuyển dụng thấy được những lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của bạn trong sự nghiệp. Bạn có thể chia thành những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sao cho hợp lý để có thể triển khai một cách dễ dàng hơn.
Mục tiêu nghề nghiệp mặc dù ngắn nhưng cũng là phần quan trọng để bạn giới thiệu bản thân trong CV xin việc. Tốt nhất là bạn cho thấy mình là người có định hướng rõ ràng và quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
 

Mục tiêu nghề nghiệp là phần quan trọng nhà tuyển dụng chú ý đến
 
4. Phần trình độ học vấn
 
Trong phần này, hãy liệt kê quá trình học tập của bản thân theo trình tự thời gian. Đừng quên những thành tích mà bạn đã đạt được trong quá trình đó để nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ nhất về năng lực của bạn.
 
5. Phần kinh nghiệm làm việc
 
Đây có lẽ là phần quan trọng nhất trong một bản CV xin việc. Nếu bạn đã có nhiều năm công tác trong nghề, hãy liệt kê lại các vị trí mà bạn đã từng đảm nhiệm mà có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Bạn không nên chỉ liệt kê những việc mà mình đã làm mà hãy bổ sung cả những thành tích mà bạn đã đạt được trên cương vị đó.
Với những sinh viên mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì có thể tập trung vào phần kỹ năng hoặc trình độ học vấn. Thay vì thành tích trong công việc, hãy liệt kê những kết quả đã đạt được khi còn đi học và cả những giải thưởng, bằng khen nếu có.
 
6. Phần kỹ năng
 
Những kỹ năng mà nhà tuyển dụng quan tâm bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Bạn nên căn cứ vào bản mô tả công việc của nhà tuyển dụng để xem họ yêu cầu gì ở ứng viên, từ đó có thể liệt kê những kỹ năng phù hợp nhất. Bạn không nên liệt kê tràn lan tất cả các kỹ năng; thay vào đó, hãy chọn lọc những thông tin quan trọng nhất và có giá trị nhất.
 
II. Lưu ý khi giới thiệu bản thân trong CV xin việc
 
1. Độ dài phù hợp, tập trung vào những thông tin chính
 
Hầu hết chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng đều khuyên rằng CV xin việc chỉ nên dài 1 trang A4. Những CV dài đến 2 - 3 trang thường sẽ không để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng. Họ đều là những người bận rộn và sẽ không có nhiều thời gian để đọc hết những bản CV xin việc lan man, không có trọng tâm.
 
2. Sử dụng những con số
 
Đừng chỉ liệt kê những kinh nghiệm làm việc hay thành tích một cách chung chung mà hãy sử dụng các con số để chứng minh cho điều đó. Tuy nhiên, đây phải là những con số chính xác từ thực tế công việc chứ không phải do bạn phóng đại lên.
 
3. Lưu ý tới những từ khóa quan trọng
 
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao nếu như CV của bạn có được những thuật ngữ chuyên ngành hay những từ khóa đã được nêu trong bản mô tả công việc. Nếu như bạn thấy mình đáp ứng được những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra trong bản mô tả công việc thì hãy sử dụng chính ngôn ngữ của họ để thể hiện bản thân thay vì sử dụng những từ ngữ khác với ý nghĩa tương đương.
 

Ứng viên cần lưu ý gì khi giới thiệu bản thân trong CV xin việc?
 
III. Những lỗi cần tránh khi giới thiệu bản thân trong CV xin việc
 
Để CV xin việc tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn cần tuyệt đối tránh những lỗi sau:
  • Lỗi sai chính tả: Những CV có chứa lỗi sai chính tả sẽ bị loại ngay đầu tiên, cho dù những thông tin trên đó có hấp dẫn tới mức nào đi chăng nữa. Muốn chứng minh mình là người chuyên nghiệp thì hãy kiểm tra lại CV thật kỹ lưỡng, ít nhất là 2 lần trước khi gửi đi.
  • Thông tin quá chung chung: CV chứa toàn những thông tin chung chung như kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm,... cũng sẽ khiến bạn bị loại. Những kỹ năng này không khiến bạn trở nên đặc biệt hay tài giỏi hơn trong mắt nhà tuyển dụng bởi đây là điều kiện bắt buộc đối với bất cứ ai muốn tồn tại trong môi trường làm việc ngày nay.
  • Ngôn ngữ tiêu cực: Những CV với ngôn ngữ tiêu cực như thể hiện sự thất vọng, chán nản với công việc trước đây; nói xấu sếp, đồng nghiệp cũ; ... cũng sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp.
  • CV quá dài dòng, lan man: Nhà tuyển dụng sẽ không đọc từng câu, từng chữ trong CV của bạn; ngược lại, họ sẽ chỉ lướt qua để nắm bắt ý chính. Khi đó, nếu như họ không thể tìm thấy những gì mà họ cần, CV của bạn cũng sẽ bị bỏ sọt rác ngay lập tức.
Để giới thiệu bản thân trong CV xin việc không phải là điều đơn giản nhưng cũng không quá khó khăn. Chỉ cần bạn thực sự nghiêm túc với nó, đọc kỹ những yêu cầu của nhà tuyển dụng và tuân thủ các nguyên tắc khi viết CV xin việc, bạn chắc chắn sẽ thành công.
Số lượt đọc: 665 -