• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

87324
Tổng số truy cập:87324
Khách đang online: 117
Vượt qua đại dịch nhờ gắn kết với nhân viên
Ngày đăng tin: 08/08/2021 09:26

Trong giai đoạn khủng hoảng bởi COVID-19, vai trò của đội ngũ nhân sự trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. “Bẻ đũa không bẻ được cả nắm” - củng cố mối quan hệ với nhân viên, qua đó xây dựng tập thể đoàn kết, có thể giúp công ty vượt qua sóng gió.

Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên là một trong những yếu tố quyết định hoạt động trơn tru của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy thúc đẩy mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, làm tăng sự hài lòng của nhân viên sẽ có lợi cho kinh doanh. Trong đại dịch, khi môi trường và cách thức làm việc thay đổi, mối quan hệ sếp - nhân viên cũng bị tác động; nhưng các công ty duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên sẽ ứng phó tốt với cơn bão Covid-19.
 
 
Dưới đây là 5 bí quyết củng cố mối quan hệ với nhân viên trong mùa dịch:
 
Đừng chỉ nhìn vào con số
 
Điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất trong mùa dịch thường là sụt giảm lợi nhuận. Nhưng đừng vì áp lực lợi nhuận mà bỏ quên các giá trị cốt lõi của công ty. Nói cách khác, đừng chỉ nhìn vào các con số, hãy tập trung vào con người.
 
Nói về tầm quan trọng của nhân sự, trong tiếng Anh có câu khá quen thuộc “‘Our people are our greatest asset” - "Con người là tài sản lớn nhất của chúng ta". Thực vậy, cách doanh nghiệp ứng phó với Covid-19 sẽ được nhân viên, thậm chí cả đối tác, ghi nhớ trong nhiều năm. Hãy tận dụng đại dịch như một cơ hội để củng cố thương hiệu và uy tín trên thị trường, thể hiện sự chuyên nghiệp trong quản lý. Bằng cách hỗ trợ nhân viên trong giai đoạn này, bạn sẽ gặt hái được lợi ích trong nhiều năm tới.
 
Giao tiếp cởi mở
 
Hãy thẳng thắn chia sẻ với nhân viên về thách thức công ty đang đối mặt và cách công ty ứng phó với chúng. Đừng che giấu, hãy minh bạch - giao tiếp cởi mở là chìa khóa để gây dựng lòng tin.
 
Tốt nhất, hãy cử một nhân sự cấp cao, ví dụ trưởng phòng hành chính nhân sự, thư ký giám đốc, thông báo về những thay đổi của công ty trong mùa dịch. Nhờ vậy, nhân viên nghe được thông tin chính thức thay vì những lời bàn tán.
 
Giao tiếp chỉ thành công khi thực hiện hai chiều. Hãy khuyến khích nhân viên phản hồi ở cấp độ tập thể và cá nhân. Thực hiện khảo sát nhân viên thường xuyên, tổ chức sự kiện văn hóa nội bộ online hoặc theo nhóm nhỏ là những cách khiến nhân viên cảm thấy được lắng nghe và muốn gắn bó với công ty.
 
Tích cực khen thưởng
 
Khi mọi người phải đọc tin tức tiêu cực mỗi ngày về Covid-19, khen thưởng và ghi nhận sẽ giúp cân bằng cảm xúc.
 
Không phải chỉ nhân viên kinh doanh đạt doanh số cao mới đáng khen. Các thành tích như tìm ra giải pháp giải quyết nhu cầu của khách hàng, thích ứng với thách thức hoặc hợp tác hiệu quả đều có thể được tôn vinh và ghi nhận.
 
 
Đôi khi, chỉ một lời cảm ơn của giám đốc cũng có tác động lớn đến tinh thần của nhân viên. Sự ghi nhận thường được nhân viên ghi nhớ lâu hơn những phần thưởng vật chất, bởi họ cảm thấy được trân trọng và tạo thêm động lực cho họ. Khen thưởng cũng truyền cảm hứng cho sáng tạo và đổi mới.
 
Hãy tạo ra những cơ chế trao giải đa dạng như thưởng tháng, thưởng tuần, thưởng thành tích, thưởng nỗ lực, thưởng nóng… Nhờ vậy, những nhân sự xứng đáng nhất sẽ không bị ‘bỏ sót’.
 
Đảm bảo và tăng cường phúc lợi
 
Trong mùa dịch, nhiều người chắc chắn sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng về công việc, sức khỏe, tài chính và các mối quan hệ xã hội. Do đó, các chế độ phúc lợi tốt, sự quan tâm của cấp trên có giá trị hơn bao giờ hết.
 
Đảm bảo toàn bộ nhân viên nhận được đầy đủ phúc lợi của công ty như bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tủ thuốc văn phòng... Các sáng kiến hỗ trợ tinh thần nhân viên cũng có thể có ích: tổ chức lớp thiền giờ nghỉ trưa, tham vấn sức khỏe tinh thần online với chuyên gia...
 
Khi nhiều trường học phải nghỉ vì giãn cách khiến công việc và cuộc sống gia đình của nhiều người bị xáo trộn, công ty cũng nên tạo điều kiện cho nhân sự có con nhỏ làm việc tự do hơn, miễn sao đảm bảo hiệu quả công việc, ví dụ như nghỉ trưa linh hoạt, nới lỏng quy định điểm danh...
 
Ngoài ra, hãy khuyến khích các trưởng bộ phận hỏi han nhân viên trong nhóm, lắng nghe vấn đề họ gặp phải, kể cả những vấn đề cá nhân.
 
Hoàn thành trách nhiệm của người quản lý
 
Do đại dịch, một số công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ việc để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu đây là trường hợp của công ty bạn, đừng ‘qua cầu rút ván’. Hãy nhớ rằng nhân viên chính là người từng chung lưng đấu cật với bạn.
 
Nếu bạn giữ vững giá trị cốt lõi của mình và duy trì giao tiếp cởi mở, nhân viên có thể thông cảm cho quyết định của công ty. Điều tốt nhất bạn có thể làm là hỗ trợ họ tìm việc mới. Nếu bạn biết về một cơ hội việc làm, đừng ngại giới thiệu cho họ. Với tư cách là người quản lý, bạn cũng có thể viết thư giới thiệu, trong đó đề cập đến những ưu điểm và thành tích của nhân viên.
 
Kết luận
 
Trong mùa dịch Covid-19, duy trì hoạt động doanh nghiệp vốn đã khó khăn, nhiều công ty không để ý tới duy trì mối quan hệ với nhân viên. Nhưng đừng quên nhân viên chính là những chiến binh bảo vệ và vận hành công ty trong thời gian khủng hoảng. Nói cách khác, đầu tư vào mối quan hệ với nhân viên cũng chính là đầu tư vào lực lượng phòng hộ nòng cốt – điều chắc chắn mang lại lợi ích bền vững và lâu dài.
Số lượt đọc: 403 -