Các nội dung "cấm kỵ" ứng viên không nên nói trong phỏng vấn nếu muốn trúng tuyển
Ngày đăng tin: 17/08/2022 10:59
Phỏng vấn là một quá trình giao tiếp 2 chiều, khi nhà tuyển dụng và ứng viên đều lắng nghe, tìm hiểu, đánh giá về nhau để cân nhắc cơ hội hợp tác. Có những điều nên nói, đồng thời cũng có những điều "cấm kỵ", tuyệt đối không thể nói trong phỏng vấn.
Khi tham gia phỏng vấn, có lẽ, điều mà ứng viên lo lắng nhất luôn là "Liệu mình có thể trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn hay không". Thực tế, kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp tác động rất nhiều tới kết quả phỏng vấn xin việc của bạn. Ngay cả khi bạn đã trả lời rất tốt mọi câu hỏi nhưng nếu "trót" nói những câu kém tinh tế, bạn vẫn có thể bị đánh giá là giao tiếp kém.
Những nội dung ứng viên không nên nói để tránh mất điểm trong phỏng vấn
1. Tầm quan trọng của giao tiếp trong phỏng vấn
Có thể bạn đã nghe không dưới 10 lần về tầm quan trọng của giao tiếp - cả trong công việc, học tập và cuộc sống hàng ngày. Không khó để thấy, những người được cho là ăn nói thông minh và khéo léo, EQ cao dễ được chú ý, là những người truyền cảm hứng và đạt được nhiều thành công.
Trong các cuộc phỏng vấn cũng tương tự, nhà tuyển dụng thường đánh giá cao ứng viên giao tiếp trung thực nhưng khéo léo với khả năng tương tác, ứng biến nhanh, duyên dáng và thông minh. Tầm quan trọng của giao tiếp trong phỏng vấn thể hiện ở:
- Giao tiếp giữa ứng viên - nhà tuyển dụng quyết định ấn tượng ban đầu tích cực hoặc không.
- Thể hiện kỹ năng mềm, trí tuệ cảm xúc (EQ) và khả năng ứng biến, sự chuẩn bị của ứng viên.
- Giao tiếp trong phỏng vấn có vai trò quyết định với kết quả ứng tuyển việc làm, đặc biệt là với các công việc yêu cầu cao về tương tác, giao tiếp (với các phòng ban, đồng nghiệp và khách hàng, đối tác).
- Giúp 2 bên hiểu về nhau, có căn cứ để ra quyết định (tuyển dụng và nhận việc hay không).
Không phải ai cũng có sẵn năng khiếu giao tiếp, đa số chúng ta sẽ phải học hỏi và rèn luyện qua học tập và môi trường thực tế (quan sát, lắng nghe,...). Đối với một cuộc phỏng vấn tiềm năng của bạn, sự chuẩn bị luôn quyết định phần lớn kết quả. Chuẩn bị ở đây không chỉ là cách giới thiệu bản thân hay trả lời câu hỏi phỏng vấn chung mà bao gồm cả những cách ứng xử phù hợp, tránh những gì không nên nói trong phỏng vấn.
2. Những nội dung ứng viên tuyệt đối không được nói trong phỏng vấn
Người tìm việc chưa có kinh nghiệm hay đã có kinh nghiệm đều có thể mắc lỗi giao tiếp, quan trọng nhất vẫn là cách bạn nhận biết các lỗi và khắc phục (nếu đó là thói quen của bạn) cũng như tránh không phạm phải (dù là vô tình).
2.1. Phủ nhận bản thân không tài năng
Trong phỏng vấn, bạn tuyệt đối không bao giờ nên nói rằng mình không có tài năng, không có chuyên môn hay kỹ năng phù hợp. Tệ nhất là khi bạn "ngây thơ" nói với nhà tuyển dụng rằng:
- "Em biết rằng bằng cấp của mình không phù hợp nhưng...".
- "Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, thực sự thì tôi chưa biết gì cả".
- "Tôi biết mình không có năng khiếu/ tài năng ở lĩnh vực này nhưng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức"...
Chính bản thân bạn còn không tin vào mình, biết rằng mình không phù hợp thì tại sao nhà tuyển dụng phải tuyển bạn?
Phủ nhận về năng lực của bản thân sẽ hạ thấp giá trị ứng viên khi ứng tuyển
2.2. Nói về điểm yếu với thái độ "hiển nhiên"
Khi nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bạn, chẳng hạn "Theo quan điểm cá nhân bạn, điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?", họ mong rằng bạn sẽ trung thực, biết mình biết ta nhưng hơn thế, họ sẽ muốn biết bạn đã nhận thức và khắc phục ra sao. Ở vai trò ứng viên, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng nhà tuyển dụng hỏi bạn về điểm yếu chỉ để "cho biết" và sau đó bạn vô tư liệt kê loạt điểm yếu với thái độ "là vậy đó".
Mẹo hay ở trường hợp này là bạn chỉ nên kể 1 - 2 điểm yếu, tốt nhất là kèm theo câu chuyện ngắn gọn, bạn đã phát hiện hoặc được chỉ ra điểm yếu đó như thế nào và cách bạn học hỏi, cố gắng để vượt qua.
2.3. Hỏi về lương thưởng ngay khi bắt đầu phỏng vấn
Tiền bạc, phúc lợi chắc chắn là một trong các yếu tố được ứng viên quan tâm nhất khi tìm việc làm, nhận việc. Dù vậy, bạn cần tránh không đề cập tới lương, thưởng ở ngay đầu phỏng vấn. Không chỉ bạn, nhà tuyển dụng cũng sẽ cân nhắc deal lương với bạn dựa theo quỹ lương, thể hiện của bạn trong phỏng vấn và tiềm năng bạn cho thấy nên hãy bình tĩnh vì ngay cả sau đó, bạn không hỏi thì vẫn sẽ được nói về khoảng lương.
Ngay lập tức hỏi về lương trong phỏng vấn là cách xử lý kém tinh tế, thậm chí có thể làm nhà tuyển dụng khó chịu.
2.4. Hết lời chê bai công ty cũ, chê bai sếp và đồng nghiệp
Thông thường, việc nói về công ty cũ, đồng nghiệp và sếp cũ là các nội dung không thể tránh trong phỏng vấn. Hầu hết nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn vì sao nghỉ việc chẳng hạn, hoặc bạn đánh giá thế nào về môi trường/ công việc cũ,... Nếu bạn chỉ trích, chê bai, nói liên tục như "súng liên thanh" thì rất có thể ngay giây phút đó, nhà tuyển dụng đã quyết định loại bạn.
Lý do ứng viên tuyệt đối không được nói vấn đề này trong phỏng vấn việc làm là vì:
- Ở vị thế nhà tuyển dụng, họ sẽ không thể biết được bạn đang nói sự thật hay không, rất có thể vấn đề nằm ở phía bạn thay vì do đồng nghiệp hay công ty, sếp.
- Bạn có thái độ gay gắt với "người cũ" thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ như vậy với công ty nếu bạn trúng tuyển, đi làm và không hài lòng với điều gì.
- Cho thấy ứng viên là người tiêu cực, hiếu thắng hoặc có thói quen đổ lỗi - những đặc điểm khó có thể thích nghi và hòa đồng trong bất cứ môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp nào.
2.5. Thể hiện cảm xúc tiêu cực với công việc hiện tại
Bạn có thể chán việc nên mới muốn chuyển việc, nhảy việc, thậm chí là chuyển hẳn sang nghề nghiệp khác. Tuy nhiên, bạn không nên nói những điều tiêu cực, chán nản về công việc cũ vì dễ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy "nguy cơ". Khi bạn chán việc, có nghĩa là bạn không có hứng thú, không có động lực và khó để làm hết sức với nhiệm vụ được giao.
Nếu bạn phỏng vấn để chuyển sang nghề khác, nhà tuyển dụng cũng có thể nghĩ rằng "biết đâu" bạn cũng nhanh chóng chán nghề nghiệp mới và lại từ bỏ. Sự hào hứng với công việc, yêu công việc mình làm sẽ giúp hình ảnh ứng viên của bạn trở nên tự tin, đáng tin cậy và tích cực hơn.
Tránh thể hiện cảm xúc tiêu cực về công ty cũ với nhà tuyển dụng hiện tại
2.6. Mông lung về mục tiêu nghề nghiệp, tương lai
Nếu bạn chưa bao giờ nghiêm túc nghĩ về mục tiêu nghề nghiệp, định hướng sự nghiệp thì khi viết CV và tham gia phỏng vấn, bạn nên rõ ràng về các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của mình. Chắc chắn bạn sẽ không muốn ngập ngừng, ngắc ngứ khi nhà tuyển dụng hỏi về mục tiêu công việc vì sự mông lung cho thấy bạn chưa thực sự nghiêm túc với công việc, ngành nghề và tương lai của chính mình.
Các câu trả lời, nội dung bạn nên tránh là:
- "Em cũng chưa biết nữa".
- "Mục tiêu của tôi chắc là...".
- "Tôi chỉ muốn làm tốt công việc hiện tại chứ chưa bao giờ nghĩ về mục tiêu trong tương lai".
- "Cứ lương cao, thu nhập tốt là được, mục tiêu của tôi là kiếm tiền"...
Một điều khác bạn cần nhớ là, dù bạn trả lời mục tiêu là gì thì hãy đảm bảo rằng mục tiêu đó đồng nhất với mục tiêu bạn đã viết trong CV xin việc.
2.7. Cho thấy tham vọng thăng tiến không phù hợp
Tự tin là tốt, có mục tiêu thăng tiến rõ ràng cũng là tốt nhưng đừng thể hiện sự tự kiêu, thậm chí là "ngông nghênh" không phù hợp trong phỏng vấn. Bạn không nên đưa ra những tuyên bố như:
- "Tôi sẽ ngồi vào vị trí của anh/ chị trong 3 năm nữa".
- "Tôi muốn trở thành giám đốc trong 5 năm tới".
- "Tôi tự tin rằng tôi có thể thăng chức nhanh hơn bất kỳ ai trong công ty này"...
Thực tế, nếu bạn nói những điều như vậy hoặc tương tự thì có nghĩa là bạn đang thiếu chuyên nghiệp, bất lịch sự và gần như chẳng có chút khôn khéo nào cả. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình sẽ làm được thì cũng không nên nói cụ thể, chi tiết. Không nhà tuyển dụng nào thích ứng viên quá kiêu ngạo, không biết về chính mình và "đe dọa soán ngôi" họ cả (hoặc khởi nghiệp trở thành đối thủ cạnh tranh).
2.8. Gây áp lực cho nhà tuyển dụng (về thời gian, kết quả tuyển dụng)
Hiếm gặp nhưng không phải không có những ứng viên vì các lý do khác nhau mà nói với nhà tuyển dụng những câu nói, những nội dung vừa gây khó chịu, bất lịch sự vừa khó hiểu, chẳng hạn như tạo áp lực:
- "Anh/ chị còn câu hỏi gì nữa không ạ? Tôi có một cuộc phỏng vấn ngay sau đây nên nếu phỏng vấn kết thúc sớm thì tốt quá".
- "Bao lâu nữa phỏng vấn mới kết thúc ạ? Em bận việc cá nhân rồi".
- "Anh/ chị chắc chắn sẽ nuối tiếc nếu bỏ qua một ứng viên xuất sắc như tôi".
- "Không tuyển tôi là một sai lầm của công ty"...
Hãy nhớ, bạn có thể tự tin nhưng thái độ của bạn rất quan trọng. Nhà tuyển dụng có các tiêu chí rõ ràng để đánh giá, ngay khi bạn giỏi nhất nhưng không phải người phù hợp nhất thì bạn vẫn có thể bị loại.
Gây áp lực cho nhà tuyển dụng bạn sẽ bị đánh giá là bất lịch sử, có thái độ không tốt
2.9. Thái độ không sẵn sàng với công việc (làm thêm giờ, đa nhiệm)
Có những công việc đặc thù hoặc do môi trường làm việc yêu cầu làm thêm giờ hoặc một nhân viên có khả năng đa nhiệm, cùng lúc xử lý nhiều công việc khác nhau. Bạn có thể thỏa thuận về giới hạn và/ hoặc các điều kiện phúc lợi (tiền tăng ca hay tương tự,...) nhưng đừng ngay lập tức từ chối (dù rất có thể nhà tuyển dụng chỉ "thử" phản ứng của bạn, đánh giá xem bạn có sẵn sàng với công việc không mà thôi.
Những câu trả lời hoặc tuyên bố như sau sẽ khiến hình ảnh bạn trong mắt nhà tuyển dụng không còn "lung linh" nữa:
- "Tôi không thích OT, tôi muốn được về đúng giờ".
- "Dù làm thêm giờ có thêm lương nhưng tôi cũng không thực sự muốn".
- "Tôi chỉ muốn làm các công việc mà anh/ chị đề cập trong JD".
- "Liệu ngoài các công việc trong JD, tôi có phải làm thêm các nhiệm vụ khác không?".
- "Tôi chỉ muốn tập trung vào các việc chính, không muốn làm công việc hỗ trợ hoặc cần đa nhiệm"...
2.10. Khẳng định mình hoàn hảo, không có điểm yếu nào
Phàm là con người, ai cũng sẽ có khuyết điểm, nếu bạn khẳng định với nhà tuyển dụng rằng mình hoàn hảo, mình giỏi tất cả các công việc, có thể thực hiện tốt nhất mọi yêu cầu thì bạn trở nên thiếu trung thực. Hơn nữa, không hoàn hảo có nghĩa là còn không gian phát triển, nhưng nếu bạn không thấy mình thiếu điều gì, bạn đã đạt đến ngưỡng tối đa, nghĩa là không có sự đổi mới hay khác biệt nào nữa.
Một số câu nói bạn không nên đề cập trong phỏng vấn khi được đề nghị tự đánh giá về mình hoặc trả lời câu hỏi "Vì sao bạn cho rằng mình phù hợp với công việc này?"/ "Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?" gồm có:
- "Tôi chắc chắn là một ứng viên hoàn hảo mà anh/ chị không thể tìm thấy ở đâu".
- "Tôi tự nhận thấy là mình chẳng có điểm yếu nào cả, từ trước tới nay sếp và đồng nghiệp chưa bao giờ chê tôi điều gì".
- "Tôi là người không có khuyết điểm".
- "Anh/ chị sẽ chẳng thể tìm thấy ai hoàn hảo hơn tôi cả".
3. Top những câu hỏi, câu trả lời phỏng vấn "kém duyên" nhất cần tránh
Ngoài những nội dung bạn nên tránh nói tới trong buổi phỏng vấn ở trên, còn có một số kiểu câu trả lời hoặc đặt câu hỏi vô cùng tệ mà bạn cũng không bao giờ cần đề cập tới nếu trân trọng cơ hội việc làm:
- "Tôi không biết".
- "Tôi rất giỏi lĩnh vực này/ Tôi là ứng viên hoàn hảo".
- "Tôi nghỉ việc vì sếp cũ...".
- "Tôi không thích môi trường làm việc ở công ty cũ".
- "Tôi có xích mích/ xung đột với đồng nghiệp nên nghỉ".
- "Tôi quá chán công việc đó rồi".
- "Tôi nghỉ việc vì lương quá thấp".
- "Hiện tại tôi chỉ muốn có việc để làm".
- "Tôi có thể làm tất cả miễn là lương cao".
- "Tôi tin rằng chỉ trong 3 năm, tôi có thể thay thế anh/ chị để ngồi vào vị trí quản lý".
- "Mục tiêu của tôi là tự mở công ty sau 5 năm tới".
- "Tôi không có mục tiêu nào cả, chỉ muốn kiếm tiền".
- "Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này".
- "Tôi có thể mạn phép hỏi về lĩnh vực kinh doanh của công ty được không ạ?".
- "Anh/ chị chắc chắn sẽ hối hận nếu không tuyển tôi".
- "Tôi rất thích công việc này nhưng tôi làm chưa tốt".
- "Tôi chắc chắn mình chẳng có điểm yếu nào cả".
- "Tôi không có câu hỏi nào cả".
- "Mức lương của tôi là bao nhiêu nếu tôi trúng tuyển?".
- "Những điều anh/ chị hỏi tôi đã đề cập trong CV".
- "Tôi hy vọng công ty mình sẽ tốt hơn công ty cũ".
- "Tôi muốn làm việc ở công ty trong khoảng 1, 2 năm".
- "Tôi chỉ làm những gì được giao"/ "Tôi sẽ chỉ làm những gì được đề cập trong JD".
- "Lương thưởng là tiêu chuẩn để tôi đánh giá một doanh nghiệp có tiềm năng hay không".
- "Tôi biết kỹ năng của mình rất tệ nhưng...".
- "Tôi coi công việc tại công ty (nếu trúng tuyển) là một cơ hội tốt để học hỏi"...
Nhìn chung, nếu "chẳng may" nói/ hỏi những điều bị cho là nhạy cảm hoặc bất lịch sự (hay đơn giản là không phù hợp) bạn hãy khéo léo giải thích để nhà tuyển dụng không quá khó chịu hoặc "đóng khung" ấn tượng không mấy tích cực về bạn.
Những câu trả lời thiếu tinh tế sẽ làm tuột mất cơ hội có được việc làm tốt của ứng viên
4. Những điều ứng viên nên nói và thể hiện trong phỏng vấn
Trái ngược với những điều cần tránh, có những điều tuyệt vời, tích cực bạn có thể tập trung thể hiện trong phỏng vấn.
- Thể hiện sự tự tin: Mỉm cười, gửi lời chào và tươi tắn, tự tin trong phỏng vấn là cách để bạn bắt đầu những trao đổi quan trọng, cởi mở và hiệu quả.
- Am hiểu về ngành nghề, đã tìm hiểu về công ty: Khi có cơ hội, bạn đừng quên cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có kiến thức về ngành nghề, đã tìm hiểu về thị trường, các đối thủ cạnh tranh,... và dĩ nhiên, đã tìm kiếm thông tin về công ty, là người ủng hộ các sản phẩm và dịch vụ của công ty,...
- Trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn với sự bình tĩnh, kiên nhẫn: Chuẩn bị đáp án cho các câu hỏi chung hay gặp và các câu hỏi phỏng vấn theo vị trí tuyển dụng sẽ giúp bạn thoải mái hơn và trả lời tốt hơn khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi.
Tham khảo bộ câu hỏi phỏng vấn với những câu hỏi "kinh điển" và câu hỏi theo ngành nghề, vị trí của Cevn kèm theo hướng dẫn, gợi ý trả lời sẽ là cách để bạn chuẩn bị hiệu quả cho những buổi phỏng vấn tiềm năng của mình.
- Tập trung vào công việc thay vì nói nhiều về bản thân: Gắn các mục tiêu nghề nghiệp với mục tiêu của công ty, thể hiện đam mê với công việc cũng là những gì bạn nên thể hiện thay vì sa đà vào các sở thích của bản thân, "khoe" bản thân làm việc tốt thế nào. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn có thể đóng góp gì cho công ty (chứ không phải bạn muốn gì từ công ty).
- Thái độ tích cực, luôn mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng: Biểu hiện của một ứng viên tự tin, tài năng và có thái độ hợp tác, yêu công việc là bạn hãy lạc quan, có giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ cơ thể tự nhiên, lịch sự trong phỏng vấn.
- Không khó chịu, nổi giận, cau mày dù gặp câu hỏi hóc búa: Có nhiều phương pháp phỏng vấn nhà tuyển dụng có thể áp dụng, trong đó có "Stress Interview" với các câu hỏi có thể khiến bạn cực kỳ áp lực và căng thẳng có thể khiến bạn khó chịu. Đôi khi, một nguyên nhân khác là nhà tuyển dụng có cách giao tiếp như vậy/ họ chưa thực sự chuyên nghiệp,...
Dù vậy, là một ứng viên, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh và kiên nhẫn, đưa ra câu trả lời tốt nhất bạn có thể.
- Thẳng thắn và trung thực: Bạn có thể có một chút "đánh bóng" về thành tích, kỹ năng của mình trong phỏng vấn nhưng không bao giờ nên nói dối. Giao tiếp khéo léo không có nghĩa là màu mè hay bịa ra những điều không có thật. Khi bạn thẳng thắn và trung thực, bạn có thể được đánh giá cao và có sự tôn trọng từ nhà tuyển dụng.
- Tác phong lịch sự và chuyên nghiệp: Trang phục phỏng vấn lịch sự, cách di chuyển, tư thế khi ngồi phỏng vấn đều cần bạn chú ý. Bạn không phải quá cứng nhắc nhưng hãy cho thấy hình ảnh mình trân trọng cơ hội việc làm này bằng sự chú ý tới những tiểu tiết.
- Khi không nghe rõ hãy hỏi lại: Trong phỏng vấn xin việc, nếu nhà tuyển dụng đặt câu hỏi mà bạn chưa hiểu rõ, có thể hỏi lại "Xin lỗi, anh/ chị có thể nhắc lại câu hỏi được không ạ?" - thẳng thắn và trực tiếp sẽ tốt hơn là việc bạn vì không nghe rõ mà lạc đề hoặc "hử, hả" có vẻ không tập trung.
- Nói với nhà tuyển dụng khi bạn cần thời gian suy nghĩ câu trả lời: Trường hợp câu hỏi khó hoặc bất ngờ, bạn đừng thể hiện biểu cảm không biết nói gì hoặc nói rằng mình không biết. Thay vào đó, bạn có thể xin một chút thời gian để suy nghĩ và đưa ra câu trả lời hợp lý nhất.
- Chuẩn bị sẵn các câu hỏi để hỏi nhà tuyển dụng: Khi có cơ hội đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, ví dụ nhà tuyển dụng hỏi "Bạn có câu hỏi nào không?" thì bạn có thể ngay lập tức hỏi từ 1 - 3 câu tập trung vào công việc. Tốt nhất, các câu hỏi của bạn cần liên quan tới công việc, có thể hỏi về cơ hội thăng tiến, các chương trình đào tạo,...
- Cảm ơn khi kết thúc phỏng vấn: Đến khi đã trao đổi xong, ứng viên có thể kết thúc buổi phỏng vấn với nụ cười tươi và cảm ơn nhà tuyển dụng, người phỏng vấn đã dành thời gian cho bạn.
Lưu ý: Để giữ cho buổi phỏng vấn đi đúng hướng, bạn không nhất thiết phải nói khéo, trả lời hoàn hảo tất cả mọi câu hỏi vì thực tế, nhà tuyển dụng thích một ứng viên chân thực, là chính mình hơn là một ứng viên có tài năng xin việc - trả lời tốt vì "thuộc bài".
5. Một số điều nên làm sau phỏng vấn để "thêm điểm" từ nhà tuyển dụng
Trong vòng 24h (1 ngày) sau phỏng vấn, có một số việc bạn có thể làm để nhà tuyển dụng nhớ về bạn và đánh giá tích cực hơn về bạn, ví dụ như:
- Gửi email cảm ơn: Gửi thư điện tử để một lần nữa cảm ơn vì cơ hội phỏng vấn và việc làm. Dĩ nhiên, trong thư, bạn hãy viết rằng mình đã cảm thấy như thế nào khi tham gia phỏng vấn (tích cực) cũng như nhấn mạnh bạn là ứng viên phù hợp, rất mong đợi được nhận kết quả trúng tuyển.
- Chờ đợi kết quả phỏng vấn, chủ động hỏi kết quả phỏng vấn khi đến thời điểm thích hợp: Kiên nhẫn chờ đợi phản hồi của nhà tuyển dụng cho đến ngày mà họ hẹn trả kết quả - hoặc chủ động hỏi kết quả qua email, điện thoại sau khoảng 5 ngày/ sau ngày hẹn trả kết quả.
- Dù chưa trúng tuyển cũng hãy phản hồi và giữ quan hệ với nhà tuyển dụng: Nếu nhận được email/ điện thoại từ chối của nhà tuyển dụng, đừng quá thất vọng hoặc ngay lập tức bày tỏ thái độ bất bình/ không phản hồi lại. Bạn có một lựa chọn lý tưởng nhất là hãy viết email phản hồi/ trả lời điện thoại với nhà tuyển dụng, trình bày rằng bạn rất tiếc về chưa phù hợp, mong rằng sẽ có cơ hội hợp tác trong tương lai.
Cuộc phỏng vấn cho cơ hội việc làm của bạn sẽ suôn sẻ và có kết quả tốt hơn nếu bạn có thể tránh tất cả những điều không nên nói với nhà tuyển dụng. Chuẩn bị và tập luyện trước phỏng vấn, tự tin và khéo léo trong phỏng vấn, thể hiện tốt các kỹ năng, trình độ xuất sắc, cơ hội trúng tuyển của bạn sẽ gia tăng đáng kể.