• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

70974
Tổng số truy cập:70974
Khách đang online: 89
TƯ DUY PHẢN BIỆN - KỸ NĂNG ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT TRONG THỜI ĐẠI 4.0
Ngày đăng tin: 01/04/2021 20:49

Tư duy phản biện hiểu một cách đơn giản là khả năng suy nghĩ độc lập, rõ ràng, quan sát được các kết nối logic và hợp lý giữa các sự kiện, ý tưởng, tình huống. Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hiện nay, với số lượng thông tin và dữ liệu khổng lồ nắm quyền kiểm soát cách vận hành của thế giới, tư duy phản biện trở thành kỹ năng đặc biệt quan trọng giúp cá nhân trở nên nổi bật và đạt được hiệu quả khác biệt trong công việc. Đây cũng là một trong 10 kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. 

 
TƯ DUY PHẢN BIỆN LÀ GÌ?
 
Tư duy phản biện không phải là khả năng tổng hợp thông tin. Một người có trí nhớ tốt và biết rất nhiều kiến thức không nhất thiết là một người có kỹ năng tư duy phản biện tốt. Người sở hữu khả năng này là người có thể rút ra được kết luận từ những gì mà anh ta biết, và sau đó sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, cũng như để tìm kiếm các nguồn thông tin liên quan phục vụ cho mục đích của mình. 
 
Kỹ năng tư duy phản biện yêu cầu bạn sử dụng khả năng lập luận - thu thập thông tin và phân tích sự việc một cách chủ động, tích cực chứ không thụ động tiếp nhận chúng. Những người có khả năng tư duy phản biện tốt thường đặt ra câu hỏi và thắc mắc một cách khắt khe trước những ý tưởng, kết luận hay giả định mới, thay vì chấp nhận chúng ngay lập tức. Họ sẽ đánh giá xem liệu ý tưởng, kết luận, giả định đó có mô tả được bức tranh toàn cảnh hay không, và chính xác, khách quan ở mức độ nào. Họ cũng phân tích và giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống, thay vì chỉ suy nghĩ theo trực giác hay làm việc theo cảm tính. 
 
Một người có kỹ năng tư duy phản biện có thể:
  • Hiểu được những mối liên hệ giữa các ý tưởng, lập luận với nhau.
  • Xác định được mức độ quan trọng và mức độ liên quan giữa các ý tưởng, lập luận. 
  • Xây dựng và đánh giá các ý tưởng, lập luận.
  • Nhận diện sự thiếu logic và sai sót trong các ý tưởng, lập luận.
  • Tiếp cận vấn đề một cách hệ thống, nhất quán.
  • Tư duy khách quan, không bị tác động bởi những niềm tin và giá trị cá nhân.
 Tóm lại, tư duy phản biện thực chất là suy nghĩ về một vấn đề dưới nhiều khía cạnh và cách tiếp cận khác nhau, từ đó đưa ra được giải pháp tối ưu phù hợp với hoàn cảnh để giải quyết vấn đề hoặc để có một kết luận đúng đắn. 
 
Tư duy phản biện không nên bị nhầm lẫn với việc thích tranh luận hay thái độ chỉ trích. Mặc dù kỹ năng này có thể sử dụng để chỉ ra những lỗi sai logic và lập luận không chặt chẽ, đây cũng là kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thảo luận, đàm phán, hợp tác, xây dựng và đóng góp ý kiến. Tư duy phản biện có thể giúp chúng ta thu thập thêm kiến thức, cải thiện nhận thức của bản thân, và củng cố các lập luận. Đặc biệt, kỹ năng này góp phần quan trọng giúp nâng cao mức độ hiệu quả trong công việc. 
 
 
 
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KỸ NĂNG TƯ DUY PHẢN BIỆN
 
1. Tư duy phản biện là kỹ năng cần thiết cho mọi lĩnh vực: 
 
Khả năng suy nghĩ rõ ràng và hợp lý đóng vai trò quan trọng trong tất cả những công việc mà chúng ta lựa chọn theo đuổi. Nếu bạn làm việc trong các ngành như: giáo dục, nghiên cứu, tài chính, quản lý hay luật pháp, bạn chắc chắn sẽ cần sử dụng kỹ năng này. Tuy nhiên, đây cũng là kỹ năng không chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực đặc biệt. Việc có được khả năng tư duy tốt và giải quyết vấn đề một cách hệ thống là tài sản quý giá giúp bạn thành công trong bất cứ nghề nghiệp nào.
 
2. Tư duy phản biện đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay:
 
Nền kinh tế toàn cầu trong thời đại 4.0 được kiểm soát và định hướng bởi thông tin, dữ liệu và công nghệ. Do vậy, một cá nhân cần phải có khả năng nhanh chóng đối mặt với những thay đổi và thích nghi hiệu quả. Nền kinh tế mới cho thấy nhu cầu cao về các kỹ năng tư duy linh hoạt, khả năng phân tích thông tin và hòa hợp các nguồn kiến thức đa dạng để giải quyết vấn đề. Kỹ năng tư duy phản biện tốt vì vậy đặc biệt quan trọng trong việc chọn lọc thông tin và trở nên thiết yếu trong môi trường làm việc thay đổi một cách chóng mặt như hiện nay. 
 
3. Tư duy phản biện tăng cường khả năng ngôn ngữ và thuyết trình:
 
Việc suy nghĩ một cách rành mạch và hệ thống có thể cải thiện cách chúng ta bày tỏ ý tưởng của mình. Thông qua học cách phân tích các cấu trúc logic trong câu, đoạn văn, lời nói, kỹ năng này cũng giúp chúng ta nâng cao khả năng đọc-hiểu, nghe-hiểu và khả năng sử dụng ngôn từ của bản thân khi nói hoặc viết.
 
4. Tư duy phản biện tăng cường sự sáng tạo:
 
Để đưa ra một giải pháp sáng tạo cho một vấn đề yêu cầu bạn không chỉ đơn thuần nghĩ ra tưởng mới. Quan trọng là ý tưởng đó có hữu ích và liên quan tới vấn đề hoặc nhiệm vụ của bạn hay không. Tư duy phản biện trở nên cần thiết trong việc đánh giá các ý tưởng này, lựa chọn ý tưởng tốt nhất cũng như có sự điều chỉnh nếu cần thiết. 
 
5. Tư duy phản biện cần thiết cho việc tự nhận thức bản thân:
 
Để sống một cuộc đời có ý nghĩa và xây dựng cuộc sống mà mình mong muốn, chúng ta cần liên tục điều chỉnh và suy nghĩ lại về những giá trị, niềm tin và các quyết định của mình. Tư duy phản biện là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình tự đánh giá, tự nhận thức này. 
 
6. Kỹ năng tư duy phản biện tốt là nền tảng cho sự phát triển khoa học và một xã hội dân chủ:
 
Các ngành khoa học đều yêu cầu sử dụng lập luận để thực hiện thí nghiệm cũng như kiểm chứng các lý thuyết. Còn để xây dựng một nền dân chủ như chúng ta mong muốn yêu cầu mỗi công dân phải có khả năng tư duy phản biện về các vấn đề xã hội để đưa ra quyết định đúng đắn về cách quản lý của chính phủ, cách vận hành đất nước và vượt qua những sự thiên vị, định kiến. 
 
 
 
CÁC KỸ NĂNG CẦN THIẾT TRONG TƯ DUY PHẢN BIỆN
 
Các kỹ năng mà bạn cần để phát triển tư duy phản biện rất đa dạng, bao gồm kỹ năng quan sát, phân tích, diễn giải, phản ánh, đánh giá, suy luận, giải thích, giải quyết vấn đề và ra quyết định. 
 
Cụ thể, chúng ta cần phải:
  • Suy nghĩ về một vấn đề hay sự kiện một cách khách quan và đánh giá cẩn thận, kỹ lưỡng.
  • Nhận diện các lập luận khác nhau có liên quan tới vấn đề, sự kiện đó.
  • Đánh giá từng lập luận để xác định mức độ thuyết phục, xác thực và đáng tin cậy của chúng.
  • Tìm ra bất kỳ điểm yếu hay điểm bất lợi nào xuất hiện trong lập luận hay các bằng chứng được đưa ra. 
  • Chú ý tới các ngụ ý, ẩn ý đằng sau những lập luận hay ý tưởng.
  • Đưa ra các lập luận chặt chẽ từ việc đánh giá các thông tin thu được. 
QUÁ TRÌNH TƯ DUY PHẢN BIỆN
 
Có một điều bạn cần lưu ý, đó là không ai trong chúng ta có thể tư duy phản biện mọi lúc mọi nơi. Đôi khi chúng ta sẽ bị cảm xúc và thói quen chi phối, ví dụ như khi bạn muốn giảm cân nhưng lại khó lòng kiềm chế trước một cái bánh kem, hay khi bạn mất tự chủ trong một cơn giận dữ.
 
Tuy nhiên tin vui là, kỹ năng tư duy phản biện phụ thuộc vào thói quen suy nghĩ của chúng ta. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể học hỏi và luyện tập để cải thiện khả năng tư duy bằng cách phát triển một số thói quen suy nghĩ nhất định và áp dụng chúng vào tất cả các vấn đề mà bạn tiếp cận trong cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình cải thiện này cần thời gian, đòi hỏi sự kiên trì và luyện tập đều đặn. 
 
Bạn hãy thử bài tập đơn giản dưới đây để bắt đầu nâng cao khả năng tư duy phản biện nhé:
 
Hãy suy nghĩ về một điều mà ai đó vừa nói với bạn cách đây không lâu. Sau đó đặt ra cho bản thân những câu hỏi sau:
  • Who - Ai là người nói với bạn? Đó có phải là một người mà bạn thân quen không? Đó có phải là người ở một vị trí xã hội cao hơn (có chức vụ, có tiền…) không? Việc ai nói với bạn có quan trọng trong trường hợp này không?
  • What - Người đó nói với bạn điều gì? Họ đưa ra một ý kiến cá nhân, hay cung cấp một tin tức, sự kiện thực tế?
  • Where - Người đó nói với bạn ở đâu? Họ nói với bạn khi ở nơi công cộng hay nơi riêng tư? Những người xung quanh có thể nghe thấy hay tham gia vào cuộc trò chuyện của hai bạn không?
  • When - Người đó nói với bạn vào thời điểm nào? Có phải đó là trước khi, trong khi hay sau khi một sự kiện quan trọng diễn ra hay không? Liệu thời gian có quan trọng trong trường hợp này không?
  • Why - Vì sao người đó lại nói với bạn? Có phải họ đang giải thích lý do đằng sau suy nghĩ hay lập luận của mình? Có phải vì họ đang cố gắng khen ngợi hay chê bai một người khác?
  • How - Người đó nói như thế nào? Họ có cảm thấy vui vẻ, buồn bã, tức giận khi nói điều này với bạn không? Họ nói với bạn trực tiếp hay gián tiếp (nhắn tin, gọi điện…)? Bạn có hiểu được thông tin mà họ muốn truyền tải không?
KỸ NĂNG TƯ DUY PHẢN BIỆN TRONG TƯƠNG LAI
 
Để phát triển sự nghiệp, không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy rõ ràng về những gì mà bạn cần học và làm. Liệu bạn có nên đi học một khóa về lập trình? Đầu tư thời gian vào một lớp dạy marketing trên mạng xã hội? Tham gia vào lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp? Bạn nên làm gì để có thể nâng cao hiệu quả trong công việc hiện tại hay thăng tiến tới chức vụ mà bạn mong muốn?
 
Báo cáo về "Tương lai của các ngành nghề" đưa ra bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giưới vào tháng 1 năm 2016 có thể là câu trả lời cho bạn. Họ đã khảo sát 350 chuyên viên thuộc 9 ngành nghề khác nhau, trên 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm dự đoán cách mà những tiến bộ về công nghệ sẽ thay đổi thị trường việc làm. Trong Báo cáo có đoạn:
 
“Thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 bao gồm sự phát triển của các ngành mà trước đây mang tính riêng biệt như Trí tuệ nhân tạo (A.I) và Học máy (Machine Learning), Robotics, Công nghệ Nano (Nanotechnology), Kỹ thuật in 3D (3D printing), Công nghệ Gen và Công nghệ sinh học. Điều này sẽ gây ra một sự xáo trộn lớn không chỉ đối với các mô hình doanh nghiệp mà còn đối với thị trường việc làm trong vòng 5 năm tới, với những sự thay đổi lớn về các kỹ năng cần thiết để có thể trở nên nổi bật trong thời đại mới này.”
 
 
Top 10 kỹ năng cần thiết cho 2020 bao gồm:
 
1. Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp
 
2. Kỹ năng tư duy phản biện
 
3. Kỹ năng sáng tạo
 
4. Kỹ năng quản lý con người
 
5. Kỹ năng phối hợp với người khác
 
6. Trí thông minh cảm xúc (EQ)
 
7. Kỹ năng đánh giá và ra quyết định
 
8. Kỹ năng định hướng dịch vụ
 
9. Kỹ năng đàm phán, thương lượng
 
10. Kỹ năng nhận thức linh hoạt 
 
Như bạn có thể thấy, kỹ năng tư duy phản biện đứng thứ hai trong số 10 kỹ năng cần thiết nhất trong công việc cho tới năm 2020 (tăng lên 2 bậc so với năm 2015), và luôn nằm trong top những kỹ năng quan trọng nhất dành cho học sinh trong thế kỷ 21.
 
Vì vậy hãy bắt đầu rèn luyện kỹ năng này ngay từ hôm nay để chuẩn bị cho tương lai nhé!
Số lượt đọc: 607 -