Chiến lược tìm kiếm việc làm cho người lớn tuổi
Ngày đăng tin: 28/01/2021 16:39
Chúng ta phải làm quen với thực tế rằng năm 2021 vẫn còn những tàn dư của dịch COVID-19. Và nếu chẳng may bạn phải tìm việc dù đã có tuổi, bạn có thể phải đối mặt với việc bị phân biệt tuổi tác. Tuy vậy, có những chiến lược khả thi giúp các ứng viên lớn tuổi tìm được việc làm.
Bất chấp tất cả các kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy, bạn vẫn cần thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp với công việc. Sẽ thuận lợi hơn nếu bạn sở hữu các thế mạnh nổi bật.
Làm nổi bật kinh nghiệm
Đầu tiên, những người lao động lớn tuổi có thể lôi kéo sự chú ý vào kinh nghiệm lâu năm và đa dạng mà họ sở hữu. Có thể nói là hàng thập kỷ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả vấn đề quản lý, đối nhân xử thế. Đó là những thứ mà người lao động trẻ tuổi có ít hơn. Vậy hãy làm nổi bật kinh nghiệm và năng lực mũi nhọn trong CV và suốt quá trình phỏng vấn xin việc.
Tuy vậy, trong Sơ yếu lý lịch (CV), bạn nên giới hạn phần liệt kê sự nghiệp, chỉ để lại những giai đoạn nổi bật nhất, sẽ giúp giảm bớt cảm giác “quá già”. Khi viết sơ yếu lý lịch và thư xin việc, không cần phải đề cập mọi công việc bạn từng làm. Chỉ viết ra các vị trí gần đây nhất. Nếu bạn đã học đại học, chỉ cần liệt kê bằng cấp, không cần nói rõ năm tốt nghiệp.
Làm nổi bật các kỹ năng
Hãy nghĩ về những kỹ năng và phẩm chất - kết quả của nhiều năm kinh nghiệm. Lập danh sách tất cả các kỹ năng bạn có, cả ở trong lẫn ngoài công việc. Sau đó, nhìn vào công việc mà bạn quan tâm, khoanh tròn bất cứ kỹ năng nào mà bạn cảm thấy phù hợp với yêu cầu công việc. Đặc biệt chú ý đến những kỹ năng có thể hữu ích cho hầu hết mọi công việc, ví dụ giao tiếp và quản lý. Hoặc những phẩm chất như nhẫn nại, độ lượng.
Dù gần đây bạn có làm việc hay không, nhiều khả năng bạn có những phẩm chất mà những nhà tuyển dụng đang cần. Các nghiên cứu đã chỉ ra: những ứng viên trên 50 tuổi thường đặc biệt đáng tin, có xu hướng cẩn trọng, kỹ lưỡng, và kiên nhẫn. Họ cũng có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ.
Cân nhắc phát triển những kỹ năng mới
Hãy xem xét bất kỳ kỹ năng nào cần thiết cho công việc. Dành thời gian để phát triển những kỹ năng mà bạn đang thiếu hoặc đã lâu không sử dụng. Ví dụ, nếu nhiều công việc trong lĩnh vực mà bạn quan tâm yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, hãy cân nhắc đi học một khóa Tin học cơ bản. Có rất nhiều khóa học online miễn phí cho các kỹ năng khác nhau, đặc biệt là về công nghệ.
Mạng lưới quan hệ nghề nghiệp
Kể cả khi bạn đã có mạng lưới quan hệ đáng kể trong ngành, bạn luôn có thể tạo thêm. Cân nhắc việc tham gia (hoặc quay lại) một tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình. Trò chuyện với bạn bè, gia đình về việc bạn đang tìm kiếm công việc. Đừng ngại liên lạc và chia sẻ với mọi người, vì đó là cách hiệu quả để dẫn đến các mối quan hệ nghề nghiệp.
Nghe theo đam mê
Khi bạn đang trở lại với guồng quay sự nghiệp lần thứ 2, đừng bỏ qua cơ hội làm việc vì đam mê. Có lẽ bạn luôn muốn làm việc với trẻ con - nếu vậy, tìm một vị trí cô nuôi dạy trẻ hoặc tạp vụ, đầu bếp trường học. Nếu bạn luôn luôn có sở thích làm mộc - hãy thử làm thợ hoàn thiện nội thất hoặc giám sát sản phẩm. Hãy nghĩ thật kỹ những điều mà bạn muốn làm với giai đoạn này của cuộc đời, và nghe theo đam mê để có tình yêu công việc!
Cập nhật Sơ yếu lý lịch (CV) và Thư xin việc
Một cách để vượt qua định kiến tuổi tác là thể hiện khả năng hòa nhập. Đảm bảo rằng cách hành văn về kỹ năng và thành tích sử dụng từ vựng hiện đại. Ví dụ: bạn nên sử dụng thuật ngữ “email” thay vì “thư điện tử”.
Thư xin việc cũng rất quan trọng. Đừng bỏ qua mẹo thể hiện bản thân qua thư xin việc: Nhân đôi lời mời phỏng vấn bằng thủ thuật này trong CV.
Hơn ai hết, bạn đủ kinh nghiệm để có thể nhìn ra vấn đề của một doanh nghiệp. Và phô bày được kỹ năng bù đắp vấn đề là cách tiếp thị bản thân hiệu quả nhất.
Cập nhật hình ảnh chuyên nghiệp của bạn
Bạn có thể viết sơ yếu lý lịch và thư xin việc một cách chiến lược, nhưng bạn không thể thay đổi tuổi thực và quá trình làm việc của bạn. Để cải thiện bớt định kiến của nhà tuyển dụng, bạn có thể “trẻ hóa” ngoại hình trong quá trình tìm việc. Nó có thể là nhuộm lại tóc, mặc một bộ đồ vừa vặn, thanh lịch, và trang điểm phù hợp. Điều đó có thể mang lại hiệu quả đáng kể khi người khác nhìn vào ảnh và gặp bạn trực tiếp.
Thái độ trong cuộc phỏng vấn xin việc
Chắc chắn sẽ có những nhà tuyển dụng đặt vấn đề e ngại về khả năng hòa nhập cũng như đáp ứng công việc. Hãy dự đoán những câu hỏi này và có những câu trả lời lạc quan, không phòng thủ. Những bí quyết trả lời phỏng vấn có sẵn trên CareerBuilder có thể hữu ích, bao gồm cách biến trải nghiệm thành vốn quý, trang phục nên chọn, và cách giữ thái độ tích cực khi gặp câu hỏi khó.
Cân nhắc thay đổi nghề nghiệp
Không nên nhất định chỉ chọn ngành nghề đã gắn bó lâu nay nếu cảm thấy cơ hội không nhiều. Và cũng làm quen với khả năng: nếu chuyển đổi nghề nghiệp, mức thu nhập của bạn có thể không được như trong giai đoạn bạn đang đương nhiệm.
Nhận trợ giúp tìm kiếm việc làm
Nếu bạn đang gặp khó khăn về định hướng tìm kiếm việc làm của mình, hãy thử tìm gợi ý trong tính năng Lộ trình sự nghiệp của CareerBuilder. Mặt khác, hãy chú ý đến những thông tin tuyển dụng quảng cáo rằng họ coi trọng kinh nghiệm sống. Trong chiến lược tuyển dụng, nhiều công ty sẽ thẳng thắn hướng đến các ứng viên trẻ, nhưng một số công ty khác thì không.
Đừng bỏ cuộc
Hãy nhớ rằng không chỉ bạn đang gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.80-90% người trong độ tuổi từ 60-70 vẫn còn muốn làm việc. Phần lớn không biết tìm việc làm ở đâu, thường chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều.
Tìm kiếm việc làm thường không phải lúc nào cũng dễ dàng, bất kể bạn bao nhiêu tuổi. Nếu tuổi tác đang cản trở việc tìm kiếm việc làm, hy vọng các chiến lược trên đây của CareerBuilder sẽ giúp bạn giải quyết tình hình. Đừng bỏ cuộc. Có thể mất một khoảng thời gian để tìm được việc làm, nhưng sẽ có những nhà tuyển dụng hiểu giá trị của một người lao động lớn tuổi có sự trưởng thành, kinh nghiệm sống và kỹ năng.