• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

129085
Tổng số truy cập:129085
Khách đang online: 68
Những câu nói cấm kị trong ngày đầu đi làm
Ngày đăng tin: 12/03/2019 21:24

Khoe khoang về vị trí từng đảm nhiệm ở công ty cũ

Việc mải mê ngụp lặn ở thì quá khứ sẽ khiến bạn trở thành kẻ chảnh chọe, hợm hĩnh trong mắt mọi người. Trước đây, dù bạn có ở vị trí cao thế nào đi chăng nữa thì giờ bạn vẫn là người mới. Vì vậy, bạn đừng khoe khoang mình đã làm được những gì mà hãy bắt tay vào công việc, chứng minh năng lực thực sự của mình. Một người có thái độ cầu tiến và luôn cố gắng hết mực vì công việc sẽ được đồng nghiệp và ban lãnh đạo đánh giá cao.

Đặt cái tôi quá cao
 
“Đây là quyết định sai”, “Theo ý tôi, chúng ta phải”… là những câu nói gây mất lòng đồng nghiệp và lãnh đạo. Trong những ngày đầu đi làm, bạn chưa thể hiểu hết về công ty, vì vậy đừng vội vàng đưa ra ý kiến chỉ trích quan điểm của người khác. Thay vào đó bạn nên lắng nghe chia sẻ từ mọi người bởi có thể phương pháp của bạn đem lại hiệu quả vượt trội ở công ty cũ nhưng chưa chắc đã thích hợp với lĩnh vực kinh doanh ở công ty mới. Khi đưa ra quan điểm của mình, bạn nên khéo léo, tránh nói gay gắt, gây ác cảm.
 
 
Hỏi ngay về chế độ đãi ngộ và vấn đề lương thưởng
 
Trong buổi phỏng vấn, bạn đã được trả lời rõ về vấn đề lương thưởng. Do đó, những ngày đầu đi làm, bạn không nên hỏi lại đồng nghiệp xung quanh về vấn đề này nếu không muốn mình trở thành kẻ hám lợi, làm việc vì tiền. Đến khi nào thực sự thân thiết và tin tưởng một ai đó, bạn có thể khéo léo hỏi về vấn đề này: một năm công ty tăng lương mấy lần, có định mức tiền thưởng cho từng cá nhân không… Nhìn chung, lương thưởng là một vấn đề khá nhạy cảm, bạn càng cẩn thận càng tốt.
 
Hỏi về phe cánh của công ty
 
Nhiều người cho rằng việc buôn chuyện như vậy khi đi làm sẽ giúp họ gần gũi với đồng nghiệp hơn. Nhưng thực tế, vấn đề gì cũng có mặt trái của nó, hành động này tương tự như bạn đang cố gắng tham gia vào cuộc tranh đua vương quyền trong công ty, bạn sẽ tạo nên mối bất hòa với một số người. Thay vì hỏi, bạn nên trực tiếp quan sát, nhìn ra bức tranh tổng thể của công ty và đứng ở phe trung lập.
 
Nói trống không với đồng nghiệp
 
Một người thân thiện, lịch sự luôn lấy được cảm tình của đồng nghiệp xung quanh. Dù bạn ứng tuyển vào công ty mới ở vị trí nào đi chăng nữa, quản lý hay trưởng phòng thì cũng cần có thái độ cư xử nhã nhặn, đúng mực. Việc gây khó dễ, cư xử bất lịch sự với người khác sẽ khiến bạn gặp phải phản ứng tiêu cực: nhân viên bất hợp tác, người cùng chức vụ soi xét, dè bỉu… Trong suốt quá trình làm việc, hãy tôn trọng mọi người xung quanh dù họ làm ở bất kì vị trí nào.
 
 
Chê bai công ty cũ
 
Có thể môi trường làm việc cũ của bạn rất tệ, sếp cũ là người áp đặt, đồng nghiệp thì khó tính, bất hợp tác … nhưng bạn đừng vội chia sẻ điều này ở công ty mới. Nghe thấy điều này, chưa cần biết đúng hay sai, đồng nghiệp mới sẽ đánh giá bạn là người nhỏ nhen, chỉ biết nói xấu người khác, tệ hơn, họ nghĩ bạn sẽ tiếp tục nói xấu họ ngay sau khi nghỉ việc. Đừng thiết lập mối quan hệ mới thông qua việc nói xấu ai đó sau lưng, bởi mối quan hệ này sẽ không bền vững.

Có thái độ xu nịnh
 
Bất kì ai cũng thích những lời ngọt ngào, khen ngợi, tuy nhiên, đừng biến chúng thành những lời nói mang tính thảo mai, giả tạo. Việc cố gắng lấy lòng một ai đó, đặc biệt là ban lãnh đạo sẽ khiến bạn trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp. Thay vào đó, thái độ chân thành, cởi mở luôn được mọi người đánh giá cao.
 
Vào công ty mới, không phải tự dưng bạn lại bị mọi người xung quanh bài xích, đó có thể là do thái độ ứng xử của bạn chưa phải phép, bạn vô tình nói những câu nói gây mất lòng… Vì vậy, để tạo được thiện cảm trong môi trường mới, bạn hãy cư xử đúng mực, có thái độ cầu tiến và tiếp thu, không nói xấu, tranh giành với người khác. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, nhận được sự hợp tác tích cực từ đồng nghiệp và hoàn thành công việc được giao thành công ngoài mong đợi.
Số lượt đọc: 578 -