• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

65356
Tổng số truy cập:65356
Khách đang online: 88
Cách mời phỏng vấn khéo léo khiến ứng viên không thể chối từ
Ngày đăng tin: 06/09/2018 21:11

Hãy áp dụng những tuyệt chiêu sau đây để ứng viên không thể chối từ lời mời phỏng vấn của công ty bạn, dù trước đó, họ có rải CV xin việc ở nhiều nơi hay được mời phỏng vấn bao nhiêu chỗ đi chăng nữa.

Tìm kiếm động lực
 
Muốn mời phỏng vấn thành công, trước tiên bạn phải đặt ra mục tiêu cho bản thân và tự tìm kiếm động lực cho mình. Chỉ khi cảm thấy hào hứng và thoải mái khi làm công việc này, bạn mới có thể truyền năng lượng tích cực và khiến ứng viên thêm phần tin tưởng.
 
Chọn thời gian thích hợp
 
 
Chọn thời gian thích hợp để gọi điện mời phỏng vấn là điều mà nhà tuyển dụng như bạn nên cân nhắc. Thường thì thời gian thích hợp để gọi điện sẽ nằm trong khoảng 10-12h và 14-16h các ngày trong tuần, hạn chế tối đa việc gọi vào buổi tối, chẳng những không có hiệu quả mà công ty bạn còn bị đặt trong vòng nghi ngờ của ứng viên.
 
Giới thiệu danh tính để tạo sự tin tưởng
 
Một cuộc điện thoại mời phỏng vấn thường không kéo dài lâu, vậy nên, bạn phải tận dụng thời gian để trình bày những thông tin cần thiết. Để tạo sự tin tưởng và không khiến ứng viên nghĩ rằng bạn gọi nhằm mục đích… bán bảo hiểm, ngay từ khi ứng viên vừa nhấc máy, hãy giới thiệu tên và công ty mà bạn đang làm việc. Hành động này vừa giúp ứng viên tiện xưng hô, vừa gợi sự tò mò và tạo sự thuận lợi cho ứng viên nếu muốn tra cứu thêm thông tin ngay sau cuộc thoại.
 
Nói chuyện rõ ràng, dễ hiểu
 
Khi mời phỏng vấn, bạn cần phải nói chuyện một cách rõ ràng, ngắn gọn, tránh lan man và khiến ứng viên có cảm giác như đang nghe những lời vô bổ. Hãy đi thẳng vào trọng tâm nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các thông tin chính: “Chào em, anh là A, gọi từ công ty B. Anh thấy em có ứng tuyển vị trí Kế Toán qua trang tuyển dụng iconicJob.vn. Anh đã xem qua hồ sơ của em và muốn mời em tham gia phỏng vấn…”
 
Giọng nói thể hiện sự tích cực
 
 
Hãy đảm bảo giọng nói của bạn không bị “biến dị” khi nói chuyện với ứng viên, chẳng hạn: bạn bị khan giọng vì hôm trước hát hò với mọi người, bạn bị đau họng vì uống quá nhiều nước đá lạnh… Giữ cho chất giọng được trong trẻo và khỏe khoắn sẽ khiến người nghe có cảm tình, thấy thu hút và muốn kéo dài cuộc gọi.
 
Hình dung ứng viên đang ở trước mặt
 
Để cuộc nói chuyện được tự nhiên, bạn hãy tưởng tượng người đồng nghiệp đang ngồi đối diện chính là ứng viên bạn cần mời phỏng vấn. Hành xử như một cuộc gặp gỡ trực tiếp, hãy dùng sự tự tin của bạn để thuyết phục ứng viên chấp nhận lời mời.

Liệt kê sẵn những gì cần nói
 
 
Nếu không chuẩn bị, bạn vẫn có thể quên mất những điều mình cần nói. Nhằm tránh trường hợp bạn bị khựng lại vì “quên lời” hay bối rối không biết nên nói gì tiếp theo, hãy gạch đầu dòng những ý chính vào sổ tay hoặc nếu tỉ mỉ hơn, bạn có thể lên cả một kịch bản nội dung cho lần nói chuyện. Đảm bảo mọi thứ chỉn chu là cách giúp bạn hạn chế sai sót trong khi mời phỏng vấn.
 
Khơi gợi các yếu tố khiến ứng viên muốn có công việc này
 
Dù ứng viên đã ứng tuyển vào công việc này nhưng không có nghĩa khi được mời phỏng vấn, họ sẽ ngay lập tức nhận lời. Họ còn rất nhiều các sự lựa chọn khác nữa. Vậy nên, khi ngỏ lời mời, bạn cần đưa ra những yếu tố khiến cho vị trí đăng tuyển trở nên hấp dẫn như: lương cao, thăng tiến nhanh, công ty danh tiếng… Chắc chắn, ứng viên sẽ không thể chối từ.
Số lượt đọc: 720 -