Quy trình xây dựng kế hoạch đào tạo chuẩn cho Chuyên viên đào tạo bán hàng
Ngày đăng tin: 27/12/2021 17:10
Muốn bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ bán hàng thì chuyên viên đào tạo bán hàng cần xây dựng một lộ trình đào tạo phù hợp. Để làm được điều này và có kết quả như mong muốn thì chuyên viên đào tạo sẽ phải thực hiện xây dựng kế hoạch theo nguyên tắc nhất định.
Nhu cầu và mong đợi ngày càng tăng của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ buộc các Chuyên viên đào tạo phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng đội ngũ bán hàng. Làm tốt việc này sẽ không chỉ mang lại doanh thu lớn cho công ty mà còn giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp nói chung.
Cách xây dựng kế hoạch đào tạo cho Chuyên viên đào tạo bán hàng chuẩn
I. Nguyên tắc xây dựng quy trình đào tạo bán hàng
1. Chú trọng tương tác trực tiếp
Thuyết trình trực tiếp là hình thức đào tạo phổ biến nhất vì những điểm mạnh như dễ làm, dễ chỉnh sửa, tiết kiệm thời gian, không cần luyện tập nhiều, v.v.
Nói cách khác, chương trình đào tạo của bạn nên tập trung vào hoạt động tương tác giữa các nhân viên bán hàng và người hướng dẫn. Cụ thể, những bài tập tình huống hoặc đóng vai sẽ thúc đẩy mọi người suy nghĩ và chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi, kết nối với nhau.
2. Thúc đẩy cộng tác giữa các bộ phận
Thành công chung của công ty không chỉ dựa vào bộ phận bán hàng mà còn là nỗ lực rất lớn đến từ đội ngũ marketing và sản xuất. Do đó, thúc đẩy sự liên kết giữa ba bộ phận này trong lộ trình đào tạo không chỉ cải thiện kỹ năng làm việc nhóm mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, bạn có thể mời nhóm marketing chia sẻ ý tưởng và nội dung tiếp thị mới, đồng thời yêu cầu đội sản xuất cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, rút ra được những tính năng đột phá có thể đánh trúng vào tâm lý của khách hàng.
3. Yêu cầu feedback từ khách hàng
Người hiểu rõ nhất trải nghiệm về sản phẩm, dịch vụ không ai khác chính là khách hàng. Do đó, mời họ tham gia vào các buổi đào tạo và xin ý kiến feedback trực tiếp là ý tưởng cực kỳ tuyệt vời. Cụ thể, hãy nhờ họ chia sẻ điểm yêu thích cũng như chưa hài lòng một cách khách quan. Bạn và toàn bộ đội ngũ bán hàng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn để đưa ra những quyết định chính xác, góp phần cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình.
II. 5 bước xây dựng kế hoạch đào tạo cho chuyên viên đào tạo bán hàng
1. Xác định mục tiêu và thiết lập KPI phù hợp
Một kế hoạch đào tạo hiệu quả nên tập trung vào các mục tiêu bán hàng cụ thể, chẳng hạn như thúc đẩy hạn ngạch, rút gọn chu kỳ bán hàng hoặc thu về nhiều lợi nhuận hơn. Bằng cách xác định rõ các mục tiêu quan trọng và xây dựng tài liệu phù hợp, chất lượng đội ngũ bán hàng chắc chắn sẽ được cải thiện trông thấy.
Hơn nữa, sử dụng KPI và các thước đo hiệu suất khác làm kim chỉ nam trong suốt quá trình đào tạo sẽ giúp bạn đánh giá chính xác sự tiến bộ của từng thành viên trong nhóm.
2. Xác định những điểm hạn chế trong hiệu suất làm việc
Thường xuyên đánh giá và xác định các lỗ hổng trong hiệu suất làm việc ở từng cá nhân cũng như toàn bộ nhóm. Việc này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin quan trọng về những phần cần tập trung đào tạo thêm.
Cụ thể, nếu cảm thấy cả nhóm đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng hoặc một vài cá nhân liên tục rơi vào tình trạng thiếu chỉ tiêu đặt ra, hãy xây dựng bộ tài liệu trọng tâm để thu hẹp khoảng cách đó.
3. Xây dựng tài liệu đào tạo nội bộ
Đừng quên rằng đào tạo là một phần liên tục trong quá trình làm việc của bất kỳ nhân viên bán hàng nào. Hoạt động này cần được duy trì và cải tiến không ngừng chứ không chỉ diễn ra khi công ty muốn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới. Do đó, xây dựng tài liệu đào tạo nội bộ là cách tốt nhất để bảo đảm cho vấn đề trên. Tài liệu này phải dễ dàng truy cập và được cập nhật thường xuyên.
Ngoài ra, sử dụng các phần mềm hỗ trợ bán hàng phổ biến cũng là một ý hay để có lộ trình đào tạo khoa học hơn.
Các bước xây dựng kế hoạch đào tạo cho Chuyên viên bán hàng chuyên nghiệp
4. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên
Không ai muốn mình đầu tư thời gian và công sức vào hoạt động đào tạo nhưng sau đó, nhân viên lại quên sạch những gì mà bạn đã hướng dẫn cho họ. Để ngăn chuyện này xảy ra, hãy liên tục kiểm tra, đánh giá khả năng ghi nhớ của họ ngay từ trong quá trình đào tạo. Cụ thể:
- Thường xuyên cập nhật và chia sẻ tài liệu với nhân viên bán hàng.
- Yêu cầu quản lý nhóm gặp gỡ và đánh giá trực tiếp kiến thức cũng như kỹ năng thực tế của từng cá nhân.
- Kết hợp các tình huống bán hàng giả định với kiến thức được hướng dẫn để cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, v.v.
5. Yêu cầu feedback
Với tư cách là Chuyên viên đào tạo bán hàng, bạn cần biết liệu chương trình đào tạo của mình có thực sự hiệu quả hay không, cần tinh chỉnh ở những điểm nào. Cách tốt nhất cho việc này là yêu cầu feedback từ nhân viên và quản lý nhóm bán hàng. Bạn có thể tự do lựa chọn hình thức khảo sát ẩn danh hoặc trao đổi trực tiếp. Những thông tin giá báu rút ra từ hoạt động này sẽ là nền tảng để bạn điều chỉnh và cải thiện kế hoạch đào tạo của mình.
Tóm lại, Chuyên viên đào tạo bán hàng đóng vai trò không thể thay thế trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ bán hàng cho công ty, từ đó tạo ra nguồn lợi khổng lồ cũng như củng cố hình ảnh doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Vì vậy, xây dựng một lộ trình đào tạo bài bản với 5 bước mà Cevn đã đề cập phía trên nhất định sẽ mang đến sự tiến bộ rõ rệt nhất.