• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

59431
Tổng số truy cập:59431
Khách đang online: 79
Bí kíp kết nối nhân viên cho sếp
Ngày đăng tin: 31/07/2021 18:17

Không phải lúc nào các doanh nhân cũng dễ dàng hiểu được nhu cầu, mong muốn hoặc khó khăn của nhân viên. Mất kết nối với tập thể đồng nghĩa khả năng mất đi những nhân tài, thậm chí hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Thử xem các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu có bí kíp gì trong tạo dựng mối quan hệ với nhân viên nhé.

Trước hết, chúng ta đều hiểu lãnh đạo, hay nhà quản lý không phải là siêu nhân, và có nhiều trách nhiệm đối với thành công của doanh nghiệp hơn các nhân viên bình thường. Chính vì thế, những phương án dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Nhưng biết đâu, áp dụng tốt một điều cũng khiến cho bạn có chung tiếng nói với tập thể dưới quyền?
 

 

Tạo dựng mối quan hệ với nhân viên
 
1. Cho nhân viên lên tiếng và bình bầu
 
Hãy cởi mở lắng nghe ý kiến và sự lựa chọn của số đông, đặc biệt là từ những người có kinh nghiệm thực tế với khách hàng. Một ứng dụng, sản phẩm được dùng cho một đối tượng ngoài xã hội, trước hết phải thuyết phục được phần lớn người dùng trong công ty. Tất nhiên, lãnh đạo nắm quyền điều chỉnh quyết định cuối cùng, nhưng, tham khảo ý kiến nhân viên sẽ cho họ thấy họ có tiếng nói và đóng góp trong tiến trình ra mắt sản phẩm, từ đó có động lực phát triển sản phẩm nhiều hơn nữa. 
 
2. Lắng nghe nhân viên thực sự nói gì
 
Cách sâu sắc nhất để xây dựng một mối quan hệ và khiến ai đó cảm thấy có giá trị là lắng nghe. Lắng nghe nhân viên để tìm hiểu điều gì đúng và sai là cách của nhà điều hành thông minh. Bạn tránh được nhiều rủi ro trước khi đưa ra quyết định bằng cách thường xuyên hỏi mọi người.
 
"Này, tình hình thế nào rồi?", "Gần đây có việc gì khiến bạn hứng thú không?", “Bạn có bất kỳ ý tưởng nào muốn thảo luận không?”... 
 
“Và sau đó, vì Chúa, hãy lắng nghe” - theo Gary Vaynerchuk, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của VaynerMedia (hơn 700 nhân viên với hơn 100 triệu đô la doanh thu hàng năm), tác giả sách bán chạy nhất theo The New York Times và cố vấn trên ‘Planet of the Apps’. 
 
Nhân viên im lặng là vàng, nhưng nhân viên chịu nói ra các vấn đề bất cập và đóng góp ý kiến xây dựng là kim cương. Để có kim cương, bạn hãy chịu khó lắng nghe.
 
3. Truyền động lực
 
Một trong những tố chất của nhà lãnh đạo là trao quyền cho các nhóm và khiến họ thấy mình gắn bó với công ty. Nhân viên cần biết là bạn muốn thắng lợi, nhưng không bằng cách hy sinh quyền lợi của họ. Hãy cho nhân viên thấy bạn muốn họ hạnh phúc và làm việc theo mục tiêu sự nghiệp của họ, từ đó sẽ nảy sinh sự tin tưởng và cảm giác an toàn. Đó là nền tảng của lòng trung thành - cảm hứng để nhân viên nỗ lực hết mình và cống hiến.
 
4. Thử những kết nối ngẫu hứng
 
Đi lang thang quanh văn phòng, tán gẫu với nhân viên, hỏi họ đang làm gì và họ làm việc như thế nào; giải thích những gì công ty đang làm và những thách thức mà bạn phải đối mặt. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn chia sẻ hết bí mật kinh doanh hay kế hoạch đầu tư. Nhưng “Không chừng, nhân viên của bạn có thể đóng góp những phát kiến ra tiền, giúp bạn giải quyết khó khăn, mà có thể chính họ cũng không biết” — Tim Draper, nhà đầu tư mạo hiểm huyền thoại, người sáng lập Draper Associates và DFJ cho biết.
 

Thử những kết nối ngẫu hứng
 
5. Giúp nhân viên đạt được mục tiêu
 
Bạn cần yêu cầu mọi người có trách nhiệm với mục tiêu của họ. Một yếu tố quan trọng trong đó là yêu cầu họ xác định được động cơ thực sự khiến họ đi làm.
 
Từ đó xây dựng một môi trường khuyến khích và thúc đẩy động cơ hành động của họ. Khuyến khích họ đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong công việc để phục vụ cuộc sống cá nhân.
 
Cuối cùng, nắm lấy vai trò là người dẫn dắt và nhà đầu tư khi họ đầu tư công sức. “Khi bạn thực sự quan tâm đến nhân viên của mình và góp phần làm cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ lâu dài và một tập thể trung thành” - Tom Ferry, Giám đốc điều hành của Tom Ferry International, Chuyên gia đào tạo bất động sản hàng đầu của Swanepoel Power 200 và tác giả bán chạy nhất theo The New York Time với cuốn “Life! By Design”.
 
6. Dạy họ cách vượt qua vật cản
 
Hầu hết nhân viên đều có ước mơ và mong muốn riêng, nhưng gặp các thói quen xấu hoặc rào cản kỹ năng để thực hiện nó. Vì vậy, công ty có thể đưa vào chương trình đào tạo các lộ trình hướng dẫn vượt qua điểm yếu. Ví dụ: công ty là môi trường không-thuốc-lá, thì một quy trình hướng dẫn cách bỏ thuốc lá cũng là có thể áp dụng cho các vấn đề khác trong công việc.
 
Nghe có vẻ xa lạ, nhưng một số công ty lớn đã tạo cơ hội cho nhân viên suy nghĩ về cuộc sống mơ ước của họ, thông qua “Sáu trụ cột của hạnh phúc” (Sự nghiệp, Mối quan hệ, Thời gian nghỉ, Sức khỏe, Sự giàu có, Tăng trưởng). Sau đó, họ tổ chức các buổi đào tạo cách phát triển từng “trụ cột”.
 
“Chúng tôi tạo môi trường cho mọi người thể hiện sự tiến bộ, vì vậy ai đó càng thể hiện tốt thì họ càng đạt được ước mơ nhanh chóng. Bằng cách tập trung vào các mục tiêu và mong muốn của nhân viên và gia đình của họ, nhân viên và công ty cùng kết nối và tận hưởng các mối quan hệ bền vững suốt đời” - Craig Handley, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của ListenTrust. 
 
7. Tham gia vào những công việc hằng ngày
 
Bạn không thể hiểu điều gì đang xảy ra ở mỗi cấp của doanh nghiệp nếu bạn không sẵn sàng rời khỏi văn phòng riêng và trực tiếp quan sát các giao dịch hàng ngày của nhân viên. 
 
Sự quan sát sẽ cho bạn biết ai là người có giá trị với công ty, và nếu được bạn công nhận điều đó, nhân viên sẽ thích bạn. Ai cũng muốn là thành viên cần thiết với tổ chức, đặc biệt là được ghi nhận những công việc đã hoàn thành tốt. Và nếu họ đang cảm thấy mất mát hoặc thất vọng, họ cần được lắng nghe quan điểm. “Trước tiên, hãy quan tâm đến mọi người và họ sẽ chăm sóc doanh nghiệp của bạn” - Dottie Herman, Giám đốc điều hành của Douglas Elliman (đế chế môi giới bất động sản với hơn 27 tỷ đô la doanh thu hàng năm).
 

Tham gia vào những công việc hằng ngày
 
8. Biến nó thành chuyện cá nhân
 
Mở cửa phòng làm việc của bạn cho nhân viên liên hệ khi cần và sẵn sàng đến thăm một nhân sự khi họ ốm đau, hoặc sinh con. Điều này tạo ra mức độ quan tâm sâu sắc hơn giữa những người đang có chung mục tiêu công việc. Nó xây dựng niềm tin và mở ra cánh cửa cho những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và dễ dàng. “Nó mang lại lợi ích khi lãnh đạo và nhân viên hiểu hơn về ‘bức tranh toàn cảnh’ của nhau” - Joe Kakaty, đồng sáng lập và chủ tịch của Poker Central.
 
9. Đầu tư vào tài sản quý giá nhất của bạn
 
Như Cevn từng chia sẻ, tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp chính là nhân sự. Khi tập thể của bạn vui vẻ, tràn đầy năng lượng và hứng khởi, họ được trang bị tâm lý tốt hơn để đối phó với khó khăn, đồng thời cũng truyền tải năng lượng tích cực đó đến khách hàng.
 
Có nhà lãnh đạo tạo ra điều này bằng cách đầu tư tiền bạc cho các chương trình đào tạo, teambuilding, nhưng trước hết, họ phải có mối quan tâm thực sự. Ví dụ: tìm hiểu nhân viên của mình bằng cách đặt những câu hỏi có ý nghĩa về gia đình, vợ/chồng, con cái và cố gắng ghi nhớ câu trả lời.
“Một nhà lãnh đạo thực sự chung chiến hào, cùng nhân viên chiến đấu vì những mục tiêu chung. Đó là cách bạn xây dựng mối quan hệ. Giữ nhân tài bằng cách giúp họ hạnh phúc. Xét cho cùng, con người quan trọng hơn số tiền họ tạo ra tại thời điểm nhất định” - Mark Bloom, chủ tịch của NetWorth Realty (được Glassdoor xếp hạng “Nơi làm việc tốt nhất” trong hai năm liên tiếp).
 
10. Cho nhân viên cơ hội để thử và thất bại
 
Khuyến khích nhân viên của bạn đề xuất ý tưởng, dự án mới với điều kiện nó hợp lý, và họ chịu trách nhiệm cũng như chấp nhận giải trình về tiến độ, kết quả. Bạn sẽ xây dựng được niềm tin và sự kết nối chưa từng có nếu bạn chấp nhận rằng thành tích của họ có thể trồi sụt trong quá trình “thử nghiệm” đó.
“Một trong những trưởng bộ phận của tôi từng khiến công ty chúng tôi phải trả giá 30.000 đô la. Chúng tôi đã sắp xếp một cuộc gặp vào sáng sớm hôm sau. Tôi đã bắt đầu bằng cách tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các kinh nghiệm có giá trị của anh ấy cho các chiến lược sắp tới. Anh ấy dừng cuộc trò chuyện với tôi một phút và nói: “Bạn biết đấy, tôi đã tiêu tốn của công ty 30.000 đô la. Tôi tưởng rằng bạn yêu cầu tôi ở đây để nhận quyết định sa thải”.
 
"Sa thải bạn?" Tôi hỏi. “Tại sao tôi lại sa thải ai đó khi vừa mới đầu tư 30.000 đô la cho quá trình học hỏi của họ?” - John Hanna, tác giả cuốn “Con đường giàu có”, Giám đốc điều hành của Fairchild Group.
 
11. Lãnh đạo bằng cách làm gương
 
Trực tiếp nhảy vào, xắn tay áo lên để giải quyết khủng hoảng và cùng tập thể hoàn thành công việc. Nhân viên có thể không bao giờ nhận xét trước mặt bạn, nhưng họ đánh giá cao nỗ lực của bạn. “Một doanh nghiệp đông nhân sự như của tôi không thể tồn tại nếu không có quản lý thực chiến. Quét sàn, vận chuyển vật liệu xây dựng, làm bất cứ điều gì cần thiết để trở thành một thành viên của đội khi cần” - Steve Griggs, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Steve Griggs Design; Nhà thiết kế cảnh quan hàng đầu tại New York.
 
Trong bối cảnh nhiều khủng hoảng tiềm ẩn do đại dịch COVID-19, không dễ để bạn có thời gian lắng nghe mọi tâm tư tình cảm của nhân viên. Nhưng hãy thử dùng một khoảng nghỉ của mình để lắng nghe xem họ có sáng kiến gì không, và cùng thực chiến. Sau khi cùng nhau vượt qua gian khó, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên sẽ càng bền chặt hơn.
Số lượt đọc: 408 -