Cách viết thư xin việc trái ngành
Ngày đăng tin: 16/03/2022 09:05
Có nhiều lý do để chúng ta cân nhắc tới các cơ hội việc làm trái ngành, nhưng "vấn đề" thực sự là muốn ứng tuyển cho các vị trí khác chuyên ngành thì CV và cách viết thư xin việc trái ngành cũng rất khác.
Nếu bạn đang tìm kiếm một vị trí trong một ngành nghề hoặc lĩnh vực nghề nghiệp khác, thư xin việc sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng bạn nhận được công việc hay không. Vì CV của bạn có thể không chứa kinh nghiệm liên quan mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm nên điều quan trọng là bạn phải biết cách viết thư xin việc, sao cho tài liệu này giúp bạn giải thích, chứng minh rằng mình là ứng viên phù hợp, có tiềm năng cho vị trí bạn ứng tuyển.
Các bước viết thư xin việc trái ngành chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng
I. Viết thư xin việc trái ngành có gì khó so với cover letter đúng chuyên ngành?
Một là thư xin việc được viết tốt nhất là thư xin việc có thể mạnh mẽ thuyết phục người đọc rằng kinh nghiệm làm việc của bạn là thế mạnh chứ không phải là điểm yếu - cho dù là kinh nghiệm trái ngành hoặc thậm chí chỉ là các kinh nghiệm thực tập, làm thêm. Trước khi bắt đầu viết, hãy đảm bảo rằng bạn đã rõ mục tiêu của mình khi làm việc trái ngành và rằng bạn đang sở hữu nhiều tài năng, kỹ năng để thành công trong một ngành nghề khác với chuyên ngành học.
Cách viết thư xin việc đúng chuyên ngành được cho là "dễ" hơn thư xin việc trái ngành. Sự khác biệt lớn nhất ở đây là khi xin việc làm đúng ngành, bạn chỉ cần thuyết phục NTD rằng mình có kinh nghiệm, có bằng cấp và kỹ năng phù hợp để làm việc trong vai trò đó, còn khi apply cho cơ hội trái ngành, bạn phải lý giải được lý do vì sao mình lựa chọn như vậy.
Hơn thế nữa, "cái khó" là bạn không có bằng cấp hay kinh nghiệm liên quan nên sẽ vô cùng khó khăn để chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng trong thư xin việc trái ngành.
Lưu ý: Thư xin việc trái ngành vẫn cần đảm bảo tuân thủ cấu trúc, định dạng của thư xin việc thông thường.
II. Mẹo viết thư xin việc trái ngành chuẩn xác, dễ áp dụng
Trước khi viết thư xin việc trái ngành, hãy chắc chắn rằng bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty, nhờ đó, trong tài liệu của mình bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn đã tìm hiệu về công ty, hiểu rằng mình sẽ phù hợp với môi trường làm việc, trở thành mảnh ghép hoàn hảo trong tập thể đó.
Cách viết thư xin việc trái ngành đầy đủ nhất gồm có:
1. Thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng ngay lập tức
Đầu tiên, bạn cần thu hút nhà tuyển dụng từ những dòng mở đầu của nội dung thư xin việc. Không nhất thiết phải máy móc rằng "Tôi rất vui được ứng tuyển vào [vai trò] tại [Công ty]". Nếu bạn muốn tối đa hóa cơ hội của mình trong mắt nhà tuyển dụng, hãy thử một cách diễn đạt khác, chẳng hạn như kể một câu chuyện ngắn, dẫn dắt bằng một câu nói thú vị về trải nghiệm của bạn - miễn là nó liên quan đến vai trò bạn ứng tuyển. (Hãy tham khảo ở phần ví dụ trong bài viết này).
2. Cách giới thiệu bản thân trong thư xin việc trái ngành
Giả sử, bạn chỉ có thể chia sẻ với nhà tuyển dụng duy nhất 3 điều về bản thân thì bạn sẽ viết những gì trong thư xin việc trái ngành? Những trải nghiệm bạn muốn đề cập tới là gì?
Để dễ hiểu, bạn có thể xác định rằng mình không cần phải đưa toàn bộ câu chuyện của cuộc đời bạn vào thư xin việc, đừng giải thích quá mức như là: "Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2021, tôi quyết định gửi CV ứng tuyển trái ngành vào vị trí...". Hãy đổi một cách diễn đạt khác, chẳng hạn như: "Tôi là một trợ lý hành chính trong doanh nghiệp quy mô hơn 100 nhân sự, có kỹ năng giao tiếp xuất sắc, kỹ năng lập lịch trình, quản lý thời gian và quản lý hồ sơ, dữ liệu". Hãy ngắn gọn và linh hoạt, viết thông tin về trải nghiệm trong quá khứ của bạn đơn giản và dễ hiểu.
Hơn thế nữa, khi giới thiệu bản thân trong thư xin việc trái ngành, bạn hãy nhấn mạnh những phẩm chất giúp mình trở thành một nhân sự có cá tính, khác biệt và xứng đáng. Chẳng hạn, bạn có thể kết hợp thông tin để trình bày rằng bạn là một nhân viên bán hàng trái ngành nhưng có bằng cấp kỹ thuật và khả năng công nghệ nổi bật nên cảm thấy mình phù hợp nhất trong vai trò kỹ sư bán hàng.
3. Làm nổi bật hiệu suất vượt trội của bạn trong các vị trí cũ (cả part-time, full-time)
Các ứng viên khác - đối thủ của bạn có thể có kinh nghiệm liên quan vì họ xin việc đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, đừng để thực tế này làm bạn mất tự tin. Hãy nghĩ rằng nếu kinh nghiệm của đối thủ chỉ ở mức vừa phải, kỹ năng của họ cũng không quá xuất sắc, các thành tích của họ làng nhàng thì rõ ràng bạn vẫn có cơ hội.
Trong thư xin việc trái ngành của bạn, hãy cố gắng hết sức để giải thích bạn đã thành công như thế nào trong các vai trò trước đây và kết nối điều đó với vị trí hiện tại: Bởi vì bạn đã làm tốt đến như vậy trong công việc cũ nên bạn tự tin rằng mình cũng sẽ làm tốt trong vai trò mới. Bạn có thể đề cập tới thành tích cụ thể (nếu có).
Trường hợp bạn chưa từng đi làm trong quá khứ thì có thể nhấn mạnh vào thành tích học tập, kỹ năng hoặc các hoạt động ngoại khóa bạn đã tham gia. Chẳng hạn, bạn xin việc nhân viên marketing dù học chuyên ngành quản trị kinh doanh thì có thể viết về những trải nghiệm bạn tham gia thiết kế, triển khai kế hoạch truyền thông cho CLB trong trường - vẫn sẽ được tính là liên quan ít nhiều.
4. Đề cập tới lý do bạn xin việc làm trái ngành
Đây là phần nội dung khác biệt đáng kể nhất trong thư xin việc trái ngành so với cover letter thông thường, và bạn nhất định phải đề cập đến. Hãy giải thích lý do đằng sau quyết định xin việc làm trái ngành.
Bạn có được truyền cảm hứng bởi một sự kiện đáng nhớ hay không? Bạn đã luôn thầm muốn được làm trong ngành này? Bạn đã có sự chuẩn bị như thế nào (chẳng hạn như đi làm gia sư để chuẩn bị cho ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh dù bạn học chuyên ngành tiếng Anh kinh tế)? Nhìn chung, hãy cung cấp cho nhà tuyển dụng một chút thông tin chi tiết về lý do tại sao bạn hào hứng với lĩnh vực mới dù chuyên ngành của bạn không liên quan.
Nên viết lý gì ở phần lý do xin việc làm trái ngành?
5. Nhấn mạnh các kỹ năng có thể chuyển đổi của bạn
Có thể nói, đối với cách viết thư xin việc trái ngành thì đây là phần quan trọng nhất. Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc kỹ CV và thư xin việc của ứng viên quá kỹ, vì thế đừng bắt họ tìm kiếm từ khóa trong thư xin việc của bạn. Hãy thể hiện bằng câu ngắn, rõ ràng và có trọng tâm khi đề cập tới các kỹ năng chuyển đổi.
Quan trọng nhất, hãy tập trung vào những kỹ năng có thể chuyển đổi mà bạn biết chắc rằng chúng sẽ hữu ích ở vai trò mới. Chẳng hạn, bạn từng làm CTV bán hàng trong 6 tháng và hiện tại muốn xin việc làm nhân viên tư vấn tuyển sinh thì kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, chốt sales sẽ được xem là các kỹ năng chuyển đổi đáng được cân nhắc.
Bên cạnh đó, một lưu ý là bạn đừng thể hiện sự dằn vặt, tiếc nuối vì xin việc làm trái ngành. Thay vì viết rằng: "Tôi biết mình không có lợi thế vì không có bằng cấp liên quan...", hãy viết rằng: "Được học tập và làm việc trong vai trò... suốt những năm qua, tôi rất tư tin về lợi thế cá nhân mình có được từ...".
III. Một số lỗi cần tránh khi viết thư xin việc trái ngành
Viết thư xin việc trái ngành có thể rất khó nếu không nắm được nguyên tắc và điều chỉnh kịp thời. Thông qua việc chỉ ra một số lỗi hay gặp và cách khắc phục sau đây, bạn có thể sửa và hoàn thiện cover letter của mình.
- Thư xin việc trái ngành quá sáng tạo, không tuân theo định dạng và bố cục thông thường: Dù viết thư xin việc trái ngành thì bạn vẫn cần đảm bảo thư xin việc có đầy đủ các phần như tiêu đề, thông tin cá nhân, lời chào, nội dung và kết thư.
- Thư xin việc quá sơ sài, không có nội dung trọng tâm: Trọng tâm giúp NTD dễ dàng theo dõi và đánh giá chính xác về tiềm năng của ứng viên, do đó, trong thư xin việc trái ngành bạn nên tập trung thể hiện kỹ năng chuyển đổi, quyết tâm của bản thân để thuyết phục NTD.
- Thư xin việc quá ngắn hoặc quá dài: Đúng ngành hay trái ngành thì thư xin việc vẫn chỉ nên dài khoảng 1 trang là "đẹp nhất".
- Không đề cập tới lý do vì sao bạn xin việc làm trái ngành: Đây là phần quan trọng và là cơ hội để bạn tiếp cận gần hơn với NTD. Trong CV, bạn chỉ có thể liệt kê thông tin và rõ ràng là nhà tuyển dụng có thể không hiểu lý do vì sao bạn không có bằng cấp, kinh nghiệm liên quan mà lại ứng tuyển.
- Trình bày quá nhiều về chuyên ngành dù hiện tại bạn ứng tuyển vào vị trí không liên quan: Đừng quá lệ thuộc vào chuyên ngành, bằng cấp mà hãy diễn đạt khéo léo lý do vì sao bạn ứng tuyển, thể hiện sự tự tin đối với năng lực học hỏi, thích nghi và sau đó đưa ra một cam kết cống hiến, gắn bó.
- Không bao gồm các kỹ năng chuyển đổi: Có thể nói, các kỹ năng chuyển đổi là quan trọng nhất đối với nội dung thư xin việc trái ngành. Tuy nhiên, bạn hãy giới hạn số lượng kỹ năng chuyển đổi, đừng chỉ kể cho có hoặc đưa vào cover letter quá nhiều kỹ năng - tệ nhất là kỹ năng bạn không có.
- Thư xin việc trái ngành có lỗi xưng hô, lỗi chính tả và ngữ pháp: Mặc dù là những lỗi nhỏ nhưng sẽ khiến tổng thể thư xin việc của bạn thiếu chuyên nghiệp, đồng thời cũng khiến cho những tuyên bố về sự tỉ mỉ, cẩn thận, khả năng tập trung trong công việc của bạn trở nên thiếu thuyết phục.
Lưu ý một số lỗi cần tránh khi viết thư xin việc
IV. Sử dụng mẫu thư xin việc có sẵn để tối ưu hóa tài liệu ứng tuyển
Là một trong 2 tài liệu xin việc quan trọng nhất, thư xin việc cần phải được chuẩn hóa, đảm bảo mức độ chuyên nghiệp cao nhất. Cách viết thư xin việc trái ngành có thể khó hơn một chút nhưng không phải là không có cách hoàn thành. Nếu như bạn thiếu kinh nghiệm và mãi loay hoay không biết viết, chỉnh sửa sao cho chuẩn thì sử dụng các mẫu thư xin việc có sẵn sẽ là giải pháp hoàn hảo.