BẠN SỞ HỮU LOẠI TRÍ THÔNG MINH NÀO?
Ngày đăng tin: 21/03/2021 14:56
Nhiều người vẫn giữ một niềm tin sai lệch khi cho rằng thành công hay năng lực được quyết định bởi IQ - còn gọi là trí Thông minh Logic. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh rằng các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng tới sự thành công của cá nhân, và IQ không phải là loại trí thông minh duy nhất. Trên thực tế, mỗi người đều sở hữu một vài loại trí thông minh bẩm sinh, và sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công nếu chúng ta biết cách phát triển những trí thông minh này một cách phù hợp.
“Tất cả mọi người đều là thiên tài.
Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó, thì con cá sẽ sống cả đời tin rằng nó ngu ngốc”.
ĐA TRÍ THÔNG MINH LÀ GÌ?
Giáo sư Howard Gardner đến từ Đại học Harvard là người đầu tiên đưa ra học thuyết Đa trí thông minh (Multiple Intelligences) trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Frames of Mind” (1983). Ông cảm thấy bất bình khi tất cả mọi người đều đánh giá quá cao trí thông minh logic - IQ. Họ tin rằng một người sẽ đạt được mức độ phát triển cao nhất của tư duy khi sở hữu chỉ số IQ cao và có thể trở thành một nhà khoa học. Điều này thực sự giới hạn khả năng của một số người bởi họ không khớp với tiêu chuẩn thành công này. Bên cạnh đó, Gardner cảm thấy ngạc nhiên khi các yếu tố liên quan tới nghệ thuật hoàn toàn bị bỏ qua và xem nhẹ. Ông cũng nhận thấy người sở hữu chỉ số IQ cao được cho là ‘thông minh’ (intelligent), còn những người có tài năng nghệ thuật hay các tài năng khác lại được coi là ‘có năng khiếu’ (talent).
Không hài lòng với sự phân biệt trên, Gardner đã nghiên cứu và phát triển học thuyết của mình, từ đó đưa ra 7 loại hình trí thông minh khác nhau. Ông cho rằng các trí thông minh không hoạt động độc lập mà có sự kết hợp, và tất cả chúng ta đều có ưu thế ở không chỉ một mà là một vài loại trí thông minh nhất định. Gardner cũng nhấn mạnh các yếu tố như di truyền, môi trường và văn hóa sẽ quyết định cách thức mà các loại trí thông minh này kết hợp với nhau, cũng như cách phát triển các trí thông minh tới mức độ cao nhất. Sau này, học thuyết của Gardner tiếp tục được nghiên cứu thêm và mở rộng, cho tới nay đã có tổng cộng 9 loại trí thông minh.
BẠN SỞ HỮU LOẠI TRÍ THÔNG MINH BẨM SINH NÀO?
1. Trí thông minh Ngôn ngữ (Linguistic Intelligence - ‘Word Smart’):
- Đặc điểm: Đây là khả năng suy nghĩ bằng từ vựng và sử dụng ngôn ngữ (nói hoặc viết) một cách đa dạng, linh hoạt để bày tỏ, biểu lộ các ý tưởng, thông điệp với ý nghĩa phức tạp.
- Có thế mạnh về: Đọc; Viết; Kể chuyện; Ghi nhớ; Suy nghĩ bằng ngôn từ; Chơi chữ.
- Học tập tốt nhất qua việc Đọc, Nghe giảng và Nhìn từ ngữ, Nói, Viết, Thảo luận và Phản biện.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Biên tập viên; Phiên dịch viên; Nhà diễn thuyết; Chính trị gia; Giảng viên/Giáo viên; Nhà báo; Phóng viên; Nhà văn/thơ; Diễn viên; Nhà sử học...
2. Trí thông minh Logic - Toán học (Logical-Mathematical Intelligence - ‘Number/Reasoning Smart’)
- Đặc điểm: Bạn cảm thấy mình bị hấp dẫn bởi các vấn đề toán học, hoặc các trò chơi chiến thuật hay các thí nghiệm? Nếu vậy thì có thể bạn sở hữu trí thông minh logic - toán học - khả năng thực hiện các phép tính toán, ước lượng, cân nhắc các khả năng và giả thuyết, cũng như tư duy logic. Đây cũng là trí thông minh gắn liền với cách nhìn nhận truyền thống về IQ nói chung, thường xuất hiện trong các ngành nghề được xã hội tôn trọng như: nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo sư, bác sĩ, luật sư, dược sĩ…
- Có thế mạnh về: Toán học; Tư duy logic; Lập luận; Giải quyết vấn đề; Nghiên cứu; Thí nghiệm.
- Học tập tốt nhất khi nhận diện các khuôn mẫu và mối quan hệ, mối liên hệ, phân loại và tổ chức thông tin, làm việc với các vấn đề trừu tượng.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Kế toán/Kiểm toán viên; Nhà phân tích hệ thống; Lập trình viên; Nhà kinh tế học; Kỹ sư; Luật sư; Nhà toán học; Dược sĩ; Nhà vật lý học; Bác sĩ; Nhà nghiên cứu; Nhà thống kê, Thám tử...
3. Trí thông minh Nội tâm (Intrapersonal Intelligence - ‘Self-smart’):
- Đặc điểm: Đây là năng lực của bạn trong việc tự thấu hiểu bản thân, nhận thức một cách rõ ràng những suy nghĩ, cảm nhận, đặc điểm của mình và sử dụng những kiến thức này để lên kế hoạch và định hướng cho cuộc đời. Sự tự nhận thức là một kỹ năng quan trọng với tất cả mọi người, tuy nhiên người sở hữu trí thông minh nội tâm có khả năng tự nhiên trong việc kết nối với cảm xúc và những trải nghiệm bên trong của họ.
- Có thế mạnh về: Hiểu bản thân (tự nhận thức); Nhận ra các thế mạnh, ưu điểm và nhược điểm; Đặt mục tiêu; Làm việc độc lập; Theo đuổi sở thích cá nhân.
- Học tập tốt nhất khi làm việc một mình, thực hiện các dự án cá nhân, được tự chủ về mặt thời gian, có không gian riêng tư.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Nhà tâm lý học; Nhà triết học; Nhà văn; Nhà thần học; Nhà tư vấn nghề nghiệp; Nhà cố vấn; Nhà tội phạm học; Nhà khởi nghiệp…
4. Trí thông minh Thiên nhiên (Naturalist Intelligence - “Nature Smart”)
- Đặc điểm: Đây là khả năng phân biệt, phân loại các sinh vật sống trong tự nhiên (cây cối, động vật, côn trùng) cũng như sự nhạy cảm đối với các yếu tố khác trong thế giới tự nhiên (mây, thời tiết, đất, đá…).
- Có thế mạnh về: Thấu hiểu thiên nhiên; Nhận biết và Phân loại các loài động vật và thực vật.
- Học tập tốt nhất khi làm việc trong môi trường thiên nhiên, khám phá các thế giới tự nhiên, học hỏi về cây cối, động vật và các hiện tượng thiên nhiên.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Phi hành gia; Nhà sinh vật học; Nhà động vật học; Nhà bảo tồn thiên nhiên; Người làm vườn; Nhà nông nghiệp; Nhà huấn luyện động vật; Nhà địa chất học; Nhà sinh thái học; Bác sĩ thú y; Nhiếp ảnh gia thiên nhiên/động vật.
5. Trí thông minh Âm nhạc (Musical Intelligence - ‘Music Smart’)
- Đặc điểm: Đây là khả năng nhận ra các âm điệu, nhịp phách, thanh sắc, âm vực, cao độ và tông của âm thanh. Khả năng này cho phép bạn sáng tạo, sản xuất và cảm nhận âm nhạc, âm thanh.
- Có thế mạnh về: Ca hát hoặc Chơi nhạc cụ; Cảm nhận âm thanh; Ghi nhớ nhịp điệu, giai điệu.
- Học tập tốt nhất qua các nhịp điệu, giai điệu, lời hát, nghe nhạc.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Nhà thính học; Nhạc trưởng; Nhà soạn nhạc; Nhà phê bình âm nhạc; Nhà sản xuất âm nhạc; Nhà trị liệu âm thanh; Nhà sáng tác; Ca sĩ; Nhà trị liệu ngôn ngữ; Nhạc sĩ; Giảng viên thanh nhạc...
6. Trí thông minh Tương tác (Interpersonal Intelligence - ‘People Smart’)
- Đặc điểm: Đây là khả năng bao gồm sự giao tiếp hiệu quả bằng ngôn từ hoặc phi ngôn từ, khả năng chú ý tới sự khác biệt giữa những cá nhân khác nhau, và sự nhạy cảm đối với cảm xúc và thái độ của những người xung quanh.
- Có thế mạnh về: Thấu hiểu những người xung quanh; Giao tiếp; Tổ chức; Lãnh đạo; Giải quyết mâu thuẫn.
- Học tập tốt nhất qua việc chia sẻ, thảo luận, hợp tác, kết nối, phỏng vấn.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Nhà ngoại giao; Nhà lãnh đạo; Nhà quản lý; Luật sư; Thư ký; Nhân viên công tác xã hội; Nhân viên bán hàng; Lễ tân; Nhà tham vấn tâm lý; Nhân viên chăm sóc trẻ em; Huấn luyện viên…
7. Trí thông minh Vận động (Bodily-Kinesthetic Intelligence - ‘Body Smart’)
- Đặc điểm: Đây là khả năng điều khiển, sử dụng đồ vật và kết hợp nhiều kỹ thuật vận động khác nhau của cơ thể. Khi một cầu thủ bóng đá thể hiện một cú sút bóng ngoạn mục hay một diễn viên múa biểu diễn một cách nhẹ nhàng động tác nhào lộn, thì có thể nói rằng họ sở hữu loại trí thông minh này. Họ có thể không có khả năng xác định được tính chất vật lý, toán học trong những hành động của mình, nhưng sự điều phối mang tính bẩm sinh giữa não bộ và cơ thể của họ đã thay thế các khả năng trên.
- Có thế mạnh về: Các hoạt động thể chất; Nhảy múa; Biểu diễn; Sử dụng dụng cụ; Chơi thể thao.
- Học tập tốt nhất qua việc thực hành, di chuyển, ghi nhớ kiến thức thông qua các chuyển động của cơ thể.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Vận động viên; Diễn viên múa; Thợ cơ khí; Diễn viên; Thợ thủ công; Thợ mộc; Thợ xây dựng; Lính cứu hỏa; Nhà trị liệu vận động; Cảnh sát biệt động; Y tá - Điều dưỡng,...
8. Trí thông minh Không gian (Spatial Intelligence - ‘Picture Smart’)
- Đặc điểm: Đây là khả năng suy nghĩ trong không gian ba chiều, bao gồm khả năng tưởng tượng hình ảnh, khả năng lập luận trong không gian, điều khiển hình ảnh, các kỹ thuật đồ họa, nghệ thuật, và trí tưởng tượng phong phú.
- Có thế mạnh về: Đọc; Nhớ bản đồ, biểu đồ; Vẽ; Tưởng tượng; Thiết kế, Tư duy hình ảnh.
- Học tập tốt nhất qua các hình ảnh và màu sắc, vẽ, hình dung, tưởng tượng.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Họa sĩ; Kiến trúc sư; Nhà thiết kế đồ họa; Kỹ sư; Nhà thiết kế thời trang; Nhà thiết kế nội thất; Nhiếp ảnh gia; Phi công; Thợ điêu khắc; Nhà lên kế hoạch chiến lược; Nhân viên địa trắc; Lái xe tải; Nhà thiết kế đô thị…
9. Trí thông minh Triết học (Existential Intelligence - ‘Spirit Smart’)
- Đặc điểm: Đây là loại trí thông minh không xuất hiện trong công trình ban đầu của Gardner mà mới được bổ sung gần đây. Trí thông minh này là khả năng nhạy cảm, nhận thức và trả lời các câu hỏi sâu sắc về sự tồn tại của con người, ví dụ như ý nghĩa của cuộc đời, vì sao chúng ta lại sinh ra, chết đi, cũng như cách mà con người đã phát triển cho tới ngày nay.
- Một số nghề nghiệp điển hình sử dụng trí thông minh này: Mục sư/Linh mục; Huấn luyện viên Yoga; Hướng dẫn viên thiền; Nhà triết học; Nhà thuyết gia...
ĐA TRÍ THÔNG MINH VÀ SỰ LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP
Thomas Armstrong, tác giả của cuốn sách “Multiple Intelligences in the Classroom” ("Đa trí thông minh trong lớp học") đã gợi ý rằng các học sinh có thể đưa ra các quyết định lựa chọn nghề nghiệp sáng suốt hơn thông qua việc hiểu loại trí thông minh bẩm sinh mà mình sở hữu. Việc sớm nhận thức được thế mạnh bẩm sinh của mình sẽ giúp học sinh có sự tự tin và sự tập trung để phát triển những trí thông minh này.
Theo Armstrong, thuyết Đa trí thông minh đã mô tả một cách bao quát cách thức mà những người trưởng thành theo đuổi sự nghiệp của họ trong cuộc sống. Do vậy điều này có thể giúp học sinh phát triển các mong muốn và khao khát liên quan tới nghề nghiệp khi được tiếp xúc, trò chuyện với những người trưởng thành làm việc trong các ngành nghề khác nhau, hoặc được tham quan nơi làm việc của các ngành nghề đó. Thay vì đơn thuần dựa vào loại hình trí thông minh mà học sinh đang sở hữu để ra quyết định về ngành nghề mà học sinh đó nên làm, người lớn có thể giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về thế giới nghề nghiệp qua các hoạt động trò chuyện, tham quan và trải nghiệm thực tế như trên. Từ đó, tự học sinh sẽ hình thành những góc nhìn riêng về nghề nghiệp mà chúng mong muốn thông qua cảm nhận của chúng (những gì chúng cảm thấy phù hợp - feels ‘right’, và những gì không phù hợp).
Các trí thông minh bẩm sinh sẽ khiến học sinh có xu hướng bị thu hút hơn ở các ngành nghề phù hợp với những loại trí thông minh mà chúng sở hữu. Do vậy, những trải nghiệm này sẽ giúp học sinh sớm có được nhận thức đúng đắn về thế giới nghề nghiệp và phát triển những sở thích nghề nghiệp tương ứng. Từ đó, học sinh có khả năng tự đưa ra những quyết định sáng suốt trong tương lai về việc lựa chọn ngành học, trường học và sự nghiệp mà chúng muốn theo đuổi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng một ngành nghề nhất định sẽ bao gồm các công việc, nhiệm vụ yêu cầu sử dụng một vài trí thông minh khác nhau, thậm chí cả những trí thông minh mà học sinh đó không có ưu thế. Do vậy bên cạnh việc phát triển những trí thông minh bẩm sinh sẵn có, việc học sinh cố gắng phát triển những trí thông minh còn lại để phục vụ cho nghề nghiệp mà mình mong muốn theo đuổi là điều cần thiết.