Có nên trình bày kinh nghiệm không liên quan trong CV?
Ngày đăng tin: 11/03/2022 09:11
Nhiều ứng viên cho rằng trình bày càng nhiều kinh nghiệm trong CV xin việc thì cơ hội thành công sẽ càng cao. Nhưng thực tế, một CV được "nhồi nhét" quá nhiều kinh nghiệm thậm chí là những kinh nghiệm không liên quan đến vị trí ứng tuyển sẽ khiến cho bạn "mất điểm" vì loãng thông tin.
Trước đây, người lao động thường chỉ làm 1 công việc trong suốt sự nghiệp của mình. Ngày nay, 1 người hoàn toàn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, không phải công việc nào bạn cũng nên đề cập trong CV xin việc mà chỉ trình bày thông tin hiệu quả nhất có thể. Để làm được điều đó, bạn cần trả lời được những câu hỏi sau đây:
Nên hay không nên viết kinh nghiệm không liên quan trong CV xin việc?
1. Thế nào là kinh nghiệm làm việc liên quan và không liên quan?
Kinh nghiệm làm việc không liên quan dùng để chỉ các kinh nghiệm hoặc kỹ năng không có bất kỳ mối liên kết nào với vị trí công việc mà ứng viên đang ứng tuyển.
Ngược lại, kinh nghiệm làm việc liên quan chính là các kinh nghiệm, kỹ năng đáp ứng đầy đủ tiêu chí được đề xuất bởi nhà tuyển dụng.
Khi trình bày mục kinh nghiệm làm việc, ứng viên nên nhớ các kinh nghiệm dù có xuất sắc đến đâu mà không liên quan thì cũng không có nhiều giá trị. Và chắc chắn không ai muốn đánh mất cơ hội chỉ vì những kỹ năng không liên quan đó. Vậy nên hãy liệt kê nhiều kinh nghiệm, kỹ năng liên quan nhất có thể để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
2. Kinh nghiệm làm việc của bạn có thực sự liên quan đến vị trí tuyển dụng?
Đây có thể coi là một trong câu hỏi khó nhất vì ranh giới của sự liên quan và không liên quan rất mong manh. Để có được câu trả lời đúng đắn, ứng viên chỉ có thể xem xét lại các kinh nghiệm của mình thật cẩn thận trước khi đưa ra kết luận.
Có một lưu ý là nhiều kỹ năng ban đầu có vẻ không liên quan, nhưng bạn hoàn toàn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng các kỹ năng đó có thể đem lại giá trị cụ thể nào đó cho công ty. Tuy nhiên cần tránh làm quá nếu không nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn chỉ đang "chém gió".
3. Có nên biến kỹ năng không liên quan thành kỹ năng liên quan?
Bạn muốn chuyển các kỹ năng không liên quan thành các kỹ năng liên quan? Điều này cũng không có gì đáng trách, nhưng cần tránh nói quá chỉ với mục đích đánh bóng cho các kinh nghiệm trong quá khứ của mình.
Vậy có cách nào giúp ứng viên khắc phục vấn đề này không? Câu trả lời là có. Ứng viên hãy sử dụng trí tưởng tượng và sự khéo léo để điều chỉnh các kỹ năng sao cho phù hợp với yêu cầu công việc. Nên nhớ là "điều chỉnh" chứ không phải "bịa đặt".
4. Ứng viên có nên bao gồm các kinh nghiệm không liên quan trong CV?
Việc điều chỉnh các kỹ năng từ "không thành có liên quan" không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Có nên bổ sung các kinh nghiệm không liên quan hay không sẽ phụ thuộc vào mỗi người. Nhưng các câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn đưa ra một quyết định sáng suốt hơn:
4.1. Kinh nghiệm đó có khiến bạn trở thành một ứng viên tiềm năng không?
Trước khi loại bỏ bất kỳ 1 kỹ năng nào ra khỏi CV, hãy cân nhắc thật cẩn thận và đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng. Lý do là vì có những kinh nghiệm dù không liên quan nhưng lại có thể khiến bạn trở thành một ứng viên sáng giá.
Đặc biệt, ứng viên nên xem xét bổ sung các kỹ năng tích lũy được từ những dự án bổ sung vì nhà tuyển dụng thường rất ấn tượng với những hoạt động này. Ngoài ra, nếu công ty muốn tìm kiếm ngẫu nhiên một kỹ năng không liên kết với yêu cầu công việc, hãy chủ động thêm các kỹ năng đó vào CV.
4.2. CV của bạn còn diện tích trình bày không?
Nếu bạn là một người đã có nhiều kinh nghiệm và chỉ mới quyết định thay đổi nghề nghiệp gần đây thì diện tích để trình bày nội dung quả là một vấn đề cần lưu ý. Lúc này, bạn nên cắt bỏ những thông tin không liên quan và chỉ tập trung vào các yếu tố gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, cũng nên tránh tạo 1 khoảng trống quá lớn trong sự nghiệp, nếu không nhà tuyển dụng có thể sẽ nghi vấn về điều này.
4.3. Bạn chưa có nhiều nội dung để viết trong CV?
Bên cạnh những ứng viên đã tích lũy được quá nhiều kinh nghiệm để trình bày thì cũng có những người chưa có nhiều nội dung cho CV của mình. Cụ thể là những ứng viên mới ra trường.
Trong trường hợp này, các kinh nghiệm không liên quan đôi khi cũng có tác dụng. Là một sinh viên mới tốt nghiệp, bạn có thể đề cập đến bất kỳ công việc nào mà bạn đã làm trong suốt quãng thời gian sinh viên. Các vị trí đó sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được rằng: ít nhất bạn cũng là một nhân viên có trách nhiệm với công việc của mình.
Làm thế nào để xác định kinh nghiệm làm việc liên quan đến vị trí tuyển dụng?
5. Một số mẹo xác định mức độ phù hợp của từng kinh nghiệm
Sau khi đã quyết định được đâu là chi tiết mình nên giữ lại hay loại bỏ khỏi CV, bạn cần thể hiện bản thân mình ấn tượng nhất có thể. Các mẹo dưới đây sẽ giúp ích cho bạn:
5.1. Thực hiện nghiên cứu
Khi soạn CV xin việc, ứng viên cần nghiên cứu kỹ về công ty mà bạn đang ứng tuyển. Tìm hiểu tất cả các thông tin phía người sử dụng lao động và sử dụng chúng một cách hiệu quả trong CV của mình. Đặc biệt cần cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho công ty. Thực tế, rất khó để thể hiện toàn bộ năng lực của mình chỉ thông qua một bộ CV xin việc. Nhưng với sự tìm tòi nghiêm túc, bạn hoàn toàn sẽ có thể thực hiện được điều này.
5.2. Chú trọng vào các thành tích và kinh nghiệm nổi bật
Nếu bạn là một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đang ứng tuyển thì CV kiểu trình tự thời gian đảo ngược thật ra không phù hợp. Thay vào đó, hãy chọn mẫu CV nhấn mạnh vào thành tích và kinh nghiệm của bạn. Như vậy bạn sẽ có thể nêu bật những thành tựu mình có, đồng thời các kinh nghiệm không mấy liên quan đến vị trí đang tuyển dụng cũng không phải là vấn đề quá lớn.
Cevn tin chắc rằng các ứng viên đã có được câu trả lời về việc khi nào nên loại bỏ hoặc bổ sung các thông tin không mấy liên quan vào CV xin việc. Hy vọng rằng các bạn sẽ tham khảo những mẹo bên trên và có được một bộ CV xin việc hoàn hảo hơn trong tương lai.