Câu hỏi tình huống phỏng vấn Trưởng phòng kinh doanh
Ngày đăng tin: 29/05/2023 21:38
Trưởng phòng kinh doanh có vai trò vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng thường đặt ra những yêu cầu rất cao với ứng viên ứng tuyển vào vị trí này. Một số câu hỏi tình huống trưởng phòng kinh doanh sẽ giúp bạn chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn tiềm năng.
Với nhiệm vụ, trọng trách cao cả thì vị trí trưởng phòng kinh doanh không phải ai cũng có thể đảm nhận. Do đó, bạn phải có kỹ năng, trình độ chuyên môn tốt thì mới dễ "lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng. Những ai vẫn băn khoăn vì chưa biết nên chuẩn bị gì cho buổi phỏng vấn thì hãy theo dõi bài viết sau để tham khảo một số câu hỏi tình huống hữu ích cho vị trí trưởng phòng kinh doanh, từ đó tự mình rèn luyện, tập trả lời để có sự tự tin tối đa.
Cách trả lời câu hỏi tình huống trưởng phòng kinh doanh
I. Vì sao nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi tình huống phỏng vấn Trưởng phòng kinh doanh?
Trưởng phòng kinh doanh là người đứng đầu
phòng kinh doanh của một công ty, chịu trách nhiệm dẫn dắt và quản lý bộ phận của mình đạt được mục tiêu doanh số. Các ứng viên trưởng phòng kinh doanh thường phát triển từ nhân viên kinh doanh và đạt được những thành tựu xuất sắc.
Hiệu suất công việc của nhân viên kinh doanh và trưởng phòng kinh doanh đều được đo bằng số liệu cụ thể: đạt được mục tiêu hay vượt mục tiêu doanh số bao nhiêu phần trăm. Họ cũng có hiểu biết thấu đáo với sản phẩm/dịch vụ của công ty, đồng thời biết cách tìm kiếm, tiếp cận và xây dựng mối quan hệ tích cực với khách hàng. Công việc cụ thể của trưởng phòng kinh doanh bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết sau.
Trưởng phòng kinh doanh là người quản lý cấp cơ sở, tiếp xúc trực tiếp với nhân viên của mình. Họ cần có kỹ năng lãnh đạo và phản ứng nhanh với các trường hợp phát sinh trong công việc. Do đó, những câu hỏi tình huống trưởng phòng kinh doanh được đặt ra để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên ngay từ vòng phỏng vấn, xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản hay không.
II. Câu hỏi tình huống phỏng vấn Trưởng phòng kinh doanh phổ biến nhất và cách trả lời
1. Bạn có kinh nghiệm làm việc trong nhiều nhóm kinh doanh khác nhau hay không? Bạn cảm thấy nhóm công việc và nhóm cộng đồng có liên quan đến nhau như thế nào?
Biết thêm về kinh nghiệm làm việc với các nhóm kinh doanh khác nhau của ứng viên sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận tổng thể về khả năng tham gia, sự hoà đồng và tố chất lãnh đạo. Mỗi phòng/nhóm kinh doanh của các công ty khác nhau đều có những điểm đặc trưng. Người có nhiều kinh nghiệm có khả năng chắt lọc những kỹ năng hữu ích nhất để hoàn thiện bản thân và cống hiến cho công việc mới.
Chẳng hạn, nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng kinh doanh của công ty phần mềm, bạn cần hiểu được tầm quan trọng trong việc hợp tác chặt chẽ với nhóm kinh doanh của mình, đồng thời giữ quan hệ tốt với lập trình viên và nhân viên chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm tham gia các nhóm cộng đồng bên ngoài công việc có thể cũng rất hữu ích với việc xây dựng, mở rộng quan hệ, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Gợi ý trả lời: "Như đã trình bày trong CV xin việc Trưởng phòng kinh doanh, trong 10 năm làm việc với vai trò nhân viên kinh doanh và trưởng nhóm kinh doanh, tôi đã chuyển việc 4 lần. Nghĩa là ít nhất tôi đã làm việc trong 4 nhóm với phong cách khác nhau. Tôi cho rằng khả năng thích nghi nhanh và giao tiếp thẳng thắn đã giúp tôi hoàn thành tốt công việc của mình với một số thành tích nổi bật.
Không chỉ vậy, ngay từ khi còn đi học cho đến khi đi làm, tôi cũng là thành viên cố định của một số hội / nhóm cộng đồng (kể tên chi tiết). Các nhóm này giúp tôi quen biết được nhiều người hơn và học hỏi những kỹ năng xã hội. Công việc kinh doanh đòi hỏi giao tiếp và tương tác tốt, kỹ năng xã hội giúp tôi hoàn thiện khả năng thuyết trình và thuyết phục".
Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao ứng viên có kỹ năng xử lý tình huống tốt
2. Bạn có thể mô tả văn hoá công ty cũ hay không? Là một trưởng phòng kinh doanh, bạn khuyến khích nhân viên của mình tham gia xây dựng môi trường làm việc như thế nào?
Văn hóa của một công ty giúp định hình và thúc đẩy sự nỗ lực của nhân viên. Trưởng phòng kinh doanh là vị trí quản lý, vì vậy, một trong những nhiệm vụ của bạn sẽ là đóng góp vào xây dựng văn hoá công ty tích cực. Quan trọng hơn, nhà tuyển dụng cũng muốn đánh giá xem bạn có phù hợp với công ty của họ hay không.
Câu chuyện bạn kể khi nói về văn hoá công ty cũ sẽ cung cấp cho
nhà tuyển dụng cái nhìn chính xác hơn về bạn. Bên cạnh đó, đừng quên nói đến triết lý kinh doanh và khả năng khuyến khích các thành viên trong bộ phận hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
Gợi ý trả lời: "Tại công ty trước đây của tôi, định hướng của công ty là tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng cởi mở. Các phòng ban, đặc biệt là phòng kinh doanh có không khí rất vui vẻ, hoà đồng. Dù làm việc dưới áp lực doanh số lớn và vô cùng căng thẳng trong một số thời điểm, nhưng mọi người vẫn luôn hỗ trợ nhau, đảm bảo hoàn thành mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung.
Chúng tôi cũng thường xuyên có những sự kiện nhỏ để chia sẻ, lắng nghe và hiểu nhau hơn. Theo tôi, xử lý công việc cần chuyên nghiệp, trong khi quan hệ giữa các đồng nghiệp nên có sự gần gũi nhất định, nhưng vẫn duy trì thái độ lịch sự và tôn trọng".
3. Là trưởng phòng kinh doanh, bạn đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên cấp dưới bằng cách nào? Bạn có biện pháp gì để hỗ trợ và cải thiện hiệu suất của họ?
Một trưởng phòng kinh doanh giỏi là tài sản lớn nhất để khuyến khích nhân viên kinh doanh phát triển công việc của họ. Bạn đào tạo, hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ họ thực hiện các nhiệm vụ của mình. Trong đó, sự đánh giá tích cực về hiệu suất và sự ghi nhận có tác dụng động viên rất lớn.
Là một trưởng phòng kinh doanh, bạn cần có những ý tưởng rõ ràng về cách khuyến khích nhân viên, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực dưới vai trò cá nhân cũng như công ty. Điều quan trọng là phải nhận ra những thành tựu cụ thể của nhân viên và gợi ý những thay đổi để cải thiện, tiến bộ hơn.
Gợi ý trả lời: "Sau khoảng thời gian thích nghi và quen với công việc của một trưởng phòng kinh doanh, tôi đã xây dựng một bảng đánh giá hiệu suất nhân viên dựa trên tiêu chí cụ thể và đề xuất lên ban giám đốc.
Tôi cho rằng các tiêu chí về đáp ứng mục tiêu doanh số, mức tăng trưởng, thái độ làm việc, v.v. có thể đánh giá công bằng hơn với tất cả mọi người.
Ngoài ra, tôi cũng đặt ra các khoản thưởng cho các nhân viên có thành tích xuất sắc. Đồng thời, tôi luôn chú trọng đưa ra những đánh giá chính xác nhất, cả tích cực và tiêu cực. Những gì họ làm tốt và cần/có thể thay đổi để tốt hơn đều được tôi lưu ý".