Nên làm gì khi cảm thấy bản thân bị “chững lại” trong công việc?
Ngày đăng tin: 28/08/2024 15:21
Có phải điều đầu tiên bạn làm khi cảm thấy bản thân bị “chững lại” trong công việc thường là nhảy việc không? Tuy nhiên, đôi khi phải giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” từ chính mình thì bạn mới không lặp lại tình trạng tương tự ở công ty mới. Vậy nên làm gì khi rơi vào hoàn cảnh này? Cùng Cevn tìm hướng đi đúng đắn giúp bạn thoát khỏi sự “chững lại” đó để đột phá trong sự nghiệp nhé!
Nguyên nhân “gốc rễ” thường nằm ở chính bản thân bạn
Nhiều người khi bị “chững lại” trong công việc thường đổ lỗi do môi trường làm việc chưa phù hợp, hoặc công ty chưa tạo điều kiện và cơ hội thúc đẩy họ phát triển… Từ đó, họ cho rằng chỉ cần nhảy việc sang môi trường mới thì sẽ được phát huy năng lực và đột phá sự nghiệp hơn. Nhưng thực tế cho thấy, không ít người dù đã nhảy việc nhiều nơi vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng “chững lại” này.
Lúc này, nguyên nhân “gốc rễ” lại nằm ở chính bản thân mỗi người. Có thể vì bạn chưa nhận thức được năng lực của bản thân, chưa thiết lập được mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng cũng như chưa lên được kế hoạch thực thi hiệu quả nhất… Muốn thoát khỏi tình trạng “chững lại” để đột phá trong sự nghiệp, điều bạn cần làm là nên áp dụng mô hình Lộ trình phát triển sự nghiệp của Law và Watts.
Mô hình lộ trình phát triển sự nghiệp
Mô hình Lộ trình phát triển sự nghiệp là vòng tròn gồm 4 bước chính như sau:
Bước 1: Self-awareness (Tự nhận thức bản thân)
Tự nhận thức bản thân hiểu đơn giản là khám phá được năng lực của chính mình. Cụ thể là khám phá được trình độ, khả năng, sở trường, năng khiếu, kỹ năng, phẩm chất và cả thể lực sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, bạn còn phải thấu hiểu nhu cầu, sở thích, nguyện vọng, lý tưởng… của cuộc đời mình để tạo được động lực phát triển mạnh mẽ.
Chẳng hạn bạn đang làm
nhân viên kinh doanh. Kết quả tự nhận thức bản thân cho thấy bạn giỏi giao tiếp, có khả năng thuyết phục và mong muốn mãnh liệt trở thành Trưởng phòng kinh doanh với thu nhập hấp dẫn… Trong trường hợp này, đừng vì chút “chững lại” mà vội nhảy việc bạn nhé!
Hiện nay, có 2 phương pháp đơn giản giúp bạn tự nhận thức bản thân chính xác và hiệu quả gồm:
– Phương pháp Mindfulness: Mindfulness là thiền tập trung vào hiện tại giúp nâng cao khả năng quan sát và nhận biết suy nghĩ, cảm xúc, trạng thái tâm trí trong từng khoảnh khắc. Nhờ đó giúp bạn làm chủ được cảm xúc lẫn tâm trí để khám phá bản thân một cách sâu sắc hơn, đồng thời hứng khởi làm việc và bớt căng thẳng hơn.
– Phương pháp SWOT: SWOT là viết tắt của Strengths (Điểm mạnh) – Weaknesses (Điểm yếu) – Opportunities (Cơ hội) – Threats (Thách thức). Theo đó, bạn sẽ nắm được điểm mạnh lẫn điểm yếu của bản thân để đưa ra kế hoạch phát triển sự nghiệp phù hợp và hiệu quả nhất với năng lực của mình.
Bước 2: Opportunities (Nhận thức những cơ hội xảy đến)
Sau khi đã nhận thức được bản thân thì bạn tiếp tục nhận thức đến những cơ hội sẽ xảy đến. Hãy tìm hiểu về thực trạng ngành trong bối cảnh thị trường hiện tại, không ngừng cập nhật xu hướng toàn cầu cũng như mọi cơ hội trong ngành của bạn…
Chẳng hạn bạn là nhân viên content chuyên viết bài truyền thông. Theo xu hướng hiện nay, mọi người thường bị thu hút và xem các video ngắn nhiều hơn các bài viết dài. Do đó, bên cạnh những bài viết dài thì bạn nên tập viết thêm dạng kịch bản video ngắn hấp dẫn để thu hút lượt xem. Nếu không bắt kịp xu hướng của thời đại thì bạn rất dễ bị thụt lùi lại phía sau đấy!
Theo phương pháp SWOT kể trên, Opportunities là Cơ hội và Threats là Thách thức. Áp dụng phương pháp này giúp bạn có thể nhận ra cơ hội lẫn thách thức trên hành trình phát triển sự nghiệp. Nhờ đó có thể nắm bắt cơ hội và đề phòng thách thức một cách nhạy bén nhất.
Bước 3: Decision making and planning (Ra quyết định, lập kế hoạch thực thi)
Cụ thể thì ở bước này, bạn cần ra quyết định, đặt mục tiêu rồi tiến hành lập kế hoạch nâng cao năng lực và phát triển bản thân… Bạn có thể áp dụng mô hình SMARTER để thiết lập mục tiêu rõ ràng và lên kế hoạch thực thi hiệu quả. Theo đó:
– S là Specific (Cụ thể): Xác định mục tiêu cụ thể, tránh chung chung. Chẳng hạn bạn muốn được thăng chức thì thăng chức lên vị trí cụ thể nào?
– M là Measurable (Đo lường): Đặt ra khung kế hoạch gắn liền mốc thời gian. Ví dụ bạn cần bao lâu để được thăng chức, 1 năm hay 2 năm?
– A là Achievable (Khả thi): Tính khả thi của mục tiêu thế nào? Nếu bạn có năng lực kém và thường xuyên bị sai sót trong công việc thì thăng chức là điều khó khả thi.
– R là Relevant (Liên quan): Mục tiêu cần có sự liên quan và phù hợp với những điều bạn mong muốn.
– T là Timely (Đúng lúc): Đặt ra mốc thời gian cụ thể, tránh chung chung. Chẳng hạn bạn muốn được thăng chức vào tháng 3 năm sau, chứ không phải mốc chung chung chỉ là năm sau.
– E là Evaluate (Đánh giá): Liên tục đánh giá suốt quá trình thực hiện mục tiêu của bản thân. Ví dụ, mỗi cuối tuần bạn review lại những việc mình đã làm trong tuần cũng như kết quả đạt được.
– R là Re-Adjust (Điều chỉnh lại): Cuối cùng, bạn có thể loại bỏ hoặc thay đổi các yếu tố không còn phù hợp, đồng thời giữ lại các yếu tố vẫn còn thích hợp với tình hình mới.
Bước 4: Implementing plans (Thực thi kế hoạch)
Đây là bước quan trọng nhất trong mô hình Lộ trình phát triển sự nghiệp. Sau khi đã lập kế hoạch với lộ trình phát triển rõ ràng, đã đến lúc bạn biến kế hoạch thành hành động! Muốn thực thi kế hoạch thành công thì quan trọng nhất bạn phải nỗ lực nâng cao năng lực và phát triển bản thân toàn diện.
– Không ngừng trau dồi kiến thức, đăng ký khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ, đọc nhiều sách chuyên ngành…
– Rèn luyện kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…
– Xây dựng mạng lưới quan hệ networking chất lượng ở các câu lạc bộ, hội nhóm mạng xã hội, sự kiện nghề nghiệp…
– Chăm sóc sức khỏe vì chỉ khi có sức khỏe bạn mới đủ sức làm việc và phấn đấu trên hành trình sự nghiệp.
…
Hy vọng qua bài viết trên, những ai đang cảm thấy bản thân bị “chững lại” trong công việc biết mình nên làm gì để thoát khỏi tình trạng này. Chúc các bạn sớm có bước đột phá trong sự nghiệp nhé!