• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

129545
Tổng số truy cập:129545
Khách đang online: 458
Tại sao có những người đi làm 10 năm mà lại chỉ có 1 năm kinh nghiệm: Đến khi thất nghiệp đừng đổ “tại số”!
Ngày đăng tin: 12/12/2018 10:41

 
Hai hôm trước, tôi nhận được tin nhắn group chat của vài người bạn kêu ca rằng: “Tại sao mình đi làm đã nhiều năm như vậy rồi nhưng chợt phát hiện mình chẳng trưởng thành hay tiến bộ thêm gì cả, tại sao vậy?”
 
Tôi nghĩ ngợi rồi chat lại một câu rằng: “Có thể là do bạn chỉ dùng một năm kinh nghiệm để làm việc trong suốt cả 10 năm”.
 
Tại sao cùng làm một công việc có những người nhanh chóng trở nên xuất chúng nhưng lại có những người phải đối mặt với sự đào thải?
 
Tôi nghĩ sẽ có 4 nguyên nhân lớn sau:
 
1. Không ham học hỏi
 
Tháng trước, công ty của Lan, một người bạn của tôi, vì mở rộng quy mô nên cần phải tuyển thêm nhân lực. Lan nghĩ rằng tuyển người cần phải có những tiêu chuẩn trọng tâm nhất định, như vậy mới có thể tuyển dụng được người có tiềm năng.
 
Nhưng khổ nỗi Lan lại không có kinh nghiệm tuyển dụng nên đã hỏi chuyên gia.
 
Lan hỏi: “Nên tuyển người như thế nào để sau này họ có thể nhanh chóng đảm nhận công tác một cách độc lập?”
 
Chuyên gia trả lời: “Chọn những người ham học hỏi.”
 
Lan hỏi: “Tại sao lại là người ham học hỏi?”
 
Chuyên gia đáp: “Những người ham học hỏi, khi gặp phải khó khăn họ sẽ tìm mọi cách để học hỏi phương pháp giải quyết vấn đề. Họ không cần bạn phải thúc giục, chỉ cần nhắc nhở họ phải hoàn thành nhiệm vụ là họ sẽ tự giác hoàn thành.”
 
Tự khởi nghiệp hay làm công ăn lương thực ra đều là một quá trình giải quyết vấn đề. Với những người không chịu học hỏi, tuy bị thúc ép nhưng vẫn không chủ động thì làm sao có thể giải quyết được những vấn đề nan giải mà bất cứ lúc nào cũng có thể gặp phải đây?
 
Nhờ sự khơi gợi của chuyên gia mà Lan chợt tỉnh ngộ.
 
Lan đáp: “Cuối cùng tôi đã hiểu tại sao có những người dù ở đâu, môi trường nào cũng không thể tồn tại được, thì ra là vì họ không có ý chí học hỏi. Những người như vậy làm việc 10 năm cũng chỉ như một năm mà thôi. Nguyên nhân chủ yếu của việc không thể tiến bộ, trưởng thành và thăng cấp đó chính là không ham học hỏi.“
 

2. Không có thói quen tổng kết
 
Vài năm trước, tôi từng dẫn dắt một nhóm người chuyên tổ chức hội nghị về marketing, mỗi buổi hội nghị ít cũng phải vài trăm người, nhiều thì hàng nghìn người, nhưng lần nào tổ chức hoạt động cũng đều có sai sót.
 
Sau khi phân tích kỹ càng, tôi phát hiện ra rằng, rất nhiều sự sai ót vốn đều có thể tránh được, nhưng chỉ vì sau mỗi lần tổ chức hội nghị chúng tôi không chịu tổng kết lại nên không thể hình thành được phương pháp và quy trình tổ chức một cách thành thục.
 
Sau này, tôi đã đề ra một quy định tiêu chuẩn đó là mỗi người sau mỗi lần hội nghị đều phải viết báo cáo tổng kết. Tổng kết ưu nhược điểm của công việc, bản thân, đội nhóm… từ mọi góc độ khác nhau, càng cụ thể càng tốt.
 
Cuối cùng kết quả đáng mừng đó là sai sót ngày càng ít đi, quy trình tổ chức ngày càng cẩn trọng và chuyên nghiệp hơn.
 
Giang, một người bạn của tôi, khi nói về kinh nghiệm phỏng vấn, đã bày tỏ rằng: “Khi phỏng vấn mình thường sẽ hỏi một số câu hỏi hết sức đơn giản như:
 
Anh/chị đã từng đứng đầu trong những lĩnh vực nào? Hoặc đã từng là người làm tốt nhất bao giờ chưa dù chỉ là trong một phần nhỏ hay một phạm vi nhỏ của một công việc hay lĩnh vực nào đó thôi?”
 
Thế nào là người giỏi? Thông thường chỉ cần dùng 3 câu là có thể mô tả một cách rõ ràng:
 
(1) Có suy nghĩ đứng đầu.
 
(2) Có kinh nghiệm đứng đầu.
 
(3) Đã từng nhiều lần đứng đầu và đã tổng kết thành kinh nghiệm.
 
Có rất nhiều người đã từng đứng đầu trong một lĩnh vực nào đó thế nhưng họ không bao giờ tổng kết lại phương pháp hay cách làm, nên họ chỉ có sự trải qua mà không có lộ trình cụ thể.
 
Một người làm nghìn lần như một, làm nghìn lần bằng một phương thức giống nhau, mụ mị đầu óc không biết cách sửa chữa sai lầm, không biết cách phát huy ưu điểm hay thế mạnh của mình, thử hỏi những người như vậy thì làm sao mà trưởng thành hay tiến bộ được? Làm 10 năm và 1 năm có gì khác nhau chứ?
 
 
3. Bị huỷ hoại bởi sự qua loa, đại khái
 
Rất nhiều người khi làm việc thường yêu cầu bản thân rất thấp, chỉ cần làm là được, có hiệu quả hay không không quan trọng.
 
Đây chính là thái độ làm việc có vấn đề, rõ ràng họ có thể làm 100% nhưng lại chỉ làm 90%, có thể làm 80% nhưng lại chỉ làm 70%, có thể làm 60% nhưng chỉ làm có 50%.
 
Họ không hề biết rằng khi họ yêu cầu bản thân càng cao thì tốc độ trưởng thành cũng như tiến bộ của họ sẽ càng nhanh. Họ phó mặc mọi việc cho số phận, thuận theo tự nhiên và không chịu vươn lên. Sống và làm việc một cách gọi là “tạm bợ”, không có bất kỳ một tiêu chuẩn hay mục tiêu cụ thể nào. Hoặc cũng có thể họ có mục tiêu, có tiêu chuẩn nhưng lại thấp hơn so với khả năng của họ rất nhiều.
 
Ví như những vận động viên thể thao nếu chỉ luyện tập theo thành tích mà một người bình thường cũng có thể đạt được, thì e rằng cả đời này họ không thể giành giải quán quân olympic.
 
Nếu bạn muốn trở thành một người xuất sắc hơn những người bình thường khác thì bắt buộc bạn phải có tiêu chuẩn cao hơn họ, nếu không giữa bạn và họ làm sao có khoảng cách hay sự chênh lệch được?
 
Rất nhiều người không biết được rằng, năng lực của họ đang bị ăn mòn bởi thái độ sống và làm việc, hôm nay làm việc qua loa, ngày mai làm việc qua loa đại khái, lâu dần sẽ trở thành thói quen, cả đời sẽ chỉ sống trong sự qua loa đại khái mà thôi.
 
Mía không ngọt hai đầu, bạn muốn có được bản lĩnh mà người khác không có thì bạn buộc phải đặt tiêu chuẩn cao hơn cho chính bản thân mình và tình nguyện bỏ ra nhiều mồ hôi nước mắt hơn những người khác.
 

 
4. Không có cảm giác nguy cơ và ý thức khó khăn hoạn nạn
 
Đã từng có một thực nghiệm rất nổi tiếng về hội chứng ếch luộc.
 
Khi thả ếch vào nước sôi vì không thể chịu được nhiệt độ cao bất ngờ nên nó sẽ lập tức cố gắng nỗ lực để thoát ra ngoài và sự nỗ lực không ngừng ấy đã giúp nó thoát sinh thành công.
 
Nhưng khi thả ếch vào nước lạnh sau đó mới dần dần đun nóng nước lên thì kết quả thu được lại hoàn toàn khác. Khi mới bắt đầu vì nhiệt độ nước vô cùng dễ chịu nên ếch bơi đi bơi lại một cách điềm nhiên, nhưng khi phát hiện không thể chịu được nhiệt độ nước quá cao thì không thể nhảy ra được nữa, thế là nó bất giác bị luộc chín.
 
Rất nhiều người đã làm việc nhiều năm nhưng lại không có chút tiến bộ nào cả. Nguyên nhân là do họ quá bằng lòng với hiện tại mà mất đi chí tiến thủ, mất đi cảm giác nguy cơ.
 
Có hai loại người không có cảm giác nguy cơ, một là những kẻ sống bất cần đời, hai là những kẻ kiêu căng quá độ.
 
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe thấy cụm từ “cái quan định luận” tức là chỉ một người tốt xấu thị phi như thế nào phải sau khi chết đóng nắp quan tài mới có được định luận khách quan. Chưa chắc người xấu sẽ xấu mãi cả đời, người tốt sẽ tốt hết cả đời.
 
Tương tự như vậy, hôm nay có thể bạn sẽ yên ổn nhưng không có nghĩa là ngày mai cũng sẽ yên ổn.
 
Rất nhiều người thường hay ngạc nhiên rằng tại sao những người có tầm nhìn cao lại thường có thể đưa ra phương án đối phó hay đề phòng trước những sự việc bất lợi với họ.
 
Lý do là vì họ có cảm giác nguy cơ và ý thức hoạn nạn hơn người.
 
“Phải luôn sống và làm việc trong trạng thái cẩn trọng và cảnh giác cao độ với mọi nguy cơ, khó khăn sẽ bất ngờ ập đến”.
 
 
Giám đốc điều hành tập đoàn Lenovo đã từng nói rằng: “Chúng tôi luôn thiết lập một cơ chế để khiến những người kinh doanh như chúng tôi không bao giờ ngủ gật. Bởi chỉ cần bạn ngủ gật thì cơ hội sẽ đến với đối thủ của bạn”.
 
Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates cũng đã từng nói rằng: “Chúng ta cách nguy cơ phá sản luôn chỉ có 18 tháng”.
 
Một người luôn có ý thức nguy cơ hoạn nạn, họ sẽ luôn sẵn sàng đối mặt với những nhân tố bất lợi với chính mình, học được cách xoay chuyển càn khôn. Một người lúc nào cũng sẵn sàng đối phó với những yếu tố gây bất lợi cho sự sinh tồn của mình với một người luôn an phận với hiện tại sẽ có sự tiến bộ và thành tựu hoàn toàn trái ngược nhau.
 
“Nguy cơ tuổi trung niên, nỗi lo tuổi trung niên” có lẽ đang là những cụm từ thịnh hành nhất hiện nay. Trên có già dưới có trẻ, không những vô vọng trong việc thăng chức thăng lương mà thậm chí còn có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào, cuối cùng không biết phần đời còn lại sẽ đi đâu về đâu. Đâu phải cứ đến tuổi trung niên chúng ta mới có nguy cơ mà là đến tuổi trung niên rồi chúng ta mới phát hiện ra nguy cơ.
 
Giống như nhân vật binh sỹ trong bộ truyện tranh nổi tiếng One Piece đã từng nói: “Nếu như bạn không có cảm giác nguy cơ thì bạn sẽ không thể trưởng thành và tiến bộ”.
 
Điều đáng sợ nhất không phải là chúng ta bị đào thải một cách bất ngờ mà là chúng ta bị đào thải nhưng không biết nguyên nhân là gì.
 
Chúng ta đều cho rằng mình may mắn vì là những chú cá lọt lưới trong vận mệnh cuộc đời thế nhưng đến cuối cùng mới vỡ lẽ ra rằng tất cả những nhấp nhô gập ghềnh trong cuộc đời ai cũng sẽ phải đối mặt một cách công bằng.
 
Hãy nhớ rằng phải luôn có cảm giác nguy cơ, không ngừng học hỏi, biến những gì đã học được thành thói quen của mình. Làm mọi việc trong khả năng cho phép một cách hoàn hảo nhất. Chặng đường trước càng có chí tiến thủ bao nhiêu thì chặng đường phía sau sẽ càng nhẹ gánh và ít ưu tư bấy nhiêu.
Số lượt đọc: 584 -