Làm sao để nhanh chóng có việc mới sau khi bị sa thải?
Ngày đăng tin: 05/08/2018 20:46
Bị sa thải là chuyện chẳng ai mong muốn trên con đường phát triển sự nghiệp nhưng nếu không may gặp phải thì bạn cũng đừng tuyệt vọng, đó không phải là dấu hiệu chấm hết. Mất công việc này bạn vẫn có thể tìm được công việc khác, thậm chí công việc sau còn được offer mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến hơn công việc trước.Chỉ cần bạn đủ bản lĩnh để vượt qua chướng ngại tâm lý và áp dụng 5 lời khuyên dưới đây, bạn sẽ sớm trở lại đầy tự tin và gặt hái những thành công mới.
1. Tìm hiểu lý do
Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ né tránh nguyên nhân thực sự khiến họ sa thải bạn và nhiệm vụ của bạn là phải làm sáng tỏ điều đó. Lý do khiến công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là gì, có phải do bạn mắc sai lầm hay khả năng chuyên môn của bạn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của họ? Câu trả lời thật sự rất cần thiết đối với việc phát triển sự nghiệp của bạn trong tương lai.
Dù có đồng tình với lý do bị sa thải hay không thì bạn cũng nên chuẩn bị một tâm thế vững vàng và tuyệt đối bình tĩnh khi đối diện với cấp trên. Sau khi đón nhận tất cả những nhận xét và đóng góp, đừng quên nói lời cảm ơn họ. Hãy cho họ thấy thái độ lạc quan rằng bạn đã chấp nhận ra đi và mong chờ cơ hội hợp tác trong tương lai, hành động này sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt đẹp và biết đâu may mắn sẽ mỉm cười với bạn, một trong những người cấp trên đó sẽ giới thiệu cho bạn cơ hội việc làm mới.
2. Phát triển những kỹ năng mới
Bạn cần có thời gian để cân bằng lại tinh thần nhưng đừng để khoảng thời gian trống đó khiến cho CV xin việc của bạn bị trừ điểm, hãy đăng kí một khóa học ngắn hạn hoặc tự học thêm một kỹ năng mới. Không ít người nhanh chóng tìm được việc làm nhờ vào sự giúp đỡ của những người trực tiếp giảng dạy cho họ hoặc do bạn bè trong khóa học giới thiệu. Không chỉ phát triển được các kỹ năng và kiến thức cho bản thân, bạn còn có thêm những mối quan hệ mới và quan trọng hơn hết là trong mắt nhà tuyển dụng, bạn là ứng viên có tinh thần cầu tiến và sẵn sàng thay đổi để hoàn thiện.
3. Mở rộng mối quan hệ
Đừng vội vứt bỏ các mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp ở công ty cũ, lúc này không phải lúc để bạn tự cô lập chính mình, hãy cố gắng mở rộng mạng lưới xã hội. Với nhiều mối quan hệ, bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên có giá trị, lời giới thiệu việc làm hiệu quả, từ đó nhanh chóng nhận việc ở công ty mới.
4. Tự đánh giá bản thân
Đừng quá trông chờ vào người khác, hãy luôn nhớ rằng thành hay bại hoàn toàn toàn nằm trong tay bạn. Bạn có thể lãng phí thời gian để cà phê than thở với bạn bè, để nghĩ hoài về nỗi buồn mất việc đã cũ kỹ nhưng bạn có bao giờ bớt chút thời gian của mình để ngồi nhìn nhận và đánh giá lại bản thân? Nếu chưa nghĩ đến chuyện đó thì hãy bắt tay thực hiện chúng ngay đi thôi.
Hãy nghĩ về những mục tiêu sắp tới, những điều bạn có thể làm cho công ty mới mà bạn dự định ứng tuyển và đừng quên tìm lại nguồn năng lượng bạn bỏ quên bấy lâu nay. Sốc lại tinh thần và chuẩn bị chinh chiến thôi nào, công việc trong mơ đang chờ đợi bạn ở ngay phía trước.
5. Cẩn trọng khi phỏng vấn công việc mới
Tất nhiên bạn không thể tránh khỏi những câu hỏi về lý do nghỉ công việc cũ, nếu đã không thể trốn tránh thì hãy tự tin đối diện. Đừng đổ lỗi cho công ty cũ, nói xấu sếp cũ hay đồng nghiệp cũ về lý do đã đẩy bạn ra đi, mà hãy thừa nhận lỗi sai về mình. Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng không thể biết được sự thật chỉ vì bạn lấp liếm hay nói dối, hãy thành thật trong buổi phỏng vấn.
Một người trải qua thất bại sẽ nhận ra được bài học quý giá từ thất bại để đi đến thành công vì “không ai tắm 2 lần trên một dòng sông”, không ai dại khờ để phạm cùng một lỗi sai thêm lần nào nữa. Bị sa thải chỉ là kinh nghiệm kém may mắn mà bạn gặp phải trong đời, giúp bạn nhận ra đâu mới là hướng đi đúng đắn. Thái độ chân thành và những chia sẻ về cách bạn vượt qua sai lầm mới là yếu tố tiên quyết thúc đẩy nhà tuyển dụng đi đến quyết định sau cùng: tuyển dụng hay không tuyển dụng.