• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

60296
Tổng số truy cập:60296
Khách đang online: 113
Điều các bạn trẻ cần lưu ý khi tìm việc
Ngày đăng tin: 19/09/2019 20:54

 

HỌC CÁCH TIẾP THU NHƯ MỘT MIẾNG BỌT BIỂN

Một trong những ưu tiên hàng đầu của bạn trong vài tuần đầu tiên là hấp thụ càng nhiều càng tốt. Hãy tìm hiểu văn hoá doanh nghiệp, phong cách đồng đội, chính sách công ty và các mục tiêu của tổ chức thông qua các mạng lưới tìm kiếm nhân sự uy tín.

CHỦ ĐỘNG TÌM NGƯỜI CỐ VẤN

Bạn không cần phải nhảy vào nhiệm vụ này ngay ngày đầu tiên. Nhưng trong quá trình làm việc, khi được giới thiệu với các nhân viên cấp cao hoặc cốt cán trong bộ phận, hãy cân nhắc tìm kiếm ai đó có thể hướng dẫn, góp ý và giúp bạn “gọt tỉa” các ý tưởng. Nếu may mắn tìm được cố vấn (mentor), đây có thể là lợi ích rất lớn trong sự nghiệp của bạn. Một mentor còn vượt xa cả những lời khuyên, họ là người cam kết dành thời gian quý báu của bản thân để đảm bảo rằng bạn luôn có những bước tiến đúng đắn xa hơn về hướng của thành công trong sự nghiệp. Hãy học cách để trở thành một mentee lý tưởng!

ĐẶT CÂU HỎI


Vài tuần đầu tiên trong công việc là giai đoạn khá thuận lợi, khi cả sếp và đồng nghiệp đều rất chào đón, hoà nhã, kiên nhẫn với sự ngơ ngác lẫn vô vàn thắc mắc của bạn. Hãy tận dụng điều này! Khi nào thấy bối rối hoặc tò mò về vấn đề nào đó, nên mạnh dạn hỏi để làm sáng tỏ thông tin và nhớ cẩn thận ghi chú câu trả lời vào sổ tay.


 

LÀ NGƯỜI TỰ KHỞI ĐỘNG

Khi đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao ban đầu và sẵn sàng xử lý khối lượng công việc lớn hơn, hãy chủ động và tự đề xuất được phụ trách nhiều việc hơn. Đây là cách tuyệt vời giúp xây dựng mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp trong nhóm. Những người được bạn hỗ trợ, và cả sếp nữa, sẽ đánh giá cao nhiệt huyết cũng như nỗ lực làm việc hết mình đầy cảm hứngcủa bạn. 

HIỀU QUYỀN LỢI CỦA BẠN VÀ NHỮNG GÌ CÔNG TY SẼ CUNG CẤP

Nhà nước đã ban hành nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ) trong mối quan hệ với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tuy nhiên, vì mới ra trường, “chân ướt chân ráo” khởi động sự nghiệp nên đôi khi bạn sẽ khá mơ hồ hoặc không rành rẽ.

Dưới đây là tóm tắt các quyền lợi cơ bản nhất (theo Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 45/2013/NĐ-CP) mà bạn cần biết:

- Tiền lương: Lương thử việc ít nhất phải bằng 85% lương chính thức, và lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.

- Bảo hiểm xã hội (BHXH): "BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH". Theo đó, đây là một quy định bắt buộc và là quyền lợi quan trọng mà bạn nên tìm hiểu để thực hiện nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích cá nhân.



Bảng tỷ lệ trích đóng các khoản bảo hiểm

- Bảo hiểm y tế (BHYT): Là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đây là một chính sách xã hội được nhà nước cơ cấu và tổ chức để phục vụ và bảo vệ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Vì thế, bạn sẽ có trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT theo quy định của luật bảo hiểm y tế mà nhà nước ban hành.

- Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Là chính sách được triển khai từ đầu năm 2009 đến nay, với mục tiêu giúp NLĐ tạm ổn định cuộc sống khi bị mất việc làm. Khi đã có tham gia BHTN đúng theo quy định, trong những trường hợp tạm thời chưa có việc làm, bạn có thể phần nào an tâm về tài chính và chủ động tìm công việc mới phù hợp với khả năng của mình.

- Chế độ nghỉ phép: NLĐ làm việc từ đủ 12 tháng trở lên cho một NSDLĐ thì được nghỉ hàng năm với số ngày nghỉ phụ thuộc vào điều kiện công việc. Cụ thể như sau:

12 ngày làm việc với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

14 ngày làm việc với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt, hoặc là lao động chưa thành niên, người khuyết tật;

16 ngày làm việc với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.

Ngoài ra, nếu người lao động làm việc lâu dài cho một người sử dụng lao động thì cứ 05 năm làm việc được tăng thêm 01 ngày nghỉ. Trường hợp làm việc không đủ năm thì số ngày nghỉ hàng năm dựa theo số tháng làm việc thực tế trong năm.

- Chế độ nghỉ bệnh: NLĐ đang tham gia BHXH sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định, tóm tắt các điểm đáng chú ý nhất như sau:

Người làm việc trong điều kiện bình thường: Được nghỉ bệnh hưởng 75% lương một năm tối đa 30 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng BHXH đủ từ 15-30 năm; 60 ngày nếu đã đóng BHXH đủ 30 trở lên. Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại: Được nghỉ bệnh hưởng 75% lương một năm tối đa 40 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng BHXH đủ từ 15-30 năm; 70 ngày nếu đã đóng BHXH đủ 30 trở lên.

Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Nếu đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn (từ mức 75% lương giảm xuống còn 65%, 55% hoặc 50%) nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

NLĐ được nghỉ chăm con ốm hưởng lương 75% một năm tối đa 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi, tối đa 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 đến dưới 07 tuổi.

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần (nên không được nghỉ bù nếu trùng).

NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và NSDLĐ không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Tất cả các trường hợp duyệt hưởng chế độ nghỉ bệnh hoặc trông con ốm đều phải có xác nhận hợp lệ của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.

Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tham khảo thêm thông tin về chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất dành cho người tham gia BHXH.

Số lượt đọc: 492 -