Freelancer: Nghề cho những kẻ lười?
Ngày đăng tin: 24/01/2021 22:37
Sau một thời gian “chinh chiến” hết mình với môi trường công sở, nhiều người sẽ muốn được tự do, tâm lý này càng đặc biệt đúng với những ai làm công việc sáng tạo hay liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật. Chán cảnh phải đi đến công ty mỗi ngày, gò bó bản thân vào khung giờ hành chính quy củ và bị nhiều người giao việc, họ quyết định rời bỏ công ty và trở thành một lao động tự do (freelancer).
Chắc bạn cũng không lạ lẫm gì với hình ảnh một freelancer đi xem phim rạp trong giờ hành chính, vác ba lô du lịch khắp nơi suốt nhiều tuần nhiều tháng, thoải mái ngồi bàn công chuyện ở quán café hay tranh thủ ôm máy tính làm việc trên máy bay, xe lửa… Có lẽ vì thế nên trong tưởng tượng của số đông, freelancer là những người thích làm việc hay đi chơi lúc nào tuỳ ý, muốn chăm chỉ hay lười biếng ra sao cũng được.
Nhưng thực tế freelancer có phải là kẻ lười như nhiều người vẫn nghĩ không? Đâu là sự khác biệt quan trọng giữa nhân viên văn phòng và freelancer? Cùng Cevn.com.vn tìm hiểu một chút về đề tài thú vị này nhé!
Những khó khăn phải lường trước khi có ý định trở thành “người tự do”
- Tài chính không ổn định: Vì không còn là nhân viên chính thức của một công ty, bạn sẽ không thể kiểm soát nguồn thu nhập trong tầm tay được nữa. Hợp đồng làm việc sẽ có khi ít khi nhiều. Có lúc bạn “rủng rỉnh tiền trong túi” nhưng không ít giai đoạn bạn bị thiếu trước hụt sau, thậm chí rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh. Còn phải nhắc đến vấn đề thanh toán, khách hàng đôi khi không có ngày trả phí cố định như công ty trả lương hàng tháng, dù mọi điều khoản đã được thoả thuận trước đó mà tuỳ thuộc vào tiến trình thật sự của dự án. Dù vậy, hãy luôn ghi nhớ rằng, bạn cần phải được trả công xứng đáng cho dù đang làm công việc một cách tự do. Đừng quên tham khảo mức thu nhập bình quân trên thị trường để đảm bảo quyền lợi của mình cho các dự án freelancer nhé.
- Rất tự do nhưng luôn bận rộn: Đừng vội nghĩ rằng thời gian là của bạn nên muốn làm gì tuỳ thích. Thực tế chứng minh hầu hết freelancer đều luôn bận rộn hơn chúng ta vẫn lầm tưởng, trừ những freelancer không thích làm việc nhiều. Lý do là họ phải tự đi tìm và thương thảo các hợp đồng làm việc, rồi tiếp tục tự mình triển khai toàn bộ nếu giành được công việc đó. Tất cả những hoạt động này đều tính bằng ngày giờ. Chưa kể những giai đoạn bạn phải chạy đua với thời gian vì có nhiều công việc cũng lúc. Mà gần như các freelancer đều sẽ nhận nhiều hợp đồng cùng lúc nếu muốn có mức lương bằng hoặc cao hơn so với lúc làm nhân viên toàn thời gian.
- Đôi khi có cảm giác cô đơn: Freelancer là người làm việc độc lập, không còn các đồng nghiệp bên cạnh hỗ trợ, không có tập thể để cùng hướng đến mục tiêu lâu dài. Họ sẽ theo đuổi những dự án, đồng hành cùng khách hàng cho một hoặc một vài chặng đường mang tính ngắn hạn hơn. Đó sẽ luôn là những ngày mới mẻ và thú vị, nhưng những lúc khó khăn thì freelancer thường chỉ có một mình nên không tránh khỏi cảm giác ôm việc “toàn phần”. Đặc biệt, những chuyến teambuilding cùng công ty nay đã là quá khứ. Nếu thích đi chơi hay giao lưu tập thể, freelancer phải nhờ vào sự hoạt bát và mối quan hệ bạn bè cá nhân thôi.
- Mất tác phong chuyên nghiệp công sở: Không cần phải đến chỗ làm mỗi sáng, không phải họp giao ban, không báo cáo, không đánh giá tăng lương… Muốn mặc áo quần kiểu gì tuỳ thích, đến nơi nào làm việc cũng ổn, tư thế ngồi làm việc ra sao cũng được… Những điều này chính là sự thoải mái mà freelancer mong muốn, nhưng nếu không lưu tâm chính nó sẽ khiến bạn mất đi tác phong văn phòng chỉnh chu từng có và trở nên nhếch nhác, xuề xoà quá mức. Dù tự do đến thế nào, sự chuyên nghiệp vẫn nên được giữ lại. Vì thế, lợi thế về không gian và môi trường cũng chính là thách thức dành cho freelancer.
Chuẩn bị như thế nào để “sống tốt” khi làm freelancer?
- Làm việc toàn thời gian cho một công ty, bạn không phải lo lắng vì luôn có rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện và được trả lương định kỳ. Nhưng khi là freelancer, bạn phải tự tìm khách hàng cho chính mình, họ sẽ là người thuê và trả công cho bạn. Thế nên, trước khi chính thức nói lời tạm biệt với công việc hành chính 8 tiếng một ngày, hãy chuẩn bị sẵn cho mình từ 1-3 khách hàng tiềm năng hoặc vài mối quan hệ có thể phát sinh ra công việc. Đừng chủ quan là mình rất giỏi rồi thì công việc sẽ tự tìm đến, đôi khi thực tế không giống như sự tự tin của bạn. Và chắc hẳn, có yêu thích tự do đến đâu thì cũng không freelancer nào muốn thấy cảnh mình rảnh rang đón mỗi ngày mới đến bằng cảm giác lo lắng vì không có tiền xài và hoang mang vì đang “ngồi chơi xơi nước” dài hạn đâu nhỉ!
- Cần liên tục cập nhật thêm nhiều kiến thức tổng quan, rèn luyện đa dạng kỹ năng đồng thời học hỏi, tích luỹ những kinh nghiệm thực tế để làm giàu năng lực bản thân, tăng khả năng cạnh tranh với các freelancer khác và thuyết phục khách hang.
- Phải rèn tính kỷ luật và học cách làm chủ kế hoạch. Bất cứ người đi làm nào cũng cần có kỹ năng sắp xếp và quản lý công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao vào đúng thời gian quy định. Mà trong đó, freelancer phải là người có khả năng tự chủ tốt nhất và giỏi quản lý thời gian biểu nhất. Bởi vì khi không có sếp chỉ đạo đốc thúc và không có đồng đội hỗ trợ, bạn rất dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát về thời gian. Chỉ có tính kỷ luật mới có thể khiến bạn bám sát deadline và kỹ năng sắp xếp công việc tốt sẽ giúp bạn hoàn thành mọi công việc đúng hạn đúng yêu cầu cho tất cả các khách hàng.
Không phải ai muốn “lười” như freelancer cũng được, bởi vì lười như thế cũng là một nghệ thuật. Như câu nói rất quen thuộc: “Mỗi lựa chọn đều có giá của nó”, quan trọng là bạn thích điều gì và nó có phù hợp với điều kiện, khả năng và tính cách bạn hay không. Còn một khi đã cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định theo đuổi một hình thức làm việc và chuyên môn cụ thể thì freelancer sẽ là một nghề tuy gian truân nhưng hết sức thú vị.