Sai sót trong công việc chịu trách nhiệm bằng cách nào?
Ngày đăng tin: 18/03/2024 20:45
Khi đi làm, chúng ta phải đối mặt với áp lực công việc, và sẽ càng đau đầu hơn khi đối diện với 2 từ “trách nhiệm”, càng nghĩ tới lại càng đau đầu hơn, thậm chí đã có không ít người vì quá mệt mỏi, áp lực với những trách nhiệm phải gánh vác trong công việc nên đã xin nghỉ luôn cho đỡ mệt, thoải mái đầu óc. Thông thường, khi để xảy ra sai sót trong công việc thì nhân viên phải chịu trách nhiệm, nhưng chung quy lại thì mình cũng chỉ là người đi làm công ăn lương, thì chịu trách nhiệm bằng cách nào?
Công việc nào cũng có áp lực & trách nhiệm
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng dù bạn làm ở bất kỳ công ty nào, quy mô ra sao, ngành nghề nào, lĩnh vực gì, cấp bậc cao hay thấp, thì cũng đều tồn tại những áp lực & trách nhiệm phải gánh vác trên vai. Có chăng chỉ khác nhau ở chỗ trách nhiệm nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, nặng nề, đau đầu tới mức độ nào thôi, chứ chắc chắn vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm với những đầu việc mà mình phụ trách.
Nếu hoàn thành công việc không tốt, trễ deadline, phát sinh lỗi, sai sót, khiến khách hàng phàn nàn, complain, khiếu nại, hoặc xảy ra thiệt hại trực tiếp cho công ty dưới bất kỳ hình thức nào, thì người phụ trách công việc đó sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đứng ngoài cuộc, đổ lỗi hoặc phớt lờ. Đây là điều bình thường, là quy luật mà bất kỳ ai khi đi làm đều cần phải hiểu nếu bạn muốn có một công việc để theo đuổi một cách nghiêm túc và lâu dài. Vậy khi để xảy ra sai sót trong công việc hoặc không hoàn thành đúng kế hoạch, thì nhân viên sẽ chịu trách nhiệm bằng cách nào?
Sai sót trong công việc chịu trách nhiệm bằng cách nào?
Khi sai sót hoặc mắc lỗi vi phạm trong công việc thì nhân viên phải chịu trách nhiệm, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của hậu quả, mà chúng ta sẽ có các hình thức chịu trách nhiệm khác nhau. Nếu sai sót hoặc vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, thì tất nhiên người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm ở mức cao nhất, bị buộc thôi việc, bồi thường các thiệt hại và các chế tài khác theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như tham nhũng, bòn rút tài sản giá trị lớn. Tuy nhiên, đây là trường hợp không quá phổ biến vì đa số mọi người đều muốn làm việc yên ổn bình thường, chứ cũng không có nhu cầu liều lĩnh tới nỗi phạm pháp, vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới danh dự, uy tín, và cũng liên đới tới những người thân xung quanh, mình đi làm kiếm tiền chứ không kiếm chuyện, đa số chúng ta sẽ không đủ lá gan để thực hiện các hành vi sai phạm nghiêm trọng. Vậy tiếp theo, hãy thử tìm hiểu theo chiều ngược lại, tức là bắt đầu từ những sai sót nhỏ và cách chịu trách nhiệm ở mức cơ bản trước.
Nếu sai sót ở mức nhẹ nhất, không gây thiệt hại hoặc thiệt hại không đáng kể, thì nhân viên có thể tự khắc phục bằng cách giải quyết những sự việc đang gặp phải, chẳng hạn như trễ deadline mà chưa xong việc, thì phải có trách nhiệm hoàn thành một cách nhanh chóng, chất lượng công việc mới đạt được 80% thì phải tự chịu trách nhiệm sao cho đạt được 100% như kỳ vọng. Đây là cách chịu trách nhiệm đơn giản và phổ biến nhất, mà hầu như chúng ta khi đi làm cũng đều đã từng trải qua, thậm chí nó bình thường như cơm bữa, có người ngày nào hoặc tuần nào cũng phải chịu trách nhiệm với những việc như thế, vì nó không quá nghiêm trọng nên cấp trên cũng sẽ chưa can thiệp vào, mà sẽ để nhân viên tự tìm cách xử lý, khắc phục. Nếu có những điều mà bạn đã nghĩ mãi nhưng không ra hướng khắc phục, chưa biết phải chịu trách nhiệm bằng cách nào, thì có thể tham khảo đồng nghiệp xung quanh, biết đâu mọi người sẽ có lời khuyên cho bạn, miễn sao bạn thật sự có thiện chí sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sai sót của mình là được.
Lỡ trách nhiệm vượt quá khả năng thì phải làm sao?
Bên cạnh đó, cũng có những sai sót ở mức nghiêm trọng hơn, nhiều khi vượt quá khả năng xử lý của nhân viên, tức là dù muốn khắc phục, muốn chịu trách nhiệm, nhưng nhân viên không thể đơn phương xử lý, mà cần sự hỗ trợ, phê duyệt hoặc quyết định từ cấp trên. Tuỳ từng công việc cụ thể sẽ có các trường hợp khác nhau, chẳng hạn như nhân viên kinh doanh khi khách hàng complain rằng chưa tư vấn kỹ về các chính sách sau khi mua hàng, khiến khách hiểu sai, và bây giờ đòi công ty phải áp dụng theo cách hiểu của khách, thì lúc này phải nhờ sự hỗ trợ từ cấp trên, nhưng tất nhiên những sai sót kiểu này sẽ không được hỗ trợ quá nhiều, tức là bạn phải hiểu rằng lâu lâu cấp trên mới hỗ trợ, chứ nếu bạn thường xuyên sai phạm, mắc phải sai sót như này thì khả năng cao rằng bạn sẽ phải kết thúc công việc này.
Ngoài ra, cũng có nhiều người quan ngại rằng lỡ mình vô tình để xảy ra sai sót, nhưng lại gây thiệt hại trực tiếp cho công ty, thì liệu công ty có trừ lương hoặc bắt nhân viên phải đền bù thiệt hại không? Đa số công ty sẽ không yêu cầu nhân viên phải đền bù thiệt hại khi họ biết rõ rằng bạn không cố ý, nhưng tất nhiên bạn phải chịu trách nhiệm bằng cách khác, chẳng hạn như bị đánh giá không tốt về năng lực, không được tăng lương, không được xét thăng tiến, chỉ được làm những việc đơn giản, bình thường không được giao cho những công việc quan trọng trong tương lai, cho tới khi nào bạn ổn hơn, cứng hơn, thì sếp mới dám giao lại việc khó hơn cho bạn.
Làm sao để giảm rủi ro phải chịu trách nhiệm quá nhiều?
Khi thường xuyên để xảy ra sai sót rồi lại phải tìm cách khắc phục, chịu trách nhiệm, thì bạn sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, nặng đầu, thậm chí có người còn chán nản, tiêu cực và nghĩ tới chuyện muốn xin nghỉ việc, nhất là khi phải đối mặt với những trách nhiệm ở mức nặng nề, vượt ngoài khả năng của mình. Vậy làm sao để giảm rủi ro, tránh để bản thân phải chịu trách nhiệm quá nhiều?
Không có cách nào hữu hiệu hơn việc bạn phải tập trung, nghiêm túc và hoàn thành các công việc một cách chỉn chu, chất lượng nhất có thể. Để hoàn thành tốt công việc, đúng deadline và hạn chế những sai sót, thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính bản thân bạn, phải làm việc có tâm, làm đàng hoàng, cẩn thận, chứ không được làm việc một cách qua loa, sơ sài, không đúng quy định, sai quy trình, bỏ qua các bước quan trọng, làm đại cho xong, vì chính những điều đó sẽ khiến bạn phải đối mặt với những sai sót, phải chịu trách nhiệm khá nhiều, và sẽ ngày càng mệt mỏi, nặng đầu, tiêu cực với công việc hơn. Song song đó, bạn cũng cần nâng cao năng lực bản thân, nhìn lại xem mình còn những điểm yếu nào, thiếu sót ở đâu, thì nhanh chóng tìm cách khắc phục để mình ngày càng vững vàng chuyên môn hơn, điều đó cũng giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn, hiệu quả hơn, hạn chế xả ra sai sót.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng sai sót trong công việc thì chịu trách nhiệm bằng cách nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!