• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

107076
Tổng số truy cập:107076
Khách đang online: 256
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bao pass
Ngày đăng tin: 01/03/2024 16:29

Tâm lý chung của ứng viên khi đi phỏng vấn đều là lo lắng, căng thẳng vì không biết nhà tuyển dụng sẽ hỏi những gì, cách trả lời phỏng vấn thế nào, liệu mình có làm tốt hay không. Vô hình trung, những suy nghĩ tự ti ấy sẽ phá hỏng buổi phỏng vấn. Dưới đây là danh sách câu hỏi tình huống thường gặp dành cho mọi ngành nghề, bạn hãy tham khảo để biết cách trả lời phỏng vấn ghi điểm nhé!

Câu hỏi tình huống trong phỏng vấn xin việc không phải để đánh đố ứng viên, mà là cách nhà tuyển dụng đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, cách ứng viên áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình vào môi trường làm việc thực tế. Vậy trả lời câu hỏi tình huống sao cho ấn tượng?
 

Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng
 
Thiếu kinh nghiệm, vừa mới tốt nghiệp, hoàn toàn chưa đi làm ở môi trường chuyên nghiệp là yếu điểm của tất cả ứng viên - ai cũng phải trải qua. Bị "run" do thiếu tự tin, trả lời "thiếu trước hụt sau", không đúng trọng tâm các câu hỏi phỏng vấn hoặc phản ứng chậm với các câu hỏi tình huống là tình trạng thường gặp. Đừng vội lo lắng, các hướng dẫn cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm một cách chuyên nghiệp sau đây sẽ giúp bạn tự tin và thể hiện hoàn hảo hơn!
 
1. Danh sách câu hỏi tình huống phổ biến và cách trả lời ghi điểm
 
Câu hỏi 1: Bạn hãy giới thiệu bản thân và chia sẻ về những kỹ năng của mình
 
Đối với câu hỏi này, bạn có thể bắt đầu bằng một lời chào ngắn gọn và cung cấp các thông tin cơ bản như họ tên, quê quán. Tiếp đến, hãy chia sẻ cho nhà tuyển dụng về trường đại học/cao đẳng mà bạn đã theo học, những kỹ năng bạn đã tích lũy được, các thành tích hoặc kinh nghiệm có liên quan, đi kèm với số liệu hoặc dữ liệu cụ thể để minh chứng (nên ưu tiên những thông tin chưa có trong CV).
 
Ví dụ: Tôi là Trang, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Marketing. Với kinh nghiệm 2 năm làm việc tại công ty ABC, tôi đã phát triển kỹ năng quản lý dự án, phân tích dữ liệu và tạo ra chiến lược tiếp thị hiệu quả. Trong dự án X, tôi đã đạt được tăng trưởng doanh số bán hàng 20% trong vòng 6 tháng. Tôi mong muốn áp dụng những kỹ năng tích lũy được đóng góp vào sự phát triển của công ty.
 
Câu hỏi 2: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? Bạn đã có kế hoạch để đạt được nó chưa?
 
Khi trả lời câu hỏi này, bạn hãy trình bày định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể, cho nhà tuyển dụng thấy được kế hoạch trong ngắn hạn hoặc dài hạn để đạt được mục tiêu đó.
 
Ví dụ: Mục tiêu của tôi là trở thành một chuyên gia về Digital Marketing. Hiện tại, tôi đang theo học một khóa đào tạo về Marketing tại trung tâm XYZ, tham gia các dự án thực tế mà trung tâm tổ chức để tích lũy kinh nghiệm.
 
Câu hỏi 3: Lý do bạn nghỉ việc ở công ty cũ là gì?
 
Lý do nghỉ việc ở công ty cũ là câu hỏi tình huống đòi hỏi sự khéo léo trong cách trả lời. Thay vì nêu nguyên nhân, bạn hãy chuyển hướng sang kỹ năng và định hướng phát triển bản thân. Như vậy, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ rất hài lòng về bạn đấy.
 
Câu hỏi 4: Đâu là điểm mạnh của bạn?
 
Khi trả lời câu hỏi này, đừng chỉ liệt kê các điểm mạnh một cách trừu tượng, bạn hãy đưa ra những thành tựu đã đạt được và minh chứng bằng ví dụ cụ thể nhé. Đừng quên nhấn mạnh các ưu điểm này sẽ góp phần tích cực vào công việc tại vị trí mà bạn ứng tuyển.
 
Chẳng hạn, nếu muốn nhấn mạnh vào kỹ năng quản lý thời gian. Thay vì nói "Điểm mạnh của tôi là quản lý thời gian tốt", bạn hãy nói: Khi tham gia dự án XYZ, tôi cũng hỗ trợ cho team ABC đẩy tiến độ cho các bài viết truyền thông giới thiệu sản phẩm, giúp cả 2 dự án diễn ra một cách suôn sẻ và đạt được mục tiêu đề ra.
 
Câu hỏi 5: Điểm yếu của bạn là gì? Cách để bạn cải thiện những điểm yếu đó
 
Với câu hỏi này, đừng nêu điểm yếu một cách trừu tượng, bạn hãy mô tả một trải nghiệm cụ thể liên quan đến điểm yếu của bản thân và bài học rút ra từ trải nghiệm đó.
 
Chẳng hạn, thay vì nói "Điểm yếu của tôi là dễ bị stress", bạn có thể nêu lên một trải nghiệm như sau: "Trong dự án ABC, tôi bị stress vì áp lực về KPI và deadline. Tuy nhiên, từ trải nghiệm đó, tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý thời gian, tạo ra các kế hoạch dự phòng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Hiện tại, tôi đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều và sẵn sàng nhận những dự án có deadline ngắn hạn.
 
Câu hỏi 6: Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
 
Thay vì chỉ trả lời bằng những thông tin chung chung, bạn có thể làm cho nhà tuyển dụng hài lòng bằng cách kể một câu chuyện ngắn khi tìm hiểu về công ty.
 
Câu hỏi 7: Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí X mà công ty chúng tôi đang tuyển dụng?
 
Rất nhiều ứng viên vì không chuẩn bị kỹ trước buổi phỏng vấn nên chỉ đưa ra được những lý do chung chung. Mẹo để làm câu trả lời phỏng vấn thêm độc đáo đó là kể một câu chuyện ngắn về hành trình của bản thân và việc tìm hiểu về vị trí công ty đang tuyển dụng.
Ví dụ: Khi đọc được bản tin tuyển dụng của công ty, tôi đã tìm hiểu và nhận thấy đây là cơ hội lý tưởng để phát triển sự nghiệp của mình. Ở công ty cũ, tôi đã có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí X và luôn cảm thấy hào hứng trong những dự án đảm nhiệm. Tôi tin rằng vị trí này sẽ giúp tôi phát triển tốt hơn cả về kỹ năng và chuyên môn.
 
Câu hỏi 8: Bạn đã có kinh nghiệm ở vị trí này chưa?
 
Thay vì trả lời "Có" hoặc "Không", bạn hãy đưa ra một câu trả lời chi tiết và tập trung vào những kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến công việc ứng tuyển.
Ví dụ: Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm ở vị trí này, nhưng tôi đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường tương tự. Hỗ trợ dự án ABC trong công ty cũ, thực hiện nhiệm vụ XYZ và được lãnh đạo công nhận, khen thưởng.
 
Câu hỏi 9: Bạn hãy đề xuất mức lương mong muốn
 
Deal lương sau phỏng vấn rất quan trọng, vì đây là quyền lợi mà bạn sẽ được hưởng nếu trúng tuyển. Trước hết, hãy tìm hiểu về mức lương trung bình của vị trí này trên thị trường là bao nhiêu. Có như vậy, bạn mới đưa ra được mức lương phù hợp với kinh nghiệm, khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một ứng viên có hiểu biết.
 
Câu hỏi 10: Nếu trúng tuyển, bạn dự định sẽ gắn bó với công ty trong bao lâu?
 
Có thể bạn chưa biết, đây chỉ là một câu hỏi "thử lòng" ứng viên của nhà tuyển dụng, bạn đừng để bị dính bẫy nhé. Bí kíp là tuyệt đối không đề cập đến một khoảng thời gian cụ thể, mà hãy trả lời khéo léo bằng cách thể hiện sự cam kết và mong muốn làm việc lâu dài.
 
Câu hỏi 11: Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?
 
Đừng nên áp lực quá nhiều với câu hỏi phỏng vấn này. Bạn hãy xem nó như một cơ hội để thể hiện sự quan tâm và tìm hiểu kỹ hơn về công ty mà mình muốn làm việc. Những câu hỏi như quy trình làm việc, người mà bạn sẽ làm việc trực tiếp hoặc văn hóa công ty sẽ là những chủ đề lý tưởng để bàn luận với nhà tuyển dụng.
 
Ví dụ, bạn có thể hỏi: Tôi rất quan tâm đến văn hóa làm việc của công ty. Anh/chị có thể chia sẻ thêm về các chương trình đào tạo và cơ hội thăng tiến tại công ty không?
 
2. Cách chuẩn bị phỏng vấn cho ứng viên có ít kinh nghiệm
 
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn mới ra trường hầu như đều sẽ chọn ứng tuyển các vị trí việc làm mà nhà tuyển dụng ghi rõ "không yêu cầu kinh nghiệm", "chấp nhận sinh viên mới ra trường",... Như vậy, dù bạn chưa có kinh nghiệm thì cũng không phải là điểm yếu quá lớn. Trước khi đi vào tìm hiểu cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn cần biết mình sẽ phải chuẩn bị những gì, nhất là về mặt tâm lý để có thể tự tin khoe điểm mạnh của mình và thuyết phục nhà tuyển dụng.
 
Một số bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn việc làm khi bạn chưa có kinh nghiệm:
 
- Tâm lý tự tin: Bạn và nhà tuyển dụng đều đang trao đổi ngang bằng xem có thể hợp tác hay không, vì vậy, bạn không cần quá căng thẳng. Hãy lên "dây cót" tinh thần cho mình trước nhé.
 
- Chuẩn bị thông tin: Có thông tin, bạn mới có nội dung để nói, để trả lời câu hỏi trong phỏng vấn. Đọc kỹ mô tả công việc (JD), tìm đọc thêm các thông tin nghề nghiệp liên quan, sau đó là thông tin công ty, quy mô, lĩnh vực kinh doanh, thành tích, thương hiệu,...
 
- Ôn lại kiến thức chuyên môn, kỹ năng: Bạn có thể được hỏi về kiến thức chuyên môn, yêu cầu làm bài test năng lực như ngoại ngữ chẳng hạn. Việc ôn lại kiến thức của mình sẽ giúp bạn tự tin hơn, không bối rối, lóng ngóng khi được yêu cầu.
 
- Liệt kê điểm mạnh, điểm yếu/ lợi thế, hạn chế của bạn so với các ứng viên đã có kinh nghiệm/ ứng viên khác: Bước này là để bạn biết mình nên tập trung vào thông tin nào là thế mạnh khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn.
 
- Tìm và tập trả lời câu hỏi phỏng vấn (theo vai trò, vị trí công việc): Chuẩn bị bằng cách thực hành sẽ giúp bạn tự tin khi gặp các câu hỏi phỏng vấn chung cũng như câu hỏi tình huống (nếu có), hỏi về chuyên môn trong phỏng vấn.
 
Bộ câu hỏi phỏng vấn các vị trí việc làm, ngành nghề như Câu hỏi phỏng vấn Kế toán, Câu hỏi phỏng vấn Chuyên viên nhân sự,... và tất cả các vai trò khác mà Cevn cung cấp sẽ là nguồn thông tin giúp bạn hình dung về việc nhà tuyển dụng sẽ hỏi những gì và cách trả lời ra sao cho hiệu quả, ấn tượng.
 
- Lựa chọn trang phục phỏng vấn phù hợp: Quá cầu kỳ trong trang phục phỏng vấn sẽ làm bạn áp lực hơn, còn quá sơ sài sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá rằng bạn không đủ chuyên nghiệp. Chuẩn bị trang phục phỏng vấn lịch sự, nhẹ nhàng, gọn gàng sẽ phù hợp nhất.
 
3. Hướng dẫn trả lời phỏng vấn khi chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc
 

Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn khéo léo để có cơ hội trúng tuyển cao
 
2.1. Lắng nghe và hiểu đúng câu hỏi
 
Nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác. Bạn cần tập trung để nghe và hiểu đúng câu hỏi. Lắng nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng đừng chủ quan, vì rất có thể bạn bất chợt mất tập trung dẫn đến nghe nhầm, trả lời sai hoặc phải hỏi lại. Khi đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá tiêu cực về thái độ của bạn.
 
2.2. Bình tĩnh suy nghĩ trước khi trả lời
 
Dù đã chuẩn bị, luyện tập trả lời câu hỏi phỏng vấn thì không có nghĩa là bạn sẽ "trúng tủ" 100%. Câu hỏi bạn được hỏi có thể khó hơn hoặc cần bạn tư duy dựa vào tình huống thực tế để trả lời. Giữ bình tĩnh, nghiêm túc suy nghĩ và chỉ trả lời khi đã sắp xếp các ý rõ ràng. Nếu bạn chưa nghĩ ra đáp án ngay lập tức, tốt nhất là xin phép nhà tuyển dụng "Anh/ chị có thể cho phép em suy nghĩ thêm một chút không ạ".
 
2.3. Trình bày thông tin đúng trọng tâm
 
Một lỗi phổ biến mà nhiều ứng viên chưa có kinh nghiệm hay phạm phải khi trả lời phỏng vấn, đó là vì cuống hoặc vì sợ thiếu nên cố nhồi nhét thông tin. Nhà tuyển dụng hỏi 1 câu thì trả lời tới 3 phút, 5 phút. Trả lời phỏng vấn lan man, không có ý chính, không trực tiếp giải đáp thắc mắc của nhà tuyển dụng thì nỗ lực chuẩn bị của bạn đều "công cốc".
 
2.4. Chia sẻ kinh nghiệm liên quan, nhấn mạnh vào hoạt động ngoại khóa
 
Tuyển ứng viên không yêu cầu kinh nghiệm, nhà tuyển dụng không yêu cầu bạn phải có kinh nghiệm làm thêm vô số công việc trong thời gian đi học. Thế nhưng, việc có kinh nghiệm liên quan tới công việc ứng tuyển - như xin việc giáo viên tiếng Anh ở trung tâm, đã có kinh nghiệm làm trợ giảng, thực tập giảng dạy, đi gia sư,... thì chắc chắn sẽ tốt hơn.
 
Để khéo léo chia sẻ các kinh nghiệm ít ỏi của mình, bạn cần:
 
- Chọn kinh nghiệm trực tiếp liên quan hoặc giúp bạn có kỹ năng chuyển đổi. Ví dụ, bạn xin việc nhân viên tuyển dụng và bạn từng đi thực tập hành chính nhân sự thì đều là kinh nghiệm có thể nói đến; hoặc bạn xin việc biên dịch, có kinh nghiệm làm CTV viết content tiếng Anh thì vẫn được tính là liên quan.
 
- Tiếp theo đó là biết cách đưa thông tin về hoạt động ngoại khóa vào trả lời phỏng vấn. Các kinh nghiệm làm ở ban tổ chức sự kiện của khoa, hoặc trong CLB, đi tình nguyện,... không chỉ thể hiện sự năng động, tích cực của bạn mà bạn còn cần phải chỉ ra rằng bạn đã nhận được những gì từ đó? Kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức, kỹ năng quản lý ngân sách, các mối quan hệ,... là kỹ năng chuyển đổi quan trọng, cần thiết cho hầu hết các vị trí việc làm.
 
2.5. Thể hiện năng lực chuyên môn, kỹ năng chuyên môn qua thành tích học tập
 
Khi bạn ứng tuyển các vị trí yêu cầu có trình độ chuyên môn như lập trình, biên phiên dịch, kỹ sư phần mềm,... thì rõ ràng thành tích học tập là rất quan trọng. Đối với các câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng, bạn nên đề cập đến rằng "Như Anh/ chị đã thấy trong thông tin CV, em tốt nghiệp chuyên ngành... với kết quả... và em tin rằng dù chưa có kinh nghiệm thì khả năng tiếp thu, học hỏi vẫn giúp ích cho em trong công việc".
 
Đương nhiên, nếu bạn tìm việc làm cho lao động phổ thông thì dù có kết quả học tập tốt cũng không nhất thiết phải nhắc đến trong các câu trả lời phỏng vấn. Với vị trí việc làm cần nhiều kỹ năng thực hành thì thay vì nói đến bằng cấp, bạn có thể đề cập rằng mình đã học tốt các môn thực hành như thế nào.
 
2.6. Nhấn mạnh tinh thần cầu tiến và sự sẵn sàng đối với công việc
 
Điều mà nhà tuyển dụng coi trọng và tìm kiếm ở một ứng viên chưa có kinh nghiệm đó là sự tự tin, mang một nguồn năng lượng tươi sáng và cầu tiến, nghe theo các sắp xếp công việc. Tưởng như đơn giản nhưng thực tế, không thiếu các bạn ứng viên mới ra trường là "ngựa non háu đá", quá tự tin đến nỗi tự kiêu, khẳng định chỉ muốn làm theo ý tưởng, quan điểm của cá nhân mình.
 
Bạn có thể giỏi trong học tập, cũng tự tin và yêu bản thân nhưng khi tham gia phỏng vấn, sự khiêm tốn và thái độ luôn sẵn sàng với các nhiệm vụ được giao sẽ được đánh giá cao. Lưu ý lời khuyên này của Cevn để trả lời phỏng vấn thật tốt dù mới "chân ướt chân ráo" tìm việc nhé!
 
2.7. Có kế hoạch, lộ trình sự nghiệp rõ ràng
 
Bạn có thể biện hộ rằng dù là những ứng viên có kinh nghiệm, những người đã đi làm nhiều năm chưa chắc đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình, đâu riêng mình các fresher. Dù vậy, trong phỏng vấn nhà tuyển dụng rất quan tâm tới mục tiêu, định hướng, kế hoạch sự nghiệp và cả kế hoạch về cuộc sống cá nhân.
 
Một đặc điểm, thậm chí là định kiến của nhiều nhà tuyển dụng với ứng viên mới ra trường là dễ nhảy việc, nhanh thấy nhàm chán. Đó cũng là nguy cơ cho doanh nghiệp khi tuyển và đào tạo bạn nhưng bạn có thể nghỉ bất cứ lúc nào vì "mục tiêu không phù hợp". Trả lời câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu hoặc về định hướng chuyên môn, bạn hãy rõ ràng rằng trong ngắn và trung hạn bạn muốn đạt được gì, bạn cũng sẽ cam kết làm việc được ít nhất trong thời gian bao lâu và đóng góp những gì cho công ty.
 
2.8. Đặt câu hỏi ngược phù hợp cho nhà tuyển dụng
 
Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn xin việc nào, nhà tuyển dụng đều để cho ứng viên có cơ hội đặt câu hỏi, và mỗi đối tượng ứng viên khác nhau nên có mối quan tâm khác nhau về công việc và đặt câu hỏi ngược phù hợp. Trường hợp ứng viên chưa có kinh nghiệm làm việc thì cách để đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng như sau:
 
- Hỏi về quy trình tuyển dụng: "Kết quả phỏng vấn sẽ có vào ngày nào ạ?", Nếu em không trúng tuyển thì công ty có thông báo không ạ?", "Không biết em có thể nhận được phản hồi, đánh giá để rút kinh nghiệm và cải thiện bản thân không ạ?",...
 
- Hỏi về các chương trình đào tạo (chuyên môn, tay nghề): Thể hiện bạn quan tâm tới cơ hội học hỏi và phát triển với các câu hỏi như "Công ty mình có chương trình đào tạo cho nhân viên mới không ạ?", "Liệu em cố gắng thì có thể được tham gia các lớp học nâng cao tay nghề không ạ?",...
 
Một chú ý quan trọng cho các ứng viên chưa có kinh nghiệm khi trả lời phỏng vấn là nên tránh hỏi về cơ hội thăng tiến hoặc tiền lương, phúc lợi ngay trong phỏng vấn (trừ khi nhà tuyển dụng chủ động đề cập đến).
 
4. Lưu ý về thái độ, cách chia sẻ thông tin với nhà tuyển dụng
 
Là một người mới tham gia thị trường lao động, bạn còn nhiều điều chưa biết, chưa trải nghiệm, sự tò mò hoặc có phần "ngây thơ" trong các câu trả lời phỏng vấn có thể được châm chước. Thế nhưng, có những giới hạn về thái độ, cách giao tiếp và truyền đạt thông tin mà bạn cần nắm được để nhà tuyển dụng đánh giá cao về cá nhân bạn, quyết định trao cơ hội việc làm và hợp tác với bạn hay không.
 
- Trung thực: Nói dối, bịa ra thông tin là điều tối kỵ với bất kỳ ứng viên nào, đặc biệt là với các bạn chưa có kinh nghiệm.
 
- Không nói quá nhiều về bản thân, kết nối thông tin của bạn với công việc: Tất cả nhà tuyển dụng đều dùng các tiêu chuẩn đánh giá để "đo lường" giá trị tiềm năng mà ứng viên có thể cung cấp. Việc bạn xuất sắc ra sao, bạn mong muốn điều gì từ công việc, công ty không quan trọng bằng lời khẳng định bạn có thể đóng góp những gì.
 
- Thái độ tự tin, có giao tiếp bằng mắt và kết hợp với ngôn ngữ cơ thể: Khiêm tốn không có nghĩa là bạn khúm núm, cầu xin nhà tuyển dụng. Tự tin, hoạt bát, nhanh nhẹn và chân thành khi trả lời phỏng vấn là "công thức" thành công cho các ứng viên chưa có kinh nghiệm làm việc.
 
Nhận được lời mời phỏng vấn cho cơ hội việc làm mơ ước, ứng viên nào cũng sẽ ít nhiều căng thẳng và muốn thể hiện tốt nhất, chứng minh được năng lực với nhà tuyển dụng. Mỗi ứng viên có điểm mạnh và hạn chế khác nhau, chỉ cần biết cách trả lời phỏng vấn với một chút khéo léo trong giao tiếp thì dù chưa có kinh nghiệm làm việc bạn vẫn có cơ hội trúng tuyển.
Số lượt đọc: 163 -