• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

115321
Tổng số truy cập:115321
Khách đang online: 127
Cách kiểm soát cảm xúc khi gặp trục trặc công việc
Ngày đăng tin: 29/07/2024 22:09

Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi như mình nghĩ, sẽ có lúc bạn gặp phải những khó khăn, biến cố, khiến bạn khó lòng đi kịp tiến độ cho các mục tiêu mình đã đặt ra, khi đó, bên cạnh việc xử lý vấn đề, đưa mọi chuyện về đúng guồng quay của nó, thì bạn còn phải biết cách giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc để tránh gây tác động tiêu cực tới mọi người xung quanh. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm được cách kiểm soát cảm xúc khi gặp trục trặc công việc.

 
Kiểm soát cảm xúc là gì?
 
Kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng mềm quan trọng, giúp bạn luôn giữ được trạng thái bình tĩnh, suy nghĩ chín chắn trước những tình huống khó xử, éo le, không thuận lợi trong cuộc sống, tránh việc bực tức, nóng giận thái quá, sẽ dễ dẫn tới những lời nói, hành động thiếu kiểm soát, gây tác động tiêu cực tới những người xung quanh và khiến hình tượng của bạn trở nên xấu đi trong mắt mọi người. Đây là một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng nhận ra, hoặc có thể cũng từng nghe qua, từng nghĩ tới nhưng rồi lại bỏ qua, không chú ý nhiều tới nó. Đừng để mình rơi vào trường hợp như thế, trong phần tiếp heo, hãy cùng tìm hiểu xem vì sao chúng ta cần phải kiểm soát cảm xúc?

Vì sao cần phải kiểm soát cảm xúc?
 
Cảm xúc thì ai cũng có, mỗi chúng ta đều sẽ có những lúc vui mừng, hạnh phúc, bất ngờ, buồn bã, tức giận, đó là các trạng thái cảm xúc bình thường của mỗi người, tại sao lại phải kiểm soát chúng? Hoặc một số người cho rằng chúng ta chỉ nên kiểm soát các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tức giận, để tránh việc nổi nóng với người khác thôi, chứ đâu nhất thiết phải kiểm soát luôn các cảm xúc tích cực như vui mừng, hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn hãy thử tưởng tượng trường hợp rằng trong 1 cuộc thi, bạn là người chiến thắng, nhưng bạn thân của mình bị thua, thì bạn vẫn có thể vui mừng nhưng kiểm soát một cách chừng mục hơn, quan tâm hơn tới cảm xúc bạn mình, thì như thế bạn sẽ được đánh giá là người tinh tế, khéo léo hơn.
 
Còn với các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tức giận, thì nó sẽ dễ xuất hiện khi bạn gặp những trục trặc, biến cố, những điều không thuận lợi trong học tập, công việc & cuộc sống, khi đó, nếu bạn không kiểm soát cảm xúc, không giữ bình tĩnh thì sẽ dễ dẫn tới những quyết định sai lầm, hành động mất kiểm soát, rồi lại khiến mọi việc càng tệ hơn, không giải quyết được gì, mà nhiều khi chính bạn cũng sẽ phải đối mặt với thêm nhiều hậu quả tai hại khác. Chẳng hạn như khi bị điểm kém, làm bài kiểm tra không được, nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc, tự nhiên lại trách móc bạn bè không chỉ bài, không nhắc bài cho mình, lớn tiếng nói này kia gây tổn thương cho bạn bè, thì nhiều khi sinh viên cũng sẽ bị mất bạn, nghỉ chơi nhau chỉ vì chuyện không đáng có. Hoặc trong công việc khi kết quả không thuận lợi, bạn lớn tiếng trách mắng, đổ lỗi cho người này người kia, thì liệu sau này đồng nghiệp có còn vui vẻ phối hợp với nhau trong công việc nữa không, sau này bạn bị quá tải công việc có nhờ được ai hỗ trợ nữa không?
 
Ngoài ra, cũng có nhiều người rơi vào trường hợp cực kỳ bức xúc, bực tức khi công việc không thuận lợi, rồi đâm ra có những lời nói, hành động theo hướng chỉ trích, lên án, nặng lời với những người liên quan, những người được cho rằng đã có ảnh hưởng, có tác động để khiến mình phải đối mặt với kết quả công việc không tốt. Chẳng hạn như chửi thẳng nhau trong group chat công việc, nói lớn tiếng qua lại ngay tại công ty, hoặc lên mạng nói này kia đá xéo nhau,… như thế là hành vi không nên, và thật sự bạn cần phải biết cách kiểm soát cảm xúc, tránh để mọi việc đi xa hơn và tệ hơn.

Cách kiểm soát cảm xúc khi gặp trục trặc công việc
 
Khi gặp trục trặc công việc, đương nhiên bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy buồn, thất vọng, nhất là với những việc mà bạn đã rất nỗ lực, tập trung & dành nhiều tâm huyết cho nó. Bạn có thể để bản thân buồn, thất vọng trong khoảng 1-2 tiếng, hoặc nửa ngày, chứ không nên để nó kéo dài quá lâu, đây là lưu ý đầu tiên mà bạn cần nhớ khi đang tập cách kiểm soát cảm xúc. Tức là bạn vẫn có thể buồn, nhưng phải sớm định thần lại, nhìn lại vấn đề, phát hiện ra những lỗi sai, những điểm mà mình làm chưa tốt, để tự rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh lặp lại những điều đó trong tương lai. Hoặc cho dù bạn có làm đúng, không thấy mình sai gì, nhưng do có biến cố bất ngờ xảy ra khiến mọi việc không thuận lợi như dự định, thì thật sự bạn cũng có sai, đó là không có phương án dự phòng cho các tình huống phát sinh, hãy rút kinh nghiệm những lần sau mình sẽ chuẩn bị thêm plan B, plan C nữa.
 
Hoặc nếu sự việc đó quá nghiêm trọng, khiến bạn không thể nào bình tĩnh ngay, cứ đi làm nhìn vào công việc thì lại thấy stress, thì hãy xin off 1-2 ngày để nghỉ ngơi, relax, thả lỏng để đầu óc nhẹ hơn, rồi tự healing bản thân, đó là cách để bạn lấy lại được sự cân bằng & kiểm soát cảm xúc cũng khá hữu hiệu. Hoặc khi mọi việc tiêu cực dồn dập đến cùng lúc, chuyện cũ chưa kịp bình tĩnh đã có chuyện mới kéo tới, khiến bạn cảm thấy mình làm nhiều cách mà vẫn chưa kiểm soát cảm xúc được, thì hãy thử tìm người lắng nghe để bạn chia sẻ, tâm sự, đó có thể là gia đình, bạn thân hoặc đồng nghiệp thân trong công ty, có thể họ cũng sẽ đưa ra được những lời khuyên, góp ý, hướng giải quyết mà bạn chưa nghĩ ra, hoặc cho dù họ không đưa ra được gợi ý gì, thì chí ít họ cũng đã lắng nghe, bạn vẫn luôn có những người thân thiết, quan tâm, bên cạnh mình, thì bạn cũng sẽ nhẹ lòng hơn và dần cân bằng được cảm xúc của mình.

Kiểm soát dữ quá có khiến bạn trở nên vô cảm không?
 
Sau khi tìm hiểu về cách kiểm soát cảm xúc, thì cũng có luồng ý kiến quan ngại rằng liệu kiểm soát dữ quá thì có khiến bạn trở nên vô cảm, không cảm xúc với những điều diễn ra xung quanh mình không? Câu trả lời là không, mấu chốt nằm ở chỗ bạn đang “kiểm soát”, chứ không phải bạn “loại bỏ” cảm xúc, những trạng thái vui, buồn, mừng, giận vẫn tồn tại trong con người bạn, vẫn sẽ có những lúc bạn bộc lộ nó một cách phù hợp trong những tình huống nào đó, chứ không phải là bạn dẹp luôn, bỏ luôn, vô cảm luôn.
 
Kiểm soát cảm xúc không phải là cách khiến bạn trở nên vô cảm, mà chỉ đơn thuần là giúp bạn khéo léo hơn, bình tĩnh và tinh tế hơn trong việc thể hiện cảm xúc của mình, sao cho phù hợp với thời điểm và hoàn cảnh mà bạn gặp phải, cho dù là vui mừng khi có tin vui trong công việc, hay buồn bã, tức giận lúc công việc không thuận lợi, thì bạn vẫn sẽ thể hiện ra, nhưng ở một mức độ có kiểm soát, đó là điều tốt mà bạn nên rèn luyện.
 
Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ được tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc, đưa ra một số gợi ý về cách giúp bạn kiểm soát cho cho phù hợp & chừng mực. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Số lượt đọc: 77 -