5 CÁCH ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI SỰ TRÌ HOÃN TRONG CÔNG VIỆC
Ngày đăng tin: 17/03/2021 22:33
Bây giờ là chiều thứ 6 và đồng hồ đang kêu tích tắc từng phút một. Bạn cuống cuồng làm việc để nộp bài đúng hạn vào lúc 5 giờ, trong khi thầm trách móc bản thân vì không bắt đầu làm việc sớm hơn. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tại sao lần nào cũng vậy? Bạn cứ lần lữa công việc từ ngày ngày qua ngày khác để rồi căng thẳng làm việc vào những phút cuối cùng. Tất cả đều bắt nguồn từ thói quen trì hoãn trong công việc.
TRÌ HOÃN - THÓI QUEN KHÓ BỎ?
Nếu nhìn lại quá khứ, bạn sẽ nhận thấy có không ít lần mình ở trong những hoàn cảnh như trên. Kết cục luôn là: bạn rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ, hoàn thành công việc không đúng khả năng của mình hoặc hoàn thành việc trễ hạn. Và bạn tự hỏi trong suốt thời gian được giao việc, bạn đã làm gì? Chính xác thì bạn đã làm tất cả mọi thứ ngoại trừ chính việc được giao. Sẽ có những lúc bạn dành hàng giờ đọc đi đọc lại các email, lướt mạng xã hội, đi chơi với bạn bè nhiều lần, lên kế hoạch những việc cần làm, học những môn học khác, đọc sách và làm những việc mà bạn có thể để dành thực hiện trong tuần sau hay thậm chí tháng sau. Bạn có thời gian cho mọi thứ, ngoại trừ chính việc cấp thiết nhất lúc đó.
Nhưng bạn không cô đơn, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự trì hoãn. Mặc dù chúng ta nhận thức được rằng mình đang trì hoãn, chúng ta vẫn làm những việc không nên làm. Bạn sẽ lẩm bẩm trong miệng: “Mình nên bắt đầu làm việc thôi!”; “Mình sẽ ôn thi vào ngày hôm nay nếu không thì không kịp mất!”.... trong khi đang cầm điện thoại đọc báo, chơi game, lướt facebook, nói chuyện với bạn bè. Và tất nhiên, câu nói của bạn sẽ đi vào quên lãng ngay sau đó, khi bạn bị kích thích bởi những điều khác thú vị hơn.
Không chỉ đối với công việc, học tập, sự trì hoãn còn có thể ảnh hưởng tới các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Ví dụ như: Bạn thấy mình thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt nhưng lại trì hoãn không đi khám, rồi sau này mới biết rằng đó là triệu chứng của một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Bạn gặp mâu thuẫn với người khác, nhưng lại trì hoãn không giải quyết vấn đề để rồi dẫn tới rạn nứt mối quan hệ. Với những quyết định quan trọng trong cuộc đời, ví dụ như đi du học, ứng tuyển một vị trí công việc, xin học bổng, tham gia một cuộc thi, học thêm một bằng đại học nữa, thay đổi công việc, tổ chức đám cưới,... sự trì hoãn có thể để lại nhiều sự nuối tiếc, thất vọng. Sau tất cả, chúng ta luôn tự quay lại dằn vặt bản thân vì chính những hành động của mình. Khi thời hạn trôi đi, cơ hội vuột mất, chúng ta mới cảm thấy hối hận vì đã lãng phí quãng thời gian trước đó.
Giải pháp cho sự trì hoãn nghe thì có vẻ đơn giản: Bắt tay vào làm việc thôi. Tuy nhiên từ suy nghĩ tới hành động thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Và có một sự thật mà ít ai biết, đó là sự trì hoãn nằm ngay trong gene của mỗi chúng ta. Xu hướng trì hoãn có thể di truyền qua các thế hệ trong gia đình và khiến chúng ta gặp khó khăn khi điều chỉnh các hành vi của mình. Thậm chí, một nghiên cứu trên tạp chí tâm lý học đã đưa ra nhận xét rằng: Sự trì hoãn là một đặc điểm kéo dài suốt cả cuộc đời.
CHIẾN LƯỢC ĐẬP TAN SỰ TRÌ HOÃN CỦA BẠN
Sự trì hoãn có thể được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Đôi khi đơn giản chỉ là lựa chọn việc dễ dãi với bản thân thay vì kỷ luật. Đôi khi là hành động né tránh một điều gì đó mà chúng ta không thích. Cũng có lúc chúng ta rơi vào trạng thái tê liệt vì có quá nhiều việc phải làm và không biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, dù cho chúng ta thường xuyên trì hoãn tới mức nào thì vẫn luôn có những chiến lược hiệu quả để giúp chúng ta tập trung nhằm đạt được mục tiêu mong muốn.
Dưới đây là 5 lý do thường gặp mỗi khi chúng ta trì hoãn, cũng như cách đối phó với những lý do này để hoàn thành công việc một cách hiệu quả:
1. Chúng ta trì hoãn vì công việc còn nhiều thời gian để hoàn thành:
Nếu như trước mặt chúng ta là một em bé đang khóc, một chiếc điện thoại đang kêu hay một công việc phải hoàn thành trong nửa tiếng sau, thì chúng ta sẽ ngay lập tức chú ý tới và đặt những việc này lên ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên thật khó để ưu tiên một công việc không mang tính cấp bách như vậy. Từ việc dọn dẹp căn phòng ngủ, hay tiết kiệm tiền cho việc nghỉ hưu, hay học một môn học mà tới 1 tháng sau mới thi, chúng ta không có động lực và lý do để thực hiện ngay lúc này. Kết quả là, những công việc dù lớn hay nhỏ đều bị chúng ta bỏ qua cho tới khi buộc phải thực hiện: phòng ngủ quá bẩn, chúng ta sắp nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, hoặc môn học chỉ còn hai ngày nữa là thi.
Nếu xét về mặt tiến hóa, xu hướng trì hoãn trên thực ra mang lại một phần lợi ích cho con người. Con người được lập trình để cân nhắc các nhu cầu của bản thân ở hiện tại nhiều hơn các nhu cầu trong tương lai. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì hiện tại chính là những gì chúng ta đang đối diện, tất nhiên chúng ta sẽ dành nhiều sự chú ý đến nó hơn. Giải pháp cho vấn đề này, theo một nghiên cứu trên tạp chí tâm lý học, là cố gắng tìm kiếm bức tranh toàn cảnh thay vì chỉ nhìn được một phần nhỏ của vấn đề. Ngay cả đối với những việc làm thường ngày, mở rộng tầm nhìn của mình và bạn sẽ thấy có nhiều khía cạnh mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.
Ví dụ, bạn sắp có một kỳ thi quan trọng nhưng 1 tháng sau mới diễn ra. Bức tranh toàn cảnh ở đây là gì: Vi sao kỳ thi đó lại quan trọng? Bạn muốn đạt được thành tích như thế nào trong kỳ thi? Bạn cần phải học khối lượng kiến thức như thế nào? Bạn cần bao nhiêu thời gian để có thể học và tự tin đi thi? Động lực, mục tiêu xa hơn của bạn là gì? Nếu bạn không bắt đầu ngay bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra? ….
Mở rộng tầm nhìn của bản thân về nhu cầu trong tương lai sẽ thúc đẩy bạn bắt tay vào hành động ở hiện tại. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu của nỗ lực chống lại sự trì hoãn. Khi bạn đã có mong muốn hành động, bạn sẽ cần phải đấu tranh với một lý do trì hoãn khác, đó là…
2. Chúng ta trì hoãn vì không biết phải bắt đầu từ đâu, hay không biết điều gì có thể xảy ra.
Thông thường, chúng ta bắt gặp bản thân trì hoãn đơn giản vì không biết phải làm gì.
- Ví dụ, bạn muốn học một ngôn ngữ mới, nhưng bạn không biết các tài liệu cần thiết để học dù rằng có vô số tài liệu bên ngoài; bạn không rõ mình nên học như thế nào để hiệu quả; bạn bị choáng ngợp trước quá nhiều thông tin về các trung tâm, lớp ngoại ngữ và gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Cuối cùng, bạn cảm thấy quá tải, bối rối, mọi thứ dường như không theo trật tự nào cả. Và bạn trì hoãn việc bắt đầu, dù có thể bạn rất muốn được bắt đầu.
- Một ví dụ thường gặp hơn, có thể là khi bạn ôn thi học kỳ cho một môn học nào đó. Đây là một môn rất khó nhưng bạn đã lơ đãng trong cả học kỳ vừa rồi. Lượng kiến thức cần phải ôn tập thì khổng lồ nhưng chỉ cần giở sách ra là bạn đã thấy hoa mắt vì không hiểu gì cả, không biết bắt đầu từ đâu. Và cho dù bạn rất muốn học, nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy mình đang lướt điện thoại hay xem phim, còn cuốn sách thì được gập lại bên cạnh và bị quên lãng từ bao giờ.
Xu hướng trì hoãn này thực ra không phải là né tránh công việc, mà đúng hơn là né tránh cảm xúc tiêu cực đến từ việc mất phương hướng, bởi không ai trong chúng ta muốn cảm thấy mình kém cỏi hay ngốc nghếch.
Bạn cần biết rằng việc cảm thấy choáng ngợp hay kém cỏi là điều hoàn toàn bình thường khi bắt đầu làm việc gì đó bạn chưa từng làm. Chính xác hơn, bạn phải bắt tay vào làm rồi mới biết hướng đi hoặc biết mình nên làm gì tiếp theo. Hãy thử từng bước một, bắt đầu từ những thứ dễ hiểu và đơn giản nhất, hoặc truyền động lực cho bạn nhất. Sau đó bạn sẽ thấy mọi thứ rõ ràng hơn để lên kế hoạch cho bản thân. Bạn có thể sẽ cần thử đi thử lại, làm theo nhiều cách khác nhau, nhưng một lần nữa, điều này là bình thường. Qua thời gian, bạn sẽ tìm thấy phương pháp làm việc hiệu quả với mình. Còn nếu cứ mãi không hành động, bạn cũng sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu mình mong muốn.
3. Chúng ta trì hoãn vì sợ sai
Cầu toàn là một đức tính tốt, vì không thể phủ nhận rằng việc đặt ra tiêu chuẩn cao sẽ dẫn tới chất lượng hoàn thành công việc tốt. Các ca sĩ nổi tiếng và thành công như Bruno Mars, Serena Williams hay Beyonce đều tự nhận mình là người cầu toàn. Tuy nhiên, đôi khi tiêu chuẩn quá cao lại xảy ra phản ứng ngược. Chính bởi tiêu chuẩn quá cao được đặt ra ngay từ ban đầu cho một công việc, quyết định hay dự án nào đó, mà chúng ta bỏ dở giữa chừng công việc/dự án vì cho rằng không có cách nào để đạt được các tiêu chuẩn này.
Sự cầu toàn và sự trì hoãn có liên quan tới nhau. Người cầu toàn thường đặt ra tiêu chuẩn cao và kỳ vọng vào bản thân mình, do vậy họ có niềm tin rằng kết quả công việc đồng nghĩa với lòng tự trọng của họ. Ví dụ: nếu họ không thể hoàn thành công việc một cách xuất sắc, họ sẽ tự cho rằng mình kém cỏi. Điều này có thể dẫn tới việc họ không làm hoặc trì hoãn những công việc/quyết định có nhiều rủi ro.
Nếu bạn cũng là người hay chần chừ ra quyết định vì sợ sai, thì nên nhớ rằng việc “bạn là người như thế nào” rất khác so với việc “bạn đạt được điều gì”. Đừng tìm kiếm giải pháp hay quyết định hoàn hảo. Bạn có thể mắc sai lầm, nhưng điều đó không nói lên con người bạn, cũng không ảnh hưởng tới lòng tự trọng của bạn. Dù cầu toàn đến đâu, trong những tình huống cần thiết, bạn vẫn phải chấp nhận rủi ro và hành động.
4. Một số người trì hoãn vì họ làm việc tốt hơn dưới áp lực
Trong thời gian đi học, chúng ta có thể đã từng gặp những người bạn mà chỉ cần mất 1-2 ngày học bài trước khi thi nhưng vẫn có thể đạt được điểm số rất cao. Hoặc có những người “nước tới chân mới nhảy” nhưng vẫn có được kết quả làm việc vượt trội. Vì sao lại như vậy?
Có hai loại trì hoãn là bị động và chủ động. Trì hoãn theo cách bị động là dạng trì hoãn chúng ta thường biết tới. Ví dụ như đang học bài và bị mất tập trung bởi các tin nhắn bạn bè rủ đi chơi, từ đó trì hoãn việc học. Còn trì hoãn theo cách chủ động lại là một chiến thuật để làm việc hiệu quả. Đối với những trường hợp kể trên, thực ra họ đã trì hoãn một cách chủ động. Có những người trong chúng ta thực sự làm việc tốt hơn khi bị đặt dưới áp lực, bởi lúc đó họ sẽ tập trung tuyệt đối vào công việc để hoàn thành đúng thời hạn. Thậm chí trong một nghiên cứu vào năm 2017 tại Thụy Sĩ, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những người trì hoãn bị động có kết quả học tập kém, tuy nhiên những người trì hoãn chủ động lại có kết quả học tập tốt. Vậy nên, bài học ở đây là chúng ta cần hiểu bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy mình làm việc tốt khi bị đặt dưới nhiều áp lực, vậy thì có thể trì hoãn chủ động là cách làm việc phù hợp và hiệu quả với bạn.
5. Chúng ta trì hoãn đơn giản chỉ là vì không muốn làm
Những công việc phải làm thật buồn tẻ, thật khó khăn, và chúng ta chắc chắn sẽ tìm kiếm một hoạt động khác thú vị hay kích thích hơn. Điều này là khó tránh khỏi. Thật sự có những việc mà không ai muốn làm, ví dụ như dọn phòng, làm việc nhà, làm bài tập về nhà, hay những công việc lặp đi lặp lại ở chỗ làm hàng ngày... Vậy phải giải quyết thế nào trong trường hợp này?
Một nghiên cứu được thực hiện tại Châu Âu có thể đã tìm ra cách giải quyết cho vấn đề trên. Nghiên cứu này cho thấy có rất nhiều sinh viên trì hoãn việc học đơn giản chỉ vì họ có những hoạt động khác thú vị hơn. Trong tâm trí họ, việc học cũng quan trọng đấy, nhưng không phải là bây giờ, không phải ngay lúc này. Vậy trong trường hợp này, nếu bạn không muốn lãng phí thời gian, hãy tự thương lượng với bản thân rằng sau khi hoàn thành công việc bạn sẽ nhận được phần thưởng nào. Ví dụ như sau khi dành ra 2 tiếng để học Tiếng Anh, bạn sẽ tự thưởng cho bản thân nửa tiếng xem phim. Và nếu như bạn có lỡ dành quá nhiều thời gian cho những thú vui khác trước đó, thì đừng trách móc bản thân mà hãy bắt tay vào hoàn thành công việc ngay bây giờ để bù lại số thời gian đã mất nhé.
Tóm lại: Nếu bạn muốn kiểm soát sự trì hoãn của mình, hãy cố gắng tìm ra bức tranh toàn cảnh, hiểu rằng việc cảm thấy bối rối hay choáng ngợp khi bắt đầu công việc là chuyện bình thường, luôn nhớ rằng lòng tự trọng và con người bạn không được quyết định đơn thuần bởi kết quả công việc, và quan trọng hơn hết, là hiểu bản thân mình cũng như phong cách làm việc của mình nhé!