Những lỗi khi nộp CV khiến bạn chắc chắn bị loại
Ngày đăng tin: 06/03/2024 09:17
Kiểm tra lỗi CV trước khi ứng tuyển đóng vai trò quan trọng nhưng lại thường bị ứng viên bỏ qua. Dù kinh nghiệm phong phú đến đâu nhưng CV lại không chính xác thì bạn vẫn sẽ mất đi cơ hội được tuyển dụng. Trong bài viết, Cevn sẽ chia sẻ những lỗi sai kinh điển khi nộp CV khiến ứng viên bị loại ngay và cách để "chữa cháy" khi đã gửi đi những CV gặp lỗi.
Những lỗi thường gặp khi nộp CV có thể khiến bạn bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Ứng viên nên lưu ý, sửa những lỗi sai này để tăng cơ hội thành công trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Nhà tuyển dụng không hồi âm CV vì ứng viên mắc những lỗi sai nghiêm trọng
Chuẩn bị và nộp CV là bước quan trọng nhất để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều ứng viên vẫn mắc phải những lỗi phổ biến khiến hồ sơ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Dưới đây là một số lỗi sai kinh điển khi nộp CV mà bạn cần tránh.
I. Những lỗi khi nộp CV khiến bạn chắc chắn bị loại
1. Công việc quá hấp dẫn, vội vàng gửi CV nhưng lại viết sai tên NTD
Thường khi tìm thấy một vị trí công việc hấp dẫn, ứng viên có xu hướng vui mừng, phấn khởi, chỉ muốn nhanh chóng gửi đi CV mà không kiểm tra kỹ lưỡng nội dung. Kết quả, mọi thứ đều ổn, trừ tên của nhà tuyển dụng... là sai.
Bạn biết không? Khi nhận được những email xin việc như thế này, đa phần nhà tuyển dụng sẽ cau mày khó chịu, ngay lập tức đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, CV sẽ bị loại ngay từ vòng sàng lọc hồ sơ. Vì vậy, để tránh mắc phải lỗi sơ đẳng này, hãy luôn dành một chút thời gian để kiểm tra kỹ lưỡng thông tin người nhận trước khi gửi đi CV hoặc thư xin việc nhé.
2. Viết sai tên vị trí ứng tuyển do copy từ công ty khác
Viết sai tên vị trí ứng tuyển có thể xuất phát từ sự nhầm lẫn hoặc do copy vị trí từ công ty khác nhưng lại quên sửa. Khi nhận về những CV như thế này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên không cọi trọng công việc, rải CV dạo và không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ứng tuyển.
Ở những vị trí cấp cao hơn, lỗi viết sai vị trí ứng tuyển bị xem là thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng. Kết quả, CV của bạn bị loại bỏ ngay mà không được NTD xem xét thêm.
3. Sử dụng đồ thị để mô tả kỹ năng
Tâm lý sử dụng đồ thị để mô tả kỹ năng có thể là do ứng viên mong muốn làm nổi bật những khả năng và thành tích của mình một cách trực quan, muốn CV tạo ấn tượng mạnh mẽ với NTD từ lần đầu tiên.
Nhưng bạn có biết, đôi khi đồ thị sẽ làm cho CV trở nên phức tạp và trừu tượng. Nhà tuyển dụng có thể gặp khó khăn trong việc đọc hiểu nếu thông tin được trình bày không rõ ràng. Đặc biệt, ở những ngành nghề đặc thù như luật, y tế, tài chính ngân hàng... việc sử dụng đồ thị để mô tả kỹ năng có thể không phù hợp và không được đánh giá cao.
4. File CV xin việc bị lỗi, không rõ ràng hoặc không mở được
Khi gửi CV qua email, ứng viên thường gặp lỗi kinh điển liên quan đến file đính kèm nhưng hầu như không phát hiện ra. Nguyên nhân chủ yếu là do kiểm tra CV không kỹ. Một số lỗi liên quan đến file đính kèm bao gồm:
CV không đúng định dạng: Nhà
tuyển dụng luôn kỳ vọng ứng viên gửi CV dưới định dạng PDF, sử dụng file Word hoặc các định dạng khác có thể khiến CV bị lỗi font chữ và không thể mở file.
Dung lượng file CV quá lớn: CV có kích thước quá lớn không chỉ khiến quá trình gửi email trở nên khó khăn mà còn gây ra sự phiền toái cho nhà tuyển dụng, vì phải mất nhiều thời gian để chờ tải xuống. Vì thế, bạn chỉ nên để dung lượng tối đa từ 1-2 MB thôi nhé.
Lưu tên File CV không rõ ràng: Khi đặt tên file CV
ứng tuyển, nhiều
ứng viên mắc sai lầm nghiêm trọng vì chỉ đặt tên chung chung, đặt mỗi tên ứng viên hay thậm chí là đặt tên file CV là tên người nhận. Những file không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho NTD trong việc lọc và tìm hồ sơ. Bạn hãy nhớ cấu trúc chuẩn đặt tên file CV là: "CV_Họ tên ứng viên_Vị trí ứng tuyển". Ví dụ: CV _Nguyễn Vân Anh_Chuyên viên Marketing.
5. CV bị lỗi về bố cục, màu sắc
Khi sử dụng các công cụ thiết kế CV online, việc lạm dụng hoạ tiết màu mè hay font chữ cách điệu sẽ khiến CV trở nên khó đọc và thiếu chuyên nghiệp. Nhà tuyển dụng có thể bị phân tâm bởi các yếu tố trang trí không cần thiết.
Trường hợp sử dụng font chữ không phổ thông, khi
nhà tuyển dụng tải CV của bạn về máy, khả năng bị lỗi bố cục, lỗi font là rất cao. Hệ thống ATS cũng không thể đọc được những thông tin này, kết quả là CV bị loại ngay từ giai đoạn đầu tiên.
Vì vậy, để tránh những lỗi về bố cục, màu sắc, bạn hãy lựa chọn những công cụ tạo CV chuyên nghiệp như Cevn, đảm bảo CV tương thích với hệ thống ATS và dễ dàng in ấn.
6. Chính tả và ngữ pháp rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua
Lỗi chính tả và ngữ pháp trong CV có thể dẫn đến hiểu nhầm về ý nghĩa của câu hoặc cụm từ, làm mất đi sự rõ ràng của thông tin. Đặc biệt, với những ngành nghề đòi hỏi phải soạn thảo văn bản thường xuyên, một CV chứa nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp có thể bị loại trừ ngay từ vòng sơ tuyển.
Phải làm sao khi phát hiện lỗi sai trong CV đã gửi?
II. Cách khắc phục khi đã nộp CV có lỗi
Gửi lại CV ứng tuyển và đừng chỉ ra lỗi sai cụ thể
Kịp thời gửi lại CV sẽ giúp ứng viên tăng cơ hội được lựa chọn. Nhưng thay vì chỉ ra lỗi ngữ pháp, chính tả, viết sai tên vị trí ứng tuyển... bạn hãy nói đây là bản CV cập nhật cho bản CV vừa gửi. Cách này vừa giúp bạn cứu nguy lại vừa thể hiện sự thông minh, khéo léo của mình.
Ví dụ:
Tiêu đề email: Cập nhật CV - [Họ và tên ứng viên] - Vị trí ứng tuyển
Kính gửi: Phòng Nhân sự Công ty [Tên công ty]
Tôi tên là [Họ và tên của bạn], ứng viên đã gửi hồ sơ ứng tuyển cho vị trí [Tên vị trí ứng tuyển] vào ngày [ngày gửi CV trước đó].
Tôi xin gửi email này để cập nhật bản CV mới nhất của mình. Bản này đã được điều chỉnh và bổ sung, hy vọng sẽ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu công việc tại công ty.
Anh/chị có thể xem chi tiết CV trong file đính kèm. Mong sớm nhận được phản hồi từ phía công ty.
Trân trọng,
[Họ và tên của bạn]
Rút kinh nghiệm từ sai lầm trong CV
Mắc lỗi khi viết CV là điều không thể tránh khỏi, những sai lầm này không phải lúc nào cũng được nhà tuyển dụng bỏ qua. Vì vậy, thừa nhận và đối diện với lỗi sai là điều cực kỳ quan trọng.
Ở những lần tới, khi hoàn tất hồ sơ xin việc, bạn hãy kiểm tra kỹ lưỡng và có thể nhờ người khác đọc và nhận xét trước khi gửi cho nhà tuyển dụng. Vì ý kiến của người thứ ba thường sẽ khách quan hơn.
Nhìn chung, việc mắc phải các lỗi khi viết CV không phải là điều hiếm gặp, nhưng cũng không phải là vấn đề không thể giải quyết được. Chỉ cần cẩn thận và tỉ mỉ, bạn có thể tạo ra một bản CV hoàn hảo, tăng cơ hội thành công trong quá trình tìm kiếm việc làm.