Nhân viên phiên dịch cần gì để thành công với nghề?
Ngày đăng tin: 24/12/2021 09:55
Thành thạo ngoại ngữ là nền tảng, yếu tố quan trọng hàng đầu với một phiên dịch viên mà nói. Tuy nhiên để có thể theo đuổi nghề cũng như để có thể phát triển sự nghiệp thành công, trở thành một phiên dịch viên giỏi, yếu tố ngoại ngữ thôi là chưa đủ.
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng phiên dịch viên ngày càng cao trên thị trường việc làm, dự kiến sẽ tăng trưởng lên đến 19% vào năm 2028. Nói như vậy không có nghĩa là quá trình tuyển dụng phiên dịch "dễ thở" hơn các ngành nghề, lĩnh vực khác. Thực tế cho thấy tuyển dụng phiên dịch ngày càng khắt khe hơn. Chưa nói đến việc tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp, để đảm nhận tốt vai trò công việc của mình đòi hỏi một nhân viên phiên dịch cần phải trau dồi cho mình nhiều kỹ năng nghề nghiệp khác bên cạnh ngoại ngữ.
Bí quyết thành công, thăng tiến cho nhân viên phiên dịch
Nhân viên phiên dịch cần gì để thành công với nghề?
Ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào thì cũng sẽ có sự phân cấp về năng lực. Ranh giới giữa một phiên dịch viên và một phiên dịch viên xuất sắc không hẳn chỉ có nền tảng ngoại ngữ, mà còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều kỹ năng với nhau.
1. Kỹ năng ngoại ngữ
Thành thạo ngoại ngữ là yếu tố "hiển nhiên" với một nhân viên phiên dịch. Tuy nhiên bên cạnh đó người làm trong lĩnh vực này cũng cần phải đầu tư thời gian để trau dồi vốn từ vựng của mình. Lý do là bởi vì khi tác nghiệp, họ sẽ không có thời giờ để tra cứu từ điển. Vậy nên một vốn từ vựng phong phú và khả năng giao tiếp bằng văn bản hoặc lời nói chính là yếu tố tiên quyết trong nghề.
Bên cạnh đó một nhân viên phiên dịch cũng phải có khả năng nói tốt, thậm chí là tốt hơn người bản ngữ, cộng thêm vốn kiến thức ngữ pháp và khả năng truyền tải nội dung của các thành ngữ, sức thái, ẩn dụ là chìa khóa để hoàn thành tốt công việc.
2. Kiến thức chuyên ngành
Thông thường một phiên dịch viên sẽ đảm nhận vai trò làm "cầu nối" trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, chẳng hạn như pháp lý, tài chính, ... . Điều này đồng nghĩa với việc họ cần có sự hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực đang làm mới có thể thành công khi tác nghiệp. Thực tế cũng có những người giỏi nhiều thứ tiếng nhưng không tiến xa được trong nghề do thiếu kiến thức chuyên ngành.
3. Chứng chỉ liên quan
Việc được một tổ chức phiên dịch uy tín cấp chứng chỉ đào tạo thể hiện rằng phiên dịch viên đó đã hoàn thành các yêu cầu cần thiết và có đủ tư cách hành nghề. Những phiên dịch được đào tạo bài bản sẽ có khả năng nắm bắt yêu cầu về ngôn ngữ và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp tốt hơn.
Ngoài ra, những người này sẽ ít khả năng mắc các sai lầm trong công việc hơn. Điều này rất quan trọng vì một sai sót nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả nhân viên phiên dịch và cơ sở mà họ tác nghiệp.
4. Kỹ năng mềm
Một nhân viên phiên dịch chuyên nghiệp không chỉ là một nhà ngôn ngữ mà còn là người biết lắng nghe. Các tình huống yêu cầu phiên dịch có thể gây phiền toái cho những người không phải là người bản ngữ. Khi đó nhiệm vụ của phiên dịch viên là tạo ra trải nghiệm tốt nhất có thể cho họ. Để tác nghiệp thành công thì ngoài khả năng ngoại ngữ nổi trội, yếu tố quan trọng thứ 2 chính là khả năng kết nối, đặt mình vào vị trí của người nghe.
Ngoài kỹ năng ngoại ngữ, phiên dịch giỏi còn cần nhiều yếu tố khác
5. Hiểu biết về văn hóa
Ngoài việc sử dụng thành thạo cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, phiên dịch viên cũng cần hiểu về bản sắc văn hóa của các nhóm người hoặc vùng miền nhất định. Từ đó có thể dịch chính xác ý nghĩa của các tín hiệu hoặc cử chỉ phi ngôn ngữ và truyền tải thông điệp một cách tốt nhất.
Dù chuyên về lĩnh vực nào đi nữa thì một nhân viên phiên dịch cũng nên trang bị cho mình các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp khác nhau. Cả kinh nghiệm và nền tảng ngoại ngữ lẫn kỹ năng lắng nghe đều là yếu tố quan trọng tạo nên nền móng vững chắc cho phiên dịch viên phát triển nghề nghiệp của mình.