Tiết lộ 6 lí do khiến nhà tuyển dụng Nhật Bản đánh rớt bạn ngay trong vòng phỏng vấn
Ngày đăng tin: 02/08/2018 20:51
Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng về thái độ thận trọng và kỹ lưỡng trong công việc nên cũng không quá khó hiểu khi ở các cuộc phỏng vấn, họ cũng là những bài toán khó đối với ứng viên. Bắt mạch cảm xúc của nhà tuyển dụng Nhật và khẳng định thương hiệu cá nhân, bỏ xa những đối thủ còn lại là cả một thử thách đối với ứng viên nhưng chỉ cần một thái độ không đúng đắn, bộ trang phục không phù hợp hoặc một câu trả lời không cân nhắc, bạn hoàn toàn có thể tự tay đóng sầm cánh cửa sự nghiệp ngay trước mắt và nếm trải mùi vị tiếc nuối vì lỡ để vụt tay cơ hội.
Theo như ý kiến của nhiều chuyên gia tuyển dụng thì câu hỏi dễ khiến ứng viên rơi vào bẫy và bị đánh rớt trong các buổi phỏng vấn tại các công ty Nhật Bản chính là “Lý do xin việc”. Bạn có bao giờ nhận được email từ chối vì chính câu trả lời mà bạn cho là hoàn hảo? Nếu bạn vẫn còn đang mơ hồ tìm cho mình một chiến thuật đối phó với câu hỏi tưởng như “dễ nhằn” kia thì cũng nhất thiết không được quên gạch tên 6 lí do ứng tuyển dưới đây đâu nhé, chúng chỉ nhanh chóng khiến bạn bị đá văng khỏi danh sách ứng cử viên tiềm năng mà thôi.
1. Lương cao, chế độ đãi ngộ tốt
So với mặt bằng chung của thị trường nhân sự trong nước thì các công ty Nhật Bản trả lương khá cao và có nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn dành cho nhân viên. Nếu như tiền bạc là yếu tố tiên quyết khiến bạn ứng tuyển thì bạn cũng không nên thể hiện điều đó rõ ràng khi đối mặt với nhà tuyển dụng. Đừng bao giờ dại dột trả lời rằng bạn ứng tuyển vào công ty chỉ vì thấy một mức lương hấp dẫn mà không phải xuất phát từ niềm đam mê thực sự. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ xao nhãng công việc khi lợi ích không được như mong muốn và bạn có thể ra đi bất cứ lúc nào khi tìm được một công việc mới tốt hơn.
2. Vì không phải làm thêm ngoài giờ
Hầu như không có bất kì một công ty Nhật Bản nào bắt nhân viên phải làm thêm giờ nhưng ở lại sau giờ làm việc để hoàn thành cho xong công việc đã trở thành một nét văn hóa trong phong cách làm việc của người Nhật Bản. Sếp Nhật đánh giá rất cao tinh thần cống hiến và tính trách nhiệm cho công việc nên hãy thật khôn khéo khi đối mặt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Dù cho bạn có là nhân viên đánh giá cao tính hiệu quả trong công việc, bạn có một kế hoạch rõ ràng để đạt mục tiêu công việc trong vòng 8 tiếng ở công sở và không bao giờ sẵn lòng ở lại làm thêm giờ thì bạn cũng đừng nên lấy đó làm lí do chính cho việc ứng tuyển. Hãy khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy sự nhiệt huyết của bạn và luôn thể hiện thái độ sẵn sàng cống hiến vì công việc.
3. Muốn học hỏi kinh nghiệm
Có lẽ đây là một trong những câu trả lời an toàn thường được đưa ra làm lí do mỗi khi ứng viên được hỏi “Vì sao bạn ứng tuyển vào công ty chúng tôi?”. Đừng nghĩ thể hiện tinh thần ham học hỏi ngay lúc này là một hành động thông minh, nhà tuyển dụng Nhật Bản có những quan điểm đánh giá khác biệt mà nếu không tìm hiểu trước, bạn sẽ dễ dàng để vụt mất cơ hội vào tay ứng viên khác.
Khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ xem xét sự hứng thú bạn dành cho công việc, những cống hiến mà bạn có thể đóng góp cho công ty. Nếu như chỉ đến với khao khát được học hỏi và phát triển bản thân, bạn dễ bị liệt vào danh sách ứng viên thụ động, không có tài năng, chỉ muốn đạt được lợi ích cho bản thân mà không hề có ý định dốc sức vì tổ chức. Bạn nên nhớ một điều, công ty không phải là trường học, bạn không được trả lương chỉ để dành thời gian cho việc trau dồi kiến thức.
Cũng phải nói thêm, nếu như không muốn bị loại thẳng thừng thì đừng bao giờ chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng bạn có ý định mở doanh nghiệp trong tương lai, sau khi đã có đủ kinh nghiệm. Không một ai tỉnh táo lại chấp nhận tuyển dụng một người không hề muốn kết nối lâu dài với công ty.
4. Muốn phát triển công ty
Một trong những sai lầm của ứng viên là thường đề cao bản thân quá mức, đây là điều vô cùng tối kỵ và không giúp ích gì trong việc chinh phục nhà tuyển dụng. Thay vì dõng dạc tuyên bố rằng “Tôi đến để đưa công ty này phát triển lên một tầm cao mới” hay “Chỉ có tôi mới có khả năng đưa công ty lên vị trí số một”… bạn chỉ cần thay đổi cách diễn đạt đôi chút, trả lời tự tin nhưng vẫn không kém phần khiêm tốn như “Tôi muốn dùng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi có được trong thời gian qua nhằm góp phần nhỏ vào sự thành công của công ty” là đã có thể chiếm được thiện cảm của người đối diện. Không giống như phương Tây, khuyến khích tinh thần làm việc độc lập, người Nhật thường đánh giá cao tinh thần làm việc theo nhóm. Họ không cần một cá nhân xuất sắc, coi thường nỗ lực của những người xung quanh mà họ sẵn sàng chấp nhận một nhân viên không hoàn hảo nhưng biết cách phối hợp với những người còn lại để tạo ra những thành quả đáng kể, góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài của công ty.
5. Kể lể thành tích
Đưa những thành tựu đạt được trong quá khứ vào hồ sơ tìm việc làm có thể giúp nhà tuyển dụng bước đầu nhìn nhận được khả năng và xếp loại bạn vào những ứng viên tiềm năng, nhưng như vậy là đã đủ cho công cuộc gây ấn tượng và tạo dấu ấn cá nhân trên con đường vượt “vũ môn quan”. Đối mặt với người phỏng vấn, việc PR bản thân là một chuyện hết sức hiển nhiên nhưng nếu như biến năng lực của bản thân thành một bài diễn văn, PR quá đà hoặc thậm chí phóng đại, bịa ra hàng loạt những kỹ năng để phù hợp với vị trí ứng tuyển thì đấy lại là một phạm trù khác, khó có thể chấp nhận được. Sự khiêm tốn và trung thực mới là những phẩm chất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên.
Tóm tắt ngắn gọn, chính xác về thành tích của bản thân hoặc nêu ra kế hoạch cụ thể về việc bạn sẽ áp dụng những khả năng mình có vào công việc như thế nào là điều bạn cần làm thay vì tốn thời gian “độc tấu” dài dòng mà kết quả chẳng đi về đâu.